Chuyện “nhặt” ở trường, những hy sinh lặng thầm của thầy cô
(GDVN) – Rất nhiều những câu chuyện đẹp, những sự hy sinh lặng thầm của các thầy cô giáo đang từng ngày dốc hết tâm can vì sự tiến bộ của các em học sinh của mình.
LTS: Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy…câu này có ai trong đời mà không biết? Thời buổi ngày nay, người ta thường chê trách, mấy ai hiểu được sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô?
Cô giáo Phan Tuyết, một lần nữa lên tiếng về góc độ này qua những câu chuyện nơi cô đang “sống và dạy học”, Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Là người làm trong ngành giáo dục, cũng có chuyện tôi nghe nhưng nhiều chuyện được tận mắt chứng kiến về những việc làm, những nghĩa cử cao đẹp của thầy cô giáo đối với học trò của mình.
Xúc động và khâm phục, tôi muốn viết về những tấm gương đẹp ấy với hy vọng làm lan tỏa những việc làm tốt tới cộng đồng nhưng thật khó thực hiện ý định của mình.
Bởi dù có trổ tài thuyết phục đến đâu, tôi cũng nhận được những cái lắc đầu từ chối đến thẳng thừng. Người nói: ” Những việc ấy cũng thường thôi, có đáng gì đâu mà viết”.
Người cho rằng: ” Hóa ra mình phô trương cho mọi người biết mình làm việc tốt thì còn gì là việc tốt nữa…”.
Có thầy cô nói thẳng: “Chỉ làm đúng lương tâm một nhà giáo chân chính nên không thích tung hô”…
Video đang HOT
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Lo quần áo, giày dép và sách vở cho trò
Đã hai năm nay, cậu học sinh Hoàng Anh lớp 3B trường tiểu học Phước Hội 2, Bình Thuận luôn nhận được những vật dụng như quần áo, giày dép và sách vở từ cô Lan giáo viên chủ nhiệm lớp 2 năm ngoái.
So với đám bạn em bị thiệt thòi nhiều thứ. Ba và cả gia đình nội em bị chìm tàu mất tích cách đây vài năm trên biển khi mẹ mới mang thai em vài tháng.
Em vào lớp một, mẹ em tái giá và liên tục sinh hai đứa em. Cảnh nhà nghèo khó lại càng khốn khổ hơn khi mẹ và ba kế không có công ăn việc làm ổn định.
Thế là Hoàng Anh tới trường quần áo cáu bẩn, rách mướp, sách vở cũng cũ nát, te tua.
Em đã được cô giáo chủ nhiệm mua cho đồ mới và xin cho vài bộ đồ của những bạn gia đình khá giả. Cầm bị đồ trên tay, em hồ hởi khoe: “Con có mười bộ đồ đi học rồi cô, cả giày và cặp sách nữa”.
Ngoài Hoàng Anh các thầy cô giáo trong trường nơi tôi dạy cũng luôn hết lòng giúp đỡ các em học sinh nghèo như thế.
Đóng học phí cho trò
Các thầy cô thường giúp đỡ học trò có hoàn cảnh khó khăn của lớp mình bằng việc đóng hộ cho gia đình các em một số khoản tiền như tiền bảo hiểm, tiền văn phòng phẩm hay tiền học phí…Có những chuyện nghe được thật cảm động.
Một phụ huynh có con học trường trung học cơ sở Tân An (Bình Thuận) kể lại: Mấy ngày trước, con về kêu ba đóng học phí, nó bảo lớp con ai cũng đóng hết rồi còn mình con để cô nhắc thì quê lắm. Tôi hẹn nó chuyến đi biển này về sẽ lên đóng hết cả năm.
Dù con không nói gì nhưng tôi biết nó buồn lắm. Đành vậy chứ biết chạy đâu ra triệu bạc lúc này nên tôi đành im lặng.
Đúng tuần sau, tôi đem tiền lên đóng thì biết được đã có ai đó đóng cho cháu rồi.
Gặng hỏi mãi nhưng cô kế toán cứ giấu, năn nỉ hoài, cô mới cho tôi biết và dặn đừng nói vì thầy B., Phó hiệu trưởng yêu cầu thế.
Thầy B. là thầy giáo cũ của tôi cách đây 20 năm. Vô tình thầy biết được gia cảnh nhà tôi khó khăn, thầy giúp đỡ nhưng vẫn không muốn tôi biết vì sợ tôi ngại.
Tình nguyện làm “bảo mẫu” không công
Một số thầy cô giáo đã tình nguyện phụ đạo, kèm cặp cặp học sinh yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thu học phí.
Điển hình như cô N.Tr giáo viên trường tiểu học Phước Lộc 2 đã chở hai em học sinh cá biệt về nhà dạy học, cho ăn uống, tắm giặt gần một năm trời nhưng không nhận một đồng thù lao nào từ phía gia đình dù họ tự nguyện đóng góp.
Theo một số đồng nghiệp kể lại, lớp chủ nhiệm năm đó của cô có hai học sinh không biết đọc. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ba mẹ lại không biết chữ.
Học xong chương trình lớp một được lên lớp hai nhưng do lơ là và mải chơi ba tháng hè trôi qua hai em rơi vào tình trạng tái mù.
Ở trên lớp, không đủ thời gian kèm cặp, cô tình nguyện chở về nhà kèm lại chương trình học lớp một cho các em. Phải rất kiên trì và nhẫn nại gần một năm trời các em đã biết đọc.
Cô N.Tr chia sẻ: “Ngày mà hai đứa đọc được những tiếng đầu tiên một cách trơn tru em vui hơn mình trúng số”.
Và còn nhiều rất nhiều những câu chuyện đẹp, những sự hy sinh lặng thầm của các thầy cô giáo đang từng ngày dốc hết tâm can vì sự tiến bộ của các em học sinh của mình.
Theo GDVN