Chuyên gia y tế cảnh báo người tiêm vaccine COVID-19 vẫn cần khẩu trang
Vaccine ngừa COVID-19 mới của Pfizer/ BioNTech và Modernma dường như có hiệu quả khá tốt trong ngăn chặn ca bệnh nặng. Tuy nhiên, hiện chưa rõ vaccine sẽ kiềm chế dịch lây lan thế nào.
Người đã tiêm vaccine COVID-19 vẫn phải đeo khẩu trang để phòng ngừa lây lan virus. Ảnh: New York Times
Theo tờ New York Times, nguyên nhân là vì trong thử nghiệm, các hãng dược phẩm chỉ theo dõi xem có bao nhiêu người tiêm vaccine mà vẫn mắc COVID-19. Có khả năng một số người tiêm vaccine sẽ nhiễm virus mà không có triệu chứng, sau đó âm thầm lan truyền virus cho người khác, đặc biệt là khi họ tiếp xúc gần với người khác hoặc không đeo khẩu trang.
Ông Michal Tal, nhà miễn dịch học tại Đại học Stanford, nói: “Nhiều người nghĩ rằng khi đã tiêm vaccine, họ sẽ không phải đeo khẩu trang nữa. Điều thực sự quan trọng mà họ cần biết là họ phải tiếp tục đeo khẩu trang vì họ có thể vẫn làm lây nhiễm virus”.
Trong phần lớn các bệnh viêm đường hô hấp, trong đó có COVID-19, mũi là nơi virus xâm nhập chủ yếu. Virus nhanh chóng nhân số lượng lên ở đó, khiến hệ miễn dịch sản sinh một loại kháng thể ở niêm mạc. Nếu người đó bị nhiễm virus lần thứ hai, các kháng thể này nhanh chóng chặn virus ở mũi để virus không có cơ hội xâm nhập các nơi khác trong cơ thể.
Trái lại, vaccine ngừa COVID-19 được tiêm thẳng vào bắp tay và nhanh chóng hòa với máu, kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể. Một số kháng thể sẽ tới khu vực niêm mạc mũi và “canh gác” ở đó. Nhưng hiện chưa rõ cơ thể có thể huy động được bao nhiêu kháng thể tới đó và huy động nhanh tới đâu. Nếu câu trả lời là không thì virus có thể sinh sôi ở mũi và có thể bị phát tán qua cái hắt xì hơi hoặc hơi thở.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga ngày 8/12. Ảnh: THX/TTXVN
Video đang HOT
Các chuyên gia cho rằng đó chính là một cuộc đua trong cơ thể: virus sinh sôi nhanh hơn hay hệ miễn dịch kiểm soát virus nhanh hơn.
Đó là lý do các vaccine niêm mạc như thuốc xịt mũi FluMist ngăn chặn virus gây bệnh hô hấp tốt hơn là vaccine được tiêm vào bắp.
Vaccine COVID-19 chứng tỏ khả năng ngăn chặn các ca bệnh nặng, nhưng không có đảm bảo vaccine này phát huy hiệu quả ở mũi.
Ông Deepta Bhattacharya, nhà miễn dịch học tại Đại học Arizona, nhận định: “Ngăn ca bệnh nặng là dễ làm nhất, ngăn ca bệnh nhẹ thì khó hơn. Khó nhất là ngăn chặn mọi ca bệnh. Nếu vaccine hiệu quả 95% trong ngăn chặn bệnh có triệu chứng thì chắc chắn hiệu quả ngăn mọi ca bệnh sẽ thấp hơn”.
Dù vậy, ông Bhattacharya và các chuyên gia khác cho biết họ lạc quan rằng vaccine sẽ kiềm chế virus đủ mạnh ở mũi và họng để khiến người đã tiêm vaccine không thể lây cho người khác.
Các cuộc thử nghiệm vaccine không có dữ liệu về số lượng người đã tiêm mà bị nhiễm virus nhưng không có triệu chứng. Theo các chuyên gia, những người này thực ra lại là đối tượng truyền nhiễm virus nghiêm trọng hơn vì họ có thể có cảm giác an toàn sau khi tiêm vaccine. Do đó, dù đã tiêm vaccine, họ vẫn phải đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và người khác.
Khuyến cáo trên được đưa ra trong bối cảnh Anh và Nga đã bắt đầu tiêm đại trà vaccine ngừa COVID-19 cho người dân.
Tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên ở Berlin, Đức ngày 29/11. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kênh CNN, người Anh đầu tiên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech là bà Margaret Keenan 90 tuổi. Bà nhận mũi tiêm vào lúc 13 giờ 31 ngày 8/12 (giờ Việt Nam), chưa đầy một tuần sau khi Anh trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn loại vaccine này.
Anh đã đặt hàng 40 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech, nhưng chỉ có 800.000 liều trong đợt tiêm chủng đầu tiên bắt đầu từ ngày 8/12. Anh sẽ có đủ vaccine để tiêm cho khoảng 1/3 dân số. Anh cũng đặt hàng 7 triệu liều vaccine của công ty Moderna và vaccine này có thể được phê duyệt để sử dụng khẩn cấp ở Anh sau vài tuần tới.
Trong khi đó, Nga cũng bắt đầu khởi động tiêm chủng hàng loạt vaccine Sputnik V do công ty trong nước sản xuất. Từ ngày 5/12, các trung tâm tiêm chủng khắp thủ đô Moskva đã bắt đầu phân phối Sputnik V cho các nhóm ưu tiên gồm giáo viên, nhân viên y tế… Có trên 5.000 người đã đăng ký tiêm chủng trong 5 giờ đầu tiên.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tiêm chủng quy mô lớn trên cả nước bắt đầu từ tuần này. Nga đã trở thành nước đầu tiên thông qua vaccine ngừa COVID-19 do mình sản xuất từ hồi tháng 8. Giới chức Nga cho biết có đủ liều vaccine cho trên 2 triệu trong tổng số 145 triệu người Nga.
Mỹ có thể cấp phép vaccine của Pfizer-BioNTech trong tuần này
FDA kết luận vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech "đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định" trong nghiên cứu lâm sàng và có thể được cấp phép cuối tuần này.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm nay công bố hai phân tích chi tiết khác nhau về vaccine Covid-19 BNT162b2, một bản từ các nhà khoa học thuộc cơ quan này, một bản từ hãng dược phẩm Mỹ Pfizer và công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech, hai nhà sản xuất vaccine.
Phân tích của FDA nêu bật nhiều "lợi ích đã được biết đến" của loại vaccine trên, bao gồm "giảm nguy cơ nhiễm nCoV ít nhất 7 ngày sau khi tiêm liều thứ hai", ngoài ra còn bổ sung thêm tác dụng khác như giảm nguy cơ nhiễm virus sau liều đầu tiên và trước liều thứ hai.
Lọ minh họa cho vaccine Covid-19 của Pfizer và BioNTech. Ảnh: AFP .
FDA lưu ý thêm về một số tác dụng phụ nhất định, phổ biến nhất là phản ứng tại chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, đau khớp và sốt. Những "phản ứng bất lợi" nghiêm trọng rất hiếm, hầu hết xuất hiện sau liều thứ hai và nhìn chung ít xảy ra hơn ở những người trên 55 tuổi.
Cũng theo FDA, "không có lo ngại cụ thể nào về sự an toàn" khi phân tích tác động của vaccine đối với các nhóm phân theo chủng tộc, độ tuổi, hoặc người có bệnh lý đi kèm. Còn theo báo cáo riêng, Pfizer cho biết chương trình hợp tác giữa họ với BioNTech "đã đảm bảo mức độ tuân thủ cao nhất với các tiêu chuẩn chất lượng, trong khi tiến hành nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu y tế cấp bách". Trước đó, Pfizer-BioNTech tuyên bố vaccine của họ hiệu quả 95%.
Các tài liệu cung cấp chi tiết dữ liệu an toàn trong thử nghiệm kéo dài hai tháng trên khoảng 19.000 đối tượng. 6 người đã chết trong quá trình thử nghiệm, bao gồm hai người tiêm vaccine và 4 người dùng giả dược, nhưng các nhà điều tra đánh giá không có ai tử vong vì lý do liên quan đến vaccine.
Cả hai báo cáo dự kiến được một ban cố vấn độc lập đánh giá vào ngày 10/12. Ý kiến tích cực từ ủy ban này có thể dẫn đến quyết định phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine do Pfizer-BioNTech phát triển của FDA, được cho là sớm nhất vào cuối tuần này.
Anh hôm nay bắt đầu quá trình tiêm chủng cho người dân bằng vaccine của Pfizer-BioNTech, sau khi chính phủ nước này hôm 2/12 quyết định cấp phép sử dụng. Hai công ty cũng đã nộp đơn xin phê duyệt lên Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA), đồng thời cho biết nếu được EMA chấp thuận, vaccine có khả năng được đưa ra thị trường châu Âu "trước cuối năm 2020".
FDA 'bật đèn xanh' cho vaccine của Pfizer Inc. và BioNTech Các hãng dược phẩm Pfizer Inc.(Mỹ) và BioNTech (Đức) ngày 8/12 đã vượt qua rào cản tiếp theo trong cuộc chạy đua để vaccine tiềm năng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà 2 hãng này phát triển được phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Hình ảnh minh họa vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech phối hợp...