Chuyện về cô giáo dành cả tuổi thanh xuân cho mảnh đất Hà Giang
Vượt qua bao nỗi khó khăn, sự tâm huyết, yêu nghề thôi thúc cô Đặng Thị Bích Huệ tìm tòi ra nhiều phương pháp giảng dạy mới, những cách làm hay, sáng tạo để phục vụ công tác đào tạo.
Cô giáo Đặng Thị Bích Huệ, giáo viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang giảng dạy trên lớp. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)
13 năm gắn bó với mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang là 13 năm cô giáo Đặng Thị Bích Huệ vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, dành cả tuổi thanh xuân, dồn bao tâm huyết để cống hiến cho nền giáo dục nghề nghiệp, thực hiện sứ mệnh cao cả “đưa đò,” giúp nhiều lứa học sinh của Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang tới bến bờ tri thức.
Sinh ra và lớn lên tại Tuyên Quang, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), cô sinh viên trẻ Đặng Thị Bích Huệ, sinh năm 1985, đã theo tiếng gọi của tình yêu Tổ quốc, tình yêu đôi lứa để đến với Hà Giang.
Thấm thoắt đã 13 năm cô Huệ gắn bó với nơi này. Nhớ lại những ngày đầu đến vùng đất mới, cô bồi hồi: “Dù cũng sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi nhưng khi đến với Hà Giang lần đầu, đối với tôi thực sự có quá nhiều điều khác lạ. Ngoài việc lo lắng khi xa gia đình, điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở đây cũng khiến tôi mất một thời gian dài để làm quen.”
Nhưng bấy nhiêu đó khó khăn cũng không làm cô gái trẻ chùn bước, nản lòng. Cô Đặng Thị Bích Huệ chia sẻ sự nhiệt tình, chất phác, thật thà, thân thiện, mến khách của con người Hà Giang có lẽ là liều thuốc tinh thần và là động lực giúp cô Huệ gắn bó, cống hiến cho mảnh đất này.
13 năm gắn bó với nghề, cô Huệ cũng trải qua đủ quá trình gian nan, vất vả, đủ cung bậc cảm xúc khi xác định gắn bó, cống hiến cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp nơi đây.
Cô nhớ lại từ lúc mới nhận công tác (năm 2009) cho tới giai đoạn năm 2017, 2018, việc thường xuyên đi công tác, giảng dạy ở các huyện, các xã khi con còn quá nhỏ cũng là trở ngại rất lớn. Khi ấy, trong mỗi chuyến công tác, ngoài việc chuẩn bị tư trang hành lý, sách vở, cô giáo trẻ còn phải mang theo đồ dùng cho con để hai mẹ con cùng lên đường. Giai đoạn đó, điều kiện còn khó khăn, nhiều điểm đường chưa được hoàn thiện đã phần nào khiến cô giáo trẻ cảm thấy chạnh lòng.
Vượt qua mọi nỗi khó khăn, sự tâm huyết, yêu nghề xuyên suốt hơn 10 năm qua luôn thôi thúc cô tìm tòi ra nhiều phương pháp giảng dạy mới, những cách làm hay, sáng tạo để phục vụ công tác đào tạo như giảng bài gắn thẻ, phương pháp dạy tích hợp…
Cô Đặng Thị Bích Huệ luôn tâm niệm ngôi trường cũng như ngôi nhà, học sinh, sinh viên cũng như những đứa con của mình, ngôi nhà có phát triển thì bản thân mới phát triển.
Với đặc thù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, hầu hết học sinh tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang là con em dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hưởng các chế độ chính sách xã hội, do vậy, không ít em khi mới đầu lên đây theo học còn mang tâm lý đi học để lấy trợ cấp.
Khi ấy, cô Đặng Thị Bích Huệ cùng các thầy, cô trong nhà trường ngoài việc truyền tải kiến thức cho các em, còn phải làm công tác tâm lý, tư tưởng, “truyền lửa” để các em nhận thức rõ ràng việc học.
Cô Huệ chia sẻ hầu như sau một kỳ học tập thực tế, được đưa đi thực tập, làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp theo đúng chuyên môn mình đã học, các em đều nhận thức được việc học thực chất, ham học hỏi hơn và yêu nghề hơn.
Video đang HOT
Em Trần Văn Quý, sinh viên lớp Cao đẳng Thú y K10, Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang chia sẻ: “Cô Đặng Thị Bích Huệ rất nhiệt tình trong việc truyền dạy các kiến thức cho chúng em. Ngoài những điều được học trên sách vở, chúng em còn được cô chia sẻ những kỹ năng sống bên ngoài, giúp chúng em tự tin hơn khi bước chân ra môi trường xã hội, môi trường làm việc.”
Em Vàng Thị Việt, sinh viên lớp Cao đẳng Thú y K10, Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang bày tỏ: “Do đi học xa nhà nên nhiều lúc gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống, nơi em tìm lời khuyên, điểm tựa cho tâm lý luôn là cô Huệ. Ngoài việc có kiến thức chuyên môn sâu rộng, cô luôn giúp đỡ khi chúng em gặp khó khăn.”
Bằng tình yêu nghề, lòng nhiệt huyết cống hiến cho mảnh đất Hà Giang, cô Đặng Thị Bích Huệ luôn tâm niệm phải cố gắng, cố gắng hơn nữa, trau dồi về kỹ năng, kiến thức để hoàn thiện bản thân. Sự ghi nhận những nỗ lực ấy được thể hiện rõ rệt bằng các giải thưởng, những tấm bằng khen.
Trong suốt quá trình công tác tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang, cô Huệ đã đạt được nhiều giải thưởng, thành tích nổi bật, đặc biệt.
Trong năm 2020, cô Huệ đạt giải nhất Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp cơ sở; năm 2021 đạt giải nhất Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh, giải nhì Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc.
Cô giáo Đặng Thị Bích Huệ, giáo viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang giảng dạy trên lớp. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)
Cũng trong năm này, cô Đặng Thị Bích Huệ vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bằng khen của tỉnh về những thành tích xuất sắc; năm 2022, cô Huệ đạt danh hiệu Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu toàn quốc…
Đánh giá về cô giáo Đặng Thị Bích Huệ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tuấn cho biết cô Huệ là giáo viên trẻ, rất nhiệt tình trong công tác giảng dạy, có chuyên môn vững vàng, đặc biệt là việc chú tâm trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng trong thực tiễn giảng dạy.
Qua các kỳ thi từ cấp cơ sở, cấp tỉnh cho tới cấp quốc gia, Ban Giám hiệu luôn đánh giá cao năng lực, khả năng cũng như sự nhiệt tình của cô Huệ. Là giáo viên nữ, cô Huệ luôn thân thiện, cởi mở, quan tâm giúp đỡ các đồng nghiệp, sống hài hòa với mọi người.
Đã và đang cống hiến cho mảnh đất Hà Giang thời gian dài, chắc chắn mảnh đất này sẽ còn níu chân người giáo viên ấy trong những năm tới.
Cô Đặng Thị Bích Huệ bày tỏ: “Tôi xác định đối với nghề này, mình sẽ luôn tâm huyết và có trách nhiệm với nghề, còn làm việc ngày nào thì sẽ cống hiến ngày đó cho ngôi trường cũng như cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp.”
Vượt lên khó khăn, cô Đặng Thị Bích Huệ cũng như hàng trăm, hàng ngàn thầy, cô giáo khác đang công tác tại nơi địa đầu Tổ quốc Hà Giang vẫn hằng ngày gieo con chữ ở nơi “đá sỏi” này, vun trồng những “hạt giống” tương lai bằng tình yêu thương, trách nhiệm, kiến thức bổ ích./.
Khi các thầy, cô giáo trẻ quyết tâm ra khỏi 'lối mòn'
Họ là những giáo viên trẻ ở thành phố mang tên Bác, giàu nhiệt huyết, đầy lòng yêu nghề, luôn muốn tìm những lối đi mới, sáng tạo ra những phương pháp dạy mới để đem những điều tốt đẹp nhất đến với học trò của mình.
Một buổi dạy Giáo dục công dân của thầy giáo Trần Tuấn Anh (Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP HCM).
Thầy giáo Lê Thiên Phúc (Trường THPT Phú Nhuận, TP HCM) bên các học trò.
Tìm ra những "lối đi mới"
Yêu cầu của giáo dục trong thời đại hiện nay là hướng đến đổi mới phương pháp dạy học, tăng hứng thú cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục... Và những giáo viên trẻ chính là những người thầy cực kì năng động, nhanh nhạy, bắt kịp xu thế, ứng dụng công nghệ hiện đại và các phương pháp mới lạ đến tự sáng tạo cá nhân để biến những giờ học tưởng chừng khô khan thành những buổi "thực hành kiến thức" đầy lý thú.
Trong nhiều năm qua, thầy giáo Lê Thiên Phúc, giáo viên môn Sinh học và Công nghệ, Trường THPT Phú Nhuận, TP HCM đã triển khai rất nhiều chuyên đề để dạy học theo định hướng STEM cho học sinh.
Một trong những chuyên đề thú vị nhận được kết quả rất tích cực mà thầy xây dựng là chuyên đề kết hợp môn Công nghệ lớp 10 với các kiến thức về phân bón, thuốc trừ sâu, chăn nuôi, nông - lâm - ngư - thủy sản, lương thực - thực phẩm, tài chính- doanh nghiệp... và môn Sinh học ở học kì 1 của lớp 11 với kiến thức về thực vật. Mục tiêu của chuyên đề là nhằm giúp học sinh được trải nghiệm thực tế từ việc nhận diện rau nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu và cách trồng rau sạch để ăn; tự tìm hiểu và nắm được thông tin chất dinh dưỡng có trong các loại rau củ quả để từ đó chế biến thành những món ăn ngon.
Học sinh được chia thành nhóm, tổ chức các buổi ghi nhận về an toàn thực phẩm trong thực tế tại gia đình và các chợ, thông qua cách thức phỏng vấn và ghi lại bằng quay clip, chụp ảnh. Học sinh còn được tham gia hoạt động tự chuẩn bị bữa ăn ngon, an toàn cho nhóm của mình.
Sau những tiết học lý thú ấy, học sinh đã trang bị cho mình kiến thức về thực phẩm an toàn, tươi ngon, kĩ năng tính toán khẩu phần ăn cho bản thân và gia đình, kĩ năng đi chợ, nấu ăn...
Đồng thời, những tiết học mới lạ ấy còn khiến các em tăng cường thêm các kĩ năng "mềm" rất cần thiết cho sau này như làm việc đội nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin vào làm việc, kĩ năng thuyết trình, giao tiếp...
Với những chuyên đề thú vị ấy, thầy giáo Lê Thiên Phúc đã nhận nhiều giải thưởng về sáng tạo trong công tác giảng dạy như giải Khuyến khích cấp thành phố khi tham gia Cuộc thi "Giáo viên sáng tạo trên nền tảng Công nghệ thông tin" do Sở GD&ĐT TP HCM phối hợp với Microsoft tổ chức, giải Nhất tại Cuộc thi "Sáng kiến Cộng đồng năm 2018" do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức...
Thầy giáo Lê Thiên Phúc (Trường THPT Phú Nhuận, TP HCM) bên các học trò.
Năm nay, Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 đã vinh danh 8 giáo viên mầm non. Mỗi một cô giáo, với cách làm mới mẻ của riêng mình, đã khiến cho học trò mầm non được thụ hưởng những phương pháp dạy mới mẻ, lý thú, đi cùng tình thương của các cô dành cho học trò nhỏ. Như cô giáo Nguyễn Thị Trang Thanh, Trường Mầm non Họa Mi 2 (quận 12) đã ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng. Là một trong những giáo viên đầu tiên của quận 12 được cử đi học tập kỹ năng dạy học với bảng tương tác, cô đã mạnh dạn sử dụng các phần mềm công nghệ đổi mới hoạt động dạy trẻ làm quen với chữ cái. Trên nền bảng tương tác, học sinh dễ dàng phân biệt chữ cái qua màu sắc và hình dạng, chọn màu để tô chữ hoặc gạch chân chữ muốn lựa chọn, qua đó tăng thêm khả năng ghi nhớ kiến thức cho học sinh.
Hay cô giáo Nguyễn Duy Anh Tâm, Trường Mầm non Tân Kiểng (quận 7) đã thiết kế nên giờ học không giấy bút, tranh ảnh mà dùng phương pháp "kể chuyện bằng xúc xắc", thông qua các con xúc xắc bằng vải để học sinh lần lượt kể nên những câu chuyện do chính mình sáng tác. Phương pháp này giúp hoc sinh hứng thú, vui vẻ, lại giúp các em phát triển tư duy.
Để học trò yêu mỗi giờ thầy cô dạy
Đối với các thầy, cô giáo dạy các môn học thuộc về xã hội như Văn, Sử, Địa hay cả... Giáo dục công dân, để học sinh yêu thích, có hứng thú với môn học quả không dễ dàng. Nhiều học sinh và phụ huynh vẫn còn tâm lý "coi nhẹ" các môn học xã hội, hoặc vì coi là "phụ", hoặc vì không nằm trong kế hoạch ôn luyện của các em nhắm đến những ngành học cho tương lai.
Chính vì thế, để học sinh chú ý và yêu thích môn học, các thầy, cô giáo phải tâm huyết, nhiều nỗ lực sáng tạo vượt bậc.
Như cô giáo trẻ Trần Thị Quỳnh Anh sinh năm 1992, giáo viên dạy Văn tại Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP HCM. Điều khiến môn Văn của cô được các học sinh đón nhận, đó là bởi cô thực sự yêu bộ môn mình giảng dạy và lồng ghép các cảm xúc của mình vào mỗi một bài giảng.
Dạy Văn, cô lập nên nhiều chương trình rất thú vị mang đầy tính tương tác. Như dự án "Thế giới có bao xa" về văn học nước ngoài, thực hiện với học sinh lớp 10 và lớp 11. Cô giáo trẻ cho học sinh mở gian hàng, thuyết trình, đóng kịch... để tìm hiểu về các quốc gia có tác phẩm được đưa vào chương trình Ngữ văn.
Dạy học liên môn Ngữ văn - Lịch sử, cô giáo Quỳnh Anh mời các nghệ sĩ nhạc dân tộc tới trình diễn. Trong tiết học của cô, học trò được trải nghiệm cách đánh đàn, tương tác với nghệ sĩ bằng cách đọc lên bài ca dao để nghệ sĩ diễn tấu. Cô giáo trẻ còn thực hiện dự án liên quan đến tác phẩm văn học trong nước.
Cô giáo trẻ, với cách dạy học đặc biệt ấy đã khiến đám học trò nhỏ ngập tràn cảm xúc sau mỗi tiết học, từ đó khơi gợi niềm yêu thích, hứng thú đối với các tác phẩm văn học, với văn hóa, nghệ thuật, lịch sử nước nhà, chịu tìm tòi đọc thêm các tư liệu, tác phẩm bên ngoài giáo trình. Đó là một thành công, một niềm vui lớn với người làm công tác giảng dạy.
Một người thầy yêu nghề, thầy Nguyễn Đức Huy, giáo viên Trung tâm GDTX quận 4, TP HCM thì đưa chương trình giảng dạy môn Văn lên Internet. Với phương pháp riêng của mình, thầy ứng dụng bản đồ tư duy vào dạy học Văn cho học sinh. Thầy hướng dẫn học sinh tổ chức thành nhiều nhóm nhỏ độc lập, học sinh tự viết blog, soạn giáo án điện tử làm thơ, sáng tác văn học, viết nhật kí... Biến giờ học thành giờ "vui mà học" của các em.
Văn học đã khó, dạy Giáo dục công dân mà khiến các em học sinh "mê" thì càng khó hơn. Và thầy giáo Trần Tuấn Anh (Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP HCM) đã làm được điều ấy. Hàng chục năm nay, thầy Tuấn Anh chính là một "hiện tượng" trong đổi mới giảng dạy tại TP HCM. Giờ dạy của mình, thầy Tuấn Anh rất "bắt kịp" thời sự khi đưa các vấn đề nóng hổi của xã hội, phù hợp với tiết học để thông qua đó phân tích, giảng dạy, tương tác với học sinh.
Thầy còn dùng các phương pháp trực quan sinh động khác như cho học sinh đóng kịch, kết hợp nghe nhạc, thưởng thức nghệ thuật... Những bài học sinh động nhưng sâu sắc của thầy truyền tải đã chạm được cảm xúc của học sinh. Trong nhiều giờ học, cảm em đã khóc vì cảm động.
Thầy Tuấn Anh cũng triển khai những dự án truyền cảm hứng về sống đẹp cho đội viên, học sinh thành phố thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, nói chuyện và chia sẻ trên mạng xã hội với thiếu nhi.
"Giờ đây, các em học sinh có nhiều điều kiên để học tập, trau dồi kiến thức, có nhiều cơ hội để sau này có thể phát triển để thành công, giàu có. Nhưng điều cần trước hết là tạo cho các em một nền tảng về đạo đức, ý thức công dân. Có như thế, sau này dù các em có thành công hay không, cũng trở thành những người tốt, sống hữu ích. Đó là mong muốn của tôi, tất cả nỗ lực của tôi cũng hướng đến mục tiêu ấy", thầy Tuấn Anh đã chia sẻ như thế.
Công việc giảng dạy vất vả, nhiều áp lực, thu nhập không cao, những thầy, cô giáo có thể chọn con đường dễ đi, chọn những phương pháp an toàn để giảng dạy, thế đã đáng quý lắm rồi. Nhưng, những thầy, cô giáo ấy đã chọn cho mình con đường khó, đi ra khỏi lối mòn, tìm cách để trao truyền những giá trị tốt đẹp nhất của việc học đến với học trò. Họ không chỉ là những người trẻ tâm huyết, yêu nghề mà còn đầy dũng cảm và trách nhiệm với trọng trách của nghề cao quý mà họ đang mang.
Hải Phòng: Các tiết dạy minh họa Chương trình GDPT 2018 có gì đặc biệt? Đổi mới phương pháp giảng dạy là một trong những giải pháp then chốt và có tính đột phá khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học với định hướng...