Chuyện về hai thủ khoa xuất sắc năm 2016 của thủ đô
Đinh Xuân Chung, thủ khoa Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội là tấm gương không ngừng nỗ lực vươn lên đạt nhiều thành tích cao trong học tập.
Tối 28/8 tại Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tuyên dương 100 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố. 13 năm qua, Hà Nội đã có 1.433 thủ khoa được vinh danh, nhận bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố.
Hà Nội luôn trân trọng và mở rộng cửa tuyển dụng đối với các thủ khoa.
Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Đinh Xuân Chung, thủ khoa Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội là tấm gương không ngừng nỗ lực vươn lên đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Là con út trong một gia đình có 5 anh chị em ở huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình), bố lại bị ốm nặng do ảnh hưởng bởi chất độc da cam, mọi gánh nặng kinh tế của gia đình đều do mẹ Chung gánh vác.
Thương mẹ vất vả, 4 anh chị của Chung đều nghỉ học giữa chừng, nhường mình Chung đi học. Quãng thời gian khó khăn nhất của gia đình là lúc Chung thi đỗ vào chuyên Toán của trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình), phải đi học xa nhà, gánh nặng lại đè lên đôi vai của mẹ nhiều hơn.
Đinh Xuân Chung chia sẻ: “Với em, gia đình là nguồn động lực lớn nhất để em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt là khi nhìn thấy bố vượt qua những nỗi đau do chiến tranh để lại, với hình ảnh mẹ vất vả ra Hà Nội kiếm tiền nuôi con ăn học thì em tự động viên mình học tập tốt hơn nữa để bố mẹ có thể tự hào.
Bố em là Bộ đội cụ Hồ nên ông rất kiên cường, mạnh mẽ và ông luôn dạy em khi con gặp khó khăn thì việc đầu tiên là tự mình phải đứng lên”.
Chân dung thủ khoa Đinh Xuân Chung.
Suốt những năm tháng học đại học, không chỉ dành thời gian đi làm thêm, Đinh Xuân Chung còn cố gắng học tập và trở thành gương mặt quen thuộc với sinh viên các khóa của Đại học Kinh tế, bởi bảng thành tích đáng tự hào. Chung là một trong những sinh viên 5 tốt cấp trường, cấp thành phố và cấp Trung ương năm 2015-2016; gương mặt trẻ tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2016; đoạt nhiều giải thưởng cao trong công tác nghiên cứu khoa học.
Không dừng lại ở đó, Chung còn được nhận nhiều suất học bổng toàn phần: học thạc sỹ hai năm tại Korea University, Seoul, Hàn Quốc của quỹ Pony Chung; học bổng ShinnyoEn năm 2012, 2013; Giải Nhì học bổng Tài năng Việt 2014 của Tập đoàn IMG.
Video đang HOT
Nói về dự định sắp tới, Đinh Xuân Chung cho biết, đầu tháng 9/2016, Chung sẽ sang Hàn Quốc học chương trình thạc sĩ ở Korea University theo chương trình học bổng toàn phần của quỹ Pony Chung. Chung chia sẻ sau khi học xong chương trình thạc sĩ, em sẽ tiếp tục xin học bổng tiến sĩ để viết tiếp ước mơ trở thành giảng viên Đại học kinh tế, góp phần chắp cánh cho những ước mơ của các thế hệ sinh viên tiếp theo.
Cùng hoàn cảnh với Đinh Xuân Chung, Cấn Văn Khuynh – thủ khoa Đại học Công nghệ Việt Hung, là con cả trong một gia đình có bố mẹ đều làm nông nghiệp ở xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Những lúc nông nhàn, bố Khuynh đi làm thợ xây, mẹ làm đậu phụ bán ở chợ huyện. Sau khi học xong THPT, Khuynh thi đỗ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Do mải chơi, học hành sa sút nên Khuynh nghỉ học theo bố đi phụ hồ kiếm sống. Công việc vất vả nhưng thu nhập ít ỏi, thấy sự lo lắng, buồn lòng của cha mẹ, Khuynh quyết tâm ôn luyện thi lại đại học.
Khuynh chọn trường Sĩ quan Lục quân với suy nghĩ sẽ không phải lo lắng về chi phí học tập. Thế nhưng, may mắn không mỉm cười với Khuynh. Năm đó Khuynh không trúng tuyển. Năm 2012, Khuynh quyết định thi vào Khoa Xây dựng – Trường Đại học Công nghệ Việt Hung. Đây là ngôi trường ở gần nhà, thuận tiện cho việc đi lại, học tập cũng như giảm thiểu chi phí sinh hoạt.
Cấn Văn Khuynh chia sẻ: “Lựa chọn trong tương lai của mình đó là xin vào cán bộ công chức nhà nước để được cống hiến nhiều hơn. Hiện tại, mình đang đi làm cho một công ty tư nhân thể tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn, sau đó quay trở về là cho công ty nhà nước. Mình nghĩ các bạn trong lúc học tập phải hết mình, tìm hiểu những kiến thức cần để biết không lan man quá nhiều. Từ đó, sau này các bạn có được nhiều cơ hội hơn”.
Không chỉ học tập tốt, đạt được nhiều thành tích cao, với tấm bằng xuất sắc, Khuynh rất tích cực tham gia công tác Đoàn, Hội của trường.
Theo Nguyễn Hiền/VOV
Hà Nội thu hút thủ khoa: Lời mời đến muộn
Chỉ 10% thủ khoa làm việc tại cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội. Nhiều bạn khác chọn con đường du học, làm việc cho công ty nước ngoài từ trước khi có lời mời của thành phố.
Nhằm thu hút nhân tài, thành phố Hà Nội đề ra nhiều chính sách đãi ngộ cho những thủ khoa có nguyện vọng làm việc trong các cơ quan, đơn vị của thành phố.
Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ Hà Nội, từ khi thực hiện chính sách thu hút tài năng trẻ đến nay, thành phố tuyển dụng gần 300 người vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị, trong đó có 147 thủ khoa, chiếm gần 10% số thủ khoa được vinh danh trong 14 năm qua.
Những thủ khoa không vào nhà nước
Một ngày sau lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc diễn ra tối 28/8 ở thủ đô, Đinh Xuân Chung, thủ khoa ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, sang Hàn Quốc học thạc sĩ theo học bổng của quỹ Pony Chung.
Chung cho biết: "Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, mình muốn xin tiếp học bổng tiến sĩ và hy vọng có thể trở về giảng dạy tại ĐH Kinh tế".
9X này không phải trường hợp duy nhất từ chối lời mời "trải thảm đỏ". Phạm Huy Viết, thủ khoa ĐH Ngoại thương, cho hay, cậu chưa có ý định làm việc trong các cơ quan, đơn vị của Hà Nội. Hiện tại, chàng trai sinh năm 1994 làm việc cho một công ty tư nhân và đã ký hợp đồng lao động một năm.
Nguyễn Thế Phúc - thủ khoa đầu ra của ĐH Bách khoa Hà Nội - cũng lựa chọn du học thay vì nhận lời mời làm việc cho các cơ quan nhà nước. Đầu năm sau, Phúc sẽ du học Hàn Quốc để nâng cao chuyên môn và có thêm vốn sống, kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài.
Trong khi đó, thủ khoa ĐH Kinh tế Quốc dân Trần Hữu Dũng đã ký hợp đồng lao động với một doanh nghiệp tư nhân.
Những thủ khoa được tuyên dương năm 2016. Ảnh: Ban tổ chức.
Lời mời đến muộn
Chính sách tuyển dụng thủ khoa đầu ra của thành phố Hà Nội đãi ngộ những cử nhân, kỹ sư mới ra trường, nhằm thu hút nhân tài. Tuy nhiên, số thủ khoa nhận lời mời vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị của thành phố không nhiều, chỉ chiếm 10%.
Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là tân cử nhân, kỹ sư xuất sắc không nắm được thông tin, biết đến chính sách quá muộn.
Thông thường, các bạn "săn" học bổng du học từ khoảng năm thứ hai hoặc năm ba. Như trường hợp Xuân Chung, cậu biết học bổng Pony Chung từ năm hai và bắt đầu phấn đấu để đáp ứng các điều kiện của quỹ.
Những trường học, tổ chức cấp học bổng rất nhanh nhạy với việc thu hút nhân tài. Họ sẵn sàng đầu tư cho những bạn trẻ xuất sắc tiếp tục học tập ở nước ngoài, từ đó thu hút chất xám và nguồn lao động chất lượng cao.
Thủ khoa Đinh Xuân Chung sẽ du học Hàn Quốc ngày 29/8 tới. Ảnh: NVCC.
Trong khi đó, thông tin về chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong nước chưa đến được từng bạn trẻ. Phần lớn sinh viên biết đến nó sau khi đã tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa.
Trần Hữu Dũng cho biết, cậu chỉ mới biết đến thông tin về chính sách đãi ngộ của thành phố. Trước đó, Dũng đã ký hợp đồng lao động và sẽ làm việc cho doanh nghiệp tư nhân ít nhất một năm.
Vậy là, lời mời đến muộn khi không ít bạn trẻ như Dũng đã chắc trong tay suất học bổng hay có việc làm tốt tại các công ty lớn.
Một trong những lý do nữa khiến không ít thủ khoa "lăn tăn" khi về làm việc tại cơ quan hành chính sự nghiệp của Hà Nội là cơ chế và môi trường làm việc.
Mặc dù chưa có việc làm và đang tìm học bổng du học, Nguyễn Thị Nhàn, thủ khoa ĐH Bách khoa, vẫn chưa quyết định có làm việc trong các cơ quan, đơn vị của thành phố hay không.
"Mình chưa nắm rõ thông tin về chính sách này, cũng như các vị trí làm việc. Điều đầu tiên mình xem xét không phải chế độ đãi ngộ mà mức độ phù hợp công việc. Mình ưu tiên lựa chọn môi trường làm việc để có thể phát huy hết năng lực, cũng như có cơ hội phát triển chuyên môn", Nhàn chia sẻ.
Tân cử nhân cho biết thêm, cô phân vân một phần vì lo ngại môi trường làm việc nặng thủ tục hành chính. Những người trẻ mới ra trường lo phải pha trà, bưng nước, "sống lâu mới lên được lão làng", chứ không được trọng dụng ngay.
Cùng quan điểm, Phạm Huy Viết bày tỏ sự băn khoăn về môi trường sẽ gắn bó. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều thủ khoa khi đứng trước lời mời thu hút nhân tài.
"Mình đang dạy học tại một trường công lập và rất quan tâm chính sách thu hút thủ khoa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mình vẫn chưa nắm hết thông tin về cơ hội của bản thân nếu muốn làm việc trong cơ quan, đơn vị của thành phố", Nguyễn Thanh Nguyệt, thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay.
Ngày 28/8, Hà Nội sẽ tuyên dương thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố năm 2016. Trong 100 thủ khoa được tuyên dương, 50 người là Đảng viên, 33 người là cán bộ Đoàn, Hội.
Đặc biệt, Lại Thành Minh - ĐH Mỹ thuật Việt Nam, và Đinh Nho Minh - Học viện Chính sách và Phát triển, vừa là thủ khoa tuyển sinh đại học vừa là thủ khoa tốt nghiệp.
Sau 14 năm, thành phố Hà Nội đã tuyên dương, trao bằng khen cho 1.533 thủ khoa. Thành phố cũng thực hiện chính sách đãi ngộ nhằm thu hút thủ khoa. Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ, chỉ 147 thủ khoa (chiếm gần 10%) về làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.
Theo Zing
Thủ khoa đầu ra từng làm cửu vạn, lương 2 triệu một tháng Đó là câu chuyện của thủ khoa Nguyễn Như Phúc. Tốt nghiệp với số điểm 8,25, chàng thủ khoa từng là cửu vạn này phải chấp nhận đi làm với mức lương thấp hơn công nhân. Nguyễn Như Phúc (sinh năm 1994, Sóc Sơn, Hà Nội), học ngành Lưu trữ học, là thủ khoa đầu ra của ĐH Nội vụ. Phúc nằm trong...