Chuyện về một dòng họ, hai di sản thế giới
Có một dòng họ ở vùng quê thuần nông của Hà Tĩnh nhưng có đến 11 di tích văn hóa, trong đó có 3 di tích cấp tỉnh, 3 di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, mới đây hai di sản của dòng họ này được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới.
Đó là dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu, xã Trường Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).
Lấy chữ trồng người
Vào những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé qua làng Trường Lưu của xã Trường Lộc để tìm hiểu về ngôi làng này cũng như về dòng họ nổi tiếng Nguyễn Huy.
Làng Trường Lưu nhỏ, được bao phủ bởi những rặng tre, xung quanh là đồng ruộng mênh mông.
Dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu là một dòng họ lớn, có nhiều người đỗ đạt cao.
Nhà thờ dòng họ Nguyễn Huy ở xã Trường Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh)
Dòng họ này có nhiều đóng góp cho sự nghiệp dạy học của Việt Nam. Từ vị tổ đầu tiên Nguyễn Uyên Hậu là một nhà giáo tại kinh thành Thăng Long, con cháu của dòng họ đã có rất nhiều người theo nghiệp dạy học và trở thành những người thầy nổi tiếng như Thám hoa Nguyễn Huy Oánh – hậu duệ đời thứ 10 của dòng họ.
Tại quê hương Trường Lưu, Nguyễn Huy Oánh đã lập Phúc Giang thư viện và mở trường dạy học gọi là Trường Lưu học hiệu. Tại đây, ông còn cho khắc in gỗ các loại sách.
Trường học này về sau được đánh giá là một trường có thư viện đầy đủ không thua kém những trường học tầm cỡ tại Thăng Long. Chỉ riêng một Trường Lưu học hiệu và Phúc Giang thư viện đã khiến Trường Lưu nổi lên như một làng văn hiến văn vật.
Trải qua 20 đời, dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu có gần 40 viện sỹ, giáo sư, tiến sỹ đầu ngành.
Ông Nguyễn Huy Lý, Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trường Lộc, Chủ tịch Hội đồng gia tộc Nguyễn Huy chia sẻ: “Là con cháu của dòng họ Nguyễn Huy, chúng tôi không khỏi tự hào về tổ tiên, dòng họ của mình. Đây chính là động lực để con cháu dòng họ học tập và noi theo”.
Video đang HOT
Cũng theo ông Nguyễn Huy Lý thì phương châm của dòng họ là lấy chữ trồng người.
“Trong 45 chi phái của dòng họ thì chi nào cũng có quỹ khuyến học. Đây là nguồn quỹ để hỗ trợ, động viên các cháu có hoàn cảnh khó khăn cũng như đỗ đạt. Khuyến học trở thành nét truyền thống của dòng họ rồi”, ông Lý cho biết.
Đến tinh hoa của nhân loại
Mộc bản Trường Lưu là bộ ván khắc dùng để in sách “giáo khoa” phục vụ cho việc dạy và học, được hình thành trong quá trình hoạt động văn hóa của dòng họ Nguyễn Huy từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX tại trường học Phúc Giang, làng Trường Lưu, xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Phần lớn các mộc bản của “Mộc bản Trường Lưu” được khắc 2 mặt, tờ đầu, lời tựa, tự, bạt, được trình bày chính giữa là tên sách, trang, tập, quyển; mỗi bản để lề trên 1-1,2 cm, dưới 1-1,2 cm, lề phải 1 cm và lề trái 1 cm.
Đây là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn được lưu giữ ở Việt Nam. Di sản bao gồm 383 bản, được khắc chữ Hán ngược để in 3 tập sách giáo khoa kinh điển (gồm 11 quyển) của Nho giáo và 01 quyển sách quy chế trường học: Tính lý toản yếu đại toàn, Ngũ kinh toản yếu đại toàn và Thư viện quy lệ.
Tháng 5/2016, Mộc bản Trường Lưu được Ủy ban Chương trình ký ức Thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới. Đây không chỉ là niềm vui của dòng họ Nguyễn Huy mà còn là niềm tự hào, hãnh diện của Việt Nam.
Tròn 2 năm sau (5/2018), một di sản khác của dòng họ Nguyễn Huy là “Hoàng hoa sứ trình đồ”, tiếp tục được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới.
Cuốn sách “Hoàng hoa sứ trình đồ” được vẽ với 3 loại màu, trên giấy dó bằng chữ Hán, sách có khuôn khổ 22×14, đóng theo kiểu xưa gồm 119 tờ.
“Hoàng hoa sứ trình đồ” là cuốn sách cổ được sao chép lại năm 1887 từ bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh soạn những năm 1765 – 1767 dưới triều vua Lê Hiển Tông. Đây là bản sao chép tay duy nhất do con cháu dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ tại tư gia ở làng Trường Lưu.
Cuốn sách là tập bản đồ ghi chép với nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý giá về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt thế kỷ XVIII do Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) biên tập, hiệu đính và chú thích trong các năm 1765-1768, từ các tài liệu của các thế hệ đi trước, đồng thời bổ sung các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ.
Việc UNESCO công nhận hai di sản của dòng họ Nguyễn Huy là di sản tư liệu ký ức thế giới một lần nữa đã khẳng định những giá trị văn hóa mà dòng họ Nguyễn Tràng Lưu để lại cho hậu thế.
Chia sẻ với Dân trí, ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc vui mừng: “Mộc bản Trường Lưu” và “Hoàng hoa sứ trình đồ” được công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới, đó không chỉ là niềm tự hào của quê hương Can Lộc, Hà Tĩnh mà còn khẳng định, tôn vinh các giá trị văn hóa của Việt Nam ra khu vực và thế giới.
“Sau khi được công nhận là di sản ký ức thế giới thì chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động các cuộc thi để người dân, các thế hệ trẻ hiểu, biết về di sản này. Đồng thời để bảo tồn cũng như phát huy giá trị của di sản thì huyện đã làm các phòng trưng bày, cũng như trích kinh phí cho công tác bảo tồn. Đồng thời, chúng tôi phối hợp với dòng họ để quy hoạch lại”, ông Cường cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Huy Cường thì hiện nay số lượng người hiểu biết và nắm rõ các giá trị về hai di sản này rất ít và thế hệ trẻ quan tâm đến di sản là hạn chế. Chính vì điều này, công tác bảo tồn và phát huy hết giá trị của di sản cũng gặp nhiều khó khăn.
Xuân Sinh
Theo Dân trí
Ông Vàng hiến đất
Về xã Phìn Hồ (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) hỏi thăm ông Vàng hầu như ai cũng biết. Họ thường kể về những đóng góp của ông cho viêc trông người nơi đây. Ông Vừ A Vàng, 78 tuổi, ở bản Séo Lèng 1, là người đã hiến gần 4.000 m2 đất để xây trường học.
Phần lớn thời gian, gia đình ông Vừ A Vàng ở lán nương.
Khi chúng tôi tìm về bản Séo Léng 1, bà con cho biết hiện giờ ông Vàng và gia đình đang ở dưới nương, nơi mà người dân ở đây vẫn quen gọi "nương ông Vàng". Con đường mòn lởm chởm đá tai mèo dẫn chúng tôi xuống nương ông Vàng. Nương chỉ cách đường tỉnh lộ 129 khoảng 3 km theo đường chim bay, nhưng phải mất hơn một giờ đồng hồ đi bộ mới tới nơi.
Phía trước, một căn nhà gỗ xinh xinh nằm lọt thỏm bên trong bụi tre, quanh nhà được trồng nhiều cây ăn trái. Từ trong rừng bước ra là một ông già râu tóc bạc phơ, tay cầm dao phát, gùi bắp nặng trĩu sau lưng. Có lẽ ông mới từ nương ngô về. Hạ gùi xuống bên hiên, ông chào chúng tôi bằng một câu quen thuộc: "Cán bộ về đấy à, vào nhà đi!".
Chúng tôi bước vào, chiếc đài bán dẫn chạy bằng pin vẫn đều đều phát thanh như xua đi sự im ắng chốn sơn lâm. Trong nhà chật ninh ních ngô là ngô, chỉ còn duy nhất lối đi. Ông thết chúng tôi bằng bát chè tươi hãm nước suối mát lịm. Từ lâu, nghe bà con kể chuyện gia đình ông hiến tặng toàn bộ mảnh đất ở, khu đất nương để xây dựng trường học, ủy ban, trạm xá và sẵn sàng chuyển đi nơi khác mà không đòi hỏi bất cứ sự đền bù nào.
Bên chén trà, ông mở lòng về tuổi thơ khốn khó của mình. Thuở nhỏ cậu bé Vừ A Vàng mồ côi cả cha lẫn mẹ phải ở với chú thím. Khi xã có chủ trương khuyến khích con em đồng bào đi học, A Vàng nghĩ, phải học giỏi cái chữ sau này làm cán bộ về giúp bà con mình. A Vàng ham học lắm, bạn bè ngại xa nhà nên bỏ dở hết, còn cậu vẫn quyết tâm theo học hết lớp 7/10, mãi ở tận Quỳnh Nhai - Khu tự trị Thái Mèo, cả năm cũng chỉ được về nhà một, hai lần.
Năm 1962, ông được xã cử đi học lớp Sơ cấp Nông nghiệp sau khi ra trường, ông về công tác tại Trại chăn nuôi Mao Sà Phìn, rồi chuyển sang Phòng Nông nghiệp huyện. Năm 1965, ông chuyển về xã làm thư ký ủy ban, rồi phó Chủ tịch Hội đồng, rồi Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã. Thời ấy, chủ tịch xã ở đâu thì ủy ban họp ở đó. Lớp học đầu tiên của xã được bà con dựng tạm bằng tranh tre nứa lá ngay trên đồi cao thuộc bản Phìn Hồ. Thấy lớp học nằm ở địa điểm xa các bản, không thuận lợi cho việc đi lại học tập của con em, năm 1971, ông bàn bạc với gia đình hiến một phần đất ở để làm lớp học. Và lớp học bằng gỗ hai gian, ông và bà con tự tay vào rừng xẻ gỗ, lấy ranh về lợp, vị trí lớp học ngày đó, chính là tiền thân của ngôi trường trung tâm xã Phìn Hồ ngày nay.
"Mỗi khi về bản thấy con em đói chữ mà tủi, nhìn bọn nhỏ cực nhọc leo mãi lên tận đỉnh đồi mới đến lớp, mùa đông gió thốc hất cả mái ranh mà thương chúng nó quá! Nắng thì còn đỡ, chứ hôm mưa khổ lắm, có lớp học kiên cố, địa điểm thuận lợi, trước tiên con cháu mình được học cái chữ đỡ vất, các thầy cô về dạy cũng yên tâm gắn bó với bản hơn", ông trải lòng.
Những ngày đầu, trường có duy nhất một thầy giáo, mọi việc ăn ở, sinh hoạt của thầy tất cả đều ở trong gia đình ông. Huyện, tỉnh ở xã thiếu thốn đủ thứ, nhưng các thầy ai cũng vui coi gia đình ông như người thân. Ông nhớ mãi một kỷ niệm về thầy giáo Nguyễn Nhất Định, khi lên nhận công tác có đưa cả vợ mới cưới cùng lên. Khi đó nhà trường chưa có phòng tập thể, tất cả các thầy cô lên đây đều tá túc ở nhà bà con, ông và vợ đã phải nhường căn buồng của mình cho thầy làm phòng hạnh phúc.
Năm 2000, nhà nước có kế hoạch xây trường lớp học kiên cố, nhưng ngặt nỗi hạn hẹp về mặt bằng, ông và gia đình tiếp tục hiến thêm đất để xây thêm 6 phòng học, 3 phòng ở cho học sinh và một dãy nhà hiệu bộ.
Thầy giáo Trần Đăng Châu, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phìn Hồ, người có 16 năm gắn bó với giáo dục Phìn Hồ tâm sự: "Ngày chúng tôi về nhận công tác, mọi sinh hoạt cũng về nhà ông Vàng, ngày đó các ban ngành đoàn thể xã, mọi hoạt động đều ở nhà ông Vàng cả. Ông Vàng là đại biểu đặc biệt của nhà trường trong các ngày lễ. Chúng tôi vẫn mang câu chuyện hiến đất xây trường của gia đình ông kể với các thế hệ giáo viên và học sinh trong các giờ ngoại khóa, các ngày kỷ niệm như một sự biết ơn".
Mỗi khi từ nương về, ông Vàng tranh thủ lên thăm các thầy, cô Trường tiểu học Phìn Hồ.
Sự nghiệp giáo dục xã Phìn Hồ ngày một phát triển, để theo học lên THCS, các em phải học nhờ bên các xã bạn và nhiều em bỏ học giữa chừng vì ngại đi xa. Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền xã, phòng giáo dục triển khai kế hoạch xây trường THCS. Đã nhiều lần các ban ngành khảo sát mặt bằng, nhưng chưa tìm được vị trí thích hợp, khi tìm được địa điểm, thì lại khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Không tính toán thiệt hơn, một lần nữa gia đình ông lại tình nguyện hiến mảnh đất còn lại, chính là ngôi nhà sàn gia đình đang ở để nhường đất xây dựng trường.
Cảm phục nghĩa cử cao đẹp của ông với sự nghiệp giáo dục xã nhà, đơn vị thi công đã hỗ trợ gia đình ông bằng việc xây tặng một căn nhà cấp bốn, ba gian mái lợp proximang, cũng là để tri ân và giúp gia đình sớm sổn định cuộc sống khi về nơi ở mới. Năm 2003, trụ sở ủy ban và trạm y tế xã cũng xây tạm trên đất của gia đình ông. Năm 2010, ủy ban và trạm y tế xã chuyển về địa điểm mới, toàn bộ cơ sở được bàn giao cho trường mầm non. Như vậy với hơn 3.841 m2, diện tích đất ở và đất nương của gia đình ông đã hiến tặng hoàn toàn cho việc xây trường.
Không chỉ quan tâm đến giáo dục, khi xã, bản có chuyện, ông cùng với các ban, ngành vào cuộc tháo gỡ. Trước đây trong bản nhiều người nhẹ dạ, nghe theo lời kẻ xấu, bỏ bản đi tuyên truyền tà đạo, với tư cách là già bản gương mẫu, người có uy tín trong dòng họ, ông cùng trưởng bản đến tận nhà vận động nói lời phải trái.
"Với vai trò già bản, của người đảng viên lão thành, có nhiều người còn có những suy nghĩ lệch lạc, nhiều bà con chưa thông tỏ về đường lối chủ trương, trong các cuộc họp bác Vàng dùng uy tín khuyên nhủ, phân tích đúng sai, bà con thấy có lý, thấy đúng bà con nghe. Người dân Phìn Hồ coi các thế hệ cao niên như bác là những cây cổ thụ chở che, tỏa bóng cho cả cánh rừng", Trường bản Séo Lèng 1 Vừ A Phái chia sẻ.
Chia tay ông Vàng và gia đình khi mặt trời đang lẩn khuất sau những dãy núi phía chân trời. Bỗng nhiên trong chúng tôi những ý nghĩ thật vui ập đến. Ngày mai, trời lại sáng, những tia nắng bình minh lại bắt đầu. Cảnh trẻ em ríu rít như bầy chim non tung tăng cắp sách đến trường. Xa xa, những ngôi trường khang trang vững chãi mọc lên trong nắng sớm. Đó là nơi ươm mầm cho những chồi non. Cuộc đời thật đẹp khi có những con người như thế.
Nghĩa cử của gia đình ông được bà con dân bản biết ơn, ghi nhớ. Và sự nghiệp giáo dục nơi đây ngày một phát triển, đến nay, xã được công nhận xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS, nhiều con em trong xã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Ông Lý A Phử, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ cho biết: "Với 30 năm tuổi đảng, đảng viên Vừ A Vàng luôn nêu cao vai trò già làng trưởng bản gương mẫu, đầu tàu, ông là tấm gương, niềm tự hào của bà con người Mông xã Phìn Hồ".
Theo nhandan.com.vn
Bạn đọc viết: Thiêng liêng hai tiếng "thầy cô" Đang chạy xe trên đường, bỗng tiếng "thưa cô" vang lên. Thanh âm gọi với theo từ mấy em học sinh tan trường ấy làm lòng người vui đến lạ... Ảnh minh họa Khi tôi đang gõ những dòng này thì chiếc điện thoại rung nhẹ và hiện lên dòng chữ "Cô ngủ chưa cô?" từ trò cũ. Em ấy là một trong...