Chuyển sang tài trợ sẽ hết lạm thu?
Các khoản thu tự nguyện sẽ được hiểu là khoản tài trợ cho giáo dục theo đúng tinh thần của thông tư “Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”.
Đó là khẳng định của ông Bùi Hồng Quang, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – tài chính (Bộ GD-ĐT), về khái niệm “tài trợ” được nhắc đến trong thông tư mới ban hành. Một trong những quy định của thông tư này là trường học được nhận tài trợ tiền mặt, vàng, kim cương…
Để giải đáp cụ thể nội dung của thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 25/10 này, Bộ GD-ĐT đã tổ chức buổi gặp gỡ quy mô hẹp với báo chí ngày 13/9.
Vẫn thiếu chế tài
“Tất cả các khoản thu tự nguyện, đóng góp cho cơ sở giáo dục không hoàn lại, không kèm điều kiện gì đều phải được hiểu là tài trợ cho giáo dục. Tiền tài trợ này theo tinh thần của thông tư sẽ do thủ trưởng cơ sở giáo dục quản lý, hoạch định sử dụng một cách công khai”- ông Bùi Hồng Quang nhấn mạnh.
Video đang HOT
Thư viện Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM. Đây là công trình do hội phụ huynh học sinh đóng góp cải tạo làm mới với tổng số tiền 120 triệu đồng – Ảnh: Như Hùng
Lý do để ban hành thông tư được ông Quang nhắc đến là trước những văn bản đã ban hành liên quan đến thu chi, nhiều cơ sở giáo dục đặt vấn đề phần đóng góp tự nguyện của cá nhân và tập thể thì thu và quản lý như thế nào khi họ hoàn toàn tự nguyện đóng góp cho nhà trường… “Thông tư quy định điều chỉnh cho tất cả các cấp bậc học từ mầm non đến đại học. Nghĩa là tất cả các cơ sở giáo dục đều có quyền thu và sử dụng các khoản đóng góp”- ông Quang khẳng định.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc thông tư quy định về tài trợ có phải là cách để hợp thức hóa các khoản thu ngoài học phí thành tên gọi chung “tiền tài trợ”, ông Quang nói: “Không thể đặt vấn đề như vậy. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là ban hành các văn bản pháp quy.
Bộ GD-ĐT đã có nhiều công văn gửi UBND tỉnh, thành phố và các sở GD-ĐT yêu cầu giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng lạm thu tại các trường, đặc biệt từ năm 2010 đến nay, nhưng kết quả chưa được như mong muốn nên phải xây dựng thông tư chung quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục”.
Thực tế, đúng là Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều công văn, nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu kiểm soát việc thu chi trong nhà trường nhưng việc lạm thu vẫn tái diễn, đặc biệt nghiêm trọng ở thời điểm đầu năm học mới. Đầu năm 2012-2013, đã có hiện tượng phụ huynh một số lớp học không cho con đến trường để phản đối các khoản thu vô lý.
Trước tình trạng này, bộ cho rằng lý do cốt lõi là thiếu chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe trong những văn bản này. “Ngay điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh (năm 2011) cũng đã quy định rất rõ về nguyên tắc thu các khoản tự nguyện trong nhà trường, song đúng là đến nay tình trạng lạm thu chưa được giải quyết đến cùng. Nguyên nhân thứ nhất là tuyên truyền chưa đến nơi, rất nhiều cha mẹ học sinh không hề biết đến nội dung của điều lệ này. Thêm một lý do chính là chế tài xử lý không cụ thể” – ông Quang phân tích.
Tuy nhiên, trong toàn bộ nội dung thông tư quy định về tài trợ mới tinh này, vẫn thiếu vắng chế tài xử lý cụ thể – vấn đề mà chính ông Quang cho là mấu chốt trong việc chấn chỉnh lạm thu.
Trả lời câu hỏi của PV , ông Quang thừa nhận thông tư này cũng không có điều khoản nào xác nhận hình thức xử lý và viện dẫn hướng xử lý theo cách: người vi phạm sẽ chịu xử lý theo luật công chức, viên chức (!).
Lạm thu vì học phí thấp?
Theo ông Quang, tình trạng lạm thu không cải thiện ở nhiều nơi do mức học phí chậm điều chỉnh. Ngoài những công văn trực tiếp chấn chỉnh, giám sát lạm thu, cuối năm 2011 Bộ GD-ĐT lại tiếp tục có văn bản gửi tất cả các cơ sở giáo dục chỉ đạo kiểm tra tình hình thực hiện quy định học phí mới. “Chính học phí thấp, chưa kịp điều chỉnh theo học phí mới cũng tác động nhất định đến các khoản thu góp của các trường, lớp. Quy định của Thủ tướng là chi cho lương và các khoản có tính chất lương tối đa là 80% tổng mức chi thường xuyên, tối thiểu 20% mức chi thường xuyên dành cho các hoạt động khác của nhà trường về quản lý hoạt động, nghiên cứu khoa học… Song thực tế, tại phần lớn các cơ sở giáo dục tiền chi cho lương và phụ cấp lương đã chiếm gần hết mức chi thường xuyên ở mức 85-90%, thậm chí có nơi lên mức hơn 90%. Do đó, cơ sở vật chất của nhiều trường rất thiếu thốn…”. – ông Quang nói.
Ông Quang cũng cho hay sau khi ban hành thông tư này, thanh tra bộ đang chuẩn bị đi kiểm tra các cơ sở giáo dục việc thực hiện tinh thần chỉ đạo của bộ đến đâu.
Ông Quang khẳng định theo thông tư này, phụ huynh, ban đại diện phụ huynh không thể tự tiện đóng góp các khoản gọi là tự nguyện để mua máy điều hòa, mua rèm, máy chiếu… về lắp cho lớp của con em mình. “Tự nguyện là tài trợ không có điều kiện. Những hiện vật đó nhà trường sẽ tiếp nhận và quyết định hình thức sử dụng”- ông Quang nhấn mạnh.
Theo tuổi trẻ
Cơ sở giáo dục phải công khai việc sử dụng các nguồn tài trợ
Ngày 11-9, quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã được Bộ GD-ĐT ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25-10-2012.
Theo thông tư này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khuyến khích các nhà tài trợ tự tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị dạy - học với sự thỏa thuận và hướng dẫn của cơ sở giáo dục. Các cơ sở giáo dục được tiếp nhận các khoản tài trợ bằng tiền mặt ngoại tệ, đá quý, kim loại quý như vàng, kim cương hoặc thông qua tài khoản của mình tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại. Giá trị khoản tài trợ phải được theo dõi và ghi chép trong sổ sách kế toán của cơ sở giáo dục theo quy định hiện hành. Cơ sở giáo dục có thể tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật như sách, vở, quần áo, lương thực, thực phẩm, vật liệu, thiết bị, đồ dùng dạy học và các hiện vật khác đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người học và cơ sở giáo dục. Cơ sở giáo dục phải lập kế hoạch sử dụng khoản tài trợ, phải lập báo cáo quyết toán công việc hoàn thành và niêm yết công khai để người học và xã hội giám sát, đánh giá...
Theo ANTD
Xử nghiêm thu tiền cưỡng ép Bộ GD&ĐT vừa có quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục. Thông tư này đòi hỏi phụ huynh nếu ủng hộ nguồn lực cho giáo dục phải hoàn toàn tự nguyện và không vụ lợi. Không được phân biệt đối xử với học sinh Trao đổi với PV về nội dung Thông tư 29/2012, ông Bùi Hồng Quang, Phó...