Chuyện những cái tát: Có những việc quan trọng hơn “ném đá”!
Sự việc 231 cái tát ở Quảng Bình theo TS Phạm Thị Thúy là cơ hội để tất cả nhìn lại mình. Có những việc quan trọng mà mỗi phụ huynh, mỗi nhà giáo, mỗi quản lý giáo dục phải làm để thay đổi hơn là việc “ném đá”.
TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM đã có những chia sẻ với nhiều góc nhìn đa chiều quanh sự việc 231 cái tát tại Quảng Bình gây chấn động những ngày qua.
GIáo viên cũng cần được giúp đỡ
Bà Phạm Thị Thúy cho rằng, đây là một câu chuyện buồn và đáng thương cho cả học sinh, giáo viên và cả hệ thống giáo dục. Nhưng xét về khía cạnh tích cực thì đây là cơ hội để tất cả phải nhìn lại và thay đổi.
TS Phạm Thị Thúy
Trách nhiệm của cô giáo trong sự việc là điều rõ ràng. Kỹ năng sư phạm, ứng xử đạo đức nhà giáo có vấn đề.
“ Giáo dục nhân bản là một khoảng trống hàng chục năm nay, chúng ta không giáo dục giá trị nhân bản, lòng yêu thương con người, giáo dục tôn vinh phẩm giá con người…” – TS Phạm Thị Thúy
Nhưng đó còn những khía cạnh cần nhìn nhận là vai trò của phụ huynh trong giáo dục con cái, trong các ứng xử với giáo viên và với mọi người xung quanh. Vai trò đến từ hệ thống giáo dục, cách chúng ta đang tạo nên những áp lực cho giáo viên về thành tích, thi đua; vấn đề về đào tạo GV hướng dẫn GV về kỹ năng sư phạm, giúp đỡ GV khi họ gặp khó khăn trong lớp học, với học trò.
Với giáo viên dù họ đã sai, bị đình chỉ, có thể bị khởi tố nhưng “ném đá” của dư luận là sức ép lớn nhất, kể cả là người có thần kinh thép cũng rất khó để đứng vững.
Trong trường hợp này, chính giáo viên cũng cần được giúp đỡ hơn là ném đá. Ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, không ai chịu trách nhiệm thay được. Cô xúc phạm thân thể học sinh, gây bạo lực, gây tổn thương tâm lý cho học sinh cả lớp.
“Nhưng đừng chỉ nhìn vào hành vi mà đã phán xét ngay một con người, chúng ta hay nhìn nhận liệu có nên tấn công một cá nhân như vậy hay không?
Không thể không nói đến áp lực từ bệnh thành tích, thi đua; không thể không nói đến cách mà người ta đã đào tạo nên cô giáo với tư cách là một giáo viên. Liệu chúng ta đã đào tạo giáo viên một cách cẩn thận về tâm lý, kỹ năng phương pháp sư phạm chưa?” – Bà Phạm Thị Thúy đặt câu hỏi.
Đó còn là bức tranh về về áp lực về thành tích, thi đua. Có những cuộc thi đua giáo viên không hào hứng, không ham hố gì thành tích đó nhưng vẫn phải làm, một guồng máy mà họ không đứng bên ngoài được.
Video đang HOT
Cô giáo trong các vụ bạo hành trẻ cũng cần được hỗ trợ
Bà Thúy nói: “Bản thân tôi là giảng viên ĐH nhàn hơn rất nhiều nhưng có những việc mình chẳng ham hố thành tích gì vẫn phải làm. Mà giảng viên khổ 1 thì giáo viên phổ thông phải khổ 10…”.
Mục đích của thành tích không xấu và ở ngành nghề nào cũng phải có mục tiêu. Nhưng mỗi người trong nghề đang mắc kẹt trong áp lực này. Tầng tầng lớp lớp, rất nhiều tròng khoác vào cổ giáo viên và giáo viên không biết trút đi đâu nên trút xuống học sinh…
Ở góc độ tâm lý, bà Thúy phân thích có thể tuổi thơ của cô giáo bị bạo lực bởi ai đó, cô bị tổn thương về tâm lý, có thể cô có đang có ẩn ức nào đó. Đôi khi, hành vi nóng giận, bạo lực của cô đang xả giận nhưng cũng là lời kêu cứu, thể hiện sự bất lực, bế tắc.
Giáo dục thiếu giá trị nhân bản
Qua câu chuyện 321 cái tát và sự ném đá của dư luận, theo bà Phạm Thị Thúy, chúng ta dễ dàng nhìn thấy cách hành xử thiếu nhân văn. Từ một sự việc mang tính giáo dục, hợp lý khi lên tiếng phê phán cô giáo phạt học sinh nhưng chuyển sang trạng thái “ném đá” thì chính mỗi người lại đang lấy bạo lực để nói về một sự việc phê phán – mang tính nhân văn.
Ở đây, bà Thúy nhấn mạnh, không phải nhìn ở góc độ thương cảm cho những tổn thương của cô hay đòi hỏi sự tha thứ. Tôi – anh hay bất kỳ ai, làm sai phải chịu trách nhiệm – có thể trước tòa án, trước dư luận hay chính với lương tâm… không thể mình làm sai rồi mong người khác thương cảm mình được.
TS Phạm Thị Thúy trong một chuyên đề về bảo vệ bản thân dành cho học sinh
Cô ấy làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc và khởi tố. Còn vấn đề của chúng ta là mỗi phụ huynh, mỗi nhà giáo, mỗi học sinh và cả ngành giáo dục có thể làm gì để thay đổi, cải thiện thực trạng. Chúng ta có thể làm gì để học trò đi học với niềm vui thật sự hay không? Làm gì để thầy cô giáo ứng xử nhân văn? Làm sao để trong cộng đồng, khi có ai đó sai thì chúng ta đối xử khách quan và có lý trí chứ không phải cảm tính?
Nhiều người nói, nếu tôi là bố mẹ em học sinh đó sẽ đến tát lại, đánh, thế này thế nọ cô giáo… thì chính chúng ta đã lấy bạo lực đáp trả bạo lực. Tất cả đều ứng xử với nhau bằng bạo lực.
Không phủ nhận áp lực của bệnh thành tích nhưng theo bà Thúy đó cũng chỉ là nguyên nhân bề nổi. Nguyên nhân sâu xa là chúng ta đang thiếu nền tảng giáo dục nhân bản. Giáo dục nhân bản đã là một khoảng trống hàng chục năm nay, chúng ta không giáo dục giá trị nhân bản, lòng yêu thương con người, giáo dục tôn vinh phẩm giá con người…
Thế nên dường như bất kỳ ai cũng cho rằng mình có quyền đánh trẻ trẻ. Cha mẹ cho rằng mình có quyền đánh con nếu con sai, thầy cô có quyền đánh con vì muốn giáo dục trẻ… Rồi bây giờ cộng đồng lại cho rằng mình có quyền ném đá để thay đổi cô giáo, để thay đổi hệ thống giáo dục.
Tất cả đều thiếu đi tính nhân bản trong cách hành xử.
Thay đổi đến từ mỗi người
Bà Phạm Thị Thúy phân tích, những lúc bức xúc chúng ta lại dễ quên đi vai trò giáo dục con cái từ gia đình. Trong trường hợp câu bé nói tục, chửi thề ở đây có thể là 231 cái tát nhưng cũng quên nhìn thẳng rằng, sau này ra đời gặp đầu gấu, em có thể bị mất mạng vì thói hư tật xấu của mình.
Trong khi, hành vi lời nói của trẻ chịu trách động bởi ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó môi trường gia đình cực kỳ quan trọng. Bố mẹ có quan tâm đến con hay không, dạy con học ăn ,học nói, học gói, học mở; có yêu thương con đầy đủ hay không… người thầy suốt đời của con chính là cha mẹ. Nghề gì cũng có những lớp tập huấn nhưng riêng nghề làm cha mẹ lại đang rất thiếu, còn bị xem nhẹ.
Sự việc cũng phản ánh đời sống xã hội mà chúng ta đang phải đối mặt. Cha mẹ bận mưu sinh, không có thời gian cho con cái. Cha mẹ không theo kịp con cái trong nhiều vấn đề như chương trình học khó, không kèm cặp được, tâm sinh lý trẻ hiện nay rất phức tạp…
Câu chuyện quan trọng hơn việc ném đá là mỗi ông bố bà mẹ có thể làm gì để dạy con nên người, mỗi nhà giáo có thể làm gì để mình thay đổi được cách tiếp cận học sinh, khả năng kiểm soát cảm xúc của mình; mỗi nhà quản lý có thể làm gì để cho môi trường giáo dục nhẹ nhàng, thân thiện hơn…
Thay vì chờ đợi một sự thay đổi đến từ ai đó, đến từ hệ thống… thì chính mỗi người cần thay đổi.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Nhiều nhà giáo đang quên mất mình là "kỹ sư tâm hồn"
Nhà giáo Nhân dân (NGND), PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng: Phải đào tạo giáo viên là người tốt, sau đó mới thành nhà giáo tốt, tức là nhà giáo phải cao hơn so với người thường một bậc. Nhưng do yếu tố này chưa được chú trọng nên nhiều nhà giáo quên mất mình là "kỹ sư tâm hồn"; ngộ nhận về việc mình có quyền ra uy với học trò, chỉ có ra uy học trò mới sợ...
Sự việc cô giáo tại Quảng Bình phạt học sinh nói tục bằng cách cho các học sinh khác tát bạn đến sưng má, phải nhập viện đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua. Từ câu chuyện đau lòng này, rất nhiều vấn đề được đặt ra như thưởng phạt trong giáo dục nên như thế nào cho phù hợp; chúng ta phải dạy học sinh như thế nào để các em biết phản biện, biết đấu tranh, dám bày tỏ suy nghĩ của mình và không bị lôi kéo vào những hành vi không đúng; tiêu chí thi đua khen thưởng trong giáo dục cần thay đổi như thế nào để áp lực thi đua không trở thành gánh nặng, thành "bệnh thành tích".
Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở với Nhà giáo Nhân dân (NGND), PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người xung quanh vấn đề này.
NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh.
PV: Câu chuyện cô giáo ở Quảng Bình buộc học sinh tát bạn gây xôn xao dư luận những ngày qua gợi cho ông điều gì?
NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Ngày nay, nghề giáo có nhiều áp lực, áp lực về cuộc sống riêng tư của gia đình, áp lực mưu sinh; áp lực về công việc nhà trường; áp lực của cộng đồng xã hội đối với giáo viên khi xã hội luôn đòi hỏi giáo viên phải là con người hoàn thiện, gương mẫu, toàn tâm toàn ý để dạy học. Những áp lực, mâu thuẫn này đòi hỏi nhà giáo cần phải giải quyết, làm cho đầu óc họ không được thảnh thơi như thầy giáo ngày xưa.
Từ những áp lực đó, khi có những hành vi, hiện tượng mà mình cảm thấy bất lực do học sinh gây ra như học sinh thích làm theo ý mình, không thích nghe lời thầy cô, đã khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng, thậm chí là stress. Và một số giáo viên (như trường hợp của cô giáo ở Quảng Bình) đã xả tress bằng những hành vi không kiểm soát là cho học sinh tát bạn, vi phạm thân thể học sinh, vi phạm đạo đức nhà giáo.
Ngày xưa, thời chúng tôi đi học, các thầy nho có đánh bằng roi khi học trò mắc lỗi và trong nhiều tình huống, cách xử phạt này có mang lại hiệu quả. Song "thương cho roi vọt" là cách giáo dục cũ, không còn phù hợp. Ngày nay đứa trẻ được bình đẳng, người thầy phải bỏ quan điểm người thầy quyền uy, thay vào đó phải là người thầy thân thiện, chủ động tương tác với học trò để thấu hiểu, dạy cho trẻ điều hay, lẽ phải.
PV: Yêu cầu của xã hội đối với người giáo viên luôn rất cao. Vậy công tác đào tạo người giáo viên tương lai tại các trường sư phạm hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu chưa, thưa ông?
NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: So với ngày trước, đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm hiện chưa đảm bảo mục tiêu đào tạo. Thực tế cho thấy, muốn trở thành giáo viên, trước hết phải yêu nghề. Nhưng hiện nay, đa phần học sinh vào sư phạm không phải xuất phát từ lòng yêu nghề.
Rất nhiều em chọn sư phạm vì không có khả năng thi vào các trường có đầu vào cao hơn; vào sư phạm vì được miễn học phí, phù hợp với điều kiện gia đình; thi vào sư phạm với hy vọng sau này sẽ được trở về quê hương cho nên chất lượng đào tạo ngay từ đầu vào đã không được như trước. Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo, chương trình, nội dung đào tạo hiện vẫn nặng về kiến thức, thiếu kỹ năng.
Lẽ ra, phải đào tạo giáo viên là người tốt, sau đó mới thành nhà giáo tốt, tức là nhà giáo phải cao hơn so với người thường một bậc. Nhưng do yếu tố này chưa được chú trọng nên nhiều nhà giáo quên mất mình là "kỹ sư tâm hồn"; ngộ nhận về việc mình có quyền ra uy với học trò, chỉ có ra uy học trò mới sợ. Quá trình đào tạo lại thì cũng chủ yếu đào tạo kiến thức chứ không đào tạo cách ứng phó với cuộc sống, đặc biệt là khả năng xử lý tình huống.
PV: Chúng ta đang nói về cách xử lý tình huống. Theo ông, trong tình huống của cô giáo Quảng Bình, giáo viên nên xử lý thế nào?
NGND, PGS. TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Trong tình huống cụ thể này, có một số kịch bản. Thứ nhất, người giáo viên lờ đi và coi như không biết, tức là không giáo dục gì. Thứ hai, giáo viên có thể nhắc nhở, chỉ bảo để đứa trẻ không tái diễn, ví dụ khuyên răn, bắt trẻ phải hứa không tái phạm. Thứ ba là đưa ra hội đồng kỷ luật và gọi phụ huynh đến. Sau khi đưa ra các tình huống, giáo viên phải lựa chọn, cân nhắc xem tình huống nào là phù hợp và hiệu quả nhất.
Chẳng hạn, nếu chọn tình huống một sẽ mất tính sư phạm. Nếu chọn tình huống thứ ba, cũng sẽ quá nặng nề cho đứa trẻ. Nên chọn tình huống thứ hai là phù hợp. Giáo viên có thể mời phụ huynh đến, chia sẻ với phụ huynh về cháu bé, tuy học được nhưng cháu vẫn còn hay nói bậy, nhờ phụ huynh nhắc nhở, giáo dục thêm con ở nhà. Đồng thời, yêu cầu học sinh viết cam kết không nói bậy, đọc lên cho cả lớp nghe, sau đó yêu cầu cả lớp vỗ tay khen bạn vì đã biết nhận lỗi và khắc phục. Cách giải quyết tình huống như thế sẽ giúp đứa trẻ không mặc cảm, tự ti mà ngược lại, các em nhận thức được giá trị của việc biết nhận lỗi, từ đó sẽ có động lực để cố gắng.
PV: Theo ông, có nên sử dụng "hình phạt" trong giáo dục và nếu sử dụng thì nên sử dụng thế nào cho đúng?
NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Trong giáo dục cần khuyến khích việc nêu gương và cố gắng xem đây là phương pháp chính. Bên cạnh đó, cần đưa ra các quy chế (nội quy, quy định) để học trò thực hiện và luôn nhắc đi nhắc lại các quy định này cho học sinh thấm nhuần.
Còn khi có những hành vi sai trái, thầy giáo phải nhắc nhở, khuyên bảo để cho trẻ tránh hành vi đó đi, hạn chế tối đa việc xử phạt bằng các phương pháp bạo lực hoặc phạt tiền; không lấy tiêu cực khác để đối phó với hành vi tiêu cực. Cố gắng hạn chế chữ phạt, thay vào đó, tăng cường các giải pháp khuyên bảo, tư vấn, hướng dẫn cho học trò nhận thức được đúng, sai.
PV: Có ý kiến cho rằng, sự việc cô giáo ở Quảng Bình cho học sinh tát bạn chính là "cái tát" vào bệnh thành tích trong giáo dục. Quan điểm của ông về vấn đề này?
NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Chúng ta không nên lấy một sự việc, một hiện tượng để rồi quy chụp thành bản chất cho toàn hệ thống vì như thế sẽ là phiến diện. Thi đua là tốt và luôn cần thiết, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tất nhiên, đã thi đua thì phải đặt ra chỉ tiêu cụ thể, khoa học để mà phấn đấu. Còn nếu đặt tiêu chuẩn thi đua quá cứng nhắc và phản khoa học thì nhiều khi giáo viên, nhà trường vẫn phải lách quy định để đối phó, dễ dẫn đến tiêu cực, dễ dẫn đến bệnh thành tích. Đây có lẽ cũng là điều mà công tác thi đua khen thưởng nói chung, thi đua khen thưởng trong ngành Giáo dục nói riêng cần phải suy nghĩ, nghiên cứu để điều chỉnh trong thời gian tới, nhất là khi chúng ta áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bởi lẽ, chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục không nên đo bằng các tiêu chí định lượng. Đánh giá phải là đánh giá quá trình chứ không thể cho ra ngay kết quả cụ thể bằng những con số, hay tỷ lệ phần trăm. Ngoài ra, kết quả đầu ra của học sinh trong giai đoạn tới là đánh giá năng lực, phẩm chất thì lại càng không thể đưa số liệu về chất lượng giáo dục một cách cụ thể, tường minh. Các nhà trường muốn đạt chuẩn số cho phù hợp, tức vô tình họ lại bị mắc "bệnh thành tích". Điều này cho thấy, chỉ khi nào tiêu chí thi đua khoa học, sát thực thì kết quả thi đua mới thực chất và chính xác, bệnh thành tích cũng nhờ đó mà sẽ được đẩy lùi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
HuyềnThanh (thực hiện)
Theo cand
Hợp đồng Những năm gần đây, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ảnh minh họa Theo đó, hồi đầu năm nay, việc giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương, chủ nhiệm lớp 3A5, Trường Tiểu học An Đồng (huyện An Dương, Hải Phòng) phạt học sinh...