Chuyện trái khoáy ở ‘điểm sáng’ xóa mù chữ Vĩnh Châu
Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) được xem là điểm sáng trong phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Thế nhưng, phía sau những con số báo cáo tròn trịa của địa phương, là thực tế trái ngược.
Ông Lê Văn Vui, Trưởng Phòng giáo dục thị xã Vĩnh Châu, cho biết, trong năm nay, thị xã đã huy động học sinh đến lớp đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Trừ một số em theo gia đình đi làm ăn xa, còn lại thì “hầu hết học sinh đều đã đến lớp”.
Cũng theo ông Vui, năm rồi thị xã Vĩnh Châu đã tổ chức xóa mù chữ cho 173 người, phổ cập tiểu học cho 525 người. Tất cả đều vượt chỉ tiêu được giao.
Trẻ em nghèo tại vùng bãi bồi xã Lạc Hòa (Vĩnh Châu) hằng ngày phải ra biển mò cua bắt ốc kiếm tiền mua gạo thay vì được cắp sách đến trường – Ảnh: Tuổi Trẻ.
Ông Vui khẳng định địa phương không có trẻ đang độ tuổi đi học bị mù chữ: “Vì hằng năm chúng tôi đều huy động trên 99% trẻ em đủ độ tuổi tới trường. Chỉ có những trường hợp đặc biệt, vì điều kiện sức khỏe mới không thể đến trường!”.
Vị trưởng phòng giáo dục này còn khẳng định nhiều lần với phóng viên Tuổi Trẻ là: “Thị xã Vĩnh Châu không có trẻ em vì hoàn cảnh gia đình nghèo mà không thể đi học, bị mù chữ”.
Báo cáo một đường, thực tế một nẻo
“Ý thức của người dân rất thấp. Hai ba năm gần đây sự quan tâm của các bậc phụ huynh cho con em đi học có đỡ lắm rồi. Chứ trước đây tỉ lệ mù chữ, học sinh không đi học cỡ 40 – 50% là chuyện thường! Hai chục năm về trước còn khổ nữa, ôi thôi không ai đi học luôn! Bây giờ đã tương đối rồi mà tình hình còn vậy đó. Khổ lắm!”
Ông Trần Tuấn Kiệt – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Hòa 2
Ngay đứa trẻ đầu tiên chúng tôi tiếp xúc tại ấp Đại Bái A (xã Lạc Hòa), hỏi đến việc học của em thì đã gặp ngay cái lắc đầu: “Con phải đi biển, không đi học được!”.
Đứa bé 10 tuổi dẫn chúng tôi đến một xóm nhà ở gần khu vực bãi bồi thuộc ấp Đại Bái A, nơi em nói cũng có nhiều trẻ độ tuổi như em hằng ngày phải ra biển mò cua bắt ốc, thay cho cắp sách đến trường.
Gặp nhóm trẻ em từ 10 – 13 tuổi người còn ướt sũng vì mới từ biển vào, chúng tôi lấy quyển sách ra, bảo các em đọc thì em nào cũng lắc đầu nhăn nhó: “Con không biết chữ!”. “Nhà con nghèo nên con không đi học. Con phải đi bắt ốc kiếm tiền mua gạo” – một bé gái 13 tuổi ngại ngần nói với chúng tôi.
Cách đó không xa, cũng tại ấp Đại Bái A, khi chúng tôi ghé vào một ngôi nhà thì nơi này có nhiều trẻ em đang túm tụm bên mớ ốc len còn đầy bùn đất. Trong số bảy em tuổi từ 7 – 14, khi được hỏi thì đến năm em không hề đến trường; một em học hết lớp 3 thì bỏ học; em còn lại buổi sáng đi ra bãi bồi bắt ốc, buổi chiều về học tại lớp học cạnh một ngôi chùa gần đó.
Chúng tôi phỏng vấn những em này về nguyên nhân bỏ học để lập bảng khảo sát, phần lớn các em đều trả lời không đến trường vì nhà nghèo, phải ở nhà để phụ giúp cha mẹ kiếm tiền.
Hai chị em Ly (9 tuổi), Trúc (7 tuổi) hằng ngày phải ra bãi bồi mò cua bắt ốc mang tiền về cho mẹ nuôi ba đứa em nhỏ – Ảnh: Tuổi Trẻ.
Gia đình thất học
Thấy có người hỏi đến chuyện học, nhiều người dân ở Đại Bái A chỉ chúng tôi đến gặp một phụ nữ gầy còm đang bồng đứa con nhỏ xíu trên tay, đứng cạnh bờ kênh. Chị này đang đợi mấy đứa con đi bắt ốc ngoài bãi về, bán đem tiền về mua gạo. Chị tên Loan (30 tuổi), vợ anh Linh (25 tuổi), đã có với nhau năm đứa con.
Chị Loan nói cả hai vợ chồng chị đều không biết chữ. Nhà nghèo túng, anh Linh phải đi miền Đông xin làm công nhân, để chị Loan ở nhà với năm đứa con nheo nhóc.
Trong năm đứa con, có hai chị em lớn là Lý Thị Ly và Lý Thị Trúc hằng ngày phải ra bãi bồi bắt ốc len từ sáng sớm. Mỗi bữa bắt ốc len các em kiếm được hơn 20.000 đồng mang về giúp mẹ nuôi ba đứa em, đứa 5 tuổi, đứa 4 tuổi và đứa 5 tháng tuổi.
Video đang HOT
Nghe về ước mơ tuổi thơ của hai chị em Ly và Trúc thật buồn: thay vì mơ được cắp sách đến trường, các em chỉ ước mỗi ngày ra bãi bồi bắt được nhiều ốc để mang tiền về cho mẹ nuôi em.
Chị Loan nói nhà có đồng nào xài hết đồng đó, nên dù muốn cho mấy đứa con đi học, vợ chồng chị cũng không còn cách nào khác hơn. Năm đứa con của chị còn chưa đứa nào có giấy khai sinh, cả nhà đều không có hộ khẩu.
Mặc dù chúng tôi tiến hành khảo sát một cách ngẫu nhiên, nhưng khi thấy có người hỏi đến chuyện học hành, nhiều người dân chỉ đến nhà chị Sơn Thị Hồng Hoa (38 tuổi, ấp Đại Bái), chồng là Sơn Đãnh (41 tuổi).
Chị Hoa nói vợ chồng chị không biết chữ. Anh chị có bảy người con, con gái đầu là S.T.D. (18 tuổi) có học đến lớp 5 nhưng giờ vẫn không biết chữ. Sáu đứa con còn lại của anh chị hằng ngày ra biển mò cua bắt ốc kiếm sống. Hiện tại cả bảy đứa con không đứa nào được đến trường.
“Còn nhiều lắm chú, sợ không đủ giấy để ghi” – một người dân tại ấp Đại Bái bảo chúng tôi như vậy, và giải thích thêm: vì dân ở đây nghèo, con lại đông, đẻ ra thì cho chúng lội bùn kiếm tiền còn dễ hơn là tới trường học chữ!
Chúng tôi kể câu chuyện về hàng loạt những đứa trẻ ở địa phương đang độ tuổi đi học nhưng không được cắp sách đến trường, bà Kim Thị Thêm, trưởng ban nhân dân ấp Đại Bái, cho hay: “Nhiều lắm! Nhưng tôi chưa từng đi điều tra”.
Bà Thêm nói năm ngoái có nghe trên báo về chuyện đi điều tra tình trạng bỏ học, nhưng bà chưa từng được đi. Bà Thêm cho biết một số hộ dân, như hộ chị Hồng Hoa mà chúng tôi vừa kể trên, các con không được đến trường vì… vợ chồng thiếu giấy đăng ký kết hôn, không làm khai sinh cho các con.
“Tôi bảo họ cứ đi làm, không phải trả tiền gì hết, nhưng họ không đi, nên con cái đâu có khai sinh” – bà Thêm lắc đầu.
Sự thật đáng buồn là vậy. Thế nhưng khi trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Trần Minh Cương, chủ tịch UBND xã Lạc Hòa, lại khăng khăng cho rằng việc vận động trẻ đến trường “xã đã vượt chỉ tiêu trên giao”!
Ông Cương khẳng định: “Xã đã phân công cán bộ xã cùng với ấp đi khảo sát từng hộ. Chúng tôi không dựa trên tàng thư nên bảo đảm chính xác”.
Ở ấp Đại Bái A (xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) có nhiều em không thể đến trường vì hoàn cảnh khó khăn, trong khi báo cáo của địa phương rất đẹp – Ảnh: Tuổi Trẻ.
Sau khi ông Cương trình bày những thành tích giáo dục của xã đạt được, chúng tôi phản ánh lại với vị chủ tịch UBND xã về thực tế hàng loạt trẻ trong độ tuổi đến trường không được đi học, về những gia đình mù chữ trong xã mà chúng tôi tiếp xúc. Chỉ khi nghe vậy ông Cương mới thừa nhận: “Thực tế bên ngoài con số (bỏ học, mù chữ) lớn hơn. Nếu các anh chị đã đi khảo sát rồi thì con số này có thể lên đến 10%!”.
Rõ ràng, để “ làm đẹp” các bảng báo cáo thành tích giáo dục địa phương, con số trẻ em vì nhiều hoàn cảnh khác nhau không được đến trường, mù chữ… đều không được những người quản lý giáo dục, chính quyền địa phương đưa ra.
Với thực tế ghi nhận được, một lần nữa chúng tôi liên lạc lại với trưởng Phòng giáo dục thị xã Vĩnh Châu. Thế nhưng, khi nghe chúng tôi đặt vấn đề thì ông Vui lảng tránh tiếp xúc. Do đó, sự khác biệt giữa những con số trong báo cáo tình hình trẻ em đến trường và thực tế diễn ra tại địa phương vì thế vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp từ những người quản lý giáo dục tại thị xã này.
Chúng tôi rất bức xúc!
Nếu báo cáo không đúng với thực tế thì có tình trạng chạy theo thành tích, phải nói thật như vậy. Chúng tôi rất bức xúc trước việc này.
Chúng tôi sẽ có kế hoạch điều tra lại tình trạng bỏ học của học sinh, tình hình công tác phổ cập, công tác xóa mù chữ… Trên tinh thần đó, chúng tôi sẽ có đánh giá và xử lý cán bộ tới nơi tới chốn nếu phát hiện có chuyện làm không trung thực, chạy theo thành tích. Nếu có sai thì cũng sẽ quy rõ trách nhiệm cá nhân tới đâu, phải chịu trách nhiệm trước Đảng ủy, UBND thị xã. Khẳng định có chạy theo thành tích hay không thì sau khi điều tra lại UBND thị xã sẽ có kết luận.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhiên - Phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu
Không kiểm tra, báo cáo thế nào cũng được!
Muốn có kế hoạch phù hợp thì chúng ta phải có số liệu chính xác. Để có số liệu chính xác thì chúng ta phải tổ chức điều tra, thống kê… Các tỉnh nên nghiêm túc kiểm điểm xem công tác điều tra, thống kê của chúng ta tốt hay chưa. Liệu có chuyện huyện thì nghe xã báo cáo, tỉnh thì nghe huyện báo cáo, thế nhưng không kiểm tra, báo cáo thế nào cũng được?
Tôi đã đến nhiều xã người ta không tổ chức điều tra (phổ cập giáo dục, xóa mù chữ – PV). Báo cáo số liệu thì chỉ để đối phó “báo cho có”. Nhiều nơi làm rất tốt, đi đến từng gia đình, hỏi từng người, đóng thành sổ… Tuy nhiên cũng có những xã không đi điều tra. Có thể là sở GD-ĐT cấp kinh phí điều tra thì vẫn cứ tiêu, nhưng không tổ chức điều tra.
Ông Nguyễn Công Hinh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT
Theo Tiến Trình – Thùy Trang – Chí Quốc/Tuổi Trẻ
Hai học sinh bỗng dưng bị biến thành thiểu năng trí tuệ
Vì học chậm, hai anh em Đức và Hạnh bị nhà trường xếp vào nhóm "thiểu năng trí tuệ" sau buổi khám qua loa của trạm y tế xã.
Gia cảnh khốn khó
Nguyễn Trọng Đức (học lớp 4) và Nguyễn Thị Hạnh (học lớp 2) là con của anh Nguyễn Trọng Thảo (sinh năm 1982) và chị Đoàn Thị Cầm (sinh năm 1982) trú ở xóm 3, xã Phú Phong (Hương Khê, Hà Tĩnh).
Căn nhà tranh nằm sát đường mòn Hồ Chí Minh của gia đình không có tài sản gì đáng kể. Thời tiết đầu đông lạnh giá nhưng trên chiếc giường 2 anh em chỉ có gối chứ không có chăn.
Bố mù chữ, mẹ cũng mắc chứng cận thị bẩm sinh, loạn thị nặng nên việc học chữ của em em trông vào nhà trường.
Mấy năm học ở Trường Tiểu học Phú Phong, Đức và Hạnh học hành chậm tiến. Mặc dù đã là học sinh lớp 4 nhưng Đức chỉ viết được vài chữ, đọc còn phải đánh vần. Em Hạnh là học sinh lớp 2 nhưng không đọc được, em phải nhìn theo sách mới viết được....
Cô Hiệu trưởng Võ Thị Thanh Hương cho rằng: "Muốn giảm bớt sức nặng trong chương trình học cho 2 em nên mới đưa hai em vào danh sách trẻ khuyết tật". Ảnh: VietNamNet.
Cô Võ Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Giáo viên chủ nhiệm bày vẽ cho hai em, nhưng bày trước quên sau, các em không nhớ được các mặt chữ. Khi các cô chủ nhiệm trao đổi với tôi về vấn đề không nhớ mặt chữ của 2 em, tôi là hiệu trưởng đã dành ra 2 buổi để xem các em có tiến bộ được tí nào không. Nhưng các em không hề biết một chữ gì cả".
"Sau gần một kì học bày dạy không tiến bộ, tôi mới nghĩ lập hồ sơ khuyết tật cho các em. Mục đích lập vào trẻ khuyết tật là vì thương các em, muốn các em không chịu áp lực trước việc học" - Cô Hương nói.
Nhà trường đã mời chị Cầm - mẹ 2 em - lên làm việc, hướng dẫn ký làm đơn xin xác nhận trẻ tàn tật.
Chị Nguyễn Thị Hiền, cán bộ văn hóa xã cho biết: "Cách đây tầm 2 tháng, thấy chị Cầm mang đơn lên xã xin xác nhận trẻ tàn tật theo đề nghị của nhà trường, tôi có hỏi thì chị ấy nói nhà trường bảo làm đơn để giảm một phần tiền ăn cho các cháu. Tôi nói việc xác nhận hộ cận nghèo thì sẵn sàng, còn ký xác nhận trẻ tàn tật thì tôi không làm được bởi không có hồ sơ bệnh án".
Nhà trường cho rằng việc lá đơn xin vào hưởng quyền lợi của trẻ khuyết tật là do chị Cầm đọc cho cô giáo viết. Nhưng chị Cầm khẳng định: "Lá đơn đó nhà trường làm rồi nói tôi ký vào, tôi có biết gì đâu, cũng không có thời gian đâu mà đi làm đơn".
Biên bản khám sức khỏe cho học sinh khuyết tật có đủ chữ ký cán bộ y tế, hiệu trưởng, giáo viên, khẳng định 2 anh em Đức Hạnh là trẻ thiểu năng. Ảnh: VietNamNet.
Phán quyết 2 học sinh là trẻ thiểu năng dựa vào bảng chữ cái
Theo tìm hiểu của chúng tôi, biên bản khám học sinh khuyết tật có sự phối hợp giữa trường tiểu học và trạm y tế xã, được lập ra vào ngày 13/10/2015.
Người trực tiếp khám cho hai học sinh Đức và Hạnh là ông Nguyễn Kim Cát - Trạm trưởng trạm y tế xã Phú Phong, chị Nguyễn Thị Huyền là nhân viên y tế của trường, có sự chứng kiến của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm.
Ông Nguyễn Kim Cát cho biết: "Lúc khám cho 2 cháu, tôi chỉ dựa vào bảng chữ cái, kiểm tra xem hai cháu có biết đọc và nhớ được chữ cái không. Nhưng không nhớ được nên tôi kết luận như vậy".
Cũng theo ông Cát, lúc khám ngoài bảng chữ cái ra, không có một phương pháp hay thiết bị nào để hỗ trợ và nhận biết trẻ thiểu năng trí tuệ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Nguyên Phú, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh cho biết: "Việc khám cho trẻ khuyết tật cần phải có bác sĩ chuyên khoa. Còn nếu chỉ dựa vào bảng chữ cái để kết luận là trẻ thiểu năng, chắc chắn là hành động theo cảm tính và thiếu khách quan".
Đồng quan điểm, bà Hà Thị Hiền (Phó phòng GD&ĐT huyện Hương Khê) cũng cho rằng, chỉ dựa vào việc học kém không thể khẳng định là trẻ khuyết tật. Phải có trung tâm giám định, đơn giản như thấy một em khuyết tật vận động đó nhưng nếu không có người giám định mình cũng không thể kết luận được. Thế nhưng nhà trường đã lập hồ sơ khuyết tật cho em Đức vào năm học lớp 2.
Còn theo ông Cát, thôn trưởng, cán bộ xã và gia đình hai cháu thì đơn xin xác nhận trẻ khuyết tật mới chỉ gửi đến đầu năm học 2015 - 2016.
Như vậy, trước đó nhà trường đã tự ý lập em Đức vào học sinh khuyết tật mà không thông qua gia đình và chính quyền dẫn đến việc Đức không biết đọc vẫn cho lên lớp 4?
Ông Nguyễn Kim Cát, Trạm trưởng trạm y tế: "Tôi chỉ dùng bảng chữ cái để kết luận là trẻ khuyết tật". Ảnh: VietNamNet.
"Con tôi không phải trẻ thiểu năng trí tuệ"
Nhà trường cho rằng Đức và Hạnh là trẻ khuyết tật, tuy nhiên, gia đình, hàng xóm lại khẳng định hai em không phải trẻ thiểu năng trí tuệ.
Trên khuôn mặt hiện lên nỗi khắc khổ, anh Nguyễn Trọng Thảo rầu rĩ: "Tôi buồn lắm khi nghe tin nhà trường nói con tôi là trẻ thiểu năng. Vì mọi việc vặt ở nhà hai đứa đều bảo ban nhau làm, không cần bố mẹ nhắc nhở. Chúng cũng rất ngoan ngoãn và nghe lời".
Trưởng thôn 3, ông Nguyễn Kim Thực tỏ ra bất bình: "Không có chuyện chúng là trẻ thiểu năng trí tuệ. Việc cho hai cháu vào danh sách trẻ thiểu năng là do nhà trường vì thành tích. Vì học sinh học kém mà vẫn được lên lớp, sợ bị kiểm điểm nên mới làm thế với hai em?".
Phó phòng GD&ĐT huyện Hương Khê Hà Thị Hiền khẳng định: "Phòng giáo dục đã quản triệt rất kỹ, phân tích ở chỗ một em không bị khuyết tật mà cho vào trẻ khuyết tật thì ảnh hưởng đến tương lai của học sinh. Không hiểu sao trường tiểu học lại để xảy ra trường hợp này. Đó không phải vì tình thương mà là làm hại các em. Trách nhiệm, lương tâm người dạy học không cho phép việc kê học sinh yếu vào danh sách trẻ khuyết tật" .
Sau nhiều giờ làm việc với phóng viên, cán bộ y tế xã, và lãnh đạo nhà trường đã thừa nhận hành vi sai, nhận trách nhiệm và có lời xin lỗi đến gia đình.
Ông Nguyễn Kim Cát, Trạm trưởng trạm y tế xã nói: "Giờ tôi biết sai rồi, tôi sai khi dùng bảng chữ cái để kết luận là trẻ thiểu năng. Do tôi chưa nắm được kiến thức chuyên môn, nhà trường bảo tôi khám thì tôi khám cho 2 học sinh đó thôi. Tôi sẽ sửa sai bằng cách đề nghị nhà trường hủy hồ sơ và khám lại".
Ông Hùng, Chủ tịch xã Phú Phong cho biết sẽ tiến hành xem xét lại sự việc, về trách nhiệm của trường và y tế xã để có kết luận chính xác nhất.
Được biết, Ban giám hiệu Trường tiểu học Phú Phong, cùng cô giáo chủ nhiệm của Đức và Hạnh đã đến tận gia đình để nói lời xin lỗi và xin gia đình rút đơn.
Cô Hiệu trưởng Thanh Hương phân trần: "Tôi chỉ có chuyên môn nghề giáo, không nắm được khái niệm trẻ khuyết tật nên dẫn đến sai sót, chứ tôi không vì thành tích mà làm thế với hai em. Tôi sẽ báo cáo lên xã, từ đó xã sẽ có các bước tiếp theo. Còn các em, từ giờ tôi sẽ làm hết sức mình, kèm cặp hết khả năng để các em tiến bộ hơn".
Anh Nguyễn Trọng Hòa, chú của 2 em Đức và Hạnh bức xúc: "Tôi muốn cháu tôi được học chữ, còn hơn lên lớp 4 mà sau này thành người mù chữ".
Theo Thiện Lương - Đậu Tình - Văn Đức/VietNamNet
Anh hùng điểm 0 Nữ sinh người Ai Cập Mariam Malak trở thành biểu tượng chống tham nhũng sau khi phát hiện bài thi của mình bị đánh tráo với con quan chức có thế lực và chấm điểm 0. Cuộc chiến "châu chấu đá xe" Mariam Malak, 19 tuổi, con gái một giáo viên tại ngôi làng nghèo miền bắc Ai Cập nuôi giấc mơ trở...