Chuyển hướng ôn tập như thế nào khi kỳ thi THPT quốc gia thành thi tốt nghiệp?
Kỳ thi THPT quốc gia trở thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 khiến nhiều học sinh bất ngờ nhưng đã kịp thời định hướng lại việc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi.
Học sinh khối lớp 12 một số tỉnh đã bắt đầu đi học lại để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT – VŨ LÂM
Chính phủ đã chấp thuận phương án THPT quốc gia năm 2020 sẽ là kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích xét tốt nghiệp. Việc tuyển sinh đại học do các trường tự chủ. Các học sinh lớp 12 lên kế hoạch ôn tập thế nào để vừa đảm bảo thi tốt nghiệp vừa đủ kiến thức để thi tuyển vào các trường đại học?
Hoàng Ngọc Trâm, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai), cho biết kế hoạch ôn thi của Trâm không thay đổi nhiều khi kỳ thi THPT vẫn diễn ra nhưng chỉ xét tốt nghiệp. Ngay từ đầu Trâm đã nắm vững những kiến thức cơ bản, trọng tâm và không quá phụ thuộc vào việc thi trắc nghiệm, nên sự thay đổi hướng thi không ảnh hưởng quá lớn. Hơn thế, việc thay đổi này còn khiến Trâm trở nên nghiêm túc và dành nhiều thời gian tìm hiểu, ôn tập nhiều hơn để có thể đạt kết quả tốt nhất.
Tuy nhiên, vì Trâm đã quen với cách thức thi và dạng đề của những năm gần đây, nên việc thay đổi này đã làm Trâm khá bối rối cũng như chưa thích ứng kịp. Trâm phải sắp xếp lại thời gian và nội dung ôn thi sao cho phù hợp với phương án của Bộ GD-ĐT. Trâm bày tỏ: “Nhưng mình sẽ lấy đó làm động lực và mục tiêu để phấn đấu, tìm hiểu nhiều hơn để vạch ra chiến lược tốt nhất cho kỳ thi này. Mình mong rằng các bạn cũng có thể tập trung cao độ và bình tĩnh, tận dụng thời gian để ôn tập và đạt được thành tích cao”.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 – THẾ NGUYÊN
Tương tự, Trần Thị Trúc Đào, học sinh lớp 12, Trường THPT Phạm Thành Trung (Tiền Giang) cho biết, khi nhận được thông tin kỳ thi THPT vẫn diễn ra nhưng chỉ xét tốt nghiệp, Đào có chút bất ngờ vì thay đổi như vậy những dự định của bản thân cũng ảnh hưởng ít nhiều. Nhưng khi quyết định đã được Bộ GD-ĐT và Chính phủ thống nhất thì chắc hẳn đã và đang hướng đến những điều tích cực và thuận lợi nhất cho học sinh vào lúc này.
Lưu Ngọc Duyên, học sinh lớp 12C7, Trường THPT Phú Hưng (Cà Mau), cho biết việc kỳ thi THPT 2020 chỉ xét tốt nghiệp là hợp lý. Năm nay vì tình hình dịch diễn ra đã ảnh hưởng khá nhiều đến việc học tập và ôn thi. Mặc dù, Bộ GD-ĐT đã tinh giản chương trình học, nhưng ôn tập trong thời gian gấp rút nên lượng kiến thức mà học sinh nắm sẽ không vững.
“Việc tinh giản chương trình học sẽ bỏ đi một số kiến thức quan trọng. Nếu dùng điểm để xét đại học thì sẽ không đạt được chất lượng tốt như những năm trước. Nhưng cũng rất nhiều áp lực về việc một số trường đại học sẽ tổ chức thi riêng, đề thi có thể sẽ khó rất nhiều. Đối với bản thân mình cơ hội vào đại học là không cao”, Duyên bộc bạch.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 – THẾ NGUYÊN
Học nghiêm túc và chăm chỉ
Thầy Nguyễn Xuân Hoài Phước, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (Đồng Nai), cho biết sự thay đổi này có thể giảm được áp lực của bài thi tốt nghiệp, học sinh có thêm thời gian để có thể ôn chuyên sâu hơn cho khối thi mình thích. Tuy nhiên, giáo viên và học sinh phải thường xuyên cập nhật tình hình và thông tin về kỳ thi. Học sinh cần nghiên cứu kỹ hơn về việc lựa chọn đăng ký xét tuyển, nộp hồ sơ vào trường nào vì cơ hội chỉnh sửa và lựa chọn sẽ ít đi.
Theo thầy Hoài Phước, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh việc giảng dạy, giáo viên cần làm thêm công tác tâm lý để học sinh có lựa chọn chính xác cho việc nộp hồ sơ vào các trường đại học. Bên cạnh đó, học sinh nên giữ bình tĩnh vì dù tách làm 2 đợt thi, nhưng kiến thức cũng nằm trong toàn bộ những gì các em đã học và sẽ được học. Đối với thi tốt nghiệp thì việc học tập nghiêm túc và chăm chỉ là cực kỳ cần thiết, chỉ có học tập thật lực mới giúp các bạn thoải mái vượt qua kỳ thi.
Vũ Lâm
Bỏ thi THPT quốc gia 2020: Công sức ôn luyện của thí sinh sẽ 'đổ sông đổ bể'
Nhiều thí sinh lo lắng nếu kỳ thi THPT quốc gia 2020 không diễn ra, công sức cố gắng ôn luyện trong năm học coi như "đổ sông đổ bể".
Bộ GD&ĐT vừa trình Chính phủ hai phương án chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, trong đó có phương án bỏ kỳ thi ở tình huống xấu nhất.
Theo các chuyên gia, nếu kỳ thi không thể diễn ra sẽ gây nhiều xáo trộn cho các trường đại học và xã hội. Học sinh cũng lo lắng nếu kỳ thi này bị huỷ bỏ.
Muốn giữ nhiều hơn bỏ
Lê Trung Kiên, học sinh lớp 12 trường THPT Chu Văn An, Hà Nội mong kỳ thi THPT quốc gia năm nay diễn ra bình thường. Em cho rằng có thể giảm tải thêm nữa một số kiến thức ở các môn thi, nhất là phạm vi học kỳ II. Còn lại cần đảm bảo đủ 9 môn thi để học sinh xét tuyển vào đại học.
Việc chọn trường đại học, khối học, thi ra sao... gần như được học sinh lên kế hoạch và vạch định sẵn từ đầu năm học, chứ không đợi đến bây giờ mới làm.
Mặc dù học qua truyền hình, làm bài tập thầy cô giáo giao qua trực tuyến đúng là còn nhiều hạn chế, khó có thể so sánh với chất lượng khi học ở trên lớp, nhưng đó cũng là cách học, ôn luyện tốt nhất hiện nay của học sinh nói chung và nhất là khối lớp 12 nói riêng.
"Nếu kỳ thi THPT quốc gia năm nay không thể diễn ra sẽ là sự tiếc nuối và không công bằng. Không công bằng vì chúng em dành nhiều thời gian ôn luyện, kỳ vọng suốt cả năm học qua. Không công bằng vì xét tuyển đầu vào các trường đại học, bạn giỏi ở trường này, không có nghĩa giỏi ở trường khác...", học sinh nói.
Nhiều học sinh mong muốn kỳ thi THPT quốc gia 2020 được giữ ổn định.
Hoàng Thị Kim Ngân, học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Hùng Vương ủng hộ phương án giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia 2020. Bởi đây là kỳ thi quan trọng, Ngân và các bạn đã cố gắng học suốt 3 năm qua vì một mục tiêu cuối cùng là có được tấm vé vào đại học.
Nữ sinh dự định đăng ký xét tuyển vào Đại học Y Hà Nội và Đại học Ngoại thương - đều là những trường có điểm cao gần tuyệt đối 8-9 điểm/môn thi. Nếu kỳ thi không thể diễn ra, công sức cố gắng ôn luyện của nữ sinh coi như sẽ "đổ sông đổ bể".
Nếu xét tuyển học bạ cấp 3 vào những ngành quan trọng như vậy thì chất lượng thí sinh không thể đồng đều, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học trong trường và tốt nghiệp đại học sau này.
Do đó, Kim Ngân cho rằng, nếu THPT quốc gia không diễn ra thì cần có cách thức tuyển sinh khác đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh thay vì xét tuyển bằng học bạ.
Em Nguyễn Văn Sơn, học sinh trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc dự định sẽ đăng ký khối A00, ngành Kỹ thuật điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. Nam sinh lo lắng, nếu kỳ thi năm không diễn ra thì phải tham gia kỳ thi tuyển sinh riêng của Đại học Bách khoa Hà Nội, không có đề minh hoạ, không có kiến thức giảm tải, trọng tâm, bài thi tự luận... điều đó làm gia tăng áp lực thi cử lên gấp đôi cho học sinh.
Trong khi đó, bạn Lê Công Thành, trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội cho rằng nên xét tốt nghiệp THPT. Việc học trực tuyến và trên truyền hình gần như không hiệu quả, không thể mang kiến thức như vậy để thi.
Theo Thành, các tiết học trên truyền hình là tương tác một chiều, nhiều bài tập khó hiểu mà không biết hỏi ai. Học trực tuyến trên phần mềm, mạng yếu, lớp đông, chưa kịp hỏi kiến thức vướng mắc đã hết tiết chuyển sang môn học khác. " Những ngày qua chúng em cảm thấy bối rối vô cùng", Thành nói.
Công Thành dự kiến đăng ký xét tuyển khối D01 vào Đại học Khoa học tự nhiên nhưng với việc học không chất lượng như hiện nay, em rất lo lắng. Cậu bạn cho rằng cần có một phương án khác như xét tốt nghiệp kết hợp với các bài thi đánh giá năng lực, bài thi tự luận, phỏng vấn trực tiếp...
Các địa phương đang rà soát, tính toán đảm bảo hoàn thành năm học trước 15/7.
Vẫn đủ thời gian cho học sinh ôn thi
Ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết, từ ngày 2/3 tỉnh cho học sinh THPT đi học trở lại. Đến thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội, học sinh THPT của Hải Dương học tập trung tại trường được 4 tuần.
Theo rà soát chương trình tinh giản của Bộ GD&ĐT, Sở tính toán khối lượng kiến thức còn phải dạy ở các môn học lớp 12 nhiều nhất là 11 tuần, môn ít nhất cần 4 tuần để kết thúc năm học.
Ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn cho biết, học sinh THPT học được hơn một tháng kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo chương trình chưa tinh giản thì học kỳ 2 lớp 12 có 18 tuần, học sinh tỉnh Bắc Kạn đã học được 5 tuần nên còn 13 tuần. Sau khi Bộ GD&ĐT tinh giản chương trình, khối lượng và thời lượng kiến thức cần học được rút ngắn lại. " Chúng tôi tính toán, nếu học sinh đi học dù muộn hơn một chút so với mốc 15/6, thì các em vẫn hoàn thành được chương trình và dự thi THPT quốc gia", ông Quyên nói.
Tại Nam Định, trong suốt thời gian học sinh nghỉ do dịch, tỉnh tổ chức dạy học trên truyền hình và internet cho học sinh, kết hợp với đánh giá thường xuyên để theo sát tiến độ hểu bài của học sinh.
Do đó, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho rằng, tỉnh hoàn toàn có thể đáp ứng được việc kết thúc năm học trước 15/7 như khung thời gian quy định của Bộ. Học sinh lớp 12 cũng đảm bảo được cung cấp đầy đủ kiến thức cơ bản theo chương trình đã tinh giản và ôn tập dự thi THPT quốc gia.
Video: Học sinh, sinh viên học trực tuyến mùa dịch COVID-19
Hà Cường
Xét tốt nghiệp, tuyển sinh bằng điểm học bạ: Lo ngại thiếu khách quan Tình huống xấu nhất, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ không thể diễn ra. Một trong những giải pháp được đưa ra là xét tốt nghiệp THPT cho học sinh và các trường đại học tuyển sinh bằng điểm học bạ. Nhiều học sinh và chuyên gia đề cho rằng nếu có thể tổ chức...