Có áp lực về cán bộ dôi dư khi sắp xếp lại cấp huyện, xã
Sẽ sắp xếp 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Chiều 30-5, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã giải trình trước Quốc hội về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng như việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, đã có bốn nghị quyết Trung ương và hướng dẫn của Bộ Nội vụ về vấn đề này và cơ bản các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện đã đầy đủ.
Số lượng cán bộ lãnh đạo dôi dư lớn
Bộ trưởng Nội vụ cho biết lộ trình sắp xếp huyện, xã thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2020. Tuy nhiên, để sớm ổn định cho các đơn vị cấp huyện, cấp xã tổ chức Đại hội Đảng các cấp vào năm 2020 (nhiệm kỳ 2020 – 2025), Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ và các bộ, ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch để sắp xếp cơ bản hoàn thành trong năm 2019.
“Qua rà soát, đợt này chúng ta chỉ sắp xếp 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số”- ông Tân nói và cho biết qua xem xét phương án tổng thể chung của các địa phương gửi về Bộ Nội vụ thì thấy các tỉnh đã ráo riết chỉ đạo khẩn trương để lập các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đáng chú ý, nhiều tỉnh khuyến khích việc sắp xếp thêm các đơn vị ngoài quy định.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng thông tin rằng theo phản ánh của các địa phương, vấn đề khó khăn, vướng mắc nhất trong việc sắp xếp và tổ chức các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là số lượng lớn cán bộ, công chức dôi dư, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
“Dù nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã đề ra một số các giải pháp để giải quyết việc cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi sắp xếp, tuy nhiên, các giải pháp này cũng chưa thật sự hấp dẫn để giải quyết chế độ”.
Ông Tân cho hay thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ tham mưu, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để ban hành một số chính sách giải quyết theo nhu cầu thực tiễn của địa phương đã được sắp xếp.
Mặt khác, để đảm bảo cho việc sắp xếp đồng bộ các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sắp tới, Bộ Nội vụ đề nghị Ban Tổ chức Trung ương và các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, MTTQ cần có hướng dẫn trong việc tổ chức sắp xếp các đơn vị tương ứng cho phù hợp với đề án sắp xếp chung cấp huyện và cấp xã.
Ngày mai, Chính phủ cho ý kiến việc sắp xếp các sở…
Liên quan đến việc sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành hai nghị định mới thay thế Nghị định 24 và 37.
Theo nguyên tắc thì Chính phủ chỉ quy định khung cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó số lượng cơ quan chuyên môn sau khi sắp xếp không được nhiều hơn số lượng hiện có.
Video đang HOT
Lần sắp xếp này chia theo bốn nhóm. Nhóm một là cơ quan thống nhất quản lý chung trong cả nước. Nhóm hai gồm nhóm tổ chức, sắp xếp lại cho phù hợp. Nhóm ba là nhóm thực hiện thí điểm theo tinh thần NQ 158 của QH và Kết luận 34 của Bộ Chính trị. Nhóm thứ tư là nhóm đặc thù
Về quy định khung biên chế tối thiếu và số lượng cấp phó tối đa để thành lập các tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện thì giao cho HĐND tỉnh quyết định. Lần này cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương theo NQ18 và Kết luận 34. Theo ông Tân, đây là vấn đề mới, phức tạp. Việc tổ chức lại cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện thời gian tới được xã hội rất quan tâm, do đó, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan Trung ương và địa phương.
Ông Tân cũng cho biết Chính phủ sẽ thảo luận, cho ý kiến về việc sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, diễn ra vào ngày mai. Đến nay, đã có bốn tỉnh thí điểm sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh gồm Bạc Liêu, Bắc Ninh, Hà Giang, Lào Cai, giảm được năm cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Đối với cấp huyện, đã có 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thí điểm sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp huyện, đã giảm được 185 phòng chuyên môn.
Lo vì sắp xếp huyện, xã ngay trước thềm Đại hội Đảng
Trước đó, phát biểu tại hội trường sáng nay, ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là đúng, hợp lý và cần thiết nhằm giảm đầu mối, tinh giản biên chế kể cả chuyên trách và không chuyên trách.
ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ).
Tuy nhiên, ông cho rằng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Chính phủ trong khi còn nhiều vấn đề nảy sinh như việc kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là vấn đề sắp xếp lại cán bộ trong đội ngũ công chức và cán bộ không chuyên trách của tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các hội đoàn thể; việc xử lý cán bộ dôi dư và chế độ chính sách đối với họ.
Ngoài ra, theo ĐB Thưởng, việc này còn liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, giấy tờ công dân và các nguồn lực khác để giải quyết các vấn đề phát sinh khi sáp nhập, nhất là nguồn lực tài chính và giải quyết chính sách đối với cán bộ.
Đặc biệt, cần có giải pháp cụ thể để xử lý mối quan hệ sau sáp nhập khi các đơn vị được sáp nhập có những điều khác biệt.
ĐB Phú Thọ đặt vấn đề ba xã sáp nhập có một xã nông thôn mới, một xã trung bình, một xã đang hưởng chính sách 135 thì thực hiện chế độ chính sách thế nào đối với đội ngũ cán bộ và người dân nơi đây?
“Điều này đang rất cần phải có văn bản hướng dẫn và quy định thống nhất cho các địa phương trong cả nước. Nếu không giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, dễ tạo bức xúc, thậm chí thành điểm nóng”- ĐB Thưởng cảnh báo và đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể giải quyết những vướng mắc này.
Mặt khác, cần có văn bản hướng dẫn việc sắp xếp các sở, ngành, phòng, ban ở cấp tỉnh, cấp huyện để các địa phương sớm thực hiện. “Trước mắt, đảm bảo nhân sự cho Đại hội Đảng và bầu đại biểu HĐND các cấp sắp diễn ra trong năm 2020 – 2021″, ông Thưởng nói.
Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn cũng lo lắng về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã triển khai đúng trước thềm đại hội Đảng và bầu cử QH và HĐND các cấp. Theo ông, công việc này thực sự cần có quyết tâm chính trị cao và tạo sự đồng thuận thống nhất trong hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân.
Ông đề nghị Chính phủ, QH, Bộ Nội vụ và các cơ quan cần kịp thời ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể để tạo hành lang pháp lý và cơ chế để các địa phương thuận lợi cho việc triển khai thực hiện sao cho việc sắp xếp lại phải căn bản, cách làm phù hợp.
Ông cũng thông tin thêm, Hà Tĩnh đã sáp nhập hàng nghìn thôn, xóm và giảm được hàng nghìn cán bộ, tiết kiệm cho ngân sách một năm trên 40 tỉ đồng. Về việc thực hiện sáp nhập huyện, xã, ông thừa nhận “thực sự trong giai đoạn này cũng có áp lực”.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, mục tiêu của sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là nhằm tổ chức hợp lý lại các đơn vị cho phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước. Việc sắp xếp đơn vị hành chính và bộ máy của hệ thống chính trị là tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân, tinh giản biên chế và thực hiện chính sách tiền lương mới vào năm 2021.
Quan điểm của việc sắp xếp là phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ và thực hiện từng giai đoạn, mỗi giai đoạn cần có trọng tâm, trọng điểm, cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả. Những nơi đã rõ làm trước, những nơi thuận lợi làm trước và không phải sắp xếp bằng mọi giá các đơn vị hành chính mà không đảm bảo yếu tố thuận lợi và gây xáo trộn lớn làm mất ổn định về chính trị xã hội.
Về lộ trình thực hiện, trong giai đoạn từ 2019 – 2021, năm 2019 là năm vừa rà soát các quy định pháp luật có liên quan, vừa thực hiện cơ bản việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên theo tiêu chí của NQ 1211 UBTVQH.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng khuyến khích các địa phương tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính khác chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đến năm 2021 sẽ tiến hành tổng kết việc sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021 và xây dựng kế hoạch, lộ trình để tiếp tục sắp xếp trong giai đoạn đến năm 2020 và 2030.
Đ,Minh-C.Luận-V.Long
Theo PLO
Bộ trưởng Nội vụ giải thích lý do tạm dừng sáp nhập sở
Đang chủ trì một hội nghị ở Quảng Ninh, Bộ trưởng Nội vụ liên tục nhận nhiều cuộc gọi và tin nhắn thắc mắc về việc tạm dừng sáp nhập sở ngành, phòng ban.
Trong khi các đại biểu ra ngoài để giải lao thì Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân vẫn ngồi ở bàn chủ toạ, tay liên tục nhắn tin, thỉnh thoảng có cuộc gọi đến, ông trả lời rồi tiếp tục trả lời tin nhắn.
Khi báo chí đặt vấn đề phỏng vấn, Bộ trưởng chỉ vào điện thoại, nói: "Nãy giờ tôi bận họp, có bao nhiêu cuộc gọi nhỡ, tin nhắn. Có địa phương đang họp HĐND và nhắn tin hỏi về việc này (tạm dừng sáp nhập sở), tôi đang trả lời họ".
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân miệt mài trả lời tin nhắn của địa phương về việc tạm dừng sáp nhập sở trong giờ giải lao hội nghị. Ảnh: Thu Hằng
Vừa dứt lời, một cuộc điện thoại gọi đến, nội dung ông trả lời cũng chính là chuyện tạm dừng sáp nhập sở.
Nếu mỗi tỉnh làm một kiểu thì rất khó
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, thông báo về việc tạm dừng sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện đã được Bộ gửi đến các tỉnh.
Văn bản này được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng để chờ sửa đổi 2 nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và huyện.
"Nếu mỗi tỉnh làm một kiểu thì rất khó nên phải chờ ý kiến thống nhất của Bộ Chính trị. Sau đó Chính phủ mới ban hành 2 nghị định thay thế nghị định 24 và 37", ông nói.
Trả lời câu hỏi vì sao bây giờ Bộ Nội vụ mới có văn bản đề nghị tạm dừng việc sáp nhập sở, trong khi nhiều địa phương đã thực hiện từ giữa năm, ông giải thích, từ trước đến giờ chưa có văn bản nào để làm căn cứ xây dựng các cơ quan chuyên môn. Nếu các tỉnh đưa ra HĐND phải có căn cứ mà căn cứ hiện nay là nghị định 24 và 37 vẫn còn hiệu lực.
Các địa phương đang thực hiện sắp xếp dựa vào kết luận 34 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo nghị quyết số 18 của BCH TƯ khóa 12. Trong kết luận này, Bộ Chính trị phân cấp 6 vấn đề thí điểm, giao thẩm quyền cho ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, huyện thực hiện.
"Kết luận 34 là chúng ta phải thực hiện nhưng cơ sở, căn cứ pháp lý về mặt nhà nước thì phải có 2 nghị định của Chính phủ, chứ không phải là không thực hiện", Bộ trưởng Nội vụ lưu ý.
Theo ông, để tiến tới thực hiện kết luận 34, Chính phủ phải ban hành khung, tiêu chuẩn, điều kiện thành lập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện và số lượng cấp phó của các cơ quan này.
Sáp nhập không khớp với nghị định Chính phủ thì phải sửa
Trong khi Chính phủ chưa ban hành nghị định mới thì 2 nghị định hiện hành vẫn có hiệu lực và các địa phương phải căn cứ vào đó.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Thu Hằng
Ông cũng thông tin thêm, văn bản của Bộ Nội vụ không áp dụng đối với việc hợp nhất 3 văn phòng: UBND, HĐND, đoàn ĐBQH. Vì việc hợp nhất 3 văn phòng này là thực hiện theo nghị quyết của QH.
Văn bản của Bộ Nội vụ chỉ áp dụng tạm dừng sáp nhập sở, ban, ngành ở cấp tỉnh hay hợp nhất một số cơ quan đảng với chính quyền, sáp nhập các phòng ban ở cấp huyện để các tỉnh, thành không tự làm như thời gian qua.
Ông cũng khẳng định văn bản của Bộ là tạm dừng để chờ nghị định mới chứ không phải ngưng luôn.
Đối với những nơi đã sáp nhập rồi thì vẫn giữ nguyên hoạt động như đã sắp xếp. Tuy nhiên nếu sau khi nghị định của Chính phủ ra đời, các địa phương sáp nhập không khớp với quy định của Chính phủ thì phải sửa lại, bởi việc này mới là thí điểm và các địa phương sắp xếp một số cơ quan cũng là thí điểm.
Theo Vietnamnet
Hàng chục con lợn chết trôi trắng kênh giữa vùng dịch tả lợn Châu Phi Giữa lúc dịch tả lợn Châu Phi đang có chiều hướng lây lan nhanh, tại Hà Tĩnh hàng chục con lợn chết trôi trắng kênh được người dân phát hiện và báo lên cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Vào khoảng 20h30 tối 24.5, người dân vùng bãi ngang huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) phát hiện số lượng lớn lợn chết...