Chuyện “hậu trường” của 3 HCĐ khoa học trẻ quốc tế
Cuộc thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế (IJSO) diễn ra từ ngày 2 đến 11/12 tại Baku, Azerbaijan, là cuộc thi thường niên dành cho học sinh phổ thông từ 15 tuổi trở xuống.
IJSO có 56 nước tham gia, mỗi nước là một đội với 6 thành viên và một số đội tham gia với tư cách là khách mời.
Mình thua kém nước bạn về thực hành
IJSO là kỳ thi lần thứ 6 dành cho lứa tuổi học sinh từ 15 trở xuống. (Trong ảnh, từ trái sang: Ngô Đặng Hải, Quách Trí Dũng, Trần Ngô Quang Ngọc). Ảnh: Bảo Anh
Gần 1 tuần trở về Việt Nam sau kỳ thi Olympic khoa học trẻ quốc tế (IJSO) với 3 Huy chương Đồng, 3 học trò đạt giải của lớp 9C, Trường Hà Nội – Amsterdam đã nhanh chóng trở lại lớp học tập bình thường.
Nhớ lại cuộc thi, Ngô Đặng Hải kể, các môn khoa học được đưa ra thi là Vật lý, Hóa học, Sinh học. HS tham gia làm 3 bài: trắc nghiệm, tự luận và thực hành nhóm.
Video đang HOT
Quách Trí Dũng, một trong những thành viên đạt điểm cao nhất của đoàn Việt Nam, cận điểm với Huy chương Bạc nhận xét, kỳ thi rất khó và trải rộng kiến thức. Qua đấy thấy nước mình thua kém các nước bạn nhất là thực hành, còn lý thuyết thì có thể ngang với một vài nước châu Á mạnh.
Với Trần Ngô Quang Ngọc, dù cũng đạt được Huy chương Đồng như 2 bạn cùng lớp nhưng thấy khá chật vật khi làm bài và “cuống”.
“Đề khó hơn sức tưởng tượng”, Ngọc nhận xét. Nhưng lúc thi xong rồi nhìn lại bài, nhận ra kết quả thì thấy tiếc vì nếu bình tĩnh hơn sẽ làm được nhiều hơn, Ngọc kể.
Cô Phùng Kim Dung, giáo viên Toán, chủ nhiệm của 3 HS này đã theo các bạn đi thi cho biết, vì thời gian chuẩn bị quá gấp rút (3 tuần) nên cả đoàn không nghĩ là đoạt giải. Trong khi các nước đã chuẩn bị rất kỹ, đến cả năm trời để tuyển chọn và huấn luyện đội tuyển.
“Khi nhận đề thi, rất nhiều nước “phản ứng” là đề quá khó. Tuy nhiên, ông Chủ tịch cuộc thi đã thẳng thắn nói: Chúng tôi không mời đến đây những học sinh dốt”, cô Dung nói.
Chia sẻ điều này, ông Đỗ Bá Khôi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Nội – Amsterdam nhận định, 3 môn thi chủ yếu đều là thực hành mà đây là điểm yếu của Việt Nam. Tuy trong quá trình ôn luyện, HS của trường cũng đến phòng thực hành của một số trường ĐH nhưng thực tế không thể bằng các nước khi ngay từ phổ thông đã được trang bị hàng trăm bộ dù chỉ cho 1 thí nghiệm.
“Thí nghiệm Hóa học, trong khi thế giới đã phân tích điện tử thì chúng ta vẫn dùng chủ yếu là chai lọ”, ông Khôi nói. Hơn nữa, từ lần thi thứ nhất đến này, đề thi khó lên nhanh.
“Hậu trường” trước khi lên đường
Ông Khôi kể, đây là đoàn Olympic được thành lập đội tuyển “chóng vánh” nhất mà tôi từng biết. Cuối tháng 10, trường lên danh sách khoảng 21 em và mời các thầy cô chuyên các môn Lý, Hóa, Sinh để ôn luyện. Thầy và trò cứ “lẳng lặng” làm dù chưa có quyết định chính thức cho đến sát nút ngày thi.
Ngày 25/11, trường chốt danh sách học sinh gửi lên Sở GD-ĐT. Ngày 26/11 Bộ GD-ĐT mới có quyết định để Hà Nội cử đoàn học sinh đi thi. 4 ngày sau đó, Sở GD-ĐT Hà Nội thống nhất phương án để Trường Hà Nội – Amsterdam cho HS đi thi.
Nói thì rất nhanh nhưng quá trình đi đến quyết định để HS Trường Hà Nội – Amsterdam tham gia IJSO khá “phức tạp”.
Theo tiền lệ, cuộc thi này của HS cấp THCS nên Bộ GD-ĐT giao về cho các địa phương lo kinh phí, mỗi năm 1 tỉnh đăng cai tùy theo điều kiện.
Một câu chuyện xảy ra khiến Bộ GD-ĐT nhanh chóng quyết định để Hà Nội tham gia kỳ thi. Đó là, trong danh sách đăng ký của Ban tổ chức đã có tên Việt Nam nhưng người đăng ký lại là 1 người nước ngoài. Đối tượng đi thi là HS Việt Nam đang học một trường quốc tế ở TP.HCM. Nếu Bộ GD-ĐT không cử đoàn đi thì hiển nhiên đoàn của trường quốc tế đó sẽ là đại diện cho Việt Nam.
Do đó, Bộ nhanh chóng tìm cách để đăng ký. Lúc đó, Ban tổ chức cuộc thi đồng ý để đoàn HS của Trường Hà Nội – Amsterdam là chính thức còn đoàn kia tham gia với tư cách là khách mời.
Cô Phùng Kim Dung cho biết, các bạn được chọn gần như hội tụ đủ không chỉ nắm vững kiến thức mà tư duy cũng phải rất tốt.
Đề thi các môn là Lý, Hóa, Sinh nhưng các học sinh phải sử dụng Toán làm công cụ để giải bài. Tuy chủ trương chậm nhưng cách chọn HS Trường Hà Nội – Amsterdam là đúng. Các học sinh có may mắn là cùng học một lớp, một trường, cùng ôn luyện nên sự thân thuộc cũng giúp hiểu nhau hơn trong quá trình làm thực hành.
Cả 3 HS này đều là những bạn đạt danh hiệu 9 năm học sinh giỏi. Bí quyết học của Đặng Hải chủ yếu vẫn là tự học. Thích học môn Hóa, năm sau sẽ thi vào cấp 3 chuyên và dự định đi du học ở Mỹ. “Mẹ cũng là một giáo viên Toán nên giúp mình khá nhiều trong quá trình tìm tòi những bài tập hay và bổ ích”, Hải tâm sự.
Còn đối với Quang Ngọc, hay học bài theo kiểu, trên lớp học là về nhà học ngay, khi thi ôn lại là nhớ bài. Ngọc tâm sự, thích nhất học Toán (đạt 9,5 điểm) và dự định thi vào chuyên Toán của trường đang học. Lên ĐH mong muốn vào Trường ĐH Bách khoa giống như bố.
Quách Trí Dũng là HS vừa đoạt Huy chương Vàng trong kỳ thi Toán Singapore mở rộng cách đây ít tuần. Cậu tâm sự, học tập thoải mái và không đặt nặng vào thành tích nên không bị áp lực, phải học để thu được kiến thức thực. Thích học nhất Toán, Lý. Dự định thi tiếp lên trường đang học, ngoài ra thi chuyên của một số trường.
“Mình mong muốn sẽ được ra nước ngoài nghiên cứu ở các trường ĐH”, Dũng cho biết.