Clip xé đề cương môn Sử: Chỉ là hành động bồng bột?
Trong khi rất nhiều ý kiến bày tỏ sự bất bình, người dạy – học Sử chạnh lòng… thì vẫn có ý kiến cho rằng không nên trầm trọng hóa vấn đề, đây chỉ là hành động bồng bột của học sinh.
Hình ảnh học sinh xé đề cương môn Sử.
Vừa qua, clip Hàng trăm học sinh xé đề cương Sử đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng khiến dư luận rất bức xúc. Clip này đã được xác nhận là củahọc sinh trường THPT Nguyễn Hiền (TP. HCM).
Về sự việc này chúng tôi đã trao đổi với PGS.TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) và PGS.TS Phạm Xanh (khoa Lịch sử, ĐH QGHN).
Trao đổi trên Tuổi trẻ, ông Nguyễn Cảnh Tân – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền – cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, tôi đã cho nhân viên của trường gom lại thì đó không chỉ có đề cương môn Sử mà còn có đề cương nhiều môn khác, cả giấy vụn, giấy nháp… Tôi đã đích thân đi hết 14 lớp 12 nói chuyện và hỏi các em tại sao làm như vậy? Các em cho biết đó là cách để giải tỏa áp lực tâm lý vì bị ức chế quá nhiều.
Đây chỉ là hành động bột phát của một số em lớp 12 chứ không phải tất cả học sinh tham gia (vì có nhiều lớp cho biết không biết gì về sự kiện này). Sau đó nhiều em đã khóc vì hối hận”.
PGS.TS Văn Như Cương: “Đây chỉ là hiện tượng đơn lẻ“
Theo tôi đây chỉ là hiện tượng đơn lẻ diễn ra ở một trường chứ không phải phổ biến. Bởi về mặt tâm lý khi không phải thi môn Lịch sử học sinh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Có thể trường THPT Nguyễn Hiền do suy đoán môn Sử năm nay vẫn tiếp tục thi tốt nghiệp, vì vậy đã làm đề cương và bắt học sinh ôn luyện từ rất sớm.
Trước khi Bộ GD – ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp thì trên thị trường chỉ bán tài liệu ôn thi của ba môn Văn, Toán, Anh; sau ngày 30/3, mới phát hành nốt ba môn Sinh, Hóa và Địa. Như vậy trên thị trường không có bán đề cương môn Lịch sử. Tài liệu mà các em xé chỉ là của trường đó mà thôi.
Video đang HOT
Việc làm này của các em cũng rất đáng phê phán nhưng nên thận trọng khi đánh giá học sinh ghét môn Sử một cách quá đáng như vậy.
Chúng ta nên đánh giá chuyện này một cách nhẹ nhành hơn. Học sinh vui vì không phải thi môn Sử đó cũng là điều bình thường vì Sử khó. Việc xé tài liệu thực ra là hành động trẻ con bồng bột, thêm vào đó là tâm lý đám đông, vài học sinh làm rồi dẫn tới nhiều em khác làm theo.
Như vậy, nếu đánh giá hiện tượng này một cách chính xác thì chúng ta cũng không nên nói học sinh chán Sử, ghét Sử và hư đến thế.
Theo tôi, nhà trường cần nhắc nhở và chấn chỉnh hiện tượng này nhưng không nên đặt nặng và làm nghiêm trọng hóa vấn đề.
Nhiều người cho rằng đây là hành động bồng bột của các em học sinh. Vấn đề sâu hơn ở đây là sự quá tải của môn học, khiến học sinh sợ môn Lịch sử.
PGS.TS Phạm Xanh: “Buồn cho môn Lịch sử“
Khi nghe được thông tin này tôi cảm thấy rất buồn cho môn Lịch sử và những người làm Sử. Tất nhiên chúng ta có thể nghĩ đó là hành động bồng bột của tuổi trẻ. Nhưng nếu không có chuyện bỏ môn Lịch sử trong kỳ thi sắp tới thì sẽ không có chuyện đó.
Tôi nghĩ, đối với 6 môn khoa học cơ bản (Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa), đều phải thi nhưng giảm tải bớt và chỉ chú trọng vào một số nội dung quan trọng. Như vậy các em sẽ có ý thức tôn trọng khoa học cơ bản hơn.
Việc không có môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT còn có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng của thí sinh thi khối C năm nay.
Theo tôi, hành động này của các em cũng đáng bị lên án, bởi đây là phản ứng không tốt và có sự lôi kéo của bạn bè. Tuy nhiên chúng ta cũng không cần phải kỷ luât nặng nề, nhưng nên chấn chỉnh để các năm sau sẽ không có sự việc tương tự xảy ra.
Xung quanh vấn đề này chúng tôi cũng nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả với những quan điểm trái chiều.
Độc giả Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ: “Mặc dù môn Sử rất khó nên đa phần đều sợ môn này nhưng không vì thế mà có hành động như vậy”.
Đồng quan điểm, nickname Khaivietnam cho rằng: “Không thể chấp nhận được hành vi này, bởi giống như đang vứt bỏ lịch sử dân tộc vậy. Đề nghị Bộ Giáo dục cho tiếp tục thi môn Lịch sử. Tại sao học sinh lớp 12 mà lại hành động thiếu suy ngĩ như vậy”.
Một bạn trẻ có nickname Phuthuyrungxanh chia sẻ: “Mình là một sinh viên học ngành Lịch sử, tương lai mình sẽ là cô giáo dạy Sử. Nhìn những hình ảnh này cảm thấy bức xúc kinh khủng. Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục nên đưa môn này thi tốt nghiệp hàng năm. Mình nghĩ là người Việt Nam thì phải biết được Lịch sử Việt Nam, bởi cuộc sống hôm nay mà ta đang sống là của lịch sử để lại cho ta.
Nickname KissMiss cũng đồng tình: “Trong khi một số người cố gắng tìm tòi lịch sử để chứng minh chủ quyền của đất nước khi bị Trung Quốc nhăm nhe chiếm các đảo của mình thì các bạn lại tự tay xé đi những trang sử mình học được. Như thế này thì càng phải đưa môn sử vào trong kỳ thi quan trọng”.
Bên cạnh đó, nhiều độc giả cũng thể hiện quan điểm không nên nghiêm trọng hóa vấn đề này.
Độc giả Tuấn Ryan cho biết: “Đây là hành động không đúng, tuy nhiên chúng ta phải hiểu phần nào tâm trạng của các em khi bớt đi áp lực, do khích quá nên mới có hành động như vậy, tuổi trẻ, ham vui ham chơi thôi. Đừng đặt nặng vấn đề ở đây quá”.
Bạn Ngô Trần Minh Quân chia sẻ: “Tôi thắc mắc môn Lịch sử phải được giảng dạy như thế nào thì học sinh mới có phản ứng như vậy. Tự hào về lịch sử dân tộc không đồng nghĩa với việc yêu thích lịch sử và cách dạy hiện tại. Tôi nghĩ cần nhìn nhận lại từ nhiều góc độ. Tôi là lập trình viên, và cũng là cư dân mạng, tôi không cảm thấy bức xúc như thế”.
AN HOÀNG
Theo Infonet
Ăn Tết mất vui vì... bài tập về nhà
Kỳ nghỉ Tết kéo dài tới 11 ngày là điều được trông mong nhất đối với học sinh. Tuy nhiên, điều khiến các bậc phụ huynh lo lắng là các con có được một cái Tết trọn vẹn hay không nếu vẫn phải "đánh vật" với hàng chục bài tập được giao về nhà trong dịp nghỉ này.
Khóc vì trót vui cả 4 ngày Tết
"Trước ngày đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 4 ngày, con mình ngồi im trong phòng, gọi không xuống ăn cơm. Gõ cửa mãi mới chịu mở thì thấy đang ngồi khóc. Khi hỏi ra mới vỡ lẽ, vì cháu được về quê thăm bà nội đã không kịp làm hết 30 bài tập cô giao về nhà làm trong 4 ngày nghỉ" - chị Phạm Thúy Nga, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Siêu (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Khó có thể từ chối lượng bài tập cô giao về nhà trong các dịp nghỉ kéo dài với lý do sợ các con chểnh mảng, không bắt nhịp được với lịch học sau kỳ nghỉ, các vị phụ huynh đều cố gắng cùng con lo bài tập trong khi đầu óc còn đang quanh quẩn với cả trăm việc dịp Tết. "Không nhẽ nhìn các con đang chơi vui với gia đình, mẹ lại làm con mất hứng với câu hỏi thường ngày: làm bài tập chưa con?" - chị Nga cho biết. Vậy nên, toàn bộ bài tập Tết nếu được giao về nhà đều được các vị phụ huynh cố "nhồi" cho con hoàn thành trước Tết để năm mới không "nợ nần" gì. Tuy nhiên, cách xử lý bài tập này lại phản tác dụng giáo dục. Vì các thầy cô đều mong muốn học sinh của mình duy trì nền nếp học tập hàng ngày chứ không phải làm để đối phó như vậy.
Nghỉ Tết dài ngày khiến các trường lo ngại học sinh trễ nải học tập.
"Mình nghĩ không nên giao nhiều bài tập! Bình thường con đã học nhiều rồi, ngày lễ tết nên cho con có thời gian chơi, nghỉ ngơi cùng mọi người...! Như người lớn vậy, chẳng ai muốn mang việc về nhà ngày Tết, ngày nghỉ bao giờ" - chị Nguyễn Thúy Toàn, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Tây Sơn (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.
Không giao bài tập cho tiểu học
"Học sinh THCS thì giáo viên có thể có đề cương hướng dẫn các em ôn tập trong thời gian nghỉ Tết nhưng với học sinh tiểu học thì Phòng GD-ĐT Tây Hồ sẽ có thông báo để các trường quán triệt việc không giao bài tập về nhà trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới" - ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết. "Tôi cũng là phụ huynh, có con đi học nên rất hiểu. Con mà có cả tá bài tập về nhà thì thử hỏi bố mẹ ăn Tết có ngon không?" - ông Vũ chia sẻ. Tuy nhiên, cũng theo ông Vũ, các trường trên địa bàn quận đều có nếp, sau kỳ nghỉ Tết sẽ không có không khí ngày lễ trong trường học mà lập tức học tập nghiêm túc ngay từ buổi đầu tiên.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, việc học tập ra sao trong kỳ nghỉ Tết còn tùy thuộc vào lứa tuổi. Với học sinh THPT, theo ông Lâm thì việc quan trọng nhất là làm sao để các em vui chơi an toàn, tránh các tai nạn do ham vui, đua đòi với bạn bè.
Còn với học sinh tiểu học, theo ông Lâm, các trường hoàn toàn không cần thiết phải giao nhiều bài tập về nhà. "Tuy nhiên, các gia đình cũng nên có kế hoạch cho con vui chơi có ý nghĩa. Thay vì chỉ ăn uống, phụ huynh nên dành thời gian đưa con tham gia vào hoạt động văn hóa, tìm hiểu truyền thống ngày Tết. Tôi biết là bảo tàng Dân tộc học thường xuyên tổ chức các trò chơi mô phỏng sinh hoạt truyền thống Tết dân tộc. Nếu được tham gia học sinh tiểu học sẽ thấy hấp dẫn, qua đó mà học được nhiều điều thú vị" - ông Lâm lưu ý.
Cũng theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, với kỳ nghỉ Tết kéo dài sắp tới phụ huynh nên có kế hoạch cho con em được vui chơi nhưng vẫn dành thời gian ổn định sinh hoạt trước khi đi học trở lại. "Khoảng 2 ngày cuối kỳ nghỉ Tết, phụ huynh nên tập dần thói quen cho con mình học tập như những ngày đi học trước đó. Như vậy, đến ngày nhập học, các em sẽ thích nghi nhanh. Nếu không, trạng thái rề rà kéo dài, gây ảnh hưởng rất lớn đến học tập của các em"- cô Nguyễn Khánh Linh, giáo viên Trường Tiểu học Cầu Diễn (Q. Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Theo Duy Anh
ANTĐ
Giới hạn HS vào trường quốc tế: Bất hợp lý GS Phạm Minh Hạc tỏ ra bất bình trước Nghị định 73 giới hạn học sinh Việt Nam vào trường quốc tế chỉ 10%. Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng quy định này sẽ lại gây ra cơ chế "xin - cho", "chạy" vào các trường quốc tế. Giáo sư Phạm Minh Hạc đặt câu hỏi: Nhà nước cho phép người nước...