Chuyện người ươm mầm
PN – Ngày 19/7 tới, nhạc sĩ Đức Trí sẽ trao học bổng cho một số gương mặt mà anh chọn trong thị trường nhạc Việt hiện nay. Soul Academy (vừa đổi tên thành Soul Music and Performing Arts Academy – SMPAA) của ca sĩ Thanh Bùi cũng trao học bổng cho nhiều gương mặt nhỏ tuổi.
Rời ghế nóng Giọng hát Việt nhí mùa đầu, Thanh Bùi chưa quay lại chương trình nhưng đã kịp trợ lực cho tài năng nhí bằng các suất học bổng ba năm tại trường đào tạo âm nhạc của anh.
Vũ Song Vũ – cậu bé gây sốt với bài hát Bà tôi, My heart will go on… từng tham gia Vietnam’s Got Talent, Giọng hát Việt nhí; Vũ Đình Tri Giao – được biết đến từ Vietnam’s Got Talent, Hữu Đại – Giọng hát Việt nhí… là những tài năng nhí đầu tiên nhận học bổng. SMPAA được xem là trường đào tạo âm nhạc cho thanh thiếu niên có chất lượng tốt hiện nay, với cơ sở vật chất hiện đại, giáo trình tiên tiến, giảng viên tài năng trong nước và ngoài nước…, học phí khá cao (12-15 triệu đồng/bốn tháng).
Thanh Bùi trong buổi tổng kết năm học 2014 của SMPAA
Ca sĩ – nhạc sĩ Thanh Bùi cho biết, điều quyết định để anh trao học bổng là học viên phải học văn hóa giỏi, bên cạnh sự đam mê, tố chất âm nhạc. “Với tôi, giỏi về âm nhạc vẫn chưa đủ mà quan trọng nhất là phải giỏi trong học văn hóa”, Thanh Bùi nói. Tại trường nhạc nhẹ MPU, nhạc sĩ Đức Trí cũng trao học bổng cho Vũ Cát Tường, Nguyễn Đình Thanh Tâm, Trịnh Thăng Bình, Trần Khôi Nguyên… Trong đó, Vũ Cát Tường đã nhận học bổng vào năm 2014 (trị giá 50 triệu/năm).
Theo nhạc sĩ Đức Trí, quyết định trao học bổng dựa trên việc nhìn thấy được tố chất và nguyện vọng của các ca sĩ muốn trở thành những nghệ sĩ theo chuẩn quốc tế. Đó là những nghệ sĩ không chỉ hát mà còn tự sáng tác, chơi nhạc cụ, hòa âm phối khí, tự tổ chức biểu diễn – điều rất hiếm thấy ở thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay.
Hàng năm, nhạc Việt xuất hiện không ít giọng ca từ các chương trình truyền hình thực tế lẫn từ… đường phố. Một số gương mặt được săn đón, trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho những “người đỡ đầu”: Quang Lê trở thành “ba nuôi”, quản lý sô diễn cho Phương Mỹ Chi và Huyền Trân; Đàm Vĩnh Hưng đầu tư cho Thiên Nhâm (Giọng hát Việt nhí), Xuân Nghi, Ngọc Luân (Giọng hát Việt), Mỹ Linh gắn với Nhật Thủy (quán quân Vietnam Idol 2014)…
Dù với danh nghĩa đỡ đầu nhưng chỉ thấy Quang Lê khai thác các giọng ca nhí, chưa thấy thể hiện các em được đào tạo như thế nào. Phương Mỹ Chi được cho là chỉ nhận sô vào cuối tuần để không ảnh hưởng đến lịch học, nhưng giọng ca nhí này lại từng đi biểu diễn nước ngoài kéo dài cả tuần. Chuyện ồn ào giữa Quang Lê và Đàm Vĩnh Hưng quanh giọng ca đường phố Trọng Nghĩa cho thấy rõ sự ra tay khai thác nhanh nhạy của những “ông bầu”, với những mỹ từ “nâng đỡ”, “trợ giúp”…
Chọn lối đi khác, dành thời gian và tâm huyết đúng nghĩa đào tạo, ươm mầm, sát cánh cùng Đức Trí tại MPU là những tên tuổi làng nhạc nhẹ như Dũng Đà Lạt, nhạc trưởng Trần Nhật Minh, Xuân Hiếu, Tass Petridis (giảng viên của nhiều trường âm nhạc tại Úc)… Tại SMPAA, bên cạnh Thanh Bùi là giảng viên Triệu Yên, Văn Anh… và các giảng viên nước ngoài.
Nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ, anh từng khát khao có nơi để trau đồi nhạc nhẹ nhưng phải lặn lội sang học trường Berklee (Mỹ). Vì thế, Đức Trí đặt nhiều tâm huyết vào MPU để đào tạo thế hệ sau. Hiệu trưởng Đức Trí trực tiếp đứng lớp các môn keyboard, sáng tác, hòa âm, phối khí, âm thanh phòng thu…
Thanh Bùi cho biết, giáo trình giảng dạy tại SMPAA chú trọng việc khơi gợi khả năng của các tài năng nhí, đề cao việc cảm thụ âm nhạc tự nhiên mà các giáo viên nơi đây gọi là phương pháp “trọng tâm cảm xúc”: học viên thể hiện được bản thân và cảm xúc của mình thông qua phong cách âm nhạc mà họ lựa chọn. Giữa bao lộn xộn của thị trường nhạc Việt, vẫn còn những người ươm mầm tài năng âm nhạc giản dị như thế.
Theo PN