Chuyện người thầy đến gõ cửa nhà giáo viên xin đi học lại
Không may mắn chọn cho mình cửa sinh ra nhưng người thầy lại may mắn gõ đúng cửa nhà của các thầy cô giáo để được nâng bước trên con đường đời.
Ngã rẽ định mệnh sau quyết định gõ cửa
Thầy Nguyễn Hữu Phú (sinh năm 1982, quê Khánh Hòa) – giáo viên trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây. Thầy Phú là con út trong gia đình có 9 người con. Gia cảnh nghèo khó nên các anh chị trong gia đình phải tự bươn chải để lo cho cuộc sống mưu sinh.
Thầy Phú kể, năm 2000, vừa tốt nghiệp Trung học phổ thông trường Huỳnh Thúc Kháng, thầy Phú đã phải làm đủ nghề để nuôi dưỡng ước mơ bước đến giảng đường đại học.
Thầy Nguyễn Hữu Phú (áo ca rô xanh) và các em học sinh trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây. (Ảnh: H.P)
Suốt 10 năm, thầy Phú làm đủ nghề, ai thuê gì làm nấy, ai mướn gì làm đó. Rồi tai họa đã ập đến. Mẹ thầy Phú không may đã qua đời. Hai năm sau, người cha thân yêu cũng vĩnh viễn rời xa các con.
Lo đám tang cho cha xong, thầy Phú đã có những quyết định để thay đổi cuộc đời mình. Thầy tìm đến những nhà giáo viên cũ thời trung học để xin được học lại những kiến thức cũ.
Khi lo đám tang cho ba xong, má mất trước ba 2 năm. Tôi quyết định đến nhà những thầy cô giáo cũ đã dạy tôi 3 năm học cấp 3. Đó là thầy cô dạy ở ngôi trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng thân yêu. Xin học lại kiến thức lớp 10 để thi đại học.
Thầy Phú vẫn nhớ như in buổi đầu tiên đến nhà giáo viên để xin học lại. Người thầy mà thầy Phú gõ cửa đầu tiên là cô Huyền – giáo viên dạy môn Hóa học.
Thầy Phú đứng ngập ngừng trước cửa nhà cô Huyền thật lâu, chần chừ một hồi. Rồi thầy Phú cũng quyết định gõ cửa. Hơn 10 năm, gương mặt cô Huyền vẫn không thay đổi dù thời gian có làm cô thêm những nét chân chim trên đôi mắt.
Video đang HOT
Cô mở cửa và rất vui khi thấy người học trò cũ ghé thăm. Đan xen niềm vui ấy là một sự ngạc nhiên vì cuộc gặp quá bất ngờ. Cô Huyền mời thầy Phú vào nhà để tiếp chuyện. Sau khi nghe trình bày, cô giáo cảm thông với hoàn cảnh và chia sẻ với ước mơ của người thanh niên đã từng trải trong cuộc sống.
Cô ngồi suy nghĩ luôn đến việc sắp xếp cho thầy Phú vào học những lớp ngoài giờ nào cho phù hợp. Cũng bởi, thầy Phú không còn học những kiến thức phổ thông đã lâu mà những kiến thức đã học, nếu học lại ở chương trình cơ bản sẽ dễ gây nhàm chán.
Thầy Nguyễn Hữu Phú và các em học sinh trong một lần câu cá. (Ảnh: H.P)
Thế là, thầy Phú được xếp vào lớp 10 ở hệ chương trình nâng cao. Cô Huyền nhẹ nhàng khuyên nhủ, kiến thức bỏ lâu không quan trọng, điều quan trọng là phải biết giữ lấy niềm tin mà bản thân đã lựa chọn.
Cô đặt niềm tin thầy Phú sẽ nỗ lực hết mình để vươn đến ước mơ. Thầy Phú không quên được lời động viên của cô giáo: “Không có việc gì là không thể. Em nhé!”.
Báo đáp công ơn
Sau khi chia tay với cô Huyền, thầy Phú như được thêm một niềm tin mãnh liệt vào tương lai ở phía trước. Thầy tiếp tục đến nhà thầy Khiêm dạy môn Vật lý và thầy Trung dạy môn Toán.
Cả hai thầy đều rất đỗi vui mừng và dành những lời động viên chân tình nhất. Các thầy hứa sẽ tạo mọi điều kiện để thầy Phú bổ túc kiến thức một cách tốt nhất.
Cứ như thế, hằng tuần, thầy Phú đều đặn xách cặp đi học thêm 3 buổi với các bạn nhỏ hơn mình 11 tuổi. Một buổi thầy Phú đi học và buổi còn lại đi làm để trang trải chi phí trong cuộc sống.
Tháng đầu tiên đóng học phí, thầy Phú mang tiền đến đưa cho cô và các thầy nhưng không ai nhận. Đổi lại, thầy Phú chỉ nhận được một câu nói khiến người chai lỳ cảm xúc nhất phải rơi nước mắt: “Học phí của em, em hãy trả bằng kết quả học tập”.
Học tập bằng tình yêu thương và nuôi dưỡng đam mê bằng sự vun vén kiến thức của những người thầy; “lão học trò” nỗ lực phấn đấu học ngày, học đêm để không phụ lòng kỳ vọng của các bậc tiền bối.
Sau 2 năm kiên trì theo đuổi kiến thức của bậc trung học phổ thông, cô Huyền đặt vấn đề thầy Phú phải… trả ơn.
Trả ơn ở đây là bằng cách phải đăng ký dự thi để trở thành một sinh viên, phải “tung cánh” giữa đời để giúp người, giúp xã hội. Thầy Phú thần tượng và mang nặng tình cảm của những người thầy cô trên bước đường đời quyết định nộp hồ sơ dự thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang.
Kỳ thi đó, thầy Phú trúng tuyển với điểm số cao. Ngày cầm phiếu báo điểm trên tay cũng là ngày thầy Phú mắt ướt đẫm với các thầy cô đã nâng đỡ mình trên con đường đời đầy chông gai.
Thời gian thấm thoát trôi qua, 3 năm liền thầy Phú ngồi trên giảng đường là những tháng ngày nung nấu hoài bão. Thầy Phú tự răn mình, phải sống có ích với tình cảm mà những người thầy đã dành cho mình.
Thầy Nguyễn Hữu Phú giữa đời thường. (Ảnh: H.P)
Tốt nghiệp ra trường, thầy Nguyễn Hữu Phú đọc được mẫu tin xét tuyển giáo viên về công tác tại huyện đảo Trường Sa. Thầy Phú không một chút do dự nên nộp đơn và trúng tuyển.
Thầy được điều động đến dạy tại trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây. Cuộc đời thầy đã ứng với nghề giáo, với những cơn bão tố nơi biển khơi xa xôi mà phải luôn đứng vững để không bị xô ngã.
Thầy Phú nói, có được điều này là nhờ vào tình yêu thương của các thầy cô như những người cha, người mẹ thứ hai, là chỗ dựa vững chắc để nâng bước cho người thanh niên năm ấy trên nẻo đường đời.
Hưng Long
Theo giaoduc
Chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam (20-11): Thầy giáo trẻ đam mê nghiên cứu
Tiến sĩ Trần Văn Tân, chuyên ngành đào tạo cao học Hóa lý thuyết và hóa lý (Trường đại học Đồng Tháp) là một giảng viên có niềm say mê nghiên cứu khoa học và là người thầy được mọi người tin yêu, quý trọng.
Tiến sĩ Trần Văn Tân (thứ hai từ trái sang) hướng dẫn sinh viên thực hành môn Hóa học.
Lớn lên tại quê hương Châu Thành, Đồng Tháp, trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng suốt bốn năm trên giảng đường đại học, sinh viên Trần Văn Tân luôn nhận được nhiều học bổng, tình yêu thương, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè. Tốt nghiệp ra trường, Tân được vinh danh là thủ khoa môn Hóa và trúng tuyển giảng viên tại Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp, nay là Trường đại học Đồng Tháp.
Và Trường đại học Đồng Tháp đã trở thành nơi nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ Trần Văn Tân. Ở tuổi 31, thầy Tân là một trong những giảng viên trẻ nhất của Trường được xét học bổng thuộc chương trình Đề án 322 đào tạo nghiên cứu sinh nước ngoài bốn năm và được cấp bằng tiến sĩ ngành Hóa học, chuyên ngành Hóa lý thuyết và hóa lý tại Trường KU Keuven, Vương quốc Bỉ.
Với niềm đam mê nghiên cứu và có nhiều sáng tạo trong giảng dạy, từ năm 2016, thầy Tân được giao trọng trách Trưởng chuyên ngành đào tạo cao học Hóa lý thuyết và hóa lý của trường. Quá trình giảng dạy, thầy luôn truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho các học viên, sinh viên. Học viên Nguyễn Hoàng Lin, lớp cao học Hóa lý thuyết và hóa lý, khóa bảy, Trường đại học Đồng Tháp, chia sẻ: "Quá trình hướng dẫn làm tiểu luận, luận văn, thầy luôn tạo động lực cho học viên, đặt ra những tình huống gợi mở cho học viên tìm tòi. Ngoài ra, thầy rất thương và quan tâm học viên".
Vừa tích cực trong giảng dạy, vừa đam mê nghiên cứu, TS Trần Văn Tân đã tạo nên nhiều dấu ấn khi làm Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp quốc gia do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) tài trợ (đã được nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận năm 2019). Đáng chú ý, TS Trần Văn Tân đã có gần 30 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín và năm bài báo trên tạp chí khoa học trong nước. Thầy cũng đồng chủ biên hai giáo trình phục vụ đào tạo sau đại học do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản. Ngoài việc hướng dẫn nhiều học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành Hóa lý thuyết và hóa lý tại Trường đại học Đồng Tháp, TS Trần Văn Tân còn hướng dẫn một sinh viên đoạt giải Sinh viên nghiên cứu khoa học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Trong công tác chuyên môn, TS Trần Văn Tân tích cực cùng nhà trường tham gia phát triển chương trình đào tạo đại học sư phạm Hóa học và cao học Hóa lý thuyết và hóa lý. Trong đó, chương trình đại học sư phạm Hóa học đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá chất lượng. Thầy cùng nhà trường xây dựng thành công hệ thống máy vi tính hiệu năng cao với các phần mềm tính toán hóa học lượng tử mã nguồn mở, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo tại Trường đại học Đồng Tháp. Hệ thống máy vi tính hiệu năng cao đã mang đến những kết quả nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.
Nói về người đồng nghiệp, cũng từng là học trò của mình, PGS, TS Trần Quốc Trị, Trưởng khoa sư phạm Lý, Hóa, Sinh (Trường đại học Đồng Tháp) cho biết: "Từ ngày làm giảng viên đến nay, TS Tân vẫn giữ tinh thần cần cù, luôn là một người thầy gương mẫu, nhiệt huyết với nghề, yêu thương sinh viên, tận tụy giúp đỡ, hợp tác với đồng nghiệp để làm tốt nhất những phần việc được giao. Điều đáng quý ở thầy giáo Tân là phẩm chất của người làm khoa học: trung thực, hết mình vì khoa học".
Với những nỗ lực nghiên cứu khoa học không ngừng nghỉ, năm 2019, TS Trần Văn Tân vinh dự được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư. TS Trần Văn Tân chia sẻ: Tôi rất vui khi được cộng đồng, các nhà khoa học ghi nhận. Bản thân tôi sẽ cố gắng phát triển khả năng dạy học, trình độ chuyên môn, truyền thụ kiến thức khoa học cho các sinh viên, giúp các em hình thành những kỹ năng tốt, để ra trường công tác tốt.
BÀI, ẢNH: HỮU NGHĨA VÀ QUẾ ANH
Theo nhandan
Nước mắt và nụ cười của người thầy trong những lớp học đặc biệt Nước mắt và nụ cười là cảm xúc thường tình của mỗi con người khi đối diện với niềm vui hoặc nỗi buồn. Nhưng có lẽ, với những thầy cô giáo trong các "lớp học đặc biệt" ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì mỗi giọt nước mắt hoặc nụ cười đều chất chứa những hạnh phúc khó tả. Người...