Chuyện về hạt tiêu đỏ xuất Mỹ giữa cơn khủng hoảng “vàng đen”
Khi nhiều người trồng tiêu ở Tây Nguyên đang ngập trong nợ nần vì đầu tư cho loại cây từng được ví là “vàng đen” thì có một người vẫn kiên định với con đường phát triển mô hình trồng tiêu hữu cơ, thậm chí còn thành lập hợp tác xã, thu hút nhiều nông dân cùng tham gia mô hình này.
Anh là Nguyễn Tấn Công (SN 1974) – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (Nam Yang, Đăk Đoa, Gia Lai).
Từ câu chuyện hạt tiêu đỏ của ngoại
Lệ Chí vốn là tên cũ của đất Nam Yang, từ những năm 1960, cây tiêu đã có mặt ở vùng đất này. Anh Công cho biết: “Ngoại tôi kể, không hiểu do đất mới bazan màu mỡ, chỉ bón bằng tro bếp mà vài năm tiêu lên xanh tốt. Hạt tiêu đỏ có hương vị đặc biệt cay ngọt thơm ngon, có vị ngọt của trái cây và vị cay nồng của hạt tiêu, được hái lựa thủ công từng hạt chín đỏ, được người dân coi như vị thuốc quý. Nhà nào cũng hái những hạt tiêu chín đỏ vào ngâm với rượu gạo để dành khi trái gió trở trời làm vị thuốc chữa đau bụng, trị cảm ho, xoa bóp mỗi khi mệt mỏi hoặc phơi khô giữ màu đỏ tự nhiên dùng làm quà biếu cho những người thân ở phương xa”.
Anh Nguyễn Tấn Công kiểm tra chất lượng hồ tiêu. Ảnh: K.N
Trước khi về Nam Yang trồng tiêu, anh Công đã có nhiều năm làm việc ở TP.HCM và Pleiku (Gia Lai) với công việc chính là làm bánh. Nhưng câu chuyện của ngoại về đặc sản tiêu Lệ Chí đã thôi thúc anh Công trở về Tây Nguyên sau nhiều năm tìm kiếm cơ hội ở thành phố. Từng học Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, trải qua rất nhiều công việc khác nhau với cả những thành công và thất bại, khi trở lại Nam Yang trồng tiêu, anh Công vấp phải sự phản đối của nhiều người, nhưng có điều gì đó vẫn thôi thúc anh phải trở về.
“Chúng tôi là những người con đất Lệ Chí đi làm ăn xa, mỗi khi về thăm nhà vẫn thấy mọi người bám trụ với cây tiêu, có những vườn vẫn xanh tốt sau gần 30 năm vậy tại sao mình không góp sức làm cho đặc sản đất Lệ Chí vươn xa hơn. Năm 2013, tôi quyết định quay về trồng lại cây tiêu trên chính vùng đất trống của gia đình” – anh Công nhớ lại.
Nhưng khác với cách làm của mọi người là ồ ạt mở rộng diện tích khi tiêu đang ở thời kỳ hoàng kim, anh Công lại bắt đầu sự nghiệp nông dân của mình với việc đăng ký thương hiệu Tiêu Lệ Chí và được cấp giấy bảo hộ năm 2014. Có lẽ chính việc này đã góp phần giúp anh vượt qua khủng hoảng.
Bước chậm mà chắc
Video đang HOT
Anh Công nhớ lại, năm 2016, khi tiêu còn đứng ở vị trí ngôi vương, giá lên hơn 200.000 đồng/kg, bà con bắt đầu trồng ồ ạt. Họ bỏ phương pháp canh tác tự nhiên chuyển qua canh tác hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, dịch hại tràn lan, hậu quả nhiều vườn tiêu bị xóa sổ, nhiều nhà bị phá sản, nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về. Sau đó, bão giá ập đến, như nhiều nông dân khác, anh Công cũng lao đao.
Sản phẩm tiêu Lệ Chí.
Nhưng ngay lúc đó, anh nghĩ, nếu không chuyển hướng, không đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm thì danh tiếng tiêu Lệ Chí sẽ không còn. Vậy là ý tưởng thành lập HTX trồng tiêu hữu cơ được hình thành. “Chúng tôi cùng tập hợp những người con đất Lệ Chí yêu nông nghiệp sạch, cùng lập nên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang ngày 31/8/2017 để đi tìm hướng đi mới, học hỏi những mô hình canh tác hữu cơ để hướng dẫn bà con” – anh Công nhớ lại.
“Khi mới thành lập, HTX chỉ có 15 thành viên với tổng số vốn điều lệ 55 triệu đồng, diện tích canh tác 50ha tiêu và 40ha cà phê. Đến nay, HTX có 80 thành viên, diện tích hồ tiêu là 100ha, trong đó có 16ha đã nhận được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ. Năm 2019, trong khi giá hồ tiêu rớt xuống dưới giá thành, chỉ xung quanh mức 40.000-45.000 đồng/kg thì hồ tiêu hữu cơ của HTX vẫn bán được mức giá 100.000 đồng/kg, giúp các thành viên có thu nhập ổn định” – anh Công khoe.
Anh Công cho biết thêm, ngay cả khi thị trường tiêu đang trầm lắng do cung vượt cầu thì HTX không có chuyện tồn kho do nhu cầu sử dụng tiêu hữu cơ rất cao. Giá tiêu hữu cơ cao hơn tới 150-200% so với hồ tiêu thông thường nhưng làm ra đến đâu bán hết đến đó.
Năm 2018, HTX tự chứng nhận 6,5ha theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA) và châu Âu (EU), xây dựng lại thương hiệu tiêu Lệ Chí-tiêu hữu cơ với các sản phẩm chế biến sâu chất lượng nhất trong ngành hồ tiêu: Tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu đen, tiêu xanh. Nhờ trồng tiêu hữu cơ, các thành viên HTX đều có cuộc sống khá giả, riêng các hộ đã nhận được chứng nhận hữu cơ của Mỹ, doanh thu đều đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
“Tính riêng niên vụ 2018-2019, gia đình tôi có 5ha tiêu, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, chúng tôi liên kết với các doanh nghiệp, hiện thị trường nội địa khá tốt, thậm chí hợp tác xã có cả đối tác xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng tôi không tham vọng xuất nhiều, chỉ làm hàng số lượng vừa phải nhưng chất lượng tốt, bán được giá cao và định hướng xây dựng thương hiệu của mình tại thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản” – anh Công cho biết.
Để đạt được thành công này, HTX cũng có những bí quyết riêng trong việc giữ vững chất lượng sản phẩm. “Với mong muốn xây dựng và khôi phục những sản phẩm đặc trưng tại địa phương đặc biệt là hạt tiêu sọ Lệ Chí, các thành viên HTX cẩn thận hái lựa thủ công những hạt chín đỏ, sau đó bóc vỏ, rửa sạch chỉ còn lõi bên trong và phơi khô. Theo các chuyên gia trong ngành hồ tiêu quốc tế, thì hạt tiêu sọ làm từ tiêu đỏ là sản phẩm chất lượng cao nhất, đặc biệt nhất trong ngành hồ tiêu thế giới mà sản lượng hằng năm chiếm sản lượng rất ít” – anh Công khẳng định.
Sau bao khó khăn vất vả, thương hiệu tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí đã được mọi người nhớ đến. “Chúng tôi làm thương hiệu này để thực hiện ước mơ của mình, đóng góp cho quê hương, khôi phục lại những sản phẩm truyền thống, mong muốn xuất khẩu đi các nước trên thế giới” -anh Công khẳng định.
Vị Chủ tịch HTX nhấn mạnh thêm: HTX không yêu cầu tất cả xã viên làm tiêu hữu cơ. Quan trọng là các hộ dân cần làm tiêu theo hướng đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đó mới là hướng phát triển vững bền cho ngành hàng này.
Ngoài trồng tiêu hữu cơ, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang còn xây dựng mô hình sơ chế cà phê sạch do một thanh niên trẻ 9X vừa tốt nghiệp đại học chịu trách nhiệm. Chỉ bằng một vài bước đơn giản như hái chín, phơi cà phê trên giàn, sơ loại kỹ lưỡng, các thành viên trồng cà phê của HTX đã nâng giá cà phê lên gấp đôi.
“Tôi đang trông đợi vào những người trẻ, lực lượng này đăng ký tham gia HTX ngày một nhiều, tôi tin họ sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp của địa phương” -anh Công tự tin nói.
Theo Danviet
Hậu Giang: Khốn khổ, bán 10kg mía mới đủ uống cốc... trà đá
Trước đây, khi vào vụ thu hoạch mía, Hậu Giang có đến 3 nhà máy đường hoạt động, với tổng công suất ép gần 9.000 tấn mía/ngày đêm.
Tuy nhiên, vụ mía này, chỉ còn có một nhà máy hoạt động, với công suất ép 3.500 tấn mía/ngày đêm, khiến lượng mía tồn trên ruộng còn rất cao.
Người dân thua lỗ nặng
Vào những ngày này, người dân ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), vùng mía có quy mô lớn nhất ở miền Tây với 6.700ha đang vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, ai nấy cũng buồn rầu vì giá bán thấp và thua lỗ nặng.
Gặp phóng viên, bà Lý Thị Hiền ngụ ở ấp Long Sơn 2, xã Long Thạnh cho biết, gia đình bà có 2.000m2 đất trồng mía. Hiện, số diện tích này đang được thu hoạch và bán với giá 400 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bà Hiền thua lỗ khoảng 6 triệu đồng.
Ruộng mía của bà Lý Thị Hiền đang được thu hoạch. Ảnh: Huỳnh Xây
Ông Lý Út Nhiều cùng ở ấp Long Sơn 2, xã Long Thạnh cho biết, gia đình ông có tổng cộng 2.000m2 trồng mía. Hiện, diện tích mía trên đã quá thời gian thu hoạch hơn một tháng và bị ngập nước do ảnh hưởng của đợt triều cường vừa qua. Rất may, ông đã kiếm được thương lái bán với giá 400 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, ông thua lỗ khoảng 6 triệu đồng.
"Bán cho nhà máy đường với giá cao hơn (khoảng 500 đồng/kg, người dân nơi đây không bán được trực tiếp với nhà máy mà phải thông qua thương lái - PV) nhưng phải tốn thêm tiền thuê nhân công với giá 240 - 250 đồng/kg mía. Vì vậy, tôi quyết định bán cho thương lái" - ông Nhiều chia sẻ thêm.
Do nhiều năm lỗ nặng từ việc trồng mía, ông Nhiều quyết định, vụ sau sẽ trồng loại cây khác, với hy vọng sẽ có lời, để trả nợ cho cửa hàng vật tư nông nghiệp và dần cải thiện cuộc sống.
Ngành chức năng và doanh nghiệp nói gì?
Khi phóng viên hỏi về tiến độ thu hoạch mía ở địa phương, ông Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp cho biết, đến nay, toàn huyện này đã thu hoạch được 1.700ha, trong đó có 1.300ha được bà con bán mía chục, tức là đốn mía xong bó lại thành chục bán cho thương lái. Các thương lái này sẽ chở đi TP.HCM bán lại cho các điểm bán nước mía. Còn lại 450ha bán cho nhà máy đường.
Theo ông Tuấn, năm nay, ở địa phương chỉ còn 1 nhà máy mía đường hoạt động, 2 nhà máy còn lại đã đóng cửa, do đó tiến độ thu hoạch rất chậm.
"So với cùng kỳ năm trước thì chậm hơn 2.000ha. Hiện bà con cần thu hoạch gấp từ 2.000 - 2.100ha vì số diện tích này mía đã đạt chữ đường cao rồi, nếu khoảng nửa tháng nữa không thu hoạch kịp mía sẽ xuống lá, khô héo rồi chết dần" - ông Tuấn nói.
Theo phóng viên tìm hiểu, trước đây, khi vào vụ thu hoạch mía, Hậu Giang có đến 3 nhà máy đường hoạt động với tổng công suất ép gần 9.000 tấn mía/ngày, đêm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mùa thu hoạch 2019-2020, tỉnh này chỉ còn có một nhà máy đường nằm ở huyện Phụng Hiệp của Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ hoạt động, với công suất ép 3.500 tấn mía/ngày, đêm, khiến lượng mía tồn trên ruộng lớn.
Theo đại diện Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, phía công ty có 2 nhà máy sản xuất đường nhưng do diện tích vùng nguyên liệu tại địa phương giảm khoảng 2.000ha so với vụ trước nên phải cho đóng cửa một nhà máy ở thị xã Vị Thanh (Hậu Giang).
Ông Trần Ngọc Hiếu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ nói: "Khi thị trường đường có chuyển biến giá tốt thì chúng tôi sẽ lập tức xem xét, chia sẻ bằng cách nâng giá mua mía với người dân. Về diện tích hơn 2.100ha mía ùn ứ, cần gấp rút thu hoạch, tôi đã có phương án nhờ nhà máy đường ở tỉnh Sóc Trăng đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất, có thể tiêu thụ 2.400 tấn/ngày cho nông dân Phụng Hiệp".
Theo Danviet
Mưa lũ còn diễn biến phức tạp Trong khi các tỉnh Nam Trung bộ đang dồn sức khắc phục hậu quả của đợt bão lũ vừa qua thì từ đêm 1 đến chiều 2-11, địa bàn các tỉnh Trung Trung bộ xảy ra mưa to đến rất to khiến cho nhiều nơi bị ngập sâu, chia cắt. Ở Đà Nẵng, mưa lớn liên tục đã làm cho nhiều tuyến đường...