Chuyện những người thầy dạy trẻ tuổi bi bô nơi sơn cước miền Tây Thanh Hóa
Hàng chục năm qua 10 thầy giáo ở huyện miền núi Như Xuân ( Thanh Hóa) vẫn ngày ngày tới trường dạy học cho những đứa trẻ mầm non đang trong độ tuổi bi bô chưa tròn chữ.
Clip các thầy cô giáo dạy trẻ mua hát ở Trường mầm non Thanh Lâm
Ở tỉnh Thanh Hóa có lẽ hiếm có huyện nào mà giáo viên mầm non là nam giới lại nhiều như huyện miền núi Như Xuân. Điều đặc biệt, đáng trân quý là những người thầy này đã có hàng chục năm theo nghề. Họ dạy trẻ ở những xã khó khăn và xa xôi nhất của huyện, nơi mà nhiều giáo viên nữ tới cắm bản đã phải bỏ về vì không chịu được sự hoang vu, cô đơn của núi rừng.
Trường mầm non xã Thanh Lâm ( huyện Như Xuân) nằm yên bình, lọt thỏm giữa những cánh rừng mênh mông. Đây là một trong những ngôi trường rất đặc biệt khi có tới 3 thầy giáo tham gia công tác giảng dạy, chăm sóc những đứa trẻ như “mẹ hiền”.
Ngôi trường mầm non nơi có 3 nam giáo viên tham gia đứng lớp
Chưa bước chân vào trường chúng tôi đã nghe vang lên những lời ca, tiếng hát trong trẻo của những trẻ nhỏ nơi đây. Trên bục giảng, một thầy giáo tóc đã muối tiêu đang vừa hát, vừa múa để làm mẫu cho các em nhỏ. Đó là hình ảnh thân thuộc hằng ngày của thầy giáo Lô Văn Chuyển (SN 1975), chủ nhiệm lớp 3 tuổi, người đã có 27 năm theo nghề trông giữ trẻ.
Theo lời kể của thầy Chuyển, nghề “nuôi dạy hổ” đến với thầy giống như một cơ duyên và từ mối cơ duyên đó cộng với tình yêu thương trẻ nhỏ đã giúp thầy cùng nhiều thầy cô khác ở vùng đất 6 Thanh (khu vực có 6 xã khó khăn nhất của huyện Như Xuân) gắn bó với nghề tới tận bây giờ.
Năm 1992, vùng đất 6 Thanh còn rất nghèo khó, hoang sơ, đường sá đi lại rất khó khăn nên giáo viên mầm non dạy trẻ rất hiếm, địa phương phải vào tận thôn, bản vận động thanh niên học xong cấp 2 đi học nghiệp vụ sư phạm 3 tháng về trông trẻ. Lúc đó 17 tuổi, thầy Chuyển và nhiều thanh niên khác đã được chọn đi học. Lúc đầu họ cũng thấy ngại ngùng vì phải tập múa, tập hát để về dạy cho các em nhỏ, nhưng thấy trẻ nhỏ quê mình còn nhiều thiệt thòi và được sự động viên của các cô giáo, dần dần họ thấy yêu công việc và gắn bó tới giờ.
Các em nhỏ đang tập múa hát trong tiết học của thầy giáo Lục Văn Thịnh
Thầy giáo Lô Văn Chuyển đang dạy các em nhỏ tập múa hát
Cũng theo lời thầy Lô Văn Chuyển, Lang Thành Phần, Lục Văn Thịnh, những năm đầu tiên theo nghề cực kỳ vất vả, nhiều thầy cô giáo không chịu được khổ cực đã phải bỏ nghề giữa chừng. Bởi thời đó xã Thanh Lâm và 5 xã vùng 6 Thanh cách trung tâm huyện Như Xuân khoảng 30 km, đường sá đi lại khó khăn, lương bổng không có, chỉ có tình yêu thương con trẻ mới giúp những người thầy nơi đây vượt qua được khó khăn, gắn bó với nghề.
“Ngày đó đi dạy học chẳng có gì cả, một năm được thôn, bản hỗ trợ cho 30 kg lúa, 6 tháng mới được lấy 1 lần, trường lớp nhiều điểm lẻ không có phải mượn nhờ nhà người dân hoặc dựng tạm bằng tre nứa. Có lớp xong còn phải tới từng nhà đi vận động người dân đưa trẻ tới trường, rồi việc dạy cho các cháu cũng khó khăn vì các em nhỏ toàn đồng bào dân tộc, tiếng Kinh chưa được học. Khó khăn nhiều lắm, nếu không vì yêu trẻ, yêu nghề thì khó vượt qua được lắm. Đến năm 2003, khi nhà nước có chính sách quan tâm tới giáo viên mầm non, chúng tôi mới được biên chế, lúc đó mới có đồng lương để trang trải cuộc sống”- thầy Chuyển nhớ lại.
Ngoài giờ lên lớp, các thầy giáo còn tham gia làm các công việc nặng nhọc khác
Tham gia trồng rau sạch để cải thiện bữa ăn cho các cháu nhỏ
Bà Lô Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Lâm cho biết, 3 thầy giáo của trường vẫn làm các công việc bình thường của giáo viên mầm non như đón trẻ, dạy học, cho trẻ ăn, ngủ… “Đây là những thầy giáo đều có thâm niên gần 30 năm công tác ở trường, trong đó có thầy Lang Thành Phần đã lên chức ông rồi nhưng vẫn chăm trẻ, dạy trẻ bình thường, vẫn đút cho các cháu ăn, vẫn ru các cháu ngủ như các cô giáo khác”- cô Thuận chia sẻ.
Cũng theo nữ hiệu trưởng này, ngoài công tác giảng dạy, các thầy giáo mầm non còn giúp nhà trường rất nhiều việc nặng nhọc mà phụ nữ không làm được như sửa sang lại phòng học, treo băng rôn, khẩu hiệu, cuốc đất trồng rau… Nhờ có bàn tay của các thầy mà những hoạt động ngoại khóa của nhà trường có nhiều thuận lợi hơn.
Cô giáo Lô Thị Thuận cho biết, các nam giáo viên ngoài làm tốt công tác chuyên môn còn hỗ trợ nhà trường rất nhiều từ các hoạt động phong trào
Không còn thế hệ kế cận
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Lê Nhân Trí, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Như Xuân cho biết, toàn huyện trước đây có 12 thầy giáo nam dạy mầm non, đến thời điểm này vẫn đang còn 10 thầy giáo đứng lớp ở các trường mầm non Thanh Lâm, Thanh Quân, Thanh Sơn, Thanh Xuân.
Theo ông Trí, do đặc thù của giáo viên mầm non phải trông trẻ từ lúc mới chập chững biết đi, đang tập nói, từ miếng ăn giấc ngủ, vệ sinh… các thầy cô đều phải chăm sóc, vì thế không thuận tiện cho giáo viên nam. Vì thế, ngoài 10 giáo viên nam đang dạy ở vùng 6 Thanh, hàng chục năm trở lại đây không có giáo viên nam nào đăng ký thi tuyển vào ngành mầm non của huyện.
Bài-ảnh: Thanh Tuấn
Theo nguoilaodong
Thầy giáo 14 năm dạy trẻ mầm non giữa Sài Gòn
Ngay từ khi học lớp 11, cậu học trò Nguyễn Phương Bình đã xác định mình sẽ theo nghề giáo viên mầm non. Đến nay, đã gần 14 năm, thầy Bình là "mẹ hiền" của trẻ mầm non.
Mới đây, thầy Nguyễn Phương Bình - giáo viên mầm non Trường Mầm non 1, quận 5 là một trong những gương mặt giáo viên tiêu biểu của TPHCM nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2019.
Thầy Nguyễn Phương Bình là giáo viên mầm non Trường Mầm non 1, quận 5, TPHCM.
Gia đình "choáng", bạn bè bất ngờ
Lý do thầy Bình chọn nghề rất giản dị: trước đây thầy hay chơi với các cháu, với các bé hàng xóm và thật sự bị thu hút trước sự hồn nhiên, ngây thơ và thông minh của trẻ nhỏ. Tự đánh giá thấy mình có khả năng chăm sóc và dạy các cháu nên thầy xác định sẽ trở thành giáo viên mầm non.
Gia đình chưa kịp mừng khi con theo Sư phạm thì "choáng" khi nghe con chọn Mầm non. Rồi đến bạn bè cũng bất ngờ, cũng can ngăn không chỉ vì những lý do thông thường như giáo viên mầm non vất vả, thu nhập thấp mà chủ yếu cho rằng đó là nghề dành cho nữ giới.
Cho đến khi đi học Sư phạm, thầy Bình cũng là "độc đinh" trong lớp, thậm chí trong khối. Ai gặp cũng hỏi, sao thầy chọn nghề này.
Rồi đến khi thầy ra trường đi dạy, nhiều phụ huynh vừa tò mò lẫn lo lắng khi "mẹ hiền" của con mình lại một nam thanh niên, trong khi công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, nhẹ nhàng...
Nghe những điều đó, thầy Bình chỉ cười và "giải đáp" bằng chính sự tận tụy, lòng yêu trẻ và sự gắn bó với nghề của mình bao nhiêu năm qua.
Lãnh đạo Trường mầm non 1 đánh giá, thầy Nguyễn Phương Bình là người thầy làm việc có trách nhiệm. Thầy sáng tạo, sắp xếp, tổ chức công việc rất khoa học và đặc biệt, thầy rất biết chia sẻ và lắng nghe không chỉ với học trò mà với đồng nghiệp.
Khó khăn nhiều nhưng cũng lắm lợi thế
Thời gian đầu khi thầy Bình mới ra trường, lại nhận lớp nhà trẻ, việc chăm sóc phức tạp, khó khăn hơn do các cháu chưa biết tự làm vệ sinh cá nhân. Lên lớp vài hôm, thầy Bình cũng... hết hồn, trong lòng nghĩ hay thôi mình nghỉ. Nhưng rồi, tiếp xúc với trẻ, các em rất tình cảm, nhanh quý mến người khác nên đã tiếp thêm "sức đề kháng" cho thầy.
So với đồng nghiệp nữ, thầy cũng gặp những trở ngại nhất định. Có trẻ ban đầu còn lạ lẫm, cô giáo đón không sao nhưng thấy thầy là khóc thét đòi mẹ; rồi nhiều công việc như tết tóc cho các bé gái thì thầy luống cuống hơn. Rồi ngay cả phụ huynh, chủ yếu là các bà mẹ đưa đón con, lúc đầu cũng ngại trao đổi với thầy về những vấn đề của trẻ.
Nhưng "ông thầy" dạy mầm non cũng có những lợi thế nhất định. Trong lớp, trong trường, những việc cần sức "đàn ông" như bê bàn ghế, lau dọn, tháo cánh quạt, sửa đồ này nọ đã có "thầy Bình ơi". Dần dần, thầy không còn nề hà bất cứ công việc nào, những công việc tỉ mỉ như lau dọn đồ chơi, cọ nhà vệ sinh, làm vệ sinh cho trẻ, trang điểm, múa hát cho các bé... thầy Bình bắt nhịp hết.
Khi thật tâm yêu nghề, gắn bó với nghề, yêu trẻ thì không còn sự phân biệt giới tính. Thậm chí "ông thầy" còn có ưu điểm vừa làm mẹ nhưng cũng vừa làm người cha.
Đối với trẻ nhỏ, nhất là các bé trai, việc hiện diện vai trò của một người đàn ông mạnh mẽ, hào hiệp, gánh vác những việc nặng và không ngại những việc tỉ mỉ... hình thành cho các em một hình mẫu đẹp.
Sự yêu nghề luôn thôi thúc thầy tìm tòi, sáng tạo hướng đến những điều tốt đẹp cho trẻ. Thầy Bình sáng tạo trong các bài dạy, các hoạt động, thậm chí là "phá cách", không đi theo những lối mòn trong giáo dục trẻ từ cách chọn đồ chơi, vật dụng làm minh họa trực quan sinh động.
Thầy Bình từng giành giải Ba cấp thành phố trong hội thi triển lãm đồ dùng đồ chơi sáng tạo khối mầm non; giải Nhất giáo viên giỏi cấp thành phố; đạt danh hiệu "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo" do Công đoàn giáo dục thành phố trao tặng.
Nhưng thành quả lớn nhất với thầy không phải là các danh hiệu. Thầy tâm sự nếu cho phép quay ngược thời gian hay có cuộc đời thứ hai, thầy vẫn sẽ chọn nghề giáo viên mầm non.
Hoài Nam
Theo Dân Trí
Trước thềm năm học mới: Chế độ chính sách nhà giáo và những điều bỏ ngỏ Chế độ và chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là những giáo viên (GV) miền xuôi lên vùng núi công tác ở Thanh Hóa đang còn nhiều bất cập. Nhiều GV lên miền núi nhận công tác, sau đó không có cơ hội để trở về dưới miền xuôi, với gia đình của họ. Cô giáo nắn nót từng nét chữ...