Clubhouse là gì mà khiến giới công nghệ dậy sóng?
Tuy mới chỉ 11 tháng tuổi, ứng dụng trò chuyện âm thanh Clubhouse đang làm thay đổi thế giới truyền thông xã hội, cả mặt tốt lẫn mặt xấu.
Thế giới truyền thông xã hội đang thay đổi, và có lẽ ví dụ điển hình nhất của xu hướng này chính là sự xuất hiện của ứng dụng Clubhouse. Tuy mới chỉ 11 tháng tuổi, Clubhouse đã trở thành cơn sốt được nhiều người yêu thích công nghệ và văn hóa đại chúng săn đón.
Dần dần, cộng đồng người dùng coi ứng dụng này như một biểu tượng, một quảng trường nơi những người tham gia có quyền tự do bày tỏ ý kiến cá nhân.
Clubhouse là gì?
Thay vì sử dụng chữ viết làm phương tiện giao tiếp, Clubhouse cho phép mọi người tụ tập trong các phòng trò chuyện âm thanh để trao đổi về các chủ đề khác nhau. New York Times cho biết các cuộc trò chuyện xuất hiện trên Clubhouse có thể liên quan đến vật lý thiên văn, địa chính trị hay thơ ca vũ trụ. Có thể nói, Clubhouse không hề có sự hạn chế về nội dung, cũng chính vì thế, người dùng có thể tham gia hàng nghìn phòng trò chuyện mỗi ngày nếu họ muốn.
Clubhouse vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa chính thức hoàn thiện.
Theo thống kê của Apptopia , chỉ trong tháng 1/2021, ứng dụng này đã thu hút gần 4 triệu lượt tải về. Ngoài ra, Clubhouse còn được những nhân vật nổi tiếng như Ai Weiwei, Lindsay Lohan và Roger Stone tham gia. Thậm chí tỷ phú Elon Musk đã gửi lời mời tham gia ứng dụng tới Tổng thống Nga Vladimir V.Putin.
Clubhouse đang thay đổi mô hình mạng xã hội
Sự xuất hiện của Clubhouse đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi. Nhiều người tin rằng âm thanh đang dần thế chỗ văn bản chữ viết, ảnh và video để trở thành công cụ mới cho phương tiện truyền thông xã hội.
“Đây là một sự thay đổi lớn trong cách thức hoạt động của mạng xã hội. Tôi tin Clubhouse đang mở ra một chương sử hoàn toàn mới”, Dave Morin, nhà sáng lập mạng xã hội Path, một trong những người đầu tư vào Clubhouse, cho biết.
Làn sóng nổi dậy của Clubhouse diễn ra nhanh chóng. Vào tháng 5/2020, ứng dụng này chỉ có vài nghìn người sử dụng, hầu hết họ phải được người dùng cũ mời và không được phổ biến rộng rãi. Cơn khát Clubhouse mạnh đến nỗi, những người dùng cũ sẵn sàng rao bán lời mời sử dụng ứng dụng của mình trên eBay với giá lên tới 89 USD.
Ứng dụng trò chuyện âm thanh này đang thu hút mọi ánh nhìn của Thung lũng Silicon.
Video đang HOT
Nhận thấy sự phát triển thần kỳ của ứng dụng non trẻ này, một số công ty truyền thông như Barstool Sports đã tạo tài khoản Clubhouse và lên kế hoạch thuê một “nhà quản lý ứng dụng cấp cao”.
Mọi con mắt chú ý đều hướng đến công ty khởi nghiệp nhỏ bé ở San Francisco. Clubhouse được 2 doanh nhân Paul Davison và Rohan Seth thành lập với khoảng một chục nhân viên. Trước cơn sốt do “đứa con tinh thần” tạo ra, đội ngũ điều hành ứng dụng phải vật lộn để xử lý lưu lượng truy cập tăng vọt. Hôm 10/2, ứng dụng thậm chí gặp lỗi.
Đầu năm 2021, Clubhouse đã huy động được số tiền đầu tư lên tới 100 triệu USD. Bên cạnh đó, ứng dụng của 2 doanh nhân đến từ San Francisco được định giá 1 tỷ USD. Sự có mặt của Clubhouse đã tác động lớn đến thế giới truyền thông xã hội, các ông lớn như Facebook hay Twitter đã phải bắt tay vào nghiên cứu những mô hình tương tự nhằm tạo thế cạnh tranh.
Cơn đau đầu mới của giới chức quốc tế
Không giới hạn nội dung chưa chắc là điều tốt. Ứng dụng này liên tục phải đối mặt với hàng loạt khiếu nại liên quan đến hành vi quấy rối, thông tin sai lệch hay quyền riêng tư. Cũng trong tháng 1/2021, một nữ bác sĩ tham gia Clubhouse tố cáo trường hợp một người dùng khác lan truyền thuyết âm mưu về vaccine Covid-19, đồng thời kêu gọi cộng đồng từ chối tiêm vaccine.
Clubhouse đang trở thành dấu hỏi lớn đối với giới chức Đức và Italy. Một số cơ quan quản lý của châu Âu lo sợ Clubhouse không thể đáp ứng những yêu cầu về bảo vệ dữ liệu người dùng. Đầu tháng 2, chính phủ Trung Quốc đã có động thái chặn ứng dụng này trong lãnh thổ.
Sân chơi mới cho những người sản xuất nội dung
Clubhouse đang bước theo dấu chân khởi nghiệp của những gã khổng lồ của Thung lũng Silicon. Sự phát triển vượt bậc của ứng dụng này không tránh khỏi những vấn đề lộn xộn đi kèm. Đây là công ty truyền thông xã hội thành lập tại nước Mỹ sau nhiều năm. Trước đó, mạng xã hội đang trở thành sân chơi của TikTok, ứng dụng thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc Bytedance.
“Thật điên rồ, chúng tôi có rất nhiều người tham gia”, Davison, nhà đồng sáng lập ứng dụng, nhận xét.
Paul Davison, nhà đồng sáng lập ứng dụng Clubhouse.
Hai nhà sáng lập Clubhouse lần đầu gặp nhau từ năm 2011. Năm 2019, họ cùng nhau xây dựng Talkshow, nền tảng tiền thân của Clubhouse. Tuy nhiên, phải đến tháng 3/2020, ứng dụng Clubhouse mới chính thức ra đời. Tương tự TikTok hay những ứng dụng mạng xã hội khác, Clubhouse dần được nhiều người chú ý trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành.
Ứng dụng nhanh chóng có sự tham gia của các nhà đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon như Marc Andreessen và đối tác kinh doanh Ben Horowitz. Ít lâu sau, nhiều nhân vật nổi tiếng như Oprah Winfrey, MC Hammer hay nhạc sĩ John Mayer cũng nhanh chóng tham gia Clubhouse.
Tháng 5/2020, Andreessen và công ty liên doanh với Horowitz, Andreessen Horowitz, đầu tư 10 triệu USD vào Clubhouse, đồng thời định giá ứng dụng này lên tới 100 triệu USD. Thời điểm đó, công ty khởi nghiệp ứng dụng chỉ có 2 nhân viên.
Ứng dụng đã thu hút được nhiều người làm nội dung trên TikTok và YouTube. Tháng 12/2020, Clubhouse công bố “chương trình thử nghiệm dành cho người sáng tạo” với mục tiêu đưa ra một mô hình kiếm tiền trên ứng dụng kiểu mới.
Mặt trái của Clubhouse
Tuy nhiên, mặt trái của ứng dụng này dần lộ diện, nhiều người dùng cho biết Clubhouse đang trở thành nơi phụ nữ và người da màu bị chỉ trích, bị chủ nghĩa bài Do Thái, kỳ thị đồng tính lẫn phân biệt chủng tộc tác động.
Porsha Belle, 32 tuổi, một người dùng Clubhouse ở Houston, cho biết sau khi cô lên tiếng về những hành vi sai trái trên ứng dụng, mọi người đã thành lập các phòng trò chuyện để khuyến khích nhau báo cáo tài khoản của cô. Tài khoản của Belle ngay sau đó đã bị tạm ngưng hôm 8/2.
Clubhouse đang dần lộ ra những khuyết điểm đáng lo ngại.
“Trang của tôi bị tạm ngưng trong khi những kẻ bắt nạt thì tự do quấy rối người khác”, Bell cho biết cô đã cố gắng kháng cáo với công ty nhưng không mấy hiệu quả.
Rahchelle Dooley, một nhà quản lý mạng xã hội bị khiếm thính ở Texas, cho biết cô thường xuyên bị bắt nạt và đuổi ra khỏi một số phòng Clubhouse.
“Họ nói tại sao người phụ nữ khiếm thính này lại sử dụng ứng dụng âm thanh. Tôi dường như sững người và bắt đầu bật khóc”, Dooley chia sẻ.
Hay, theo Kimberly Ellis, 48 tuổi, học giả nghiên cứu người Mỹ và Châu Phi tại Đại học Carnegie Mellon, trong một số phòng trò chuyện của Clubhouse, thay vì đưa ra lời khuyên tài chính, nhiều người dùng bị lôi kéo vào các mô hình tiếp thị đa cấp.
Trong cuộc thảo luận của Sunday’s Clubhouse, nhà đồng sáng lập Davison cho biết công ty có các quy tắc rõ ràng chống lại việc truyền bá thông tin sai lệch, lời nói căm thù, lạm dụng và bắt nạt. Công ty khởi nghiệp đồng thời thông báo đã bổ sung các cố vấn, người kiểm duyệt cũng như tính năng an toàn từ năm 2020.
Tạm quên TikTok đi, hãy chú ý tới Clubhouse - ngôi sao mới trên lĩnh vực mạng xã hội
Nền tảng truyền thông xã hội xoay quanh những cuộc trò chuyện âm thanh trực tiếp này đang ngày càng phổ biến hơn. Và đó mới chỉ là sự khởi đầu mà thôi.
Ứng dụng smartphone gây nghiện tiếp theo đã xuất hiện, và nó hứa hẹn sẽ làm thay đổi cách mọi người giao tiếp, chia sẻ kiến thức, và thậm chí là kết bạn mới.
Chúng ta đang nói đến startup mạng xã hội chuyên về giọng nói và âm thanh Clubhouse. Nền tảng của họ cho phép người dùng tham gia vào những phòng chat nhanh gọn lẹ và góp mặt vào hàng loạt cuộc hội họp thuộc mọi chủ đề, từ những cuộc trao đổi nhỏ giữa đồng nghiệp với nhau trong giờ giải lao, đến những cuộc thảo luận với sự góp mặt của các chuyên gia, thường có sự tham dự của hàng ngàn người nghe khác. Kể từ khi ra mắt vào tháng 3 năm ngoái, Clubhouse đã và đang trở thành một hiện tượng văn hoá, thu hút giới chính trị gia, người nổi tiếng, và các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Với thành công ban đầu, cùng với sự chống lưng của những tên tuổi lớn, Clubhouse hiện có đầy đủ những điều kiện để khiến những ông lớn trên lĩnh vực mạng xã hội phải lo lắng.
Những số liệu mới nhất về Clubhouse đã cho thấy nó đang tăng trưởng nhanh đến mức nào. Trong một sự kiện hàng tuần diễn ra vào chủ nhật vừa qua, đồng sáng lập Paul Davison cho biết lượng người dùng thường xuyên mỗi tuần của ứng dụng đã tăng gấp đôi lên mức 2 triệu chỉ trong vòng vài tuần. Ông còn công bố rằng startup của mình đã gọi được một vòng đầu tư khác, dẫn đầu là công y đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz, và nay Clubhouse đã có hơn 180 nhà đầu tư. Dù ông không cung cấp thêm thông tin cụ thể nào, tờ The Information tiết lộ vào hôm thứ sáu rằng Clubhouse được định giá khoảng 1 tỷ USD, tức giá trị của công ty đã tăng gấp 10 lần kể từ vòng gọi vốn series A diễn ra vào tháng 5 năm ngoái, cũng do Andreessen Horowitz dẫn đầu.
Những điểm đặc biệt của Clubhouse nằm ở bên trong cộng đồng người dùng ứng dụng. Cứ gọi đó là "sức mạnh của tiếng nói" cũng được, và đây là yếu tố giúp Clubhouse khác biệt với các nền tảng khác. Một cuộc trò chuyện hai chiều trực tiếp, với đầy đủ những sắc thái và âm điệu, có thể giúp tạo dựng những mối quan hệ khăng khít một cách nhanh chóng hơn nhiều so với hàng chục bài viết và tin nhắn gửi đi thông qua những mạng xã hội nổi tiếng hơn như Facebook và Twitter. Thông qua Clubhouse, bạn có thể gặp gỡ và kết bạn với các giáo sư, các nhà làm phim, nghệ sỹ, kỹ sư, và nhiều người khác từ khắp nơi trên thế giới. Cùng say sưa lắng nghe những câu chuyện cuộc sống của mọi người và tiếp thu những kiến thực và kinh nghiệm của họ, từ việc biết được các lãnh đạo công ty stream video phê duyệt các dự án ra sao, cho đến thu thập những phân tích chính trị về tin tức sốt dẻo từ các chuyên gia. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra Clubhouse đã trở thành ứng dụng giết thời gian yêu thích của bản thân từ lúc nào!
GIao diện Clubhouse
Để minh hoạ cho những thể loại thảo luận đang dần trở thành một thành phần quan trọng trên Clubhouse hiện nay, hãy lấy một ví dụ: hồi đầu tháng này, các thị truỏng của San Francisco, Miami, và Austin tập trung vào một "căn phòng" dể quảng bá thành phố của họ như những điểm đến lý tưởng đối với các công ty công nghệ. Hàng ngàn lãnh đạo, nhà đầu tư và nhân viên cùng tụ họp vào một không gian tương tác. Đối với một ứng dụng như Clubhouse - hay bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội nào đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng và lượng người dùng - đây như một vòng lặp phản hồi cực kỳ quý giá, trong đó những hiệu ứng mạng lưới mà một lượng lớn khán giả có tầm ảnh hưởng tạo nên sẽ thu hút những nhà diễn thuyết chất lượng cao nhất và ngược lại.
Dù những số liệu mới nhất của Clubhouse rất ấn tượng, chúng trên thực tế chưa thể hiện hết tiềm năng của nền tảng. Đà tăng trưởng thần tốc của nó chủ yếu đến từ quảng cáo truyền miệng, và từ chỉ một nửa thị trường smartphone. Ứng dụng này vẫn yêu cầu bạn phải có thư mời từ một thành viên hiện tại mới được tham gia, và chỉ dành riêng cho các thiết bị Apple. Do đó, khi các nhà sáng lập của Clubhouse quyết định mở cửa ứng dụng này cho mọi người và ra mắt một phiên bản dành cho Android, đà tăng trưởng của nó thậm chí sẽ còn bay cao hơn nữa.
Bản chất của nền tảng Clubhouse mang lại nhiều cơ hội kiếm tiền cho người dùng. Ví dụ, Clubhouse có thể lấy tiền hoa hồng từ phí tham gia người dùng phải nộp nếu muốn vào một phòng thảo luận lớn. Hoặc tương tự như Amazon.com Inc - vốn sở hữu nhiều kênh Twitch - họ có thể thu phí hàng tháng đối với những phòng dành riêng cho những người dùng với sở thích cụ thể. Người dùng cũng có thể nạp tiền để mua những emoji biểu cảm động độc đáo nhằm phản hồi lại các diễn giả và tương tác với các khán giả khác. Tất nhiên, khả năng kiếm được tiền cũng sẽ là "thỏi nam châm" thu hút và giữ chân các host của những phòng hấp dẫn nhất trong hệ sinh thái Clubhouse. Hôm chủ nhật, các đồng sáng lập của Clubhouse nói rằng họ sẽ bắt đầu thử nghiệm nhiều phương pháp để các nhà sáng tạo nội dung của nền tảng nhận được tiền thưởng thông qua hình thức "tiền típ, bán vé, hay các gói subscription" trong vài tháng tới.
Clubhouse cũng gặp phải nhiều thách thức. Như các mạng lưới truyền thông xã hội khác, Clubhouse đang đối mặt với những chỉ trích xoay quanh những nội dung có phần "chướng tai gai mắt" đang được phát sóng trên website. Vào tháng 9 năm ngoái, Clubhouse vướng vào một vụ lùm xùm khi một số diễn giả thể hiện thái độ "bài Do Thái". Startup này cần đầu tư nhiều hơn vào các tính năng nhằm tăng cường độ an toàn và niềm tin của khán giả, đồng thời thuê thêm người giám sát nội dung để hạn chế tình trạng bỏ lọt những nội dung không phù hợp. Clubhouse còn phải thận trọng trước các đối thủ cạnh tranh đang nhăm nhe xuất hiện, ví dụ Twitter đang thử nghiệm tính năng phòng chat âm thanh ngay trong ứng dụng, gọi là Spaces.
Twitter Spaces
Nhưng có lẽ mọi chuyện đã quá trễ đối với các đối thủ. Dù dịch vụ mới của Twitter có một số tính năng khác biệt - bao gồm phiên dịch thời gian thực hiện ra trên màn hình, và chia sẻ các tweet lên phòng chat nhằm phục vụ mục đích thảo luận - nó vẫn chủ yếu chỉ tiếp cận được những người theo dõi của một tài khoản cụ thể. Nó thiếu sự ngẫu nhiên độc đáo của Clubhouse, thứ cho phép mọi người từ những lĩnh vực khác nhau gặp gỡ và hình thành những mối quan hệ thông qua những điều họ đang muốn khám phá. Clubhouse còn có lợi thế nhờ việc liên tục thêm vào những nội dung và cải tiến mới mỗi tuần - bao gồm nhiều loại phòng khác nhau, feed thông báo hoạt động và lịch sự kiện. Sẽ rất khó để bất kỳ công ty nào khác bắt kịp!
Tất nhiên, ứng dụng này cho đến nay đã hưởng lợi được khá nhiều từ đại dịch khi mà mọi người đang tìm mọi cách để "tụ tập" với nhau mà vẫn tránh được tương tác giữa ngừoi với người và các hoạt động ngoài trời. Nhưng kể cả sau khi cuộc sống trở lại bình thường, tần suất sử dụng Clubhouse có lẽ sẽ tiếp tục ổn định, hơn hẳn những gì nhiều người vẫn nghĩ. Nền tảng này là một cách tiện lợi và dễ dàng để gặp gỡ những người bạn mới thông qua những cuộc thảo luận thân mật, và lắng nghe những sự kiện tương tự những cuộc hội thảo mà thông thường sẽ rất khó để tham dự ngoài đời thực.
Có lẽ điều quan trọng nhất là tần suất sử dụng và mức độ tương tác đáng ngạc nhiên của Clubhouse. Ở cấp độ người dùng, một số người chú ý rằng kể từ khi cài đặt ứng dụng, thời gian họ bỏ ra cho ứng dụng này đã cao hơn đáng kể so với bất kỳ mạng xã hội nào khác - hơn cả TikTok, Twitter, hay Instagram. Đó là một dấu hiệu cho thấy sức lôi cuốn của một mạng xã hội âm thanh. Có lẽ một khi Clubhouse mở cửa cho công chúng, lượng người dùng của nó sẽ tăng lên đến hàng chục triệu người. Những gã khổng lồ mạng xã hội khác nên lo lắng đi là vừa!
Facebook phát triển ứng dụng đối đầu Clubhouse Nhiều nhóm nội bộ trong Facebook được cho là đang nghiên cứu các sản phẩm trò chuyện có thể cạnh tranh với dịch vụ Clubhouse mới nổi. Sự thành công của Clubhouse khiến Facebook không thể đứng ngoài cuộc Theo Bloomberg, một sản phẩm khả thi trong số này liên quan đến Messenger Rooms, tính năng trò chuyện video mà Facebook đã giới...