Có 7 câu nói diệu kì giúp trẻ tự nín khóc hiệu quả mà bố mẹ chẳng cần quát mắng, nạt nộ
Muốn dỗ trẻ nín khóc, đồng tình với cảm xúc của trẻ là phương pháp xoa dịu hiệu quả nhất.
Khi trẻ khóc, bố mẹ sẽ thường la rầy kiểu như: “Nín ngay”, “Không được khóc”, “Còn muốn khóc à?”. Thời điểm bố mẹ la rầy trẻ nghĩa là đang tự chuốc buồn bực vào mình và chính trẻ cũng không cảm thấy dễ chịu khi nghe lời nạt nộ của bố mẹ.
Vì sao trẻ hay khóc?
Bởi vì trẻ đang học cách chế ngự cuộc sống lẫn mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra không thuận lợi, trẻ luôn có cảm giác mình là “nạn nhân” nên trẻ thường cảm thấy mệt mỏi, buồn bực, chán chường, tức giận và mau nước mắt.
Bố mẹ tỏ ra đồng tình với cảm xúc của trẻ là phương pháp xoa dịu hiệu quả nhất, nhưng nếu cả ngày dài bố mẹ phải đương đầu với những cơn “mít ướt” dai dẳng của trẻ thì bố mẹ sẽ lập tức đầu hàng và muốn nạt trẻ ngay.
Trẻ có thể tạo ra một mớ rắc rối hỗn độn, nhưng bố mẹ không phải lúc nào cũng là siêu nhân giải quyết mọi vấn đề giúp trẻ. “Đừng khóc nữa”, “Đừng quậy nữa”, “Nếu con khóc nữa thì bố mẹ sẽ không quan tâm con”. Thậm chí có bố mẹ không đủ kiên nhẫn lập tức dùng roi vọt ngăn lại tiếng khóc của trẻ.
Tại sao bố mẹ nạt nộ, bắt ép trẻ nín khóc hoàn toàn không có tác dụng?
Khi bố mẹ nói với trẻ là “ Nín khóc ngay” với mong muốn trẻ sẽ dừng lại hoặc tiết chế cảm xúc, nhưng điều này chỉ khiến tâm hồn của trẻ vụn vỡ và chất chứa cảm xúc tiêu cực, cũng như khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Nếu bố mẹ và trẻ không thể xây dựng mối liên hệ gắn kết với nhau thì đôi bên sẽ không có cảm giác an toàn và thấu hiểu – đó là điều cơ bản nhất trong mọi mối quan hệ. Khi bố mẹ nói với trẻ là “Nín khóc ngay”, điều này chẳng khác nào nói với trẻ rằng cảm xúc của trẻ không quan trọng.
Tâm lý chung của bố mẹ là: Bố mẹ cảm thấy có nhiều tình huống nhỏ nhặt không đáng để trẻ khóc, trẻ không nên khóc, không nhất thiết phải khóc như thế mới được xem là một đứa trẻ bình thường. Tuy nhiên bố mẹ đã quên cách nhìn nhận và suy nghĩ của trẻ khác rất nhiều so với người lớn. Theo độ tuổi tăng dần, trẻ sẽ học được cách kìm nén cảm xúc để thích ứng với môi trường xã hội, nhưng hiện tại ở độ tuổi đang phát triển của trẻ thì khóc là điều thích hợp nhất.
Khi bố mẹ nói với trẻ là “Nín khóc ngay!”, thường sẽ có 2 kết quả:
1. Bố mẹ đành thỏa hiệp khi trẻ đang khóc lóc, điều này khiến trẻ ảo tưởng là trẻ có uy quyền trước bố mẹ.
2. Bố mẹ không thỏa hiệp, bình tĩnh chờ đợi cho đến khi trẻ nín khóc, điều này sẽ khiến trẻ cảm nhận bố mẹ lơ là cảm xúc của trẻ.
Video đang HOT
7 câu nói “diệu kì” giúp trẻ tự nín khóc
So với câu nói “Nín khóc ngay”, có 7 câu nói “diệu kì” giúp trẻ tự nín khóc mà chẳng cần bố mẹ la rầy. Thời gian đầu, bố mẹ sẽ cảm thấy không quen khi nói với trẻ, nhưng đây được xem là chiến lược hoàn hảo giúp bố mẹ dỗ trẻ nín khóc mà không cần phí sức. Bố mẹ hãy kiên trì thực hiện sẽ thấy rõ sự thay đổi của trẻ.
Nếu bố mẹ nói “Không sao, con chẳng sao mà!”, câu nói nghe có vẻ là thiện ý nhưng hiện tại trẻ không cảm thấy thoải mái và trẻ đang rất muốn khóc. Mặc dù bố mẹ muốn an ủi trẻ nhưng nếu đứng ở lập trường của trẻ, trẻ sẽ cảm thấy bố mẹ không thừa nhận và đang cố gắng tiết chế cảm xúc của trẻ. Câu nói đơn giản “Bố mẹ biết con muốn khóc, con cứ khóc đi nhé”, là lựa chọn phù hợp.
Nếu giả sử bố mẹ đang ở quầy thanh toán của siêu thị và không mua kẹo mút cho trẻ, trẻ sẽ khóc nhè, lúc này bố mẹ sẽ lăn tăn có nên mua kẹo cho trẻ hay là mặc kệ để trẻ khóc tiếp.
Thật ra còn có cách khác, bố mẹ có thể nói “Bố mẹ nghĩ con buồn bực vì cây kẹo mút, con nhất định là muốn ăn kẹo nhưng nó không phải là lựa chọn tốt cho sức khỏe của con, bố mẹ mong muốn con được khỏe mạnh”. Khi sử dụng cách này nghĩa là bố mẹ đang thấu hiểu quan điểm của trẻ, tỏ ra đồng tình với cảm nhận của trẻ mà chẳng cần phải nhân nhượng trẻ.
Đôi khi trẻ sẽ trải qua hàng loạt những chuyện không như ý và bố mẹ sẽ không thể biết chính xác nguyên nhân nào khiến trẻ khóc nhè. Trong trường hợp này, thái độ tích cực của bố mẹ là ở bên cạnh trẻ, ôm trẻ vào lòng để trẻ biết rằng bố mẹ luôn ở bên cạnh trẻ.
Đôi khi, trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi và suy sụp. Giả sử trẻ đang đi bộ trên đoạn đường dài, bố mẹ rất mệt nên không muốn ôm hay bế trẻ, trẻ đương nhiên sẽ khóc nhè. Thời điểm này, bố mẹ có thể nói với trẻ là “Bố mẹ biết con rất mệt, chúng ta đã dành quá nhiều thời gian ở bên ngoài, đến lúc phải về nhà và con sẽ được nghỉ ngơi”. Bố mẹ cần cho trẻ biết là, bố mẹ biết trẻ mệt và sẽ làm mọi cách giúp trẻ cảm thấy tốt hơn.
Khi trẻ còn nhỏ, mọi chuyện sẽ không diễn ra theo đúng kế hoạch, điều này khiến trẻ cảm thấy nản lòng và trẻ sẽ bắt đầu khóc. Khi bố mẹ nhìn thấy trẻ đang cố gắng hoàn thành nhiệm vụ rất khó và tiến độ chậm trễ, bố mẹ có thể giúp đỡ trẻ. Khi trẻ có thể hoàn thành thử thách, trẻ sẽ tự nín khóc mà không cần dỗ dành.
Trẻ không thể tự định đoạt nguyên tắc, trẻ không thể kiểm soát được cuộc sống và phải nghe theo sự sai bảo của người lớn, điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy bất công. Nếu bố mẹ cảm nhận trẻ đang nghĩ như vậy, có thể nói “Bố mẹ biết là không công bằng đối với con” để an ủi trẻ. Giả sử có nước ngọt trên bàn và bố mẹ ra mệnh lệnh cứng nhắc là: “Con còn nhỏ không nên uống nước ngọt, con chỉ được phép uống nước lọc”.
Bố mẹ cần mềm mỏng hơn và nói: “Bố mẹ biết là không công bằng đối với con, nhưng con còn nhỏ, nước ngọt sẽ khiến con sâu răng, khi con lớn và răng cứng cáp thì có thể uống một chút nước ngọt”. Cách này sẽ chấm dứt tranh cãi của trẻ về sự vô lý mà bố mẹ đang áp đặt đối với trẻ.
Mỗi người đều mong muốn được lắng nghe và trẻ cũng không ngoại lệ. Nếu trẻ khóc vì chuyện đã xảy ra thì bố mẹ hãy động viên trẻ nói ra. Cơn giận dữ của trẻ sẽ dịu lại khi trẻ cảm nhận sự quan tâm và chú ý của bố mẹ, đồng thời quá trình nói ra cảm xúc sẽ giúp trẻ bình tĩnh trở lại.
Sau đó, bố mẹ có thể hỏi trẻ đại loại những câu như “Con mong muốn bố mẹ làm điều gì?”, hoặc “Bố mẹ cần giúp con như thế nào?”. Những câu hỏi này giúp trẻ suy nghĩ, cân nhắc lựa chọn, trở về trạng thái tỉnh táo và thoát khỏi cảm xúc tiêu cực.
Theo Helino
Dạy trẻ chưa biết chữ trước bằng... dọa dẫm?
Nhiều phụ huynh có những trải nghiệm vô cùng "thương đau" với quyết định không cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Đó không chỉ là áp lực từ người thân trong gia đình mà đáng sợ hơn chính là "thái độ" của giáo viên.
Làm đúng cũng phải khóc
Con bị cô giáo la rầy trong khi tập đọc, tập viết, bố mẹ bị nhắc nhở, yêu cầu phải kèm cặp thêm... là những trải nghiệm không ít phụ huynh đã gặp phải khi lựa chọn không cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Không phải là phổ biến vì thực tế hiện nay, số trẻ không học chữ trước khi vào lớp 1 rất ít. Phụ huynh được xem là "cá biệt" khi trong lớp chỉ mình con họ không học chữ trước.
Một lớp học chữ trước khi vào lớp 1 ở TPHCM.
Chị Trần Lệ Thủy, nhà ở Q.7, TPHCM cho biết, trước đây chị đã được nếm "mùi vị" khi có con chưa hề học viết, học đọc trước khi vào lớp 1. Khó khăn vì con chưa học chữ trước trong khi cả lớp các bạn đã biết viết, biết đọc vần đã đành nhưng căng nhất là từ giáo viên. Vào học được vào hôm, đi học về là con chị khóc, kể chuyện bị cô giáo cho ngồi ở góc lớp, gõ vào tay và chê, dọa đủ thứ. Mỗi lần chị đón con là cô giáo lại gặp chị than phiền là cháu không biết gì hết trơn, chậm, không bắt kịp nhịp học trong lớp.
Chị cũng liều nói với cô mình thực hiện theo quy định của Bộ, không học chữ trước nên bé chậm hơn là bình thường. Thế nhưng, chị nhớ như in khi chỉ mới đến trường được 2 tuần, cô giáo đã thản nhiên đánh giá: "Cháu học kém" kèm theo lời cảnh báo, thế này thì bé rất dễ bị đúp lớp, ảnh hưởng đến cô, đến trường, đến quận.
Cuối năm đó, con chị Thủy vươn lên nằm trong top đầu nhưng từ những trải nghiệm không mấy vui vẻ đó và xét nhiều yếu tố, chị chuyển sang trường quốc tế. Người mẹ này nói: "Giáo dục kiểu dọa dẫm con trẻ ngay từ những ngày đầu đến trường thì hỏi các em sẽ yêu thích việc học như thế nào?".
Nhưng không phải ai cũng "cứng" như chị Thủy. Rất nhiều phụ huynh phải bật khóc trước áp lực từ giáo viên khi lựa chọn không cho con học chữ trước. Chị Phạm Nhọc Oanh, nhà P.3, Q. Bình Thạnh kể, ngày nào đi học con chị cũng bị la vì chưa biết viết chữ, mẹ thì bị cô gọi lên mắng vốn, nhắc nhở đủ kiểu, chị nghe chỉ biết gật. Dù biết quy định của ngành là không học chữ trước nhưng chị cũng không dám ý kiến lại.
"Cháu bị giao bài về nhiều nhất, giao theo kiểu cho những trẻ đã biết chữ. Về nhà, hai mẹ con tối nào cũng "đánh vật" để học chữ đến 10 giờ đêm. Nghĩ lại đến giờ tôi vẫn sợ, thấy thương con khi niềm vui đi học như mẹ tô vẽ không hề có", chị Oanh nói. Sau này, con chị vẫn theo kịp nhưng chị phải thừa nhận gian nan và căng thẳng cho cả mẹ lẫn con. Đến đứa sau, chị cũng dự tính cho theo bước anh trai nhưng bị gia đình phản đối nên cháu đã học chữ trước.
May rủi tùy giáo viên
Nhiều phụ huynh cũng có những trải nghiệm khác nhau tùy thuộc rất nhiều vào cô giáo. Chị Đoàn Ngọc Phương, nhà Linh Đông, Thủ Đức cho hay, hai đứa con chị đều không học chữ trước nhưng tình cảnh lại trái nhau hoàn toàn. Cháu đầu vượt qua khá nhẹ nhàng khi gặp cô giáo đồng tình với việc trẻ không cần phải học chữ trước. Cô tận tâm, kiên nhẫn, không nóng lòng với thành tích dù con chị thuận tay trái.
Tiếp thêm động lực, đứa thứ hai chị không cho học chữ trước dù thời điểm đó, việc phải học chữ trước như là hiển nhiên. Nhưng lần này, họ không gặp may, hai mẹ con "tiêu điều" khi cô giáo của con là tổ trưởng khối 1, cô nói thẳng: "Chị nghĩ sao mà không cho bé đi học trước". Và mấy tháng đầu, chị bị cô gọi nhiều nhất để nói đi nói lại về việc con chị không học chữ trước nên giờ khổ bao nhiêu người. Thậm chí, chị khóc trên đường sau khi cô giáo đề nghị chị lên lớp nhìn con mình viết.
Ngày đầu tiên đến trường của học sinh lớp 1 trở nên khó khăn hơn lúc nào hết vì việc học chữ trước hay không (ảnh minh họa)
Vấn đề từng được đặt ra, chương trình ở lớp 1 nặng, sĩ số đông nên giáo viên cực khó để có thể kèm cặp học sinh trong lớp chưa biết chữ theo kịp nội dung. Đối với lớp 1, việc để ổn định trật tự trong lớp đã là một bài toán không hề dễ dàng đối với giáo viên.
Bên cạnh đó, quản lý một trường học ở TPHCM đặt ra vấn đề, cũng cần xem lại cả chương trình học và phương pháp giảng dạy của lớp Lá (5 tuổi). Trong chương trình, phần Ngôn ngữ có nội dung "chuẩn bị cho học Đọc - Viết". Nếu không vững vàng và thực hiện đúng mục đích yêu cầu thì giáo viên mầm non có thể đơn giản hóa nội dung này bằng cách dạy các cháu rèn chữ, đánh vần. Đa phần phụ huynh không nắm vững và cùng hỗ trợ nội dung này. Tiếp nữa, giáo viên lớp 1 lại xem việc các cháu biết đọc, biết viết trước là đương nhiên trên nền tảng số đông. Điều này kéo theo vấn đề luẩn quẩn.
Trước thực trạng cô giáo gây áp lực đối với trẻ chưa biết chữ trước, nhiều năm gần đây, trước khi bước vào năm học mới, Sở GD-ĐT TPHCM đều không quên gửi văn bản cho tất cả các trường "nhắc nhở" và yêu cầu giáo viên không được phân biệt học sinh biết và chưa biết chữ. Ngành cũng nhấn mạnh, thời gian đầu tập trung vào việc hướng dẫn học sinh làm quen với lớp trước khi vào chương trình.
Đây là thời điểm cực kỳ quan trọng hình thành tâm lý đối với việc học của trẻ, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý giáo viên tuyệt đối không dọa nạt, to tiếng làm học sinh sợ hãi và cần thường xuyên trao đổi hợp tác với cha mẹ học sinh về những trường hợp trẻ có biểu hiện sợ sệt, khóc nhè..., giúp học sinh tự tin và thích đi học.
Tuy nhiên, nhắc là nhắc, không ít giáo viên nghe rồi để đó và gây căng thẳng với phụ huynh, với trẻ không học chữ trước với đủ lý do. Chính điều này góp phần làm cho việc con trẻ vào lớp 1 của nhiều gia đình lẽ ra nhẹ nhàng, vui vẻ lại trở nên áp lực, căng thẳng.
Nghịch lý không thể chấp nhận nổi đang tồn tại là trẻ vào lớp 1 để bắt đầu học chữ, học viết lại phải biết chữ trước. Đã đến lúc tất cả mọi người cùng phải nghiêm túc nhìn lại, khắc phục để con trẻ không bị áp lực không đáng có ngay từ những ngày đầu đi học.
Hoài Nam
Theo Dân trí
4 trường hợp và 3 độ tuổi không nên đánh con mà các bậc phụ huynh cần ghi nhớ kỹ Mục đích của roi vọt là giúp con sống có quy tắc chứ không phải là trừng phạt con, nó chỉ là công cụ hỗ trợ để giúp trẻ trưởng thành trong môi trường có khuôn khổ. Khi còn nhỏ Gia Gia thường xuyên bị cha mẹ đánh đòn. Những việc như ở trường nghịch ngợm, không chịu ăn cơm, vứt bỏ thức...