Chuyên gia viết sách nói gì về ‘thư cô gái Việt ở Nepal’?
Ý kiến của chuyên gia viết sách tiếng Anh cùng các giáo viên về những gì đang được các trường TH dạy cho học sinh ở môn học này sau ồn ào từ lá thư cô gái Việt ở Nepal gửi Bộ GD.
“Mỹ Linh nói cái đã cũ”
Một giáo sư có nhiều năm kinh nghiệm viết SGK tiếng Anh cho biết bản thân trân trọng điều Mỹ Linh viết nhưng cô bạn chưa hiểu về SGK tiếng Anh ở VN đang dạy trò những gì.
Trong một tiết học tiếng Anh của cô trò Trường TH Thành Công B, Hà Nội. (Ảnh: V.Chung).
Mọi thứ đã đổi thay rất nhiều, SGK tiếng Anh đã “lắng nghe và cải tiến rất nhiều cho hợp với người Việt Nam”.
Những quyển sách tiếng Anh – Mỹ Linh nhờ bạn chụp lại là sách theo chương trình cũ. Theo chương trình cũ, thậm chí đến lớp 10, học sinh học lại a b c từ đầu, bởi ở thời điểm xây dựng chương trình đó có tới 2/3 học sinh THCS không được học ngoại ngữ.
Trong khi đó, hiện nay đề án Ngoại ngữ 2020 xây dựng chương trình ngoại ngữ tổng thể 10 năm ở phổ thông, từ lớp 3 đến lớp 12. Chương trình mới được viết liên thông từ dưới lên trên. Mục tiêu là đến hết lớp 12, học sinh sẽ phải đạt chuẩn B1 châu Âu, tương đương với bậc 3 của Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, chương trình được xây dựng và đánh giá là khó, chứ không hề đơn giản.
Học theo chương trình mới, học sinh sẽ nói được những vấn đề của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, chứ không chỉ kể lại câu chuyện của nước ngoài. Nhân vật trong các bài viết có tên nước ngoài nhưng số lượng các nhân vật tên Việt Nam vẫn chiếm số đông. Các bài học cũng không chỉ đơn giản là “hello, how are you, where are you from” như Mỹ Linh nói.
Ông lấy ví dụ sách lớp 3 ngay ở trang đầu tiên, 13/22 nhân vật trong SGK là tên người Việt, còn lại là tên nhân vật người nước ngoài.
Hệ thống các nhân vật trong SGK tiếng Anh lớp 3 hệ thí điểm 10 năm. (Ảnh: Văn Chung).
Sách có 2 tập với 20 bài hướng học sinh đến bốn kỹ năng nghe nói đọc viết, trong đó ưu tiên phát triển kĩ năng nghe và nói. Các bài tập được nâng dần mức độ khó dễ và có sự liên kết: từ chào hỏi, giới thiệu tên tuổi, hỏi thăm bạn bè, giới thiệu về trường lớp, đồ vật, con vật yêu thích đến các địa danh cụ thể như công viên, Sa Pa, Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng,…
Nội dung chương trình trong SGK thí điểm hệ 10 năm vừa có yếu tố mở, vừa gắn với điều kiện vùng miền, danh thắng hay địa điểm nổi tiếng trên cả nước hay giúp học sinh liên hệ với bản thân, cuộc sống xung quanh.
Ở bài đầu tiên trong sách tiếng Anh lớp 10, lớp 11 (hệ 10 năm) lượng kiến thức khá nhiều. Chủ đề được các tác giả đặt ra khá quen thuộc, gần gũi với học sinh là cuộc sống gia đình (Family life) hay khoảng cách giữa các thế hệ (The generation gap).
Video đang HOT
Bài học đầu tiên trong SGK tiếng Anh lớp 11 hệ 10 năm dạy về Khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình.
Với giáo viên có thể dạy học sinh thông qua việc đưa trò đến các di tích lịch sử, đền chùa hay các khu du lịch tùy bài học.
Nói thêm về việc tại Nepal học sinh có ngoại ngữ tốt hơn, GS cũng chia sẻ thêm: Ở Nepal tiếng Anh được xem như một ngôn ngữ thứ hai, rất quan trọng. Còn ở Việt Nam, tiếng Anh được xem như một ngoại ngữ thứ hai bên cạnh tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng các dân tộc… Học sinh được dạy và học để giao tiếp. Mức độ ưu tiên của nhà nước cho tiếng Anh dù lớn hơn nhưng không có nghĩa các ngoại ngữ khác không được coi trọng.
SGK đã có chỉnh sửa
Đề án Ngoại ngữ 2020 bắt đầu khởi động từ năm 2008. Bà Vũ Tú Anh, Phó ban thường trực đề án cho biết, hiện SGK thí điểm mới có trọn bộ tiểu học, THCS có đến lớp 8, THPT có đến lớp 11. Như vậy, sau 2015 mới chạy xong 10 năm thí điểm và khi đó chương trình mới có thể chạy chính thức.
Khi đã thực hiện chương trình ngoại ngữ 10 năm thì bắt buộc phải thực hiện 4 tiết/tuần ở tiểu học, 3 tiết/tuần ở THCS và THPT hoặc tiểu học có thể lên 5 tiết/tuần, nếu cơ sở kết hợp giữa thí điểm và tăng cường. Ví dụ 4 tiết chính khóa, còn thêm 1 tiết với giáo viên nước ngoài, tùy điều kiện nhà trường.
Để dạy và học theo chương trình SGK tiếng Anh hệ 10 năm theo vị GS từ giáo viên, học sinh cũng như cơ sở vật chất phải đủ chuẩn và các điều kiện không hề dễ thực hiện, phải làm dần dần. Hiện mới chỉ có 92 trường trên cả nước đủ các điều kiện và đang tiến hành dạy thí điểm.
Các trường muốn tham gia nhưng chưa hội đủ các điều kiện như chuẩn giáo viên, số tiết/tuần hay cơ sở vật chất cũng có thể thực hiện nhờ phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT.
Riêng về SGK thí điểm, từ năm 2010 đến nay đã qua vài lần chỉnh sửa và hiện vẫn tiếp tục lắng nghe ý kiến từ chính các cơ sở, giáo viên để hoàn thiện bộ SGK cho học sinh cả nước.
Những tín hiệu ban đầu theo bà Tú Anh là khá tích cực.
Sách tiếng Anh sẽ tốt hơn, nếu…
Nhiều giáo viên cũng cho biết SGK tiếng Anh tiểu học đã có những thay đổi và được điều chỉnh theo hướng tăng cường khả năng giao tiếp, độ khó cũng được tăng lên.
Bài học về Sa Pa trong SGK tiếng Anh lớp 3 thí điểm hệ 10 năm. (Ảnh: Văn Chung).
Chương trình thí điểm dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học từ lớp 3 được triển khai năm 2011, từ đó đến nay Bộ GD-ĐT đã 3 lần điều chỉnh sách dựa trên ý kiến đóng góp của giáo viên, phụ huynh, các chuyên gia. Sách năm 2014 đã được điều chỉnh tương đối là tốt, đảm bảo học sinh rèn được cả 4 kỹ năng là nghe, nói, đọc, viết. Hình ảnh minh họa cũng như kiến thức phong phú hơn”.
Là trường tiểu học duy nhất của quận Ba Đình, Hà Nội đang tiến hành dạy và học thí điểm tiếng Anh theo hệ 10 năm, hiệu trưởng Trường TH Thành Công B Phạm Thị Yến cho biết thêm:
“Với việc các nhân vật được lặp lại trong sách từ lớp 3 đến lớp 5 tạo cảm giác gần gũi và thân thiện với học sinh. Sách có phạm vi rộng về hoạt động giúp học sinh phát triển các kỹ năng để trò hiểu và sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp. Nhiều bài hát, trò chơi và vỗ tay theo nhịp giúp trò học vui, nhớ lâu và tự tin trong giao tiếp”.
Tuy nhiên không phải bộ sách không có những hạn chế. Theo nhiều giáo viên lượng kiến thức trong chương trình lớp 5 tương đối nhiều; từ vựng trong một số bài còn nhiều và khó; phần nghe khá dài, nhiều từ mới, khó cho học sinh cả về cách đọc, nghĩa và cấu trúc ngữ pháp. Bài đọc cũng dài nên giáo viên không đủ thời gian giảng cho học sinh thực sự hiểu và đọc đúng để có thể áp dụng cho bản thân,…
Giáo viên cũng cho rằng nếu sách tiếng Anh có những cuộc đối thoại ngắn về con người, lịch sử của Việt Nam thì sẽ tốt hơn.
Theo Đăng Duy/Báo Vietnamnet
Những bức thư xúc động của con tin IS khi còn sống
Abdul-Rahman Kassig, còn được gọi là Peter, thường xuyên giữ liên lạc với người thân trong thời gian anh ở Trung Đông, kể cả khi công dân Mỹ này bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt giữ.
Ngày 16/11, IS đã tung ra một video rùng rợn ghi cảnh con tin này bị chặt đầu, kèm hình ảnh một người đàn ông bịt mặt đứng trên một cái đầu mà Nhà Trắng xác nhận là của Kassig.
Kassig, 26 tuổi, bị bắt cóc khi đang làm việc cho một nhóm tị nạn. Anh là con tin phương Tây thứ 5 bị IS hành quyết. Cha mẹ nhân viên cứu trợ này cho biết, anh đã chết "vì tình yêu của anh dành cho người Syria".
Abdul-Rahman Kassig. Ảnh: BBC
Hãng tin BBC đã đăng tải một số trích đoạn từ những bức thư của Kassig được gia đình anh công bố:
Email gửi từ Beirut, ngày 18/3/2012
Ở đây, trên mảnh đất này, con đã tìm thấy lẽ sống của mình. Con từng sống một cuộc đời ích kỷ, con từng chạy trốn cho đến khi con không thể chạy được nữa.
Con không hiểu rõ lắm, mỗi ngày ở đây con đều có thêm nhiều câu hỏi song lại chỉ có ít câu trả lời, nhưng những gì con biết là con đang có một cơ hội làm điều gì đó ở đây, có một chỗ đứng. Để tạo ra một sự khác biệt.
Email gửi các giáo sư và thầy giáo, tháng 3/2012
Có lẽ em chưa từng là một người hùng, nhưng có một vẻ đẹp và sự kiêu hãnh khi tìm kiếm một cách sống giữa gian khổ, ngay cả khi không có một tia hy vọng nào trong cơn bĩ cực.
Để giữ được tinh thần trong sáng, em phải không ngừng nỗ lực cải thiện bản thân.
Sự vui vẻ và bằng lòng thì không vấn đề gì, nhưng sự thỏa mãn thì cần được bảo vệ bằng mọi giá.
Email gửi một người bạn, tháng 5/2012
Làm thế nào tôi có thể kể cho bạn nghe về những bức tường chi chít vết đạn và những bông hoa mọc lên trên đó? (...)
Chiến tranh không bao giờ kết thúc, nó chỉ di chuyển vòng quanh. Nhưng chúng ta cũng vẫn sẽ ở đó và khi họ đến, chúng ta cũng sẽ đến...
Sự mất mát và tàn phá nơi mảnh đất này chỉ mang lại sức sống; quyết tâm thúc đẩy và gây dựng lại (....)
Trước đổ vỡ bụi bặm và trở lại lần nữa. Chẳng còn gì khác. Tôi không dám chắc, nhưng tôi cho rằng mình bắt đầu tin nó đẹp như thể vừa xây xong một ngôi nhà, đó là một cảm giác tốt đẹp hơn khi đặt viên gạch đầu tiên một lần nữa sau khi nó bị phá nát.
Cha mẹ của Kassig. Ảnh: EPA
Thư gửi bố mẹ từ trong tù, đầu năm 2014
Bọn con bị giam cùng nhau, toàn người nước ngoài (...). Về tinh thần, con dám chắc đây là điều khó khăn nhất mà một người đàn ông có thể trải qua, căng thẳng và sợ hãi khó tin, nhưng con đang chống chọi tốt nhất có thể. Con không chỉ có một mình. Con có bạn bè, chúng con cười đùa, chơi cờ, chơi travia để giữ vững tinh thần, và chúng con kể cho nhau những câu chuyện, những ước mơ về gia đình và người thân (...)
Chúng bảo bọn con rằng, mọi người đã bỏ rơi bọn con và/hoặc không quan tâm, nhưng tất nhiên chúng con biết mọi người đang làm tất cả mọi thứ có thể và nhiều hơn thế. Đừng lo lắng nhé Cha, nếu con gục ngã, con sẽ không nghĩ nữa, nhưng những gì con biết sẽ là sự thật. Rằng Cha và Mẹ yêu con hơn cả trăng và sao trên trời.
Tất nhiên là con cũng sợ chết, nhưng sợ nhất là trạng thái vô định, băn khoăn, hy vọng, và rồi lại băn khoăn liệu mình có nên hy vọng nữa không. Con rất buồn về tất cả những điều đã xảy ra, và về những gì bố mẹ ở nhà phải chịu đựng. Nếu con chết, con nghĩ ít nhất bố mẹ và con có thể tìm được điểm tựa và niềm an ủi khi biết rằng con đã ra đi sau khi nỗ lực xoa dịu sự khổ đau và giúp đỡ những người cần giúp đỡ.
Theo Thanh Hảo
Vietnamnet
Học giả Trung Quốc dọa Mỹ "ngã lộn cổ" Nếu một vùng phòng không được thiết lập quanh khu vực đảo Hải Nam, đây sẽ là lời thách thức trực diện với quân đội Mỹ. Mới đây, hai quan chức quân đội về hưu của Trung Quốc cho rằng, nỗ lực bảo vệ hải lộ tàu ngầm của nước này trên Biển Đông có thể không dừng ở việc khiêu khích máy...