Chuyên gia: Trung Quốc đối mặt thách thức chưa từng có từ tình trạng già hoá dân số
Theo Viện trưởng Viện Dân số và Sức khỏe kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lão học của Đại học Nhân dân Trung Quốc, ông Đỗ Bằng, dự kiến đến năm 2050, số người trên 60 tuổi ở Trung Quốc sẽ đạt 520 triệu và áp lực chi trả lương hưu trong tương lai sẽ là một thách thức chưa từng có.
Nhân viên tại một cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở huyện Luân Nam, tỉnh Hà Bắc đang cùng các cụ già chơi trò chơi trí tuệ. Ảnh: Tân Hoa xa
Ngày 29/9, Hội Nhà báo Trung Quốc đã tổ chức buổi tọa đàm báo chí với chủ đề “Chủ động ứng phó với tình trạng lão hóa và kéo dài tuổi nghỉ hưu theo luật định”.
Tại buổi toạ đàm, ông Đỗ Bằng đã đưa ra những dữ liệu cho thấy Trung Quốc đang dần tiến vào xã hội già hóa trong hơn 20 năm qua.
Cụ thể là năm 2000, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên của Trung Quốc đã vượt qua 7%, đánh dấu việc nước này chính thức bước vào xã hội già hóa.
Đến năm 2021, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên của Trung Quốc đạt 14%, gấp đôi so với năm 2000 và nước này bước vào xã hội già.
Dự kiến đến năm 2030, tỷ lệ người trên 65 tuổi của Trung Quốc sẽ đạt 20%, đưa nước này vào giai đoạn siêu già hóa.
Để đối phó với những thách thức của xã hội già hóa, ông Đỗ Bằng cho biết tại các thời điểm quan trọng, Trung Quốc đã ban hành nhiều quyết định và chính sách nhằm tăng cường công tác ứng phó với quá trình lão hóa.
Tháng 9/2000, Quốc Vụ viện (chính phủ) Trung Quốc đã ban hành “Quyết định về việc tăng cường công tác người cao tuổi”.
Năm 2006, khái niệm “Chủ động ứng phó với quá trình lão hóa dân số” lần đầu tiên xuất hiện trong Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 11.
Đến năm 2020, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 5 khóa 19, vấn đề này đã được nâng lên thành chiến lược quốc gia.
Tại Đại hội Toàn quốc lần thứ XX, đảng Cộng sản Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh tới chiến lược quốc gia ứng phó với tình trạng già hóa và sự phối hợp tổng thể trên toàn quốc để đối phó với thách thức này.
Video đang HOT
Ông Đỗ Bằng cho biết hiện nay, dân số Trung Quốc trên 60 tuổi đã vượt quá 300 triệu người. Trên thực tế, từ năm 2010, vấn đề kéo dài tuổi nghỉ hưu đã thường xuyên xuất hiện trong các báo cáo.
Vào năm 2013, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 3 khóa 18 đã đề cập đến việc “nghiên cứu và xây dựng chính sách kéo dài dần dần độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình”.
Vào năm 2020, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 5 khóa 19 đã đề xuất thực hiện quy hoạch bảo hiểm hưu trí toàn quốc và triển khai chính sách kéo dài tuổi nghỉ hưu theo lộ trình.
Trong Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 14 và tầm nhìn đến năm 2035, Trung Quốc đã đưa ra các nguyên tắc “điều chỉnh từng bước nhỏ, thực hiện linh hoạt, tiến hành phân loại và kết hợp đồng bộ” liên quan tới việc kéo dài độ tuổi nghỉ hưu.
Nhân viên tại Viện dưỡng lão Quật Cảng, huyện Như Đông, tỉnh Giang Tô đang đo huyết áp cho người cao tuổi. Ảnh: Tân Hoa xã
Theo ông Đỗ Bằng, điều này có nghĩa là việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không phải là quyết định trong thời gian ngắn mà đã trải qua hơn 10 năm nghiên cứu và thảo luận.
Dân số Trung Quốc hiện nay là 1,41 tỷ người, trong khi tổng dân số của các nước phát triển là 1,286 tỷ, cho thấy dân số của Trung Quốc đã vượt qua tổng dân số của các quốc gia phát triển, do đó, bất kỳ sự thay đổi nhỏ nào trong chính sách cũng sẽ có tác động rất lớn.
Ông Đỗ Bằng cho biết, dự kiến đến năm 2050, dân số Trung Quốc trên 60 tuổi sẽ đạt 520 triệu người và hiện nay, Trung Quốc đang trong giai đoạn dân số cao tuổi tăng nhanh, trong khi dân số và lực lượng lao động bắt đầu giảm sút. Cho nên, đây cũng là thời điểm thích hợp để tiến hành cải cách tuổi nghỉ hưu một cách dần dần.
Ông Đỗ Bằng giải thích rằng khi tuổi nghỉ hưu được thiết lập vào năm 1951, số người bị ảnh hưởng rất ít, khi đó Trung Quốc có 16,03 triệu công nhân, chỉ chiếm 7% lực lượng lao động cả nước, và tuổi thọ trung bình chỉ là 44. Khi đó, tuổi nghỉ hưu theo luật định (nam nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ ở tuổi 50) cao hơn tuổi thọ trung bình.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã khác, với hơn 300 triệu người tham gia bảo hiểm hưu trí và tuổi thọ trung bình là 78,6 tuổi, điều này có nghĩa là tuổi nghỉ hưu hiện tại thấp hơn nhiều so với tuổi thọ trung bình. Xã hội đang đối mặt với số lượng người cao tuổi sống thọ nhiều hơn, nên việc cải cách là cần thiết.
Ông Đỗ Bằng nhấn mạnh rằng bắt đầu từ năm sau, Trung Quốc sẽ dành 15 năm để điều chỉnh dần dần tuổi nghỉ hưu.
Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc đã quyết định vào ngày 13/9 rằng từ ngày 1/1/2025, sẽ kéo dài tuổi nghỉ hưu theo luật định thêm từ 3 – 5 năm so với hiện tại. Cụ thể, nam giới sẽ nghỉ hưu ở tuổi 63, nữ nhân viên ở tuổi 55, và nữ cán bộ ở tuổi 58. Trong 15 năm tới, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh dần dần.
Về áp lực chi trả lương hưu trong tương lai, ông Đỗ Bằng thẳng thắn cho rằng điều này sẽ mang lại nhiều thách thức. Năm 2022, Trung Quốc đã chi 6.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 856,6 tỷ USD) cho lương hưu, và con số này dự kiến sẽ tăng lên hàng năm, tạo ra áp lực ngày càng lớn.
Tuy nhiên, ông Đỗ Bằng không nêu rõ cách thức khắc phục sự thiếu hụt tài chính, chỉ nhấn mạnh rằng cần phải bảo đảm đời sống cho người cao tuổi, bao gồm hỗ trợ ăn uống cho người cao tuổi, tăng cường xây dựng các cơ sở dịch vụ cho người già và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người cao tuổi….
Thành Nam/Báo Tin tức (Theo CNA)
Tranh cãi về động thái tăng tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc
Động thái nâng tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc - trong nhiều thập kỷ luôn ở một trong những mức thấp nhất thế giới - đã làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt.
Người lao động sẽ phải đóng góp vào quỹ hưu trí trong 20 năm trước khi có thể tiếp cận lương hưu theo chính sách mới. Ảnh: Bloomberg
Ngày 19/9, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc đã phê duyệt kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu của nam giới từ 60 lên 63 tuổi. Đối với phụ nữ làm công việc trí óc, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng từ 55 lên 58 và đối với lao động nữ chân tay, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng từ 50 lên 55.
Thay đổi này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng thêm từ 3 đến 5 năm trong 15 năm tới.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu này đã làm dấy lên mối lo ngại đối với một số người lao động. Động thái này cũng làm tăng thêm sự lo lắng về triển vọng kinh tế và thị trường việc làm ảm đạm, cũng như vấn đề rộng hơn về lực lượng lao động đang thu hẹp của Trung Quốc khi dân số già đi nhanh chóng.
Ông Alfred Wu, Phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, lập luận Bắc Kinh đã bỏ lỡ "cơ hội vàng" để điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu trước đại dịch, khi cơ hội việc làm dồi dào, nền kinh tế đang trên đà phát triển. Và hiện tại, "không còn cơ hội nào tốt hơn", xét đến xã hội đang già hóa nhanh chóng và áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội, hệ thống mà người lao động phải đóng góp để được hưởng lương khi nghỉ hưu.
Bắc Kinh đã cân nhắc việc cải cách lương hưu trong nhiều thập kỷ và các nhà lập pháp đã phê duyệt đề xuất này sau 4 ngày thảo luận.
Công nhân làm việc bên trong nhà máy ở Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Thế hệ sinh sau năm 1980 dường như là những người thất vọng nhất về sự thay đổi chính sách này, bởi họ sẽ phải đối mặt với toàn bộ tác động của nó.
Cô Zhao, cố vấn tiếp thị 26 tuổi sống tại Bắc Kinh, đã phàn nàn về động thái này. Zhao cho biết việc trì hoãn nghỉ hưu sẽ khiến những người trẻ tuổi chán nản công việc và không muốn tìm việc mới. Theo cô, điều đó sẽ không giúp ích gì cho nền kinh tế đang suy yếu.
"Điều cần giải quyết ngay bây giờ là tạo ra nhiều việc làm hơn cho những người trẻ tuổi", Zhao nói.
Thông báo mới nhất cũng khó chấp nhận đối với Clytie Chen, 26 tuổi, người đã mất việc tại một hãng sản xuất ô tô vào tháng 7 và quyết định chuyển về quê hương ở Nam Kinh.
"Ai biết được liệu tôi có mất việc lần nữa khi tôi 35 tuổi không? Và khi tôi sắp nghỉ hưu ở tuổi 60, tôi có thể nhận thông báo chỉ được nghỉ hưu khi 65 hoặc 70 tuổi. Tôi không biết khi nào tôi có thể nghỉ hưu", cô nói.
Người cao tuổi tập thể dục với sự giúp đỡ của nhân viên tại trung tâm phúc lợi xã hội ở huyện Hanshou, thành phố Trường Đức, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Khi ngày càng có nhiều người Trung Quốc nghỉ hưu, mối lo ngại quỹ lương hưu cạn kiệt cũng gia tăng. Luật sư Gu Yu tại Bắc Kinh tin rằng đó chính là lý do thực sự đằng sau động thái thay đổi chính sách này. Ông Gu cho biết việc trì hoãn nghỉ hưu chắc chắn sẽ làm tăng gánh nặng cho mọi người.
Ông Deng Yuwen, cựu phó tổng biên tập tạp chí Study Times, cho biết đây là thời điểm không thích hợp nhưng Trung Quốc không thể chờ đợi thêm nữa.
"Điều này diễn ra vào thời điểm rất khó khăn đối với Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh phải hành động vì dân số già hóa nhanh chóng, tỷ lệ sinh giảm mạnh và thâm hụt ngân sách tăng vọt rõ ràng sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng lương hưu của Trung Quốc - có lẽ sớm hơn nhiều so với dự đoán của đất nước", ông nói.
Theo ông Deng, tình hình này rất đáng lo ngại đối với Trung Quốc vì khi các nước phát triển như Nhật Bản đạt đến giai đoạn này, mức thu nhập bình quân đầu người của họ cao hơn nhiều so với Trung Quốc hiện nay. Điều đó cho phép họ thiết lập một hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi công cộng tương đối vững chắc.
Mặc dù chính sách mới tăng thời gian người lao động phải đóng góp vào quỹ lương hưu trước khi họ có thể tiếp cận quỹ này - từ 15 lên 20 năm - nhưng vẫn cho phép người lao động "nghỉ hưu sớm linh hoạt" trước thời hạn tới 3 năm.
Vy Hân/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Số người trên 65 tuổi của Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục Số người trên 65 tuổi ở Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục 36,25 triệu người vào năm 2024, tăng 20.000 người so với năm trước đó, trong đó 25% có việc làm. Người cao tuổi tại Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN Đây là dữ liệu được Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 15/9, cho thấy thực trạng già hóa nhanh...