Chuyện về nơi học sinh dùng hoa rừng tặng thầy cô ngày 20/11
Dù vất vả, thiếu thốn nhưng 12 năm trôi qua, thầy Hoàn vẫn bám trường, bám lớp, cống hiến trí lực của tuổi trẻ, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy.
Thầy Hoàn tận tình chỉ bảo các học sinh tại trường
Bám trường vì thương học sinh
Năm 2007, Hoàng Xuân Hoàn-chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp ngành Thể dục-Đoàn đội (Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum), nộp hồ sơ, xin lên huyện nghèo Kon Plông (Kon Tum) công tác với mong muốn góp một phần nào giúp đỡ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại đây. Sau đó, anh Hoàn được nhận vào công tác tại Trường PTDT BT-THCS Ngọk Tem (xã Ngọk Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum).
Kể về thời điểm mới đến trường nhận công tác, thầy Hoàn cho biết, ngày đầu tiên, anh phải vượt chặng đường hơn 100km từ nhà để đến trường. Lần đó trời mưa, đường đất đỏ trơn trượt. Người thầy trẻ vừa đi, vừa hỏi đường, đi từ 8h sáng tới 18h tối mới đến nơi. “Trời mưa, đường trơn, tôi đến nơi thì đã tối. Lúc đó, người tôi ướt lạnh, run lẩy bẩy. Lúc đó, nhìn ngôi trường chỉ có vài phòng học cũ kĩ, tôi hiểu mình sẽ bắt đầu đối diện với nhiều khó khăn, thiếu thốn nơi đây”, thầy Hoàn kể lại.
Đúng như dự đoán, ngày đầu bước lên bục giảng, lớp thầy Hoàn chỉ có 5 em học sinh. Đa số, các em đều đi chân đất, mặc quần áo lấm lem đến lớp. Sau khi kết thúc buổi học sáng, các em nghỉ trưa ăn cơm và người thầy trẻ đã phải chứng kiến cảnh hết sức cảm động. “Bữa cơm trưa của các em là những nắm cơm nguội được gói trong lá rừng và muối. Dù cơm nguội, khô nhưng các em vẫn chấm muối, ăn ngon lành. Lúc đó, tôi rất thương các em và nguyện sẽ cống hiến trí lực của bản thân, của tuổi trẻ để góp phần giúp những học sinh nơi đây có tương lai hơn”, anh Hoàn bùi ngùi nhớ lại.
Thấm thoắt đã 12 năm trôi qua, thời gian đã đổi thay nhiều thứ. Ngôi trường lụp xụp hôm nào cũng được xây dựng khang trang, các em học sinh đến lớp với trang phục gọn gàng, sạch sẽ hơn…
Chỉ có một điều bất di bất dịch không thay đổi, đó là “lửa” nghề trong anh Hoàn, một thầy giáo tận tụy vẫn cháy bổng với những khát khao, cống hiến vô cùng tận. Trong 12 năm ấy, đã để lại cho thầy giáo trẻ vô vàn ký ức không thể nào quên trong đời.
Hiện thầy Hoàn là Tổng phụ trách đội tại Trường PTDT BT-THCS Ngọk Tem
Thầy trò cùng nhau vượt khó
Thầy Hoàn kể, vào năm 2014, khi đưa một số em học sinh ở trường ra trung tâm huyện để tham dự cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ thì trời lại mưa lớn. Sau khi vật lộn với quãng đường trơn trượt, sình lầy, thầy Hoàn cùng các học sinh đành đi nhờ xe ô tô chở đồ ăn của người dân để ra huyện cho kịp giờ thi. Vậy mà, chiếc xe bị hư giữa đường, thầy Hoàn cùng học sinh lo lắng trễ giờ, sốt sắng xuống đẩy xe, hy vọng nổ máy lại nhưng không được.
Cuối cùng, thầy Hoàn phải gọi điện ra huyện, nhờ thầy cô ngoài đó hỗ trợ, đưa xe vào đón mọi người. Đến huyện, nhóm học sinh của thầy Hoàn đã trễ giờ thi. Tuy nhiên, Ban tổ chức đã du di, bố trí thêm thời gian để cho các em học sinh vùng sâu được trổ tài.
Quên đi cái lạnh, mệt, đói và bộ dạng lấm lem, các em học sinh của thầy Hoàn bước lên sân khấu, kể rành mạch câu chuyện Bác Hồ đến thăm người nghèo. Phần thi của học trò thầy Hoàn nhận được những tràng pháo tay khen ngợi.
Video đang HOT
Thế rồi, khi Ban tổ chức công bố giải, ai cũng bất ngờ vì những học sinh vừa vượt chặng đường hơn 50km, lấm lem bùn đất ấy vinh dự được trao giải nhất. “Thầy trò tôi ôm nhau sung sướng. Lúc đó, tôi và các em rất xúc động, hạnh phúc”, thầy Hoàn nhớ lại.
Ngoài chuyện trơn trượt do mưa, con đường đến trường của thầy Hoàn còn tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường từ việc lở đá. Thầy Hoàn kể, vào năm 2016, khi đi từ nhà vào trường, một hòn đá lớn từ trên núi bị lở, lăn ầm ầm hướng xuống đường. Khi đó, thầy Hoàn chỉ biết đứng chôn chân, cầu mong bản thân sẽ bình an. Rất may, hòn đá vướng phải một cây lớn, bị cản lại, giúp thầy Hoàn thoát nạn.
Cũng theo thầy Hoàn, trong thời gian công tác tại Trường PTDT BT-THCS Ngọk Tem, thầy thấy vui nhất mỗi dịp đến ngày 20/11. Vui bởi đúng ngày này, các học sinh sẽ tìm, mang những nhánh hoa rừng rực rỡ đến tặng các thầy cô. Những nhành hoa dại thuần khiết, mộc mạc nhưng chứa đầy tình cảm trân quý của các học trò nghèo vùng sâu đến với thầy cô giáo.
Theo thầy Phạm Duy Sơn-Hiệu trưởng Trường PTDT BT-THCS Ngọk Tem, trong năm học 2019-2020, trường có 9 lớp với 235 học sinh. Trong đó, đa số các em là người dân tộc Ca Dong, có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Nhận xét về thầy Hoàn, vị Hiệu trưởng tự hào cho biết, đây là giáo viên trẻ, năng động, luôn là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và là một trong những gương mặt tiêu biểu của tỉnh đoàn. Trong 12 năm công tác tại trường, thầy Hoàn đã có nhiều cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hiện thầy Hoàn là Tổng phụ trách đội của Trường PTDT BT-THCS Ngọk Tem.
Được biết, thầy Hoàn cùng 62 thầy, cô giáo khác vừa vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019″ nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam ngày 20/11.
Đây là chương trình ý nghĩa, tôn vinh những nhà giáo đang giảng dạy tại các huyện vùng sâu, vùng xa của đất nước, đạt thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Chương trình này do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban dân tộc; Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại thủ đô Hà Nội.
Theo infonet
Ngày 20/11 ở điểm trường chỉ có 2 cô giáo, 34 học sinh từng lay động hàng triệu con tim ngày khai giảng
Trên đỉnh Ngọc Linh quanh năm mây phủ trắng lưng trời, những cung đường gập ghềnh, cheo leo luôn là nỗi trăn trở cố hữu với thầy cô giáo mang sứ mệnh gieo chữ.
Những ngày này, cô giáo Trà Thị Thu, điểm trường Tắk Pổ (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cùng đồng nghiệp đang sống trọn niềm vui khi nghề nghiệp của mình được tôn vinh. Món quà dịp 20/11 mà cô nhận được là những bó rau, nhành hoa rừng từ học trò.
Món quà đơn sơ, giản dị nhưng chất chứa thứ tình cảm bao la, trìu mến của học trò vùng cao.
Với cô Thu hay bất kỳ giáo viên nào ở đây, món quà ý nghĩa nhất với họ là được nhìn thấy học sinh đến trường, chứ không hẳn là bó hoa hay bất cứ món đồ nào. Bởi ở độ cao 2.000 mét so với mực nước biển, tự bao đời qua, sợi dây nghèo khó cứ quấn riết huyện miền núi Nam Trà My - nơi đại đa số đồng bào Ca Dong cư ngụ. Ngày ba bữa cơm còn chưa lo được, huống hồ là cho trẻ đi học.
Nhưng dẫu cho cái nghèo, cái khổ về vật chất ngự trị, bủa vây cũng không thể ngăn nổi bước chân lặn lội của những "người đưa đò" tình nguyện "gùi" con chữ lên đỉnh Ngọc Linh.
Đường lên nóc Tắk Pổ gian nan, hiểm trở.
Phía sau con chữ
Cô Trà Thị Thu là một trong hai cô giáo trẻ mặc áo dài nắm tay học trò tung tăng trên ngọn đồi cỏ mây ở điểm trường Tắk Pổ (thuộc trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, Nam Trà My) trong ngày khai giảng, hơn hai tháng trước.
Hình ảnh đó được cô đưa lên Facebook cá nhân, làm lay động hàng triệu con tim trên khắp mọi miền đất nước. Đó là những hình ảnh không chỉ đẹp ở khung cảnh mà còn bởi thông tin gây xúc động lòng người.
Thế nhưng đằng sau cả chục bức ảnh đó là lắm nỗi gian nan, gập ghềnh mà các thầy cô giáo trên đỉnh Ngọc Linh như cô Trà Thị Thu đã và đang trải qua.
Tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học, Đại học Quảng Nam 5 năm trước, cô Thu ngay khi ra trường đã không có ý định xin việc dưới xuôi cho gần nhà (huyện Thăng Bình), mà cầm bộ hồ sơ vượt hàng trăm cây số lên thẳng huyện miền núi Nam Trà My. Điểm trường đầu tiên đón cô vào nghề "gõ đầu trẻ" là Tắk Pổ.
Tất cả đều ngoài sức tưởng tượng của cô Thu. Tháng 10/2014, Nam Trà My mưa rả rích suốt ngày. Nhận được quyết định đi dạy, cô được một đồng nghiệp nam dẫn lên Tắk Pổ. Cô Thu không nghĩ ở chót vót trên đỉnh núi lại có lớp học. Điểm trường Tắk Pổ nằm cách trung tâm huyện Nam Trà My 10km nhưng giao thông rất khó khăn, không có đường cho xe máy đi lên lên. Trường nhỏ, lọt thỏm giữa mênh mông núi đồi.
Lần đầu đi bộ tới Tắk Pổ, cô mất gần 2 tiếng đồng hồ. Vất vả nhưng cô Thu vẫn cố vượt qua, chứ nhất quyết không bỏ về dưới xuôi. "Nói chuyện với học trò trên đây, tôi rất thương", cô Thu nói.
Sau một năm gắn bó với Tắk Pổ, cô Thu trải qua 3 lần luân chuyển sang điểm trường ở những nóc khác của xã Trà Tập, trước khi "tái hợp" Tắk Pổ trong năm học mới 2019-2020. Dù ở Tắk Pổ hay Răng Dí, Tu Gia, Mô Rỗi, quãng đường đi bộ của cô giáo trẻ từ trung tâm xã vào các điểm trường đều không dưới một tiếng.
Lớp học trò măng non được Thu nâng bước.
Tại điểm trường Tắk Pổ còn có cô giáo khác, người cùng cô Thu làm nên các khoảnh khắc ấn tượng trong ngày khai giảng, tạo cơn "sốt" cộng đồng mạng thời gian trước. Riah Uối (23 tuổi) vẫn nhớ như in ngày đầu lên đỉnh Ngọc Linh.
Buổi sáng đầu tháng 10/2018, cô gái sinh ra và lớn lên ở xã biên giới Chơ Chun, huyện Nam Giang, Quảng Nam khăn gói xa gia đình.
Trải qua ngày đường, khi mặt trời gần như tắt hẳn, Uối mới lần đầu đặt chân lên huyện miền núi Nam Trà My. Vùng đất hoàn toàn lạ lẫm trong mắt cô gái với bao gánh nặng lo toan.
Năm Uối 9 tuổi, cha của cô qua đời vì bạo bệnh, bỏ lại mẹ và 9 chị em Uối giữa vòng vây khốn khó.
Vì vậy, vừa tốt nghiệp ra trường, Uối nung nấu quyết tâm bằng bất cứ giá nào, phải xin bằng được việc làm để phụ giúp mẹ nuôi 3 em đang tuổi ăn tuổi học. Mới đây, tai ương tiếp tục giáng xuống khi người mẹ một đời lam lũ của chị em Uối cũng qua đời vì bệnh nan y.
Trước khi lên Nam Trà My đảm nhận giảng dạy, Uối từng được bạn bè khuyên can, e ngại vì đường sá gập ghềnh, hiểm trở. Cô giáo trẻ bỏ ngoài tai, vẫn một mực xung phong tới nóc xa nhất của xã Trà Tập dạy học.
"Ban đầu, em nhận lớp ở nóc Răng Chuỗi và phải đi bộ tầm 3 tiếng. Năm học này, quãng đường di chuyển được rút ngắn khi chuyển về Tắk Pổ nhưng địa thế hiểm trở hơn. Khó khăn mấy em cũng cố gắng vượt qua vì tình yêu với bọn trẻ và cả những đứa em ruột của mình ở quê", Uối quả quyết.
Cô giáo Riah Uối.
Ước mơ về những con đường
Trước khi chuyển về điểm trường chính của xã Trà Tập, cô giáo Trần Thị Tú Điển từng có 2 năm băng rừng, vượt suối đến nóc Tu Lung (thôn 3) dạy học. Địa hình con đường đưa tới nóc Tu Lung gần như "đồng dạng" với con đường lên nóc Tắk Pổ của hai cô giáo Thu và Uối.
Thời gian để Điển cuốc bộ từ trung tâm xã đến nóc Tu Lung không dưới 1 tiếng đồng hồ.
Ở dãy Ngọc Linh quanh năm mây phủ trắng lưng trời này, những con đường dẫn lối "người đưa đò" tới các bản làng nếu không gập ghềnh, hiểm trở thì bị sông sâu chia cắt.
Sông Tranh chia cắt làng Tắc Rối.
Thầy Nguyễn Bảo Toàn (giáo viên tiểu học điểm trường Tắc Rối) cho hay, tự bao đời qua, khúc sông uốn một đường vòng cung khiến dân làng Tắc Rối bị "cô lập".
"Để sang ngôi làng nằm biệt lập này dạy học, thầy cô giáo chỉ có một cách duy nhất là lụy đò. Chúng tôi hy vọng có cây cầu, con đường bằng phẳng để bà con nơi đây đỡ vất vả hơn", thầy Toàn bộc bạch.
Mong mỏi về cây cầu kiên cố bắc qua sông hay những con đường phẳng lì chạy dài tăm tắp mà thầy Toàn trông đợi cũng chính là ước vọng của cô Thu, cô Uối, cô Điển cùng hàng trăm giáo viên đang ngày đêm dốc sức vì sự nghiệp trồng người ở Nam Trà My.
Khi điều ước ấy được hiện thực hóa, chắc chắn, con đường gieo chữ của các thầy cô giáo sẽ không còn gian nan, gập ghềnh nữa. Lúc đó, con đường đi đến bến bờ tri thức của con em đồng bào Ca Dong trên rẻo cao Ngọc Linh sẽ xán lạn hơn.
Theo VTC
Học sinh miền núi Quảng Trị hái hoa rừng tặng thầy cô ngày 20/11 Món quà đơn giản nhưng tấm lòng các em học sinh dành cho thầy cô thì không thể đong đếm. Trường Tiểu học & THCS Xy (xã Xy, Huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị ) vừa tổ chức tọa đàm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Học sinh hái hoa dại bên đường, bên suối và bó cẩn thận dâng lên thầy...