Chuyện vượt khó của một ngôi trường
Đang trong giai đoạn ‘chuyển mình’ sang trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025, Trường Tiểu học ‘A’ Bình Long (huyện Châu Phú) đối diện với nhiều khó khăn.
Muốn vượt khó, ngoài nỗ lực nội tại, thầy và trò nhà trường còn cần thêm sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, ngành chuyên môn.
Nằm trên Quốc lộ 91, thông thương đường sá, nên từ khi vừa thành lập, Trường Tiểu học “A” Bình Long thu hút đông đảo học sinh quanh vùng đến học. Chất lượng giáo dục của nhà trường dần được khẳng định bởi những thế hệ học trò thành đạt, có người giữ chức vụ cao của tỉnh.
Cô Ngô Thị Trang gắn bó với ngôi trường từ thuở bé, khi những bài học vỡ lòng đầu cấp 1 đều được cô góp nhặt từ nơi này. Như vòng xoay kỳ diệu của cuộc sống, 20 năm trước, cô trở về trường với vai trò giáo viên, tiếp tục trải tâm tình vui buồn với trường. Sau thời gian chuyển công tác đi nhiều đơn vị khác, 7 năm trước, cô trở về trường, đảm nhiệm vị trí Tổ khối trưởng khối 2. “Chỉ có tình cảm đặc biệt mới giúp tôi đi rồi lại trở về trường. Nơi đây, tôi được sống trong môi trường vui vẻ, thoải mái giảng dạy cùng đồng nghiệp, được tạo điều kiện phát huy năng lực bản thân, bởi chất lượng giáo dục của trường nổi trội hơn” – cô Trang chia sẻ.
Nhắc đến Trường Tiểu học “A” Bình Long, là nhắc đến đơn vị trường học có bề dày thành tích đáng nể. “Trường nằm trong tốp đầu của huyện, thành tích ổn định khi thi đâu thắng đó. Nội lực của trường đến từ đội ngũ giáo viên có tâm, trách nhiệm; từ hàng loạt thành tích trong chuyên môn lẫn phong trào. Năm 2021, trường đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, có 2 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 2 giáo viên dạy giỏi cấp huyện” – thầy Quách Văn Nhàn (Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Phú) nhận xét.
Nhưng gần đây, trường đối mặt với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Từ 22 phòng học năm học 2020-2021, trường bàn giao 8 phòng học cho UBND xã Bình Long làm trụ sở làm việc. Tháng 10/2021, trụ sở UBND xã được đầu tư xây dựng trên khuôn viên đất của Trường Tiểu học “A” Bình Long theo quyết định của UBND tỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc, nhà trường phải sắp xếp lại phòng học hiện có để đảm bảo cơ bản hoạt động dạy và học. Dự kiến, cuối năm 2022, Trường Tiểu học “A” Bình Long sẽ được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình xã nông thôn mới tại điểm chính Trường Tiểu học “C” Bình Long (theo đề án sáp nhập 2 trường thành Trường Tiểu học An Bình Long). Khó khăn về cơ sở vật chất sẽ được giải quyết ổn thỏa trong tương lai.
Tuy nhiên, năm học này và năm học 2023-2024, nhà trường phải giải bài toán tìm lớp cho học sinh. Hiện nay, trường có 13 phòng học, nhưng đến 19 lớp. Trong đó, 11 lớp (khối 1, 2, 3) phải tổ chức dạy 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (32 tiết/tuần). Để bù đắp 3 lớp còn thiếu, nhà trường cho khối lớp 1 học trực tiếp 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần). Khối lớp 2 học trực tiếp 5 buổi/tuần, còn 7 tiết chuyển sang học trực tuyến. Khối lớp 3 học trực tiếp 7 buổi/tuần, còn 3 tiết học trực tuyến.
“Như vậy, cả 3 khối đều học đủ 32 tiết/tuần, đúng quy định của ngành giáo dục và đào tạo. Các tiết học trực tuyến đều là tiết học tăng cường. Nếu học sinh không có điều kiện học trực tuyến, giáo viên nắm rõ danh sách, ôn lại kiến thức cho các em khi học trực tiếp. Hoặc giáo viên gửi bài cho phụ huynh hỗ trợ kiểm tra việc học của các em; gửi bài tập bằng văn bản giấy cho học sinh ôn luyện tại nhà. Ngoài ra, chúng tôi khuyến khích các em học chung 1 thiết bị điện tử để cùng san sẻ khó khăn về thiết bị” – Hiệu trưởng Trường Tiểu học “A” Bình Long Nguyễn Thành Hưng thông tin.
Theo thầy Quách Văn Nhàn, sân chơi, sân tập thể dục vẫn đảm bảo để học sinh vui chơi, học tập thời điểm này. Thời gian tới, khi khởi công xây dựng trụ sở UBND xã Bình Long thì nhà trường sẽ gặp khó khăn trong giảng dạy môn Thể dục. Bên cạnh đó, năm học tới, học sinh khối lớp 4 bắt đầu học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Áp lực về phòng học sẽ tăng thêm. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm giải pháp hỗ trợ nhà trường, bằng cách phân luồng học sinh về các trường khác trong địa bàn hoặc lân cận để đảm bảo việc học của các em. Cùng với đó là nghiên cứu xây dựng vài phòng học tiền chế (nhưng vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn), giải quyết khó khăn tạm thời trong 2 năm này” – thầy Nhàn chia sẻ thêm.
Chúng tôi tạm biệt Trường Tiểu học “A” Bình Long, cùng lời tâm sự của cô Trang: “Thầy cô giáo, kể cả ban giám hiệu đã nhường toàn bộ phòng cho học sinh. Chúng tôi làm việc trong không gian chật hẹp, chỉ là những góc bàn nhỏ. Hiểu được hoàn cảnh hiện tại của trường nên giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh đều cùng chia sẻ, cố gắng vượt qua cùng nhau, mong chờ ngày có được cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học”.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhận định, năm học 2022-2023, vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, như: Thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc, không được cắt xén. Các môn học là bắt buộc; phải dạy đầy đủ số tiết để không thiệt thòi cho học sinh.
Trường THPT Cát Bà ngôi trường nơi đảo sóng tròn 50 năm tuổi
50 năm xây dựng và trưởng thành, Trường THPT Cát Bà (Hải Phòng) đã 'thay da đổi thịt', trở thành ngôi trường nơi đảo sóng được phụ huynh, học sinh tin yêu.
Hôm nay (13/11), Trường Trung học phổ thông Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường.
Giữa lúc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ đang ác liệt nhất, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ra chỉ thị: "Phải mở cho được trường cấp 3 trên đảo Cát Bà".
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, ngày 16/8/1971, lớp 8 đầu tiên với 45 học sinh được thành lập, ghép chung với Trường phổ thông cấp 2 Hà Sen, khởi đầu cho sự ra đời của Trường Trung học phổ thông Cát Bà ngày nay.
Video đang HOT
Tháng 9/1973, Trường phổ thông cấp 3 huyện Cát Bà chính thức có quyết định thành lập, do thầy giáo Vũ Xuân Nghìn làm quyền Hiệu trưởng, trường đóng tại khu hợp tác xã Hùng Sơn (thôn Áng Sỏi, xã Trân Châu).
Trường được dựng trên khu đất khoảng 2000m2 với 2 dãy nhà tranh vách nứa gồm 5 phòng học, 1 khu giáo viên ở, 1 khu ký túc xá cho học sinh ở xa nội trú;
Tất cả đều do phụ huynh học sinh và sự đóng góp của nhân dân bằng tranh, tre, nứa lá, cùng các thầy cô giáo nhà trường tự xây dựng, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn...
Trong suốt quá trình phát triển, Trường Trung học phổ thông Cát Bà luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp, ngành (Ảnh: TT)
Giai đoạn 1976-1978, sau khi sáp nhập 2 huyện Cát Bà và Cát Hải, trường mang tên Trường Trung học phổ thông cấp 3 Cát Bà do thầy giáo Lê Quang Biện làm Hiệu trưởng.
Về cơ sở vật chất nhà trường đã làm thêm được dãy nhà ở 6 gian cho giáo viên bằng tranh tre vách đất, có tổng số: 04 lớp (1 lớp 8, có 2 lớp 9, 1 lớp 10) với 166 học sinh, 2 tổ chuyên môn (tổ tự nhiên và tổ xã hội), 5 chi đoàn và 104 đoàn viên, Danh hiệu học sinh tiên tiến 36 học sinh, Học sinh đỗ đại học, các trường trung học chuyên nghiệp 10 học sinh.
Năm 1978, người Hoa sinh sống tại Cát Bà về nước. Để giữ vững và ổn định tình hình, được sự chỉ đạo của Huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 1978-1979, trường chuyển về thị trấn Cát Bà, tiếp nhận cơ sở trường bổ túc văn hóa dành cho người Hoa để lại, trường do thầy giáo Phạm Xuân Ba làm Hiệu trưởng.
Trường có 4 phòng học cấp 4, 1 khu nhà tập thể giáo viên gồm 5 phòng nhỏ, trường biên chế 7 lớp với tổng số 265 học sinh phải học 2 ca.
Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Cát Bà hiện nay (Ảnh: TT)
Tháng 9/1981, nhà trường vinh dự được đón đồng chí Lê Duẩn - Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng về thăm, đem theo lời Bác Hồ dạy: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt - học thật tốt" nhằm động viên thầy và trò phải nỗ lực vượt lên.
Năm học 1990-1991, nhà trường được ghép chung với trường cấp 2, mang tên Trường phổ thông cấp II-III Cát Bà, do thầy giáo Trần Đức Tĩnh làm Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng.
Lúc này, trường có 10 lớp với 278 học sinh, 4 tổ chuyên môn (tổ tự nhiên cấp 3, tổ tự nhiên cấp 2, tổ xã hội cấp 3, tổ xã hội cấp 2).
Đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường Trung học phổ thông Cát Bà tâm huyết, yêu nghề (Ảnh: TT)
Đến năm 1994, Trường đổi tên thành Trường phổ thông trung học Cát Bà, nay là Trường Trung học phổ thông Cát Bà.
Sau 50 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, Trường Trung học phổ thông Cát Bà đã trở lên khang trang, sạch đẹp hơn, trở thành điểm sáng trong công tác giáo dục đào tạo, bồi dưỡng nhân tài của huyện Cát Hải nói riêng và khối trường Trung học phổ thông ngoại thành nói chung.
Chất lượng thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Trường Trung học phổ thông Cát Bà luôn đứng trong top các trường ngoại thành (Ảnh: TT)
Từ năm 2018-2022, nhà trường liên tục được đầu tư xây mới 3 tòa nhà 3 tầng với 22 phòng học, 1 phòng học đa năng và khu hiệu bộ từ nguồn vốn đầu tư công của huyện; được Sở Giáo dục và Đào tạo đầu tư cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất từ nguồn vốn không thường xuyên.
Cơ sở vật chất từng bước được đầu tư mới đáp ứng yêu cầu dạy, học của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chất lượng thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Trường Trung học phổ thông Cát Bà luôn đứng trong top các trường ngoại thành (Ảnh: TT)
Năm học 2022-2023, nhà trường có 39 cán bộ, giáo viên và nhân viên, 100% giáo viên đạt chuẩn; trường có 14 lớp với 533 học sinh; Trường có đủ 14 phòng học chuẩn, các phòng học có trang bị máy chiếu, mạng Wifi.
Trong suốt quá trình phát triển, nhà trường đã nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, huyện Cát Hải và đạt được nhiều thành tích đáng tự hào.
Năm 2019, nhà trường được công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, kiểm định chất lượng đạt mức độ 2, góp phần vào phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu trên đảo Cát Bà.
Năm học 2019 -2020, Trường Trung học phổ thông Cát Bà được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.
Học sinh nhà trường tích cực tham gia các chương trình giáo dục STEM (Ảnh: TT)
Năm học 2020-2021, tỷ lệ học sinh Trường Trung học phổ thông Cát Bà xếp loại hạnh kiểm khá, tốt đạt 100%; về văn hóa, học sinh loại khá, giỏi đạt 91,1%.
Chất lượng thi tốt nghiệp trung học phổ thông có tiến bộ vượt bậc, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 100%, trường đứng thứ 19/62 toàn thành phố, tăng 15 bậc so với năm học trước, có 5 môn điểm trung bình vượt mức bình quân thành phố, được tôn vinh trong bảng xếp hạng thi đua năm học đứng thứ nhất khối 8 trường huyện.
Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tiếp tục có sự tiến bộ. Năm học 2020-2021 nhà trường đạt 8 giải; Năm học 2021-2022, học sinh nhà trường đoạt 15 giải, trong đó 1 giải nhất, 2 giải nhì, 5 giải ba, 6 giải khuyến khích ở kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố; 1 giải nhì khoa học kỹ thuật cấp thành phố.
Cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường luôn đoàn kết, thống nhất, sáng tạo trong các phong trào thi đua dạy tốt - học tốt (Ảnh: TT)
Năm 2021, Chi bộ nhà trường đạt tiêu chuẩn tổ chức cơ sở đảng "trong sạch, vững mạnh" tiêu biểu.
Nhà trường được Công an thành phố Hải Phòng tặng giấy khen trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, Ban chỉ huy Quân sự huyện Cát Hải tặng giấy khen cho Đội tự vệ nhà trường...
Nhiều năm liền, với thành tích tiêu biểu, xuất sắc, Trường Trung học phổ thông Cát Bà được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân thành phố tặng bằng khen, cờ thi đua.
Năm học 2019-2020, trường vinh dự đón nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học".
Năm học 2020-2021, nhà trường được Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng bằng khen. Năm học 2021-2022, trường được đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của Ủy ban nhân dân thành phố.
Ngôi trường nơi đảo sóng đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy của phụ huynh (Ảnh: TT)
Thầy giáo Nguyễn Trung Thành - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cát Bà nhấn mạnh: "Để đạt được những kết quả tốt đẹp trên là nhờ sự quan tâm của các ban, ngành thành phố, sự chỉ đạo sát sao của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, sự động viên kịp thời của lãnh đạo huyện Cát Hải; sự quan tâm, đồng hành của cha mẹ học sinh.
Đặc biệt là sự kết tinh nhiệt huyết, công sức, trí tuệ của các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường.
Trong thời gian tới, tập thể thầy và trò Trường Trung học phổ thông Cát Bà vững tâm, bền chí, đẩy mạnh phong trào thi đua dạy thật tốt, học thật tốt, làm chủ chương trình giáo dục phổ thông mới; tham gia tích cực vào tiến trình chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, ứng dụng công nghệ 4.0.
Cùng với đó, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nỗ lực đạt được nhiều thành công trong bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, có nhiều học sinh giỏi các cấp, tỷ lệ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao, có nhiều học sinh đỗ vào đại học.
Để từ đó, tiếp tục viết những trang mới, làm tô đẹp thêm bề dày truyền thống Trường Trung học phổ thông Cát Bà, xứng đáng là hình ảnh đẹp "Ngôi trường nơi đảo sóng".
Giáo dục miền núi Sơn La vượt khó, chuyển mình ấn tượng Lần đầu có học sinh mang cầu truyền hình Olympia về tỉnh; điểm trung bình tốt nghiệp THPT cao hơn 10 bậc so với năm trước... Những kết quả ấy đã minh chứng cho nỗ lực của thầy, trò miền núi Sơn La với quyết tâm vượt khó, chuyển mình, rút ngắn khoảng cách với miền xuôi. Năm học vừa qua, Trường THPT...