Chuyên gia tư vấn học sinh sử dụng điện thoại di động đúng, đủ, có trách nhiệm
Trao đổi với phóng viên về việc học sinh (HS) được sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong lớp học khi được giáo viên cho phép, bà nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững cho biết: Nghiện điện thoại đang là căn bệnh mới của trẻ em.
Thưa bà, nhiều phụ cho rằng HS sử dụng điện thoại có hại nhiều hơn lợi, nên rất lo lắng khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 32 trong đó bỏ quy định cấm sử dụng ĐTDĐ trong lớp học? Là chuyên gia về bảo vệ trẻ em, bà có quan điểm thế nào?
- Công nghệ mang lại nhiều lợi ích cho con người, bao gồm cả trẻ em. HS có thể sử dụng ĐTDĐ để học, nghiên cứu, khảo sát, giải trí, trao đổi và giao lưu kết nối bạn bè… Việc HS dùng điện thoại cho việc học ở trường, được tiếp cận không giới hạn kho tàng kiến thức trên mạng sẽ giúp trẻ học hiệu quả.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, nếu giáo viên không kiểm soát và hướng dẫn tốt, sẽ có những HS không tự giác có thể sử dụng điện thoại vào làm việc riêng, chơi game, xem các chương trình không phù hợp. HS sử dụng điện thoại nhiều cũng không tốt cho mắt và sức khỏe.
Các em có thể gặp các rủi ro như: Bị mất thông tin cá nhân, chat chit kết bạn xấu, tham gia các group kín có nội dung không lành mạnh. Các em có nguy cơ bị lừa đảo, bắt nạt trên mạng, bị xúi giục lôi kéo theo các trào lưu, thử thách xấu, thậm chí là bị xâm hại tình dục trên mạng…
Thầy cô giáo, cha mẹ từ sớm cần đồng hành cùng con để sử dụng điện thoại đúng, đủ và có trách nhiệm.
Bà đã có những nghiên cứu về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, theo bà, làm sao để trẻ em sử dụng điện thoại an toàn?
- Nghiện ĐTDĐ, mạng internet hiện nay đang là một căn bệnh mới của trẻ em. Theo những khảo sát của chúng tôi, ngày càng nhiều trẻ em sử dụng điện thoại từ rất sớm, thời gian 3 – 4 tiếng/ngày, thậm chí là trên 5 – 6 tiếng/ngày, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các em.
Video đang HOT
Chúng tôi khuyến cáo, thầy cô giáo, cha mẹ từ sớm cần đồng hành cùng con để sử dụng điện thoại đúng, đủ và có trách nhiệm.
Đúng mục đích sử dụng là trẻ em được trao vào tay thiết bị di động, ở từng độ tuổi sẽ có mục tiêu khác nhau. Ví dụ, trẻ tiểu học dùng điện thoại để bố mẹ có thể liên lạc được để đảm bảo an toàn cho trẻ. Các con cũng có thể tham gia vào 1 số hoạt động học tập như trả lời quiz, học trực tuyến, tra cứu 1 số thông tin.
Trẻ em lớn hơn sử dụng điện thoại vào cả các mục đích nghiên cứu, học trực tuyến, sử dụng mạng xã hội, giải trí… Nhưng bố mẹ cần hướng dẫn con sử dụng đúng mục tiêu, ngoài ra trang bị những kỹ năng phòng chống các rủi ro, giữ cho bản thân an toàn. Ví dụ: Trẻ không đưa thông tin cho người lạ, biết chặn các tin nhắn rác, quấy rối, không xem các trang có nội dung không phù hợp. Nếu trẻ có cảm giác khó chịu, không an toàn thì nói ngay với bố mẹ và thầy cô.
Bà Nguyễn Phương Linh đang tư vấn cho trẻ em sử dụng điện thoại di động an toàn.
Đủ – là thời lượng và thời điểm trẻ em dùng ĐTDĐ. Theo độ tuổi, các em chỉ nên tương tác với điện thoại dưới 2 giờ/ngày, ở độ tuổi bé là dưới 1 giờ. Trẻ cũng không nên nhìn vào màn hình điện thoại khi ánh sáng kém, không nhìn quá lâu… sẽ hại mắt. Và, quan trọng hơn, trẻ cần xác định đây là thời điểm dùng điện thoại hay nên làm các việc khác.
Thứ nữa là sử dụng điện thoại có trách nhiệm. Trẻ em bảo vệ điện thoại của mình cũng như dùng đúng, đủ để là công cụ phục vụ cho cuộc sống, học tập và phát triển.
Từ ngày 1/11/2020, theo quy định Thông tư 32, HS được sử dụng ĐTDĐ khi giáo viên cho phép. Theo bà, làm sao để kiểm soát HS sử dụng điện thoại vào mục đích học tập đạt kết quả tốt?
- Trao quyền cho trẻ em làm chủ công nghệ, thầy cô và phụ huynh cùng đồng hành là cách tốt nhất để giúp HS sử dụng điện thoại hợp lý trong lớp phục vụ học tập. Chúng ta không có cách kiểm soát nào tuyệt đối cả nếu HS không ý thức và tự giác.
Tôi nghĩ để triển khai Thông tư, các trường, giáo viên nên khảo sát nhu cầu, cách thức HS sử dụng ĐTDĐ trong lớp và cũng là lấy ý kiến, sáng kiến của các em về việc dùng điện thoại sao cho phù hợp. HS đưa ra giải pháp, giáo viên thống nhất và cùng thực hiện. Đây chính là phương pháp tốt nhất để các em cảm thấy được làm chủ, ra quyết định và sẽ tự giác thực hiện, hợp tác với giáo viên.
Ở khía cạnh khác, cả HS và giáo viên cũng cần được trang bị các kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ hợp lý, an toàn, thông minh để hợp tác hiệu quả trong dạy và học.
Xin cảm ơn bà!
'Nới lỏng' quy định về sử dụng điện thoại trong giờ học: Cần định hướng học sinh đúng mục đích
Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, có nhiều nội dung mới phù hợp với xu thế phát triển.
Đáng chú ý, tại mục 4, Điều 37 về "các hành vi học sinh không được làm" có nội dung "Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép". Như vậy, nếu được giáo viên cho phép và phục vụ mục đích học tập, học sinh được phép sử dụng điện thoại trong giờ học. Quy định này đã "nới lỏng" việc sử dụng điện thoại trong giờ học so với trước.
'Nới lỏng' quy định về sử dụng điện thoại trong giờ học. Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN
Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học đã nhận được sự quan tâm lớn của xã hội và có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng, nếu cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, phục vụ học tập, nhà trường cần có quy chế rõ ràng để kiểm soát và định hướng học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích, giúp nâng cao hiệu quả học tập. Nếu không sẽ dẫn đến hệ lụy học sinh lạm dụng sử dụng điện thoại mà sao nhãng việc học.
Là phụ huynh của 2 học sinh, chị Nguyễn Thị Phượng (quận Thủ Đức) cho rằng, các em thường rất hào hứng, thậm chí rất dễ "nghiện" điện thoại, nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Trong giờ học, những vấn đề chưa biết, chưa hiểu, thay vì tập trung suy nghĩ thì các em lập tức tra cứu thông tin trên mạng, dẫn đến lười tư duy và trở nên thụ động.
Hay thay vì tập trung nghe cô giảng bài thì các em lại sử dụng điện thoại để nhắn tin, nói chuyện với nhau và không phải lúc nào giáo viên cũng có thể kiểm soát tốt việc này. "Cần thiết thay đổi phương pháp dạy và học cho phù hợp với thời đại, tuy nhiên phương pháp đó phải tránh tạo ra sự thụ động cho học sinh. Là mẹ có 2 con khá "nghiện" điện thoại, tôi thực sự lo lắng khi nhà trường cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp học" - chị Phượng bày tỏ.
Ủng hộ việc sử dụng thiết bị thông minh vào hoạt động dạy và học, thầy Lê Quang Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hùng Vương (Quận 5) cho rằng, phải có định hướng để học sinh sử dụng, khai thác hiệu quả các tiện ích của thiết bị vào việc học. Thực tế, lứa tuổi học sinh dễ bị lôi cuốn vào game, mạng xã hội, dễ bị sao nhãng việc học.
Thông tư 32 cũng quy định rõ chỉ khi nào thầy, cô giáo cho phép, học sinh mới được sử dụng điện thoại trong giờ học, phục vụ cho việc học tập, do vậy giáo viên kiểm soát việc này cũng không khó khăn. Điều quan trọng là học sinh phải biết tự kiểm soát, sử dụng điện thoại đúng mục đích mới mang lại hiệu quả cho việc học tập của mình.
"Muốn sử dụng thiết bị thông minh, chúng ta phải làm chủ thiết bị, chứ không phải ngược lại. Thiết bị thông minh không phải để tra cứu kiến thức cơ bản, bởi các kiến thức này đều đã có trong sách giáo khoa. Các thiết bị thông minh nên được sử dụng để khai thác, tìm kiếm thông tin, kiến thức nâng cao, chuyên sâu phục vụ cho việc thực hiện dự án học tập hay hoạt động làm việc nhóm của học sinh" - thầy Lê Quang Huy chia sẻ.
Theo cô Lê Thị Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn An Ninh (Quận 10), thời gian qua, nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học, giờ học. Tuy nhiên, với một số môn cần thiết, như tiếng Anh, học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học nếu có sự cho phép của giáo viên, giúp nâng cao hiệu quả dạy và học.
Từ kinh nghiệm thực tế, điều quan trọng nhất là học sinh phải biết tự kiểm soát việc sử dụng điện thoại vào mục đích tích cực. Vì vậy, nhà trường cần giúp học sinh trang bị các kỹ năng cần thiết, như quản lý bản thân, để các em hiểu được điều gì nên làm và không nên làm. Cùng với đó, giáo viên cần hướng dẫn, định hướng để học sinh sử dụng điện thoại, thiết bị thông minh tra cứu thông tin một cách hiệu quả. Giáo viên cũng cần tự nâng cao kỹ năng quản lý trong giờ học, để có thể kiểm soát, hỗ trợ học sinh tốt nhất.
Ở góc độ quản lý, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước khi Thông tư 32 được ban hành, ngành Giáo dục thành phố cũng không cấm học sinh sử dụng điện thoại hay trang thiết bị nói chung phục vụ việc dạy và học trong giờ học.
Việc cho phép sử dụng, quản lý và phát huy hiệu quả của việc sử dụng điện thoại trong giờ học là quyền và trách nhiệm của mỗi nhà trường, đặc biệt là mỗi thầy giáo, cô giáo. Thực tế thời gian qua, nhiều giáo viên bộ môn đã cho học sinh sử dụng điện thoại trong một số giờ học, bài học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Trong đó, giáo viên phải xây dựng kế hoạch bài giảng, định hướng học sinh sử dụng các thiết bị di động để tìm kiếm, khai thác các thông tin chính thống phục vụ cho bài học.
Theo ông Trịnh Duy Trọng, Quy định trong Thông tư 32 là hướng "mở" phù hợp với thực tế hiện nay, giúp giáo viên, học sinh có cơ sở để sử dụng, khai thác các thiết bị di động cho việc dạy và học trong giờ học. Theo Thông tư này, việc sử dụng điện thoại trong giờ học của học sinh không phải là sử dụng tùy tiện mà phải được sự cho phép của giáo viên bộ môn và phục vụ trực tiếp cho việc dạy và học.
Cho sử dụng điện thoại trong lớp, giáo viên lo 'lệch pha' với học trò Điều chỉnh về việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học mà Thông tư mới của Bộ GD-ĐT vừa ban hành đang hút sự quan tâm của các giáo viên, dư luận với những quan điểm trái chiều. Bộ GD-ĐT vừa công bố thông tư 32/2020/TT-BGDĐT với nhiều đổi mới về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông...