Có 100.000 USD nên đầu tư vào đâu?
Chuyên gia cho rằng trước khi đầu tư số tiền 100.000 USD, mọi người cần cân nhắc độ tuổi, mục tiêu, tài sản và khả năng chấp nhận rủi ro của mình.
Khi nhiều tuổi, đầu tư có xu hướng thận trọng hơn – Ảnh: CNN.
Nếu đang ở trong tình trạng tài chính tốt, đã trả hết nợ, đã có dự trữ tiền mặt dành cho lúc khẩn cấp, mà vẫn còn khoảng 100.000 USD nhàn rỗi, nhiều người sẽ băn khoăn nên đầu tư gì với số tiền đó.
Theo cố vấn tài chính cá nhân Ryan Cole của công ty quản lý tài sản và hoạch định tài chính Citrine Capital, trước khi đầu tư số tiền đó, mọi người cần cân nhắc độ tuổi, mục tiêu, tài sản và khả năng chấp nhận rủi ro của mình.
“Nhìn chung, bạn có xu hướng đầu tư thận trọng hơn khi nhiều tuổi hơn”, Cole cho biết và nói thêm rằng tiền nhàn rỗi nhiều hay ít cũng là một nhân tố quan trọng.
“Những người đã rất giàu và đã có dự trù cho nghỉ hưu rồi thì có thể chấp nhận các khoản đầu tư rủi ro hơn”, ông nói. “Mặt khác, nếu một người chỉ có 100.000 USD thì nên đa dạng hóa các khoản đầu tư và thận trọng hơn”.
Dưới đây là một số gợi ý để đầu tư với 100.000 USD từ các chuyên gia, được CNN tổng hợp.
Xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng
Với những người trẻ, sẵn sàng chịu rủi ro và đầu tư quyết liệt hơn, các chuyên gia khuyên rằng nên xây dựng một danh mục cổ phiếu đa dạng.
David Tuzzolino, nhà hoạch định tài chính, người sáng lập của PathBridge Financial, cho rằng nên lập một danh mục gồm các cổ phiếu vốn hóa lớn, trung bình và nhỏ, cũng như cổ phiếu quốc tế, thông qua cả các quỹ ETF lẫn quỹ tương hỗ lãi suất thấp.
Ông cho rằng, nếu không muốn chịu quá nhiều rủi ro, hãy đưa trái phiếu và có thể một phần nhỏ – khoảng 5% – vàng vào danh mục đầu tư của mình.
Video đang HOT
“Vàng là công cụ để đa dạng hóa danh mục tuyệt vời khi thị trường chứng khoán mất điểm”, Tuzzolino nói.
Đầu tư vào bất động sản
Theo Bill Nelson, nhà hoạch định tài chính, người sáng lập của Pacesetter Planning, đầu tư vào bất động sản là một lựa chọn hấp dẫn.
“Tuy nhiên, trước khi làm vậy, bạn phải có trong tay một danh mục đầu tư đa dạng đã. Đặc biệt là nếu bạn định đầu tư toàn bộ tiền vào một bất động sản”, Nelson khuyên.
Ngoài ra, ông khuyên rằng nếu dự định rót tiền vào bất động sản để cho thuê, nhà đầu tư cần sẵn sàng dành công sức cho việc này.
Lên kế hoạch cho tương lai
Với nhiều người, đầu tư cho tương lai đồng nghĩa với việc chuẩn bị cho thời kỳ nghỉ hưu.
“Nếu gặp khó khăn trong việc tiết kiệm tiền để nghỉ hưu, mọi người nên chuyển hướng sang đầu tư để nghỉ hưu”, Jeff Burke, nhà hoạch định tài chính và người sáng lập của 7th Street Financial, khuyên.
Còn nếu đã có kế hoạch nghỉ hưu vững vàng rồi,Burke khuyên rằng nên đầu tư tiền nhàn rỗi vào các kế hoạch tương lai khác như việc học của con hoặc cháu. Dù vậy, ông cho rằng nên dành một phần tiền để hưởng thụ.
“Đó có thể là một kỳ nghỉ hoặc nâng cấp căn nhà bạn đang sống”, Burke nói.
Đầu tư vào bản thân
Nelson cho rằng một trong những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận tốt nhất không hề liên quan tới thị trường chứng khoán.
“Hãy đầu tư vào bản thân”, ông nói. “Đặc biệt là nếu bạn đang ở giai đoạn giữa của sự nghiệp, đầu tư vào bản thân có thể mang lại cho bạn lợi ích lớn trong dài hạn”.
Đầu tư vào giáo dục, nâng cao kỹ năng hoặc vào doanh nghiệp của riêng mình là những cách tuyệt vời để phát triển sự nghiệp, Nelson cho biết.
“Những cơ hội đầu tư này thường bị bỏ qua, nhưng thật lòng mà nói, chúng mang lại ‘lợi nhuận’ lớn nhất”, nhà hoạch định tài chính này chia sẻ.
Theo Nhật Minh/VnEconomy
Đầu tư chỉ số: Xu hướng và ý tưởng đầu tư
Hứa hẹn sẽ còn tiếp diễn theo xu hướng chung của các thị trường trên thế giới.
Ảnh: TL
Đầu tư thụ động thông qua các quỹ đầu tư vào chỉ số (Exchange Traded Fund, ETF) là xu hướng đầu tư phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trong thời gian qua, thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Xu hướng chung trên thế giới
Số liệu thống kê của Morning Star cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2018, trên phạm vi toàn cầu, tổng tài sản của các quỹ đầu tư chủ động chỉ còn chiếm 63,2%, trong khi tổng tài sản của các quỹ thụ động đã tăng lên 38,2%. Nếu tiếp tục tốc độ tăng trưởng hiện tại, dự báo đến năm 2024, tổng tài sản của các quỹ đầu tư thụ động sẽ vượt hẳn so với các quỹ chủ động. Tính riêng ở thị trường Mỹ, tổng tài sản của các quỹ ETF dự báo sẽ vượt các quỹ đầu tư chủ động khi tỉ lệ này đã lên tới 51,3/48,7% tại thời điểm cuối năm 2018.
Có nhiều lý giải cho xu hướng trên, trong đó những luận điểm nổi bật bao gồm: (1) ETF có chi phí rẻ hơn rất nhiều so với các quỹ đầu tư chủ động; (2) các quỹ đầu tư chủ động bị hoài nghi trong khả năng đánh bại thị trường; (3) danh mục các quỹ ETF mô phỏng chỉ số và được đa dạng hóa tốt hơn, mức độ biến động thấp hơn khi thị trường có biến động lớn.
Tính đến nay, số lượng và quy mô của các quỹ ETF trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng không ngừng. Hiện tại, tổng tài sản (AUM) của các quỹ hoạt động trên thị trường Việt Nam đã lên tới 1,9 tỉ USD, trong đó lượng cổ phiếu Việt Nam được nắm giữ ước khoảng 1,2 tỉ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2019, ước tính có khoảng 200 triệu USD được bơm thêm thông qua các ETF.
Sự xuất hiện của các ETF dẫn đến việc dòng tiền bị phân hóa mạnh, đặc biệt từ sau năm 2017, tiền đổ mạnh vào quỹ VFMVN30 ETF và sự ra đời của sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Nếu quan sát thị trường trong thời gian qua, không khó để nhận nhận thấy dòng tiền có xu hướng tập trung vào nhóm các cổ phiếu lớn, đặc biệt các cổ phiếu trong nhóm VN30, được thể hiện qua thanh khoản và diễn biến giá của các nhóm cổ phiếu này. Chỉ số VNMidcap và đặc biệt là chỉ số VNSmallcap diễn biến tệ hơn so với VN30. Rất nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ có mức định giá tốt trong thời gian qua cũng bị nhà đầu tư bỏ lơ với thanh khoản rất kém.
Để lý giải cho hiện tượng này, ở thời điểm hiện tại, có một số nguyên nhân: (1) kỳ vọng nâng hạng nếu có xảy ra thì nhóm cổ phiếu chính được hưởng lợi sẽ là nhóm các cổ phiếu trụ; (2) sản phẩm chứng quyền chỉ dành cho cổ phiếu cơ sở nằm trong nhóm VN30; (3) sự kỳ vọng lớn dành cho các ETF hiện tại và các ETF sắp được triển khai. Trong đó kỳ vọng dành cho các ETF mới là rất lớn và có cơ sở.
Thị trường Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung trên thế giới với sự trỗi dậy của đầu tư thụ động. Ở góc nhìn đó, một số động thái nổi bật trong thời gian qua có thể quan sát thấy đó là: kỳ vọng các ETF và hợp đồng tương lai trên chỉ số VNX50 và VN100; VFM với kỳ vọng thành lập các quỹ ETF cho nhóm cổ phiếu hết room và ETF cho nhóm ngành tài chính.
Hiện tại, trên thị trường phái sinh Việt Nam chỉ có các mã hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30. Điều này khiến cho nhà đầu tư có ít lựa chọn giao dịch và việc đưa vào giao dịch hợp đồng tương lai của chỉ số VNX50 và VN100 nếu được triển khai sẽ rất hợp lý. Tất nhiên việc thành lập các ETF trên các bộ chỉ số này là hoàn toàn có thể, nhưng nếu nhìn vào diễn biến dòng tiền chảy vào quỹ SSIAM VNX50, ETF với các bộ chỉ số trên có lẽ không thực sự hấp dẫn. Các ETF ở một quốc gia nhất định và hút tiền thường cũng không lấy có quá nhiều cổ phiếu trong danh mục, ví dụ Vaneck hay FTSE thường xuyên cũng chỉ có chừng 20-30 cổ phiếu tùy thời điểm. Còn nếu muốn thực hiện kinh doanh chênh lệch giá, việc dùng từ 30-40 cổ phiếu là hoàn toàn có thể đại diện cho 50-100 cổ phiếu. Do đó, kỳ vọng vào ETF và hợp đồng tương lai trên 2 chỉ số VNX50 và VN100 có lẽ phần nhiều giải quyết bài toán có thêm sản phẩm giao dịch cho nhà đầu tư.
ETF cho nhóm cổ phiếu hết room và nhóm tài chính
Ý tưởng thành lập các quỹ ở trên có lẽ sẽ là ý tưởng khả thi hơn rất nhiều. Đối với quỹ cho cổ phiếu hết room, điều này sẽ giải quyết cho việc các cổ phiếu hết room đối với nhà đầu tư nước ngoài (tỉ trọng ngành ngân hàng trong chỉ số ngày khoảng 40%). Còn đối với ETF cho nhóm ngành tài chính, với việc tỉ trọng của các công ty chứng khoán trong rổ sẽ là rất thấp, thực chất ETF này là ETF cho nhóm ngành ngân hàng (chiếm hơn 90%) và giải quyết trực tiếp bài toán room ngoại cho nhóm ngành ngân hàng. Một số ngân hàng chưa hết hẳn room như VCB, CTG, BID, STB cũng có trong rổ nhưng tỉ trọng lớn nhất của ETF nhóm ngành tài chính vẫn là TCB, HDB, VPB và MBB, những cổ phiếu ngân hàng hết room.
Với việc đánh thẳng vào hạn chế các cổ phiếu hết room và cụ thể hơn cho nhóm ngân hàng, khả năng 2 quỹ ETF trên sẽ thu hút mạnh dòng tiền bởi nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài rất lớn. Sẽ là so sánh khập khiễng nhưng có thể nói khi ra đời, 2 quỹ ETF nói trên là giải pháp kỹ thuật cho vấn đề room ngoại. Nếu nhìn sang thị trường chứng khoán Thái Lan với những điều NVDR (Non-Voting Depositary Receipt - Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết) đã làm được thì có thể kỳ vọng dòng vốn chảy vào các ETF là hoàn toàn khả thi, khi NVDR hiện tại chiếm khoảng 20% giá trị giao dịch hằng ngày và 40-50% giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET).
Thúy Vũ
Theo nhipcaudautu.vn
Thị trường chứng khoán: "Làng" quỹ sắp đông hơn Ít nhất có 2 quỹ ETF mới, một quỹ dựa trên chỉ số ngành tài chính (Leading Finacial Index do HOSE mới xây dựng) do SSIAM phát triển và một quỹ dựa trên chỉ số VN100 (chỉ số đo lường biến động giá cổ phiếu của 100 mã lớn nhất sàn HOSE) do VinaCapital xây dựng sẽ ra mắt nhà đầu tư trong...