Chuyện những chú cá bơi ngược dòng
Nhiều bạn trẻ bỏ qua cơ hội du học hay định cư nước ngoài đầy hứa hẹn, chọn ở lại Việt Nam, đam mê tạo ra những giá trị, sự thay đổi cho chính nơi mình sinh sống và học tập.
Ngược dòng xu hướng
Mặc dù đã gắn bó với Mỹ và Canada trong gần 2 năm “ gap year”, năm 2019, Minh Uyên vẫn chọn quay trở về Việt Nam và bén duyên cùng Khoa Quốc tế – ĐHQGHN. Với Minh Uyên: “Chỉ khi bạn nhắm tới nhập cư hay lấy thẻ xanh ở nước ngoài thì hãy cố bằng mọi giá để đi du học”.
Theo cha mẹ sang Đức định cư từ nhỏ, Hoàng My – sinh viên năm 2 ngành Quản trị Khách sạn tại Khoa Quốc tế – ĐHQGHN chia sẻ: “Sau khi chuyển về đây học phổ thông, em chọn ở lại Việt Nam học đại học mặc dù đã có đủ hết những chứng chỉ cần thiết để du học Mỹ như ACT, SAT và TOEFL”, My kể.
Theo Cục Hợp tác quốc tế – Bộ GDĐT, hiện có hơn 170.000 du học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài. Còn theo báo cáo hàng năm Open Doors của IIE, số lượng du học sinh Việt Nam bậc đại học tại Hoa Kỳ tăng 18 năm liên tiếp tính đến năm 2019. Trước Covid-19, thị trường du học vẫn luôn sôi động như một bản nhạc chỉ toàn nốt thăng. Vì đâu có những bạn trẻ chọn đi ngược lại xu hướng này?
“Tại Mỹ hay Canada, những trải nghiệm ngoài trường lớp mà nhóm du học sinh với áp lực tài chính như chúng em có được đa phần là việc làm thêm cực nhọc như rửa bát hoặc may hơn thì làm phục vụ bàn. Nhưng khi học tại Việt Nam thì em có cơ hội được trải nghiệm các sự kiện, hoạt động quy mô quốc tế ngay từ năm nhất. Cơ hội trải nghiệm những công việc chuyên môn dành cho du học sinh không phải là không có nhưng rất hạn chế khi phải cạnh tranh với sinh viên bản địa.” – Minh Uyên hé lộ.
“Theo em, giá trị lớn nhất của đi du học là được tiếp xúc với các nền văn hóa và bạn bè năm châu, được học hỏi những điều mới và có góc nhìn đa chiều hơn. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, em có thể đạt được điều này ngay khi học tập tại Việt Nam hoặc từ những chuyến giao lưu quốc tế ngắn hạn mà không cần dành tận 4 năm tại nơi xa xứ.” – Đoàn Trần Phước Long, một sinh viên năm 3 tại ĐHQGHN vừa trở về sau chương trình giao lưu văn hóa tại Malaysia chia sẻ.
Tự tạo giá trị
Video đang HOT
Khi “bơi ngược dòng”, những bạn trẻ như Hoàng My, Minh Uyên hay Phước Long không lựa chọn “mind my own business” (tạm dịch: chỉ lo việc của mình), mà đam mê với việc chia sẻ và giúp đỡ mọi người xung quanh, tạo ra và lan tỏa những thay đổi tích cực.
Thấy các bạn xung quanh thiếu sân chơi để học hỏi, Hoàng My tìm cách xây dựng một cộng đồng, một môi trường để sinh viên sinh hoạt và chia sẻ kiến thức. My chỉ mất hơn 1 tháng để cùng các bạn thành lập CLB Bon Voyage! – CLB về Khách sạn & Du lịch đầu tiên tại Khoa Quốc tế – ĐHQGHN. Và trong vòng 5 tháng sau khi thành lập, CLB non trẻ đã kịp tổ chức thành công nhiều sự kiện, workshop quy mô lớn nhỏ.
Hoàng My (áo khoác đỏ) chụp hình cùng CLB Bon Voyage
Minh Uyên lại đam mê với “môn thể thao trí tuệ” tranh biện và mong muốn xây dựng cộng đồng tranh biện tại nơi em đang theo học. Xin sự hỗ trợ từ nhà trường xong, Minh Uyên đứng ra tổ chức các buổi sinh hoạt cho sinh viên tham gia đấu tập, tạo cơ hội để cùng nhau rèn luyện kỹ năng tranh biện cùng với sự hướng dẫn của giáo viên nước ngoài. “Em đã cùng các thầy cô cố vấn lên chiến lược và kế hoạch tổ chức giải đấu trong nội bộ Khoa Quốc tế để tìm kiếm, khích lệ và thu hút các bạn sinh viên có cùng đam mê”.
Minh Uyên (áo khoác bò) chụp hình cùng bạn bè tham gia chương trình Trường Teen của VTV
Là thành viên tích cực của AIESEC, một tổ chức quốc tế của người trẻ toàn cầu, Phước Long không ngừng tham gia các hoạt động của doanh nghiệp xã hội để giúp đỡ các em nhỏ thiệt thòi. Trong chuyến giao lưu văn hóa tại Malaysia, Long cũng tham gia nghiên cứu và thuyết trình về vấn đề giảm lượng thực phẩm dư thừa tại trường học.
“Em tham gia nhiều hoạt động như vậy là để đóng góp lại những gì em có thể cho xã hội. Những trải nghiệm sẽ giúp em nâng cao tư duy và khả năng quan sát, thu thập thông tin để chuẩn bị cho nghề nghiệp mơ ước của em – trở thành một kiểm toán viên.” – Phước Long cho biết.
Phước Long (ngoài cùng bên trái hàng đầu) chụp hình cùng đội CTV sự kiện
Tương lai hứa hẹn
Theo World Bank, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục trong vòng 30 năm qua. Theo báo cáo của S&P Global Ratings, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt mức 1,9% và 11,2% vào năm 2021. Sự gia tăng về lượng và chất của các trường đại học quốc tế và các chương trình liên kết đào tạo quốc tế mở ra ngày càng nhiều cơ hội trải nghiệm nền giáo dục chất lượng cao ngay tại Việt Nam. Kinh tế – Giáo dục song hành phát triển, cơ hội sẽ vẫn luôn rộng mở cho những chú cá bơi ngược dòng.
Khi được hỏi về những dự định trước mắt, Minh Uyên nói tôn chỉ trong cuộc sống của mình chỉ là “Just do it”: “Khi có ý tưởng mới mẻ nảy ra trong đầu mà bản thân thấy hợp lý thì em sẽ cứ làm thôi”.
“Em sẽ tiếp tục học hỏi và chia sẻ, lan tỏa kiến thức tới những ai quan tâm. Hãy cứ trải nghiệm, cứ va chạm đi, rồi các bạn sẽ ngày một hoàn thiện hơn.” – Hoàng My chia sẻ.
“Life is an adventure or nothing – Sống là cuộc phiêu lưu hoặc không là gì hết” là câu nói Phước Long tâm đắc.
Sự chủ động, tự tin và không ngừng học hỏi sẽ đưa những bạn trẻ ngược dòng xu hướng vững bước trên con đường mình chọn và không sợ hãi khi đối mặt tương lai nhiều bất định.
Nhiều trường đại học Việt Nam đón nhận du học sinh về nước vì COVID-19
Đã có nhiều trường đại học tại Việt Nam chính thức nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch COVID-19.
Tính đến thời điểm ngày 23/7, đã có nhiều trường đại học trên phạm vi cả nước công bố điều kiện, tổ chức tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập tại nước ngoài do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Cụ thể, Khoa Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng đã thông báo tiếp nhận du học sinh Việt Nam có nguyện vọng học tập tại Khoa. Theo đó, đối tượng tiếp nhận là du học sinh đã tốt nghiệp chương trình THPT hoặc tương đương ở nước ngoài, hoặc đang theo học chương trình ĐH tại nước ngoài, có đủ sức khỏe học tập theo quy định.
Căn cứ kết quả học tập tại trường đại học ở nước ngoài và theo nguyện vọng, du học sinh sẽ được Khoa Quốc tế và đối tác xét công nhận, quy đổi điểm tương đương đối với một số học phần đã tích lũy (nếu có) phù hợp với khung chương trình đào tạo đăng ký xét chuyển tiếp theo quy định của Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội và của đối tác liên kết.
Để hỗ trợ du học sinh Việt Nam có nguyện vọng tiếp tục học tập tại các trường trong nước, ĐH Kinh tế Quốc dân chính thức thông báo tiếp nhận các du học sinh Việt Nam có nhu cầu và đủ điều kiện học tập vào các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của trường. Hiện tại, trường đang triển khai 15 chương trình liên kết đào tạo quốc tế ở tất cả các bậc đào tạo: đại học, thạc sỹ và tiến sỹ.
Việc tiếp nhận sẽ dựa trên kết quả học tập, số tín chỉ du học sinh đã tích lũy trong thời gian học ở nước ngoài để xem xét miễn giảm hoặc học bổ sung tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành.
Nhiều sinh viên quốc tế đang theo học đại học tại Việt Nam. Ảnh: Q.Anh
PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trường đã sẵn sàng tiếp nhận đón nhận, hỗ trợ các du học sinh Việt Nam và nước ngoài không bị gián đoạn học tập nếu các em đến học ở trường. Hiện nhà trường đang có 12 chuyên ngành đào tạo bằng tiếng Anh, 10 chương trình quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật. Nhà trường đã hướng dẫn chi tiết, cung cấp các lựa chọn cho các du học sinh, cũng như các hình thức xét tuyển đầu vào... Hoặc các em có thể theo học các học phần để hoàn thành theo yêu cầu của các trường của nước ngoài.
Chia sẻ về công tác chỉ đạo của Bộ GD&ĐT với các trường đại học, bà Nguyễn Thu Thủy - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, để ứng phó với dịch bệnh trên thế giới, nhiều du học sinh ở nước ta khó có cơ hội ra nước ngoài tiếp tục học tập ở nước ngoài. Thực hiện Thông báo kết luận số 238/TB-VPCP ngày 12/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành, để hỗ trợ các du học sinh và sinh viên quốc tế có nguyện vọng được học tiếp tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường triển khai thực hiện một số công việc liên quan đến tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế.
Cũng theo bà Nguyễn Thu Thủy, quá trình này cần phù hợp với điều kiện tuyển sinh và năng lực đào tạo của trường. Người học được tiếp nhận phải đáp ứng yêu cầu đầu vào không thấp hơn điều kiện trúng tuyển chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến. Các cơ sở GD&ĐH Việt Nam cần căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung, yêu cầu của chương trình đào tạo tại trường và số tín chỉ, nội dung học tập, kết quả học tập mà người học đã tích lũy trong thời gian học ở cơ sở giáo dục nước ngoài để xem xét miễn giảm tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành.
Đồng thời, tiến hành rà soát, mở rộng các đối tác để phát triển các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và các hình thức hợp tác giáo dục khác. Bao gồm, xem xét, tiếp nhận các du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có nhu cầu, có đủ điều kiện tiếp tục học tập vào các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Ngành Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch lữ hành: Cơ hội việc làm, thu nhập cao Nắm bắt xu thế và nhu cầu việc làm trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, từ năm học này, Trường ĐH Thành Đông chính thức tuyển sinh ngành Quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành với mong muốn mang đến cơ hội làm việc với mức thu nhập hấp dẫn cho người học sau tốt nghiệp....