Chuyến thăm gây xôn xao của nhân vật quyền lực số 2 Triều Tiên tới Iran
Trong bối cảnh Bình Nhưỡng bị áp các lệnh trừng phạt quốc tế mới, quan chức quyền lực số 2 của Triều Tiên đã bắt đầu chuyến thăm kéo dài 10 ngày tới Iran. Hiện có rất nhiều đồn đoán xung quanh chuyến thăm này.
Chủ tịch Hội đồng tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam (Ảnh: EPA)
Hãng tin IRNA của Iran cho biết, Chủ tịch Hội đồng tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam, người được cho là quyền lực số 2 ở nước này, hôm 3/8 đã rời Bình Nhưỡng, bắt đầu chuyến thăm tới Iran.
Mục đích của ông Kim Yong-nam qua chuyến thăm này được công bố là nhằm dự lễ nhậm chức của Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Tuy nhiên, việc chuyến thăm kéo dài tới 10 ngày làm dấy lên đồn đoán rằng chuyến thăm còn nhằm nhiều mục đích khác, trong đó có tăng cường hợp tác quân sự.
Ngoài ra, trong bối cảnh Triều Tiên tiếp tục hứng chịu các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, chuyến thăm được cho là một phần trong nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm hạn chế ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt này.
Nói cách khác, theo giới chuyên gia, chuyến đi lần này của ông Kim Yong-nam đặc biệt quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác không chỉ về kinh tế mà còn cả quân sự giữa Triều Tiên và Iran, hai quốc gia sở hữu hạt nhân và đều đang hứng chịu các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Video đang HOT
Được biết, trong chuyến thăm này, tháp tùng ông Kim Yong-nam còn có các quan chức quân đội và kinh tế của Triều Tiên.
Emily Landau, chuyến gia nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu an ninh quốc gia Israel, nhận định: “Với Triều Tiên, vấn đề không phải là hệ tư tưởng, không phải chính trị, mà là ai sẵn sàng chi tiền. Điều đó khiến Triều Tiên trở thành một nguồn cung cấp công nghệ và các thiết bị liên quan tới hạt nhân”.
Matthew Bunn, một chuyên gia về chống phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Đại học Harvard, nhận định: “Cả Iran và Triều Tiên đều nhận thấy mối đe dọa nghiêm trọng từ Mỹ, phương Tây và tuy là hai quốc gia khác nhau nhưng đang phải đối mặt với tình cảnh như nhau”.
Chuyến thăm của ông Kim Yong-nam diễn ra trong bối cảnh Liên Hợp Quốc thông qua lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên do Mỹ soạn thảo. Các lệnh trừng phạt này được cho là có thể làm giảm 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Triều Tiên.
Minh Phương
Theo CNBC
Gian nan chuyện Tổng thống Pháp muốn "danh chính ngôn thuận" cho vợ
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã vấp phải không ít khó khăn khi có tới hơn 180.000 người ký đơn phản đối việc trao cho vợ ông, bà Brigitte Macron, chức danh chính thức là đệ nhất phu nhân.
Tổng thống Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte (Ảnh: Guardian)
Theo RT, hơn 180.000 người đã ký vào đơn kiến nghị trực tuyến trên trang web Change.org trong suốt hai tuần qua để phản đối chính phủ Pháp trao cho bà Brigitte Macron, phu nhân Tổng thống Emmanuel Macron, vị trí chính thức là đệ nhất phu nhân dù đây là mong muốn từ lâu của nhà lãnh đạo Pháp.
"Không có lý do nào để ngân sách quốc gia phải chi trả cho vợ của một nguyên thủ. Bà Brigitte Macron hiện đã có một nhóm gồm từ 2-3 phụ tá, cùng với 2 thư ký và 2 nhân viên an ninh. Như vậy là đủ rồi", nhà văn Thierry Paul Valette, người đề xuất đơn kiến nghị, cho biết.
Trong khi đó, Tổng thống Macron từng hứa sẽ trao cho vợ ông một vị trí "danh chính ngôn thuận" trên cương vị đệ nhất phu nhân Pháp. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố vợ ông sẽ không được nhận tiền hỗ trợ từ công quỹ ngay cả khi trở thành đệ nhất phu nhân.
Theo ông Macron, các phu nhân của tổng thống Pháp cần phải được trao địa vị chính thức, thay vì chỉ trên danh nghĩa như hiện nay. Theo đó, Tổng thống Macron gọi đây là "hình thức đạo đức giả kiểu Pháp".
Hiến pháp Pháp không quy định vợ của tổng thống mặc nhiên có chức danh đệ nhất phu nhân. Thay vào đó, các phu nhân sẽ phải tự tạo cho mình vai trò đó nếu họ thấy phù hợp.
Tuy nhiên, các phu nhân vẫn được cấp văn phòng, nhân viên phụ tá và lực lượng an ninh. Chính phủ Pháp ước tính chi khoảng 450.000 euro mỗi năm để trả lương cho những người phục vụ vợ của tổng thống. Mặc dù vậy, việc tạo ra địa vị chính thức sẽ đòi hỏi phải có thêm ngân sách riêng cho phu nhân của tổng thống.
Theo nhà văn Valette, bất kỳ quyết định nào liên quan tới việc trao địa vị cho vợ của tổng thống phải được thông qua bằng một cuộc trưng cầu dân ý, chứ không chỉ bằng sắc lệnh của tổng thống. Ông Valette cũng nói rằng đơn kiến nghị không nhằm mục đích tấn công cá nhân bà Brigitte hay năng lực của bà.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ của công chúng dành cho Tổng thống Macron đang giảm mạnh. Các cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng trước cho thấy ông Macron đã giảm mất 7% tỷ lệ ủng hộ từ người dân Pháp.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Cựu Tổng thống Obama nhận quà sinh nhật bất ngờ Để chúc mừng sinh nhật lần thứ 56 của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, bang Illinois đã quyết định chọn ngày sinh nhật của ông làm ngày lễ chính thức của bang. Ông Barack Obama (Ảnh: Reuters) Tổng thống thứ 44 của Mỹ hôm 4/8 đã đón sinh tuổi 56 với nhiều món quà và lời chúc mừng, trong đó có một...