Chuyện khóc, cười ghi ở phòng tư vấn học đường
Phòng tư vấn học đường tại trường THPT luôn mở rộng cửa tiếp nhận mọi thắc mắc, rắc rối, chia sẻ của học sinh từ chuyện học hành, bạn bè, gia đình; vui có mà buồn cũng thật nhiều.
Từ chuyện sinh lí
Trong một ngôi trường có cả học sinh (HS) cấp II, cấp III nên phòng Tư vấn học đường do cô Hương (xin giấu tên thật) phụ trách tiếp nhận rất nhiều trường hợp tìm đến xin giúp đỡ. Chuyện cô kể dưới đây chỉ là một vài tình huống, trường hợp vừa buồn cười vừa khó xử mà cô phải mất khá nhiều thời gian mới tìm cách xử lí.
“Một HS nam lớp 7 được cô giáo nói xuống phòng gặp mình để được giúp đỡ. Thời gian gần đây, cậu học sinh này thường xuyên có xô xát với nhóm bạn nam cùng lớp. Cô giáo gặng hỏi nguyên nhân cậu ấy chỉ trả lời qua loa. Thấy cần kíp, nên cô nói với cậu học sinh nam ấy xuống gặp mặt. Số là các bạn nam hay tụ tập trêu em này là đồ “bún đậu”, tức yếu “chuyện ấy”. Và còn nhiều cụm từ kiểu như thế lắm!” – Cô Hương cười tâm sự.
Cô Hương nói thêm: “Rồi cũng từ trêu nhau “chuyện ấy” giữa các bạn nam, nữ mà trong bữa ăn bán trú, các em nam không ăn đậu, các em nữ không ăn thịt dẫn đến lười ăn”.
Video đang HOT
Phòng Tư vấn học đường của Trường THPT Nguyễn Tất Thành nằm ở cuối dãy nhà dành cho cán bộ nhà trường, tạo không gian yên tĩnh và kín đáo cho HS khi tới để được tâm sự, giúp đỡ.
Đến chuyện yêu đương
Việc “gỡ rối tơ lòng” của học sinh tuổi ô mai cũng khiến các chuyên gia nhiều phen đau đầu.
Từ những câu chuyện không quá phức tạp của các HS cấp II tâm sự: “em thích bạn A nhưng bạn A lại yêu bạn B, bỏ rơi em”, đến chuyện HS vướng vào quan hệ tình cảm rắc rối với bạn bè ở một ngôi trường cấp III khác khiến cho nhiều bậc cha mẹ phải giật mình.
Cô Vân (xin giấu tên), cán bộ tư vấn của trường cấp III trên tâm sự: “HS nam này là một em cao to, đẹp trai và đặc biệt là có khả năng văn nghệ nên chiếm được tình cảm của rất nhiều bạn nữ trong trường. Rồi các quan hệ nam nữ xảy ra với biết bao rắc rối, phức tạp”.
Có trường hợp khó khăn tới mức cả phòng Tư vấn học đường với mấy cán bộ vẫn chưa đủ, phải cần thêm sự trợ giúp của lãnh đạo nhà trường và chuyên gia nước ngoài. “Tới nay đã được 2 năm và công việc vẫn chưa dừng lại cho tới ngày các em tốt nghiệp, ra trường” – Cô Vân cho biết.
Cô Vân kể tiếp: “Rồi lại gặp phải trường hợp em HS nữ có xu hướng “nam tính”, luôn thích ăn mặc, hành động giống các bạn nam. Biết con như vậy bố mẹ em buồn lắm. Em cũng đã cố “sống thử” là một bạn gái: điệu đà, thướt tha nhưng không được. Đau khổ em đã phải nghỉ học. Động viên mãi em mới quay trở lại trường. Chúng tôi vẫn luôn theo sát để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ em”.
Mâu thuẫn, xung đột với bạn bè
Cô Tuyết cùng làm ở phòng Tư vấn của cô Vân chia sẻ: “HS bây giờ, nhất là cấp III, các em có nhiều mối quan hệ bên ngoài. Nhiều em tới đây học chỉ để bố mẹ yên lòng chứ không thích, nhiều em hoàn cảnh bố mẹ mỗi người một nơi.
Khá phổ biến nữa là học sinh có xích mích, đánh nhau dẫn tới lo sợ, nghỉ học. Bởi vậy mà việc nghỉ học dài ngày không lí do của HS xảy ra khá thường xuyên.”
Năm 2010, văn phòng tham vấn Gia đình & Trẻ em Vala phối hợp thực hiện công tác tư vấn học đường tại Trường THPT Việt Đức. Theo cô Trần Thị Dung, cán bộ trung tâm: “Phần nhiều các em tìm đến trung tâm khi gặp rắc rối, mâu thuẫn trong nhóm bạn cùng chơi. Nhiều em tâm sự mình gặp sức ép khi tham gia nhóm, đôi khi muốn từ chối các hoạt động chung nhưng vẫn phải đi nếu không sẽ bị cô lập. Hoặc có em dù ngoan, hiền, không đua đòi, nhà nghèo nhưng chơi cùng nhóm bạn khá giả hơn nên buộc phải xin nhiều tiền từ bố mẹ để tham gia các hoạt động với họ. Các em cảm thấy tự ti, gặp khó khăn nếu nói lời từ chối”.
Theo VNN