Chuyện học sinh thích “kết thân” với phòng y tế
Hãy xem học sinh chúng mình tại sao cứ xem phòng y tế là “bạn thân” nhé.
Ngoài phòng học, nơi ngày ngày teen ngồi nghe thầy cô giảng bài, ngoài hành lang lộng gió luôn tràn ngập tiếng cười của teen trong mỗi giờ ra chơi, ngoài sân trường rợp bóng tà áo dài mỗi sáng chào cờ,… thì phòng y tế cũng là một địa điểm quen thuộc đối với teen nhà mình. Chẳng phải vì tình hình sức khỏe của teen thường xuyên có vấn đề đâu bạn ạ, mà vì…
Nơi “ẩn nấp” an toàn
Với Nguyễn Huyền (THPT LTK) thì phòng y tế thực sự là nơi “ tránh nạn” khá tốt. “Tớ rất sợ môn Vật Lý. Kiến thức khó nhằn, thầy giáo hơi nóng tính và chắc chắn sẽ chẳng đủ kiên nhẫn để chờ tới khi tớ nói được hết những điều mình biết. Những khi nào tớ tự tin chút chút vì đã nằm lòng bài cũ, thầy chẳng gọi lên bảng kiểm tra. Nên những ngày lơ mơ, tớ rất sợ bị “tóm cổ” lên bảng làm bài tập. Cách tốt nhất để tránh những tình huống như thế chính là giả bộ đau bụng và mò mẫm xuống phòng y tế của trường. Thầy sẽ chẳng xuống kiểm tra đâu mà.” – Huyền trả lời lí nhí về trường hợp “cấp bách” của mình.
Thông thường, phòng y tế sẽ không nằm cùng khu với các phòng học nên khi thầy cô bận giảng bài sẽ chẳng có “thừa hơi” để tới kiểm tra xem có thực là teen ốm hay không. Bởi thế nên từ nhiều… “đời” nay, đây vẫn là một nơi trú ẩn khá an toàn cho những teen lười học.
Chẳng thế mà Lan Anh (THPT NH) lại cố công mở mắt thật to và chờ tới khi nó… đỏ như dấu hiệu đau mắt hội để có cớ xuống phòng y tế nghỉ ngơi. Khi hỏi về trường hợp này, Lan Anh cũng thật thà giải bày:”Tối qua tớ đi chơi về muộn nên chưa kịp làm bài tập, sáng nay sợ cô kiểm tra miệng nên tớ phải trốn thôi.”
Video đang HOT
Phòng y tế không phải là nơi để những teen lười nhác chạy đến “cầu cứu” đâu. (Ảnh minh họa)
Hậu quả nào cho teen!?
Nguyễn Huyền ngay cả khi đã năm lần bảy lượt trốn xuống phòng y tế nhưng vẫn không thể “thoát tội”. Cái thói “trốn kiểm tra bài cũ” khiến tình hình học tập của Huyền đi xuống nhanh chóng. Bởi khi đã tìm được chốn “nương thân”, cô bạn tự cho phép mình chểnh mảng chuyện học hành, chẳng “cày cuốc” bài cũ như lũ bạn. Huyền “rung đùi” sung sướng nhìn chúng bạn lao đầu vào học trong khi mình lại vắng mặt giờ Vật Lý nhiều đến mức thầy giáo cũng phải ngạc nhiên. Nhưng nghĩ cô học trò nhỏ yếu đuối, thầy không thắc mắc nhiều mà chỉ đề nghị Huyền làm một bài kiểm tra giấy để lấy điểm kiểm tra miệng và đương nhiên là làm một mình, không có sự trợ giúp của bất kì ai rồi. Lúc ấy, cô bạn mới ngớ người, thà rằng lên bảng đứng trước cả lớp, may ra còn hóng được… câu chữ nào đó!
Còn Lan Anh, “may mắn” đến mức được cô chủ nhiệm xuống tận phòng y tế hỏi thăm. Chẳng là cô tạt ngang lớp thu ảnh của các thành viên trong lớp để làm thẻ vào trường, phát hiện ra sự vắng mặt của Lan Anh, hỏi ra mới biết cô nhóc đau bụng nên xin xuống phòng y tế nằm. Cô cất công đi bộ “sang thăm” và chứng kiến cảnh trò ốm đang nằm vắt chân lên thành giường nằm đọc báo và nghe nhạc. Cô nhóc còn hát theo líu lo, ra vẻ ta đây rất khỏe chứ không hề ốm yếu chút nào. Hậu quả ra sao hẳn bạn đã rõ.
Phòng y tế không phải chỗ trốn học
Bạn đã nghe chuyện cậu bé chăn cừu có thói quen nói dối và phải chịu kết cục cả đàn cừu bị sói ăn thịt mà không ai cứu giúp? Đừng để mình rơi vào tình trạng ấy bằng việc gắn bó thân thiết với phòng y tế dù chẳng ốm đau chút nào, bạn nhé! Chớ để tới khi bạn kêu ốm nhưng tất cả bạn bè và cô phụ trách phòng y tế đều nhìn bạn với ánh mắt ngờ vực, bạn mới nhận ra trò đùa của mình đã gây ra hậu quả lớn như thế nào!
Hãy để phòng y tế trở về với đúng chức năng của nó. Còn bạn, hãy tập trung vào việc học của mình, làm thật tốt đi nhé!
Theo TTVN
Nghỉ Tết vẫn phải hùng hục làm bài tập
Chỉ còn vài ngày nữa học sinh (HS) bắt đầu nghỉ Tết. Năm nay HS cả nước được nghỉ Tết dài hơn, do vậy những ngày này HS không chỉ phải học dồn mà có đối mặt với "núi" bài tập khiến nhiều em choáng ngợp.
Lý do các thầy cô giao bài tập về nhà trước khi nghỉ Tết để học sinh không xao nhãng việc học tập trong thời gian nghỉ dài. Bởi vậy, hầu hết các môn đều có bài tập Tết.
Vừa đi học về, bé Nam Anh (học sinh tiểu học trường N.T, Hà Nội) đã nhăn nhó: "Mẹ ơi, Tết này nhiều bài lắm!", khi được hỏi thì bé liền mở cặp, xếp sách giáo khoa (SGK) và mở từng trang đánh dấu bài tập Tết.
Cô Hằng - mẹ bé Nam Anh tỏ ra lo lắng: "Bài tập của bé chủ yếu là môn Toán và môn Tiếng Việt. Trong thời gian nghỉ Tết bé phải làm hàng chục bài Toán trong SGK, cộng với bài ôn tập trong vở Bài tập Tiếng Việt. Ngoài ra còn làm một số bài tập liên quan đến ngữ pháp Tiếng Việt nữa...."
Việc giao bài tập dồn lại như thế sẽ khiến nhiều em ngại học, bởi tâm lý ngày Tết các em muốn đi chơi nhiều hơn, cô Hằng nói. Do đó cô sẽ chỉ cho bé làm các bài cô giao và không bắt bẻ phải làm thêm trong các sách nâng cao để cháu có thời gian nghỉ ngơi.
Đối với học sinh các trường THCS hay THPT thì số lượng bài Tết và "hình phạt" dành cho những ai không hoàn thành "nhiệm vụ được giao" khá nặng. Bạn Phạm Minh Đức (học sinh lớp 9, trường THCS T.H, Hà Nội) cho biết: "Hơn một tuần nay nhiều bạn lớp mình đã "phát sốt" vì bài tập các môn.
Như môn Vật Lý phải làm 15 bài trong sách bài tập, môn Hóa học cũng 15 bài, môn Toán 12 bài trong đó có 6 bài khảo sát hàm số dài lê thê và 6 bài hình cực khó. Một số môn khác như Tiếng Anh, Văn, Sử... tuần này các thầy cô sẽ giao nốt. Chỉ cần nghỉ đến bài tập Tết đã thấy hoang mang rồi. Vì nếu không học bài, không thuộc bài sẽ bị chép phạt hàng trăm lần".
Chong đèn học bài trong dịp nghỉ Tết
Bên cạnh những bài tập trong SGK, sách bài tập, một số môn học yêu cầu HS phải tham khảo nhiều dạng bài trong các cuốn sách nâng cao, sách bổ trợ. Như môn Tiếng Anh, ngoài việc làm các bài trong sách, HS muốn hiểu sâu và nắm vững cấu trúc cần ôn kỹ trong cuốn bài tập trắc nghiệm Tiếng Anh hoặc làm các bài đọc, luyện những topic ở các sách bổ trợ kỹ năng.
Một HS trường THPT Chuyên ngữ, Hà Nội cho biết: "Bài tập cô giao đối với môn Tiếng Anh mình nghĩ là phù hợp vì đặc thù của môn này phải làm nhiều bài, tham khảo nhiều bài đọc thì vốn từ mới nâng cao và cấu trúc mới vững. Nhưng chúng mình đâu chỉ học mỗi môn Tiếng Anh, các môn khác môn nào cũng từ 20 đến 30 bài."
Nhiều phụ huynh vì không muốn con phải làm một lúc quá nhiều bài tập nên đã lên kế hoạch cho bạn làm dần từng bài, để dịp Tết có nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hơn. Cô Bích Hường (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: "Ngày nào tôi cũng học cùng con đến 9 giờ tối nên tôi nắm rất rõ các bài tập mà cháu phải làm. Bài tập Tết khá nhiều nên tôi cho con làm mỗi lần một ít, từ giờ đến Tết xong được phần nào, nhẹ phần ấy, để khi quay trở lại trường không phải "sợ" bài tập."
Một số HS cũng tranh thủ thời gian rảnh rỗi để giải quyết công việc thầy cô giao phó. Như bạn Hoàng Quỳnh Trang (lớp 11 trường THPT Lê Quý Đôn) khi được cô giáo giao bài môn nào là bạn ấy về nhà làm luôn phần bài của môn đó, khi nào xong lại chuyển sang các môn khác.
Vì vậy, thời gian nghỉ Tết bạn vẫn dành để đi chơi cùng bạn bè và gia đình. Trang cho biết: "Trong tuần này, các môn còn lại chắc chắn thầy cô sẽ giao bài tiếp, nhưng mình cũng không lo lắng nhiều vì bài tập không bị dồn vào cùng một lúc."
Theo VNN
Hàng trăm học sinh tự "mổ xẻ" phương pháp học Hàng trăm học sinh THPT từ các trường trên khắp khu vực Hà Nội đã tập trung tại Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để cùng dự Diễn đàn Phương pháp học tập, chia sẻ tài liệu trong học sinh khối THPT do Thành đoàn Hà Nội tổ chức ngày 10/11/2011. Muốn học tốt, phải soi lại mình Ngay từ...