Chuyện về những “thủ lĩnh” sinh viên
Kế thừa truyền thống vẻ vang của các thế hệ học sinh, sinh viên, tuổi trẻ hôm nay nỗ lực học tập, rèn luyện xứng đáng trở thành những thanh niên “vừa hồng, vừa chuyên”.
Khắc ghi lời dạy của Bác, nhiều bạn trẻ thi đua học tập, xung kích trong các phong trào tình nguyện với khát khao được mang kiến thức, ngọn lửa nhiệt huyết góp sức trẻ xây dựng quê hương đất nước ngày thêm giàu đẹp. Báo Cần Thơ xin giới thiệu những “thủ lĩnh” sinh viên tiêu biểu trong phong trào sinh viên.
“Sinh viên 5 tốt”- Hà Tường Vy
Dáng người nhỏ nhắn, Hà Tường Vy, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh – Trường Đại học Tây Đô, tạo ấn tượng với mọi người bởi sự tự tin và khéo léo trong giao tiếp. Để có được kỹ năng mềm tốt, Vy luôn chủ động tìm cơ hội tham gia các diễn đàn, hoạt động giao lưu quốc tế và các câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm.
Hà Tường Vy, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh (Trường Đại học Tây Đô), luôn nỗ lực tự học, tự rèn. Ảnh: Q. THÁI
Với khát khao tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa của nước bạn, Tường Vy hào hứng tham gia nhiều chương trình giao lưu sinh viên quốc tế. Tháng 8-2019, Vy tham gia đón tiếp và giao lưu văn hóa với sinh viên Trường Đại học Chiang Mai (Thái Lan), tại TP Cần Thơ; tháng 9-2019, Vy tham dự Hội nghị Hội đồng sinh viên ASEAN tại Bangkok, Thái Lan. Vy chia sẻ, những chương trình giúp cô tích lũy nhiều kiến thức bổ ích, từ sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Thái Lan đến phương pháp học tập, nét nổi bật của phong trào sinh viên nước bạn.
Quan trọng hơn, Vy được thể hiện kiến thức, quan điểm của bản thân về những vấn đề giới trẻ quan tâm, như: thách thức của biến đổi khí hậu đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học bản địa; sự cần thiết của quá trình trao đổi văn hóa – nghệ thuật giữa các dân tộc hay chia sẻ về sự đổi mới của nền giáo dục các quốc gia. “ĐBSCL đang đối mặt với thách thức biến đổi khí hậu, giải pháp thích ứng chắc chắn không còn là câu chuyện một cá nhân, một quốc gia, mà cần có sự chung tay của cộng đồng cư dân và của thế giới” – Vy bộc bạch. Đó cũng là thông điệp mà cô muốn truyền tải để khơi dậy sức trẻ bảo vệ môi trường sống.
Vy cũng là thành viên tích cực trong CLB “Thủ lĩnh trẻ” của trường, thường xuyên tổ chức các hoạt động tập huấn kỹ năng mềm cho sinh viên và các hoạt động thiện nguyện vào các dịp lễ, kỷ niệm. Những hoạt động ngoại khóa góp phần giúp cô tiến bộ hơn trong học tập. Năm thứ nhất, Vy đạt loại giỏi; những năm học sau, cô liên tục đạt loại xuất sắc, hiện điểm tích lũy của cô đạt 3.83/4.0. Dịp 9-1 năm nay, Vy được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam công nhận là “sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương.
Đặng Văn Pháp – đảng viên gương mẫu
Ba năm học THPT, Đặng Văn Pháp – sinh viên ngành Xã hội học, Trường Đại học Cần Thơ – luôn đạt loại giỏi và tích cực trong phong trào tình nguyện. Tháng 5-2016, khi đang học lớp 12, Pháp vinh dự được kết nạp Đảng. Năm thứ nhất đại học, Pháp được tín nhiệm bầu vào Chi ủy Chi bộ sinh viên thuộc Đảng bộ Khoa Khoa học xã hội và nhân văn (tháng 9-2017); từ tháng 6-2019, Pháp là Phó Bí thư Chi bộ sinh viên.
Video đang HOT
Pháp luôn gương mẫu, ý thức tự học, tự rèn để xứng đáng với sự kỳ vọng của thầy cô, bạn bè. Siêng năng và thông minh nên thành tích học tập của Pháp khiến bạn bè nể phục. Năm học 2018-2019, kết quả học tập của Pháp đạt 3.73/4.0 (xếp loại xuất sắc), tổng điểm tích lũy cả khóa học đạt 3.57/4.0 (xếp loại giỏi). Pháp cũng là chủ nhiệm của 2 đề tài khoa học cấp trường: “Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực của sinh viên thông qua hoạt động phục vụ cộng đồng” (năm 2018) và “Tác động của hệ sinh thái khởi nghiệp đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Đại học Cần Thơ” (năm 2019).
Đặng Văn Pháp, sinh viên ngành Xã hội học (Trường Đại học Cần Thơ), vinh dự là 1 trong 100 sinh viên tiêu biểu gặp gỡ Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên. Ảnh: NVCC
Cả 2 đề tài đều thể hiện sự trăn trở của Pháp đối với thực trạng tham gia các hoạt động ngoại khóa của sinh viên bởi nhiều bạn trẻ chưa nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa của hoạt động ngoại khóa đối với năng lực học tập, khả năng thích ứng công việc tương lai. Pháp chia sẻ: “Qua 2 đề tài, em đề ra nhiều giải pháp khuyến khích sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện, cũng như chính sách hỗ trợ sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp. Qua đó, tạo nền tảng kỹ năng vững chắc để sinh viên vững tin trong lập thân, lập nghiệp trong tương lai”. Pháp còn tham gia nhiều dự án do các giảng viên làm chủ nhiệm, như: “Khảo sát phát triển tôm rừng ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre” (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh); dự án “An ninh môi trường Mekong” (Trường Đại học Cần Thơ).
Với vai trò là Phó Bí thư Chi bộ, Pháp đề xuất nhiều giải pháp đổi mới sinh hoạt chi bộ; nhiều hình thức học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Cụ thể, hằng tháng, mỗi đảng viên đều kể những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác và tự liên hệ bản thân; mỗi sinh viên đăng ký thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW bằng những tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Đối với phong trào sinh viên, Pháp phát động mô hình “Chia sẻ tri thức”, mời các giảng viên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng và phương pháp nghiên cứu khoa học cho sinh viên; tích cực tham gia hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Trong 2 năm liền (2018 và 2019), Pháp được xếp loại đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhận nhiều Bằng khen của Hội Sinh viên TP Cần Thơ và của Ban Giám hiệu trường.
Phạm Đắc Phú – Ước mơ làm nhà khoa học
Phạm Đắc Phú, sinh viên ngành Y Đa khoa, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, là gương mặt tiêu biểu của trường trong các hoạt động giao lưu học thuật quốc tế. Từ năm 2018 đến nay, Phú đã tham gia 3 hoạt động trao đổi sinh viên, hội nghị quốc tế tại Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Lần đầu Phú đi nước ngoài là tham gia cuộc thi “Sinh lý học quốc tế” diễn ra 3 ngày tại Malaysia vào năm 2017. Phú và 4 thành viên trong đội đại diện trường tranh tài với sinh viên đến từ gần 100 quốc gia. Tuy dừng bước sớm ở vòng thi sân khấu hóa nhưng cuộc thi đã cho Phú cơ hội khám phá năng lực, biết được những hạn chế bản thân, từ đó nỗ lực tự học tập, trau dồi kiến thức và rèn kỹ năng. Năm 2018, Phú đăng ký và được trường cử tham gia Hội nghị Hội đồng ASEAN tại Singapore. Hội nghị có chủ đề: “Kỹ năng cần thiết của lãnh đạo trẻ trong thế kỷ 21″, thu hút hơn 100 sinh viên đến từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tham gia hội nghị, Phú có cơ hội giao lưu với những “thủ lĩnh” sinh viên; những bạn trẻ thành đạt ở các lĩnh vực. Câu chuyện thành công của họ là động lực thôi thúc Phú phấn đấu học tập tốt.
Phạm Đắc Phú, sinh viên ngành Y Đa khoa (Trường Đại học Y Dược Cần Thơ), ước mơ làm nhà khoa học. Ảnh: NVCC
Phú chia sẻ, sinh viên ngành Y thường phải “nạp” nhiều kiến thức. Vì vậy, bên cạnh việc học trên giảng đường, sinh viên còn phải dành thời gian trong các phòng thí nghiệm và thực hành. Năm 2019, Phú được trường chọn tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại Indonesia. Trong 1 tuần, Phú được hướng dẫn và thực hành một số kỹ thuật về y khoa với nhiều trang thiết bị hiện đại.
Những hoạt động trao đổi sinh viên góp phần giúp Phú đạt thành tích học tập loại giỏi trong suốt 4 năm đại học. Chưa kể, bạn bè còn nể phục bởi đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi tiếng Anh của Phú. Tiêu biểu như giải Nhất Hội thi Olympic tiếng Anh cấp thành phố (cùng Đội với Nguyễn Hoàng Phúc – sinh viên ngành Y Đa khoa) do Thành đoàn Cần Thơ tổ chức năm 2019; giải Nhất hội thi hùng biện tiếng Anh dành cho học sinh, sinh viên khu vực ĐBSCL năm 2017. Với vai trò Chủ nhiệm CLB Tiếng Anh chuyên ngành thuộc Đoàn khoa Y (từ năm 2018 đến đầu năm 2019), Phú đã tổ chức nhiều sân chơi hấp dẫn giúp sinh viên nâng cao trình độ ngoại ngữ: lớp tiếng Anh chuyên ngành sinh lý, giao lưu với bác sĩ nước ngoài, thi dịch thuật… Phú cố gắng học tập để tương lai trở thành giảng viên, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về lĩnh vực điều trị ung bướu.
Theo baocantho
Gương sáng Sao Tháng giêng
Trong số 100 đại biểu nhận giải thưởng Sao Tháng Giêng do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên, Đồng Nai có 2 đại biểu. Đó là Vương Mỹ Ngọc, sinh viên Khoa Sư phạm khoa học tự nhiên (Trường đại học Đồng Nai) và Nguyễn Văn Chiến, sinh viên Khoa Kinh tế - quản lý (Trường đại học công nghệ Miền Đông).
Sinh viên Vương Mỹ Ngọc tự học tại Phòng Tự học của trường. Ảnh:N.Sơn
Vương Mỹ Ngọc: Nỗ lực hết mình trong học tập
Chia sẻ về kinh nghiệm để đạt thành tích cao trong học tập, Mỹ Ngọc cho biết bản tínhvốn cầu toàn, làm việc gì cũng nỗ lực hết mình. Vì vậy, để học tốt, bản thân Ngọc đã tự tìm cho mình phương pháp học tập khoa học và phù hợp. Trên lớp luôn chú ý lắng nghe thầy cô giảng và nhiệt tình đóng góp ý kiến xây dựng bài để nắm kiến thức cơ bản. Thời gian ở nhà là lúc ôn lại kiến thức để hiểu sâu và nhớ bài lâu hơn. Bên cạnh đó, Ngọc tích cực học nhóm để có cơ hội chia sẻ và bổ sung kiến thức cho nhau cũng như kiểm tra lại cách hiểu bài của mình đã đúng hay chưa.
Trong quá trình học, nghe thông tin ở đâu có hội thảo có thể dự là Ngọc đăng ký tham gia, bởi theo Ngọc, những kiến thức mà các chuyên gia đem đến hội thảo đều đã trải qua thời gian dài nghiên cứu, tích lũy. Khi tham gia các hội thảo này, bản thân sẽ được tiếp cận với rất nhiều kiến thức mới một cách nhanh nhất, giúp ích cho quá trình học tập.
Hơn 3 năm học đi qua, Ngọc đã đăng ký và tự mình nghiên cứu 2 đề tài khoa học cấp trường, đó là đề tài Tìm hiểu về protein và một số ứng dụng; Tìm hiểu về phân bón và một số ứng dụng của nó trong nông nghiệp. Vương Mỹ Ngọc cho biết, quá trình tìm hiểu, nghiên cứu đã giúp Ngọc có cơ hội đọc, nghiên cứu rất nhiều tài liệu cả trong và ngoài nước.
Bên cạnh thành tích học tập đáng nể, Ngọc còn được bạn bè biết đến là một cán bộ Hội năng nổ, nhiệt tình. Với vai trò là Liên chi hội trưởng Khoa Sư phạm khoa học tự nhiên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sinh viên 5 tốt Trường đại học Đồng Nai, Ngọc tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Nghị quyết đại hội Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đại hội Hội Sinh viên các cấp; tham gia các hoạt động tình nguyện như: Ngày thứ bảy tình nguyện, chương trình Sinh viên với cộng đồng, Xuân tình nguyện, Mùa hè xanh...
Tại buổi gặp gỡ Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trong chương trình kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức mới đây, Mỹ Ngọc vinh dự là một trong 4 sinh viên xuất sắc bày tỏ ý kiến tại buổi gặp gỡ. Bên cạnh cảm xúc tự hào khi là một trong 100 sinh viên nhận giải thưởng Sao Tháng Giêng, Mỹ Ngọc cũng bày tỏ mong muốn các cấp, các ngành quan tâm đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên có cơ hội được học tập, nghiên cứu, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc sau khi ra trường.
Giải thưởng Sao Tháng Giêng là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam nhằm tuyên dương, khen thưởng sinh viên là cán bộ Hội Sinh viên, cán bộ Đoàn thanh niên có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện, trong công tác Hội và phong trào sinh viên, công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học.
Nguyễn Văn Chiến: Tấm gương sinh viên vượt khó vươn lên
Tuổi thơ không đủ đầy nên từ khi còn nhỏ, Nguyễn Văn Chiến, sinh viên năm 4, Khoa Kinh tế - quản lý Trường đại học công nghệ Miền Đông đã mang trong mình khát vọng thay đổi hoàn cảnh. Vì thế, từ khi còn là học sinh THPT, Chiến đã luôn nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Sinh viên Nguyễn Văn Chiến (thứ 2 từ trái sang) và những người bạn đang bàn kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng 70 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên
Năm 2016, khi Nguyễn Văn Chiến trúng tuyển vào Trường đại học công nghệ Miền Đông, cha mẹ vừa mừng vừa lo. Mừng vì con mình có cơ hội được tiếp tục đến trường, sau này sẽ có cơ hội tìm được công việc ổn định, không phải vất vả như cha mẹ, lo bởi đó là gánh nặng kinh tế khi phải chu cấp cho Chiến 4 năm ăn học. Nhất là từ sau khi Chiến nhập học được vài tháng, cha Chiến mắc phải căn bệnh suy thận. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, là lao động chính trong gia đình nay cha Chiến chỉ có thể làm những việc lặt vặt trong nhà, 2 lần/tuần phải đi bệnh viện chạy thận. Gánh nặng kinh tế trong gia đình đều đặt lên đôi vai của mẹ Chiến.
Thấu hiểu được mối lo của cha mẹ, hằng tuần vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, Chiến đi làm thêm đủ việc (từ tổ chức sự kiện, điều chỉnh âm thanh - ánh sáng, múa đám cưới, phục vụ tiệc cưới hỏi, giao hàng cho các shop, bán bông vào các dịp lễ, Tết...) để kiếm thêm mỗi tháng từ 1,5-2,5 triệu đồng nhằm chia sẻ gánh nặng với mẹ. Để giảm bớt gánh nặng học phí, Chiến luôn nỗ lực trong học tập, năm học nào Chiến cũng đạt thành tích học tập khá, giỏi và được nhận học bổng dành cho sinh viên vượt khó, sinh viên có học lực giỏi của trường.
Không chỉ vượt khó vươn lên, gần 2 năm nay, Nguyễn Văn Chiến còn đang giúp đỡ khoảng 150 lượt sinh viên đi làm thêm mỗi tháng. Chiến chia sẻ, trong quá trình đi làm thêm, anh nhận thấy các nhà hàng tiệc cưới, các cơ sở nấu tiệc cần người phục vụ. Trong khi đó, nhu cầu làm thêm của sinh viên khá nhiều nên Chiến đã lập nhóm giới thiệu việc làm trên mạng xã hội Facebook để giới thiệu việc làm cho sinh viên có nhu cầu đi làm thêm.
Tất bật với việc học, đi làm thêm nhưng Chiến vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động phong trào do Đoàn, Hội trường tổ chức. Với vai trò là Bí thư Chi đoàn lớp quản lý công nghiệp, Chiến thường xuyên tổ chức cho đoàn viên tham gia phát đồ ăn khuya cho những người lao động mưu sinh trong đêm ở khu vực gần trường, bán cơm từ thiện 2 ngàn đồng/suất cho những lao động nghèo... Đặc biệt, với năng khiếu múa hát, Chiến hiện là thành viên nòng cốt của đội văn nghệ Trường đại học công nghệ Miền Đông.
"Mặc dù mất chút thời gian nhưng mỗi lần tham gia hoạt động Đoàn, Hội hay tập luyện cùng các thành viên trong đội văn nghệ, bao nhiêu mệt mỏi trong cuộc sống, học tập đều tan biến. Chưa kể khi tham gia các hoạt động phong trào bản thân tôi được giao lưu, học hỏi những điều hay từ các bạn mà không thầy cô hay sách vở nào dạy" - Chiến bộc bạch.
Cẩm Tú
Theo baodongnai
Trao giải Chương trình Thợ săn điểm tốt, chứng chỉ JA cho học sinh trường iSchool Khối phổ thông Trường Hội nhập Quốc tế iSchool vừa tổ chức lễ tổng kết Chương trình Thợ săn điểm tốt, trao chứng chỉ JA cho các học sinh. Không khí sôi động bắt đầu bằng những tiết mục văn nghệ của các em học sinh Chiến dịch thợ săn điểm tốt được bắt đầu từ năm 2012 tại đồng loạt các trường...