Chuyện nữ sinh dân tộc Thái và ước mơ giảng đường ĐH bị gác lại
Gần 4.000 ngày đến trường, Vi Thị Tâm chưa một lần nghỉ học. Tâm vừa thi đỗ khoa Sư phạm Ngữ Văn Trường ĐH Vinh. Nhưng ngặt nỗi, gia đình Tâm quá nghèo nên em quyết định không nhập học mà đi làm thêm.
Đó là hoàn cảnh của em Vi Thị Tâm – một học sinh giỏi ở bản Bồn Pủn, xã vùng sâu Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Hôm cầm giấy báo đậu khoa Văn của Trường ĐH Vinh, Tâm về nhà và khóc nói với bố mẹ là con đã thi trượt. Rồi Tâm em xin phép bố mẹ để vào Sài Gòn làm thuê nuôi em nhỏ ăn học và chấm dứt giấc mơ gieo chữ của mình.
Nghèo nhưng vẫn gắng gieo con chữ
Ngày đầu tháng 9 này, PV Dân trí tại Nghệ An nhận được điện thoại của bà Nguyễn Thị Loan – phó chủ tịch xã Châu Lý với giọng khẩn khoản: “Em ơi, ở xã chị có một học sinh thi đỗ đại học nhưng phải bỏ đi Sài Gòn làm ăn vì gia đình quá nghèo, không có tiền nhập học, nhà báo có cách gì giúp em ấy được không?”.
Nhận được thông tin, ngay trong ngày 1/9, PV đã có mặt tại gia đình em Vi Thị Tâm và tìm hiểu về gia đình cũng như những khó khăn mà em đang phải đối mặt. Ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng nằm lọt thỏm giữa đại ngàn, nơi giáp ranh giữa hai huyện là Tân Kỳ và Quỳ Hợp. Nói là nhà nhưng thoáng nhìn chúng tôi cứ tưởng là túp lều lán trại của các hộ dân dựng lên để canh rẫy.
Những ngày này khi các thí sinh khác lo làm thủ tục chuẩn bị nhập học, Tâm lại đi chăn trâu thuê để kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Trong túp lều đó không có cái gì đáng giá nổi 10.000 đồng nhưng đó lại là nơi trú ngụ quý giá của 6 con người. Gia đình anh Vi Văn Quà vốn là một hộ đặc biệt khó khăn của xã nghèo Châu Lý. Tâm là con cả trong nhà, sau còn 3 em gái. Nhà Tâm nghèo lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, sách vở cũng thiếu thường xuyên… nhưng bù lại Tâm không bao giờ đi học muộn, chưa từng bỏ học một buổi nào.
Chịu khó học hành, vượt qua hoàn cảnh Tâm học rất giỏi. Và thứ đáng giá nhất, quý nhất trong túp lều tàn tạ kia là những tấm giấy khen của những năm tháng học sinh mà Tâm đạt được. Gia cảnh nghèo nên từ nhỏ để được đến trường, hàng ngày Tâm phải đi làm thuê để kiếm tiền đi học. Nhà Tâm cách trường gần 20 km. Hàng ngày trên chiếc xe đạp cà tàng, Tâm đến trường đều đặn.
Tâm kể cho chúng tôi nghe về cái ngày đầu đến trường thật xúc động: “Ngày đó em đi rừng lấy măng, khi đi qua trường học thấy bạn bè đông lắm, em lẻn vào phía sau lớp và đứng nhìn con chữ từ sau khe vách của lớp học bản nghèo. Từ đó em khao khát được làm giáo viên đến cháy lòng. Giấc mơ đó theo em suốt gần 4.000 ngày đến trường. Không muốn vụt mất giấc mơ, nên trong những ngày đến trường chưa một lần em nghỉ học, dù là một lý do nhỏ nhất”, Tâm tâm sự.
Để có được ngày hôm nay, Tâm đã phải đi bộ gần 10.000 km qua 2 cánh rừng và hai con suối trong vòng 9 năm học (cấp 1 và cấp 2) mà không một lần nghỉ học.
Video đang HOT
Chiếc xe đạp là thành quả của Tâm đi làm cỏ mía thuê mới mua được để em hằng ngày đạp gần 20km đến trường.
Chính vì gia cảnh khốn khó, nên ngay từ nhỏ Tâm đã phải làm rất nhiều việc vất vả, nhưng không vì thế mà Tâm xao lãng học tập, trái lại em học càng giỏi hơn. Còn trong công việc, Tâm là một cô gái làm cỏ thuê mà ông bà chủ nào cũng muốn nhận vì cái tính thật thà, chăm chỉ và làm việc rất cẩn thận.
Tâm chỉ vào chiếc xe đạp dựng trang trọng ở một góc nhà và kể: “Mùa hè năm em học lớp 9 thi đậu vào cấp III nhưng bố mẹ không có tiền cho em đi học. Nhưng cứ nghĩ giờ bỏ học thiệt thòi lắm nên em đi làm cỏ mía thuê có đủ tiền mua được cái xe đạp và sách để đến trường. Và mỗi ngày đều đặn em đạp xe gần 20km để đến trường. Em yêu và quý con chữ lắm. Nhà em nghèo, bố mẹ không biết con chữ, nên chỉ đi làm thuê kiếm sống mà cũng không đủ ăn. Mẹ em lại hay bị bệnh nên cũng ít người thuê làm lắm. Em không muốn giống bố mẹ nên cố gắng học tập tốt nhưng mà học tốt cũng chẳng làm được chi mô. Em không muốn ba đứa em phải bỏ học đâu”, vừa dứt lời Tâm vội gạt đi những dòng nước mắt buồn.
Hãy viết tiếp ước mơ cho em
Chúng tôi đến thăm nhà Tâm vào một buổi trưa đầu tháng 9, khi mà nhiều thí sinh cũng như học sinh đã và đang chuẩn bị mua sắm các trang thiết bị để đến trường thì Tâm lại đang đi chăn trâu thuê cho người ta để kiếm tiền trang trải cuộc sống, lo cho các em.
Cầm giấy báo đỗ ĐH mà nước mắt Tâm cứ lã chã rơi trên khuôn mặt khắc khổ, da cháy đen sạm chân chất của thiếu nữ Thái ở tuổi trăng tròn. Tâm bảo: “Bây giờ gia đình em không thể có tiền để em vào nhập học đâu. Em muốn đi miền Nam làm 1 năm để kiếm tiền rồi sang năm tính tiếp”.
Cầm giấy bào nhập học mà lòng Tâm trĩu nặng vì hoàn cảnh quá khó khăn.
Tâm kể rằng hôm nhận giấy báo đậu đại học, nhìn tờ giấy báo đậu em vui mừng không tả xiết nhưng lật lại trang 2 thì nước mắt cô bé lại tuôn trào bởi đó là các khoản đóng góp vào trường. Số tiền nhập học gần 2 triệu với gia đình Tâm bây giờ có bán đi cả gia tài cũng không đủ. “Với gia đình khác thì em không biết, nhưng với gia đình em, số tiền này quả là quá nhiều. Bây giờ nhà em nghèo nên không có khả năng đi học nữa đâu và em làm hồ sơ để đi Sài Gòn làm thuê nuôi 2 em ăn học thôi các chú à”, Tâm chia sẻ khó khăn mà mình đang phải đối mặt.
Còn anh Vi Văn Quà – bố Tâm cho biết: “Hôm cháu nó cầm cái giấy gì đó về bảo với bố mẹ con không đỗ đại học đâu, con thi trượt rồi, bây giờ con sẽ đi miền Nam làm ăn để nuôi hai em ăn học. Nhưng hôm qua (1/9), ta có nghe bà Loan (phó chủ tịch) nói là con Tâm đậu đại học, nó nói dối là không đậu. Bây giờ nó đậu đại học rồi nhưng gia đình ta cũng chịu thôi, muốn cho hắn đi học hắn kiếm con chữ về quê làm giáo viên nhưng mà không có tiền thì biết làm sao đây hả chú? Mấy bữa ni không ai thuê làm chi cả nên ăn cơm mà không có thức ăn, nói chi là đi học xa”. Anh Quà nói thật ra từ đáy lòng mình rồi ngậm ngùi nhìn đứa con tội nghiệp có thể đứt gánh giữa đường.
Anh trầm ngâm một lát, rồi chỉ vào tập giấy khen treo kín trên bức tường tre nứa đã bị mối mọt khoe: “Mấy đứa em nhờ con Tâm mà giờ học được nhiều giấy khen lắm. Nhưng mà ta không tiền cho hắn đi học đâu”. Còn chị Lương Thị Lan – mẹ Tâm nghẹn ngào: “Muốn cho Tâm đi học lắm chú à nhưng mà không có cái gì để bán nên tôi đành chịu thôi. Bây giờ Tâm phải ở nhà cuốc cỏ làm thuê rồi lấy chồng, bạn bè của hắn giờ con cũng lớn rồi”.
Anh Quà nhìn vào số tiền nhập học của Tâm chỉ nói ngắn gọn: “Gia đình ta bây giờ thì không thể có tiền cho con đi học được đâu…”.
Bà Nguyễn Thị Loan – phó Chủ tịch UBND xã Châu Lý nói: “Tâm là một học sinh giỏi của xã, thi đậu vào Trường đai học Vinh nhưng mà gia đình nghèo quá, không có tiền ăn học. Bây giờ cháu Tâm mà phải nghỉ học thì thấy tội nghiệp, chính quyền xã đang khó khăn nên không thể giúp đỡ được gì. Tôi mong muốn hoàn cảnh cháu Tâm được lên báo Dân trí để độc giả họ thương và có thể giúp đỡ Tâm viết tiếp ước mơ, nếu không chắc cháu Tâm sẽ bỏ học mất thôi, tội ghiệp cháu ấy lắm”.
Cũng theo bà Loan, những ngày cuối tháng 8 vừa qua trong lúc ký vào giấy xác nhận cho các em đi làm ăn xa thì bà phát hiện trong đó có hoàn cảnh của Tâm. Biết sự việc, bà Loan đã gọi cho PV Dân trí nhờ giúp đỡ.
Sau khi nhận được phản ánh trên, sáng ngày 2/9, PV Dân trí tại Nghệ An đã liên lạc với một doanh nghiệp tại Quỳ Hợp để tài trợ, giúp đỡ Tâm có tiền nhập học. Sau khi trình bày hoàn cảnh, giám đốc doanh nghiệp này đã nhận lời và ủng hộ Tâm 3 triệu đồng để em nhập học.
Nguyễn Duy – Đức Thanh
Theo dân trí
Cậu học trò nhà nghèo, mê thể thao đậu hai trường ĐH
Mấy ngày nay, Lê Huỳnh Ngọc Khanh tất bật chuẩn bị sách vở, quần áo... để lên đường vào TPHCM nhập học Trường ĐH An ninh. Khanh tâm sự: "Em sẽ cố gắng học để không phụ lòng mẹ và những người đã cưu mang mình".
Lê Huỳnh Ngọc Khanh (SN 1994, trú thôn Long Sơn, xã Tam Đại, Phú Ninh, Quảng Nam) là vận động viên môn bóng chuyền, từng đoạt huy chương bạc Hội khỏe phù đổng toàn tỉnh Quảng Nam năm học 2011-2012 và được tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Kỳ thi ĐH vừa qua, em đậu cả hai trường ĐH
Lê Huỳnh Ngọc Khanh cùng mẹ.
Vòng quanh những cung đường uốn lượn dưới chân bờ đập hồ Phú Ninh, chúng tôi tìm đến nhà em Khanh khi hay tin vui đỗ ĐH của cậu học trò có gia đình thuộc diện hộ nghèo của địa phương trong nhiều năm qua này. Khi chúng tôi đến, Khanh đang dắt bò đi ăn. Dáng người cao ráo, nước da ngăm đen rắn chắc, thấy chúng tôi, Khanh buộc tạm bò vào gốc cây rồi vào nhà kéo ghế mời khách ngồi.
Bà Huỳnh Thị Năm - mẹ của Khanh, một thương binh hạng 3/4, từng được phong tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt ác" những năm 1970 cũng từ ngoài vườn vào niềm nở đón khách.
Tâm sự với chúng tôi, bà Năm phấn khởi cho biết: "Mấy hôm nay nghe tin nó nhận được giấy báo nhập học của hai trường, tôi vui lắm. Bản thân làm lụng cực khổ bấy lâu nay giờ cũng đã mở mày mở mặt với bà con chòm xóm rồi. Hai đứa anh nó trước đây không phải học không được, mà do hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn quá, một mình tôi phải lao động nuôi 4 đứa nên hai anh nó học xong cấp 3 phải nghỉ học đi làm phụ giúp tôi nuôi các em".
Cầm tờ giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời loại Giỏi của Khanh, bà Năm hồ hởi nói thêm: "Nhờ chịu khó và sáng dạ mà qua 12 năm học, nó đều là học sinh giỏi của trường. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nó cũng đạt loại Giỏi đó chú à".
Lê Huỳnh Ngọc Khanh với chiếc huy chương Bạc hội khỏe phù đổng cấp tỉnh.
Với nỗ lực vượt khó, cuối cấp THCS, Khanh thi đậu vào Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ) và học lớp chuyên Anh. Do gia đình thuộc diện hộ nghèo không có tiền cho Khanh thuê ở trọ, trong những ngày đầu học, nhà xa nhưng hôm nào Khanh cũng đạp xe đi về gần 20 km. Thấy chàng thiếu niên nhà nghèo học giỏi nên một cán bộ công tác tại Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Nam đưa Khanh về nhà cho ăn ở. Sau đó do điều kiện công tác, vị cán bộ này bán nhà đó nhưng vẫn thuê một phòng trọ cho Khanh ở để tập trung việc học. Những ngày nghỉ học, Khanh lại tất tả đạp xe về nhà để phụ giúp mẹ giữ bò hoặc cùng anh bơi ghe vào hồ Phú Ninh đốn củi, bức mây bán kiếm tiền nhằm bớt đi gánh nặng cho mẹ.
Không chỉ ham học, Khanh còn có sở thích thể thao cuồng nhiệt. Những buổi chiều rảnh, Khanh cùng nhóm bạn chăn bò chia phe chơi bóng chuyền. Nhờ thế mà trong những năm qua, Khanh luôn là vận động viên bóng chuyền sáng giá của trường và tỉnh.
Ham mê thể thao nhưng không bỏ bê việc học, với những nỗ lực của bản thân, kỳ thi ĐH vừa qua, Khanh đỗ ĐH Kinh tế TPHCM với 20 điểm và đỗ 22 điểm ĐH An ninh. Tâm sự với PV, Khanh cho biết: "Với hoàn cảnh gia đình, em chọn học trường ĐH An ninh để mẹ em và các anh bớt vất vả".
Trong ngôi nhà nhỏ bé chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi cũ kỹ. Lâu nay, Khanh ao ước có một chiếc máy tính để bàn để phục vụ cho việc học nhưng gia đình vẫn chưa mua được.
Ngoài việc học, cuối tuần Khanh về nhà giúp mẹ chăn bò, đốn củi.
Tâm sự về phương pháp học tập của mình, Khanh chia sẻ: "Do không có điều kiện học thêm nên những tháng nghỉ ôn thi, em đem tất cả các cuốn đề cương ra ôn tập. Bên cạnh đó em mượn vở học thêm của bạn về photo rồi tự lấy đề trong đó giải. Buổi tối em thường ngủ sớm, đến khoảng 12 giờ khuya, em dậy rồi học cho đến sáng".
Cô Nguyễn Thị Thu Thao - giáo viên chủ nhiệm lớp 12/4 chuyên Anh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: "Em Khanh rất chịu khó học tập. Từ trên quê xuống thành phố học, em luôn chăm chỉ, chịu khó, vâng lời thầy cô, do đó em được bàn bè và thầy cô quý mến. Ngày 17/8 vừa qua, Khanh được nhà trường kết nạp Đảng viên".
Công Bính
Theo dân trí
Dân nghèo khốn đốn lo tiền trường cho con Giá vật tư, thức ăn chăn nuôi tăng vùn vụt trong khi sản phẩm làm ra giá thấp chưa kể dịch bệnh hoành hành khiến nhiều nông dân khốn đốn lo tiền trường cho con dịp đầu năm. Có gia đình phải cho con nghỉ học. Làm gì cũng lỗ Chị Nghiêm Thị Thu, nhà ở xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, Hà...