“Chuyển thể” truyện thành thơ
Một giáo viên ở Bạc Liêu đã “chuyển thể” truyện thành những bài thơ để truyền cảm hứng cho học sinh, giúp các em thích thú và đam mê môn Ngữ văn hơn.
Một trang thơ của cô Lê Ngọc Giàu.
Dạy truyện bằng thơ
Với mong muốn các em học sinh nắm được cái “hồn”, cũng như giá trị sâu sắc của tác phẩm văn học, cô Lê Ngọc Giàu (SN 1981, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Trung Trực, Thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) đã “chuyển thể” những tác phẩm dài hay những tác phẩm khó hiểu trong chương trình thành thơ theo cảm nhận, cảm xúc của bản thân cô.
Vốn là giáo viên dạy môn Ngữ văn, tình yêu thơ văn thấm đẫm vào tâm hồn cô từ những ngày còn đi học. Cho đến khi ra trường đi dạy, trong một lần xem trên tivi phát sóng chương trình nói về ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, đỉnh điểm cảm xúc thơ tuôn trào trong cô. Chỉ trong vòng khoảng 35 – 40 phút, cô Giàu đã làm được 2 bài thơ nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Thời gian sau đó, cô cho ra đời nhiều tác phẩm như vậy ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nói về việc “chuyển thể” từ truyện thành thơ áp dụng vào môi trường học đường, cô Giàu cho biết, trong thời gian dài nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19, cô thấy học sinh ở nhà chơi tô màu nên nảy sinh ra ý tưởng vẽ phác họa cho những bài thơ mà cô “chuyển thể” nhằm tạo sự mới lạ trong phương pháp giảng dạy.
Cô Lê Ngọc Giàu chia sẻ: “Theo tôi, tuổi trẻ thông thường thích những tranh ảnh nhiều màu sắc. Tôi nghĩ khi mình viết tay sẽ dễ chạm vào trái tim của các em hơn và cũng mong muốn các em nhìn vào để suy ngẫm, trân trọng hơn những sản phẩm của mình, rèn cho các em sự tỉ mỉ”.
Mỗi sản phẩm cô Giàu “ra mắt” trong mùa dịch đều chứa đựng cả tâm huyết của mình, kèm theo đó là những lời nhắn cũng không kém phần dễ thương, nhí nhảnh như: “Cùng khởi động ôn bài bằng thơ cho ngày mai “trở lại thật lợi hại” nhé” hay “những cảm xúc đánh rơi thành thơ!. Vẫn kèm theo những hình ảnh minh hoạ nhỏ xíu…”.
Cô Lê Ngọc Giàu. Ảnh: NVCC
Cô giáo có tấm lòng thiện lành
Cô Giàu nói tiếp: “Trong lớp, có nhiều học sinh năng lực cảm thụ văn học còn hạn chế, một số em tiếp thu chậm, làm chất lượng dạy học trong tiết đó cũng bị chậm nhịp. Thế nhưng, kể từ khi “dụ” các em bằng những vần thơ thì tiết học trở nên sôi nổi và mới mẻ hơn. Từ đó, thành quả lao động của tôi không chỉ được học sinh yêu thích mà quý phụ huynh cũng rất ngưỡng mộ. Thật sự, tôi cảm thấy rất thích thú. Nó giống như mình tìm được tri âm…”.
Khi thấy chúng tôi tò mò về tác phẩm “Tấm Cám”, cô Giàu cho biết cô đã “chuyển thể” truyện này thành 2 bài thơ: Một bài là kể lại chặng đời của cô Tấm có những sự kiện nào diễn ra để các em dễ nhớ, dễ nắm bắt tác phẩm và vận dụng viết bài văn tự sự; bài còn lại là nói về giá trị giáo dục cùng với đó là những lời khuyên các em học sinh cần phải rút ra bài học từ những tác phẩm dân gian.
Cuối dòng bài 2 (chặng đường 2) tác phẩm “Tấm Cám”, cô Giàu viết: “Cổ tích diệu kỳ cho ta những điều hay/ Bài học giản đơn mà tuyệt vời sâu sắc/ Ta hãy nhớ khi cuộc đời bất trắc/ Cứ THIỆN LÀNH – HẠNH PHÚC ắt về ta”.
Video đang HOT
Trường THPT Nguyễn Trung Trực, nơi cô Giàu công tác, giảng dạy 16 năm qua.
Theo cô Lê Ngọc Giàu, trong số những bài thơ “thời dịch Covid-19″, cô cảm thấy ấn tượng, ưng ý nhất chính là bài “em người vợ nhặt” được chuyển thể từ tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân viết về thời kỳ xảy ra nạn đói năm 1945. Cô thích vì đơn giản chỉ là cô cảm thấy thương xót cho số phận của nhân vật.
“Bởi, truyện đã thể hiện rõ giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc, khẳng định khát vọng sống mãnh liệt của con người, đồng thời phát hiện, trân trọng và ngợi ca vẻ đẹp con người dù có rơi vào cảnh khốn cùng họ vẫn khát khao hạnh phúc, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Trong nạn đói khi những giá trị vật chất trở nên xa xỉ thì tình thương sự cảm thông đã khiến con người sống nhân văn hơn, hoàn thiện hơn”, cô Giàu nói.
Thầy Đoàn Thanh Ngọt, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực cho hay, trong quá trình công tác, cô Lê Ngọc Giàu rất nhiệt tình trong giảng dạy, cũng như trong chuyên môn. Mỗi tiết dạy, cô đều truyền cảm hứng mới cho các em, do đó có rất nhiều học sinh thích học môn Văn của cô.
“Với vai trò Tổ phó chuyên môn, cô Giàu thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp, nhất là những giáo viên trẻ mới ra trường. Ngoài ra, cô luôn hòa đồng với mọi người và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chính sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, cô Giàu là một trong những giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, những học sinh được cô Giàu bồi dưỡng đi thi học sinh giỏi đều đạt giải cao”, thầy Ngọt chia sẻ.
Đề thi vào lớp 10 môn Văn: Giải quyết 2 dạng bài nghị luận xã hội thường gặp
Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống và nghị luận về một tư tưởng đạo lí là hai dạng bài quan trọng mà học sinh lớp 9 cần đặc biệt lưu ý khi ôn thi vào lớp 10 môn Văn.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy, cô Nguyễn Thị Thu Trang - Giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã đưa ra gợi ý cách xử lí các dạng bài nghị luận xã hội thường gặp trong đề thi vào lớp 10 môn Văn, giúp học sinh ôn thi vào lớp 10 đạt điểm cao.
Kĩ năng làm bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống
Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống là bàn luận, trình bày quan điểm về một hiện tượng xảy ra trong thực tế, thu hút sự quan tâm của nhiều người như nếp sống văn minh đô thị, nghiện mạng xã hội, cuồng thần tượng...
Đó có thể là hiện tượng tốt hoặc xấu nhưng dù đề bài ra theo hướng nào thì khi viết đều phải triển khai được 4 luận điểm chính:
Luận điểm 1: Giải thích hiện tượng đời sống, làm rõ các khái niệm trong đề bài.
Luận điểm 2: Nêu thực trạng hiện tượng đang diễn ra trong thực tế. Ảnh hưởng ra sao đối với đời sống xã hội?
Luận điểm 3: Lí giải nguyên nhân của hiện tượng, tác hại hoặc vai trò của hiện tượng đối với đời sống con người.
Luận điểm 4: Đề xuất giải pháp, liên hệ thực tế bản thân.
Ví dụ: Viết đoạn văn khoảng nửa trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại hội nhập toàn cầu hiện nay (Đề thi Văn vào lớp 10 Hà Nội năm 2015).
- Luận điểm 1: Giải thích: Bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được lưu giữ trong lịch sử.
- Luận điểm 2: Biểu hiện của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc:
Tiếp nối, phát huy những phong tục văn hóa tốt đẹp trong đời sống.
Quảng bá, tuyên truyền văn hóa trên thế giới.
- Luận điểm 3: Vai trò, ý nghĩa của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc: Đề cao tinh thần dân tộc, tự tôn, lòng yêu nước.
- Luận điểm 4: Đề xuất giải pháp/liên hệ thực tế: Tiếp tục giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc; giao lưu, chia sẻ những nét đẹp ấy đến với bạn bè quốc tế.
Lưu ý, đối với hiện tượng tích cực, học sinh cần làm rõ tác dụng, ý nghĩa của nó với thực tiễn cuộc sống; đồng thời phê phán những hiện tượng trái ngược; đề xuất giải pháp nhân rộng hiện tượng và bài học liên hệ. Đối với hiện tượng tiêu cực thì phải phân tích được tác hại, hậu quả cũng như đề xuất phương án khắc phục hiện tượng.
Cô Nguyễn Thị Thu Trang - Giáo viên môn Ngữ văn
Kĩ năng làm bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí
Nghị luận về một tư tưởng đạo lí là bàn luận vấn đề thuộc đạo đức, lối sống, nhân cách con người và ứng xử trong xã hội như đức tính khiêm tốn, tinh thần lạc quan, tấm gương vượt khó... (tích cực) hay lối sống ích kỉ hưởng thụ, bệnh vô cảm, sự dối trá... (tiêu cực).
Dù đề bài yêu cầu nghị luận về vấn đề tích cực hay tiêu cực, viết đoạn văn hay bài văn thì bài viết vẫn phải đầy đủ 3 luận điểm sau:
Luận điểm 1: Giải thích các khái niệm, quan niệm, khái quát vấn đề cần nghị luận là gì.
Luận điểm 2: Nhận định, đánh giá về vấn đề tư tưởng đạo lí.
Luận điểm 3: Phan đê, bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
Ví dụ: Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải mang khát vọng được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, như bông hoa tỏa sắc hương. Trong bài thơ Một khúc ca xuân, Tố Hữu cũng đã viết: "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình".
Hãy trình bày ý kiến của em về quan niệm sống trong câu thơ trên của Tố Hữu bằng một bài văn.
- Luận điểm 1: Giải thích, đánh giá:
"Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình": Biết cho đi yêu thương, sống tận tâm, quan tâm những người xung quanh, có trách nhiệm với chính mình và người khác.
Giữa "cho" và "nhận" luôn có mối quan hệ khăng khít với nhau. Muốn nhận được điều tốt đẹp ta phải biết "cho" đi những điều tốt đẹp.
- Luận điểm 2: Nhận định, đánh giá về vấn đề tư tưởng đạo lí.
Biểu hiện của sự cho đi: Chúng ta có thể "cho" đi về vật chất hoặc sẻ chia về mặt tinh thần.
Tác dụng của việc cho đi: Cuộc sống trở nên vui vẻ, ý nghĩa; nhận được tình cảm yêu thương, sự kính trọng từ mọi người...
Kết hợp hài hòa giữa "cho" và "nhận".
Nêu một số tấm gương của việc cho và nhận: Hồ Chí Minh, Bill Gates...
- Luận điểm 3: Phan đê, bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
Lối sống vô cảm, sống chỉ biết "nhận" chứ không hề "cho" - "Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau" đáng phê phán.
"Cho" đi đúng lúc, đúng mức, không nên mù quáng.
Bài học trong cuộc sống: biết yêu thương, trân trọng cuộc sống.
Ngoài ra khi viết dạng văn nghị luận xã hội học sinh cần lưu ý xác định đúng yêu cầu của đề bài, thực hiện đúng phương pháp và chọn lựa đúng kiến thức cần huy động. Đặc biệt dẫn chứng sử dụng trong bài viết phải có sự chọn lọc, vừa đủ và thuyết phục người đọc. Cùng với đó lập luận phải sắc sảo, chặt chẽ và thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của người viết.
Cô Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ thêm: "Trước khi bắt tay vào viết bài, các em nên dành thời gian tìm hiểu đề, lập dàn ý theo các thao tác nghị luận mà cô đã hướng dẫn để bài viết đúng hướng và đủ ý. Đặc biệt, phải thường xuyên cập nhật kiến thức xã hội, tin tức thời sự để đưa dẫn chứng thực tế vào bài viết, kết hợp lí lẽ chặt chẽ và dẫn chứng thuyết phục thì cô tin bài làm của các em sẽ đạt điểm cao".
Giáo viên sẵn sàng nhận xét học sinh nhưng lo 'chê thế nào cho đúng' Nhiều giáo viên đồng tình với việc cần phải có sự kết hợp giữa nhận xét và cho điểm mới đảm bảo đánh giá đúng phẩm chất, năng lực học sinh. Tuy nhiên, một số người lại bày tỏ lo ngại "không biết chê thế nào cho đúng". Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Thông tư Sửa đổi,...