Chuyên gia quốc tế: Trung Quốc đừng lầm lẫn sự kiềm chế của các nước láng giềng là yếu đuối
Các chuyên gia quốc tế đã bày tỏ quan ngại về hoạt động gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông, cho rằng Bắc Kinh đã “phớt lờ” luật pháp quốc tế.
Việc Trung Quốc cử nhóm tàu Địa chất Hải dương 8 tiến hành hoạt động thăm dò trái phép gần bãi Tư Chính, vốn nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam đã dấy lên nhiều quan ngại. Từ ngày 16 đến 26/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 3 lần đưa ra tuyên bố khẳng định chủ quyền tại khu vực này, đồng thời thực hiện nhiều hình thức ngoại giao, trao công hàm phản đối yêu cầu phía Trung Quốc rút tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động phi pháp.
Tàu hải cảnh 3901 của Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Trung Quốc “phớt lờ” luật pháp quốc tế
Trong một bài viết trên tờ “Maritime issues” với tiêu đề “Bước đi sai lầm của Trung Quốc ở Biển Đông” (China’s Misstep in the South China Sea), tác giả Luc Anh Tuan, trường Đại học New South Wales cho rằng, tại một thời điểm nào đó, Trung Quốc có thể đạt được một số mục tiêu của nước này bằng cách “phô trương sức mạnh”, nhưng về lâu dài Bắc Kinh sẽ vấp phải phản ứng dữ dội từ các nước láng giềng và hành động tập thể từ cộng đồng quốc tế.
“Trung Quốc không nên nhầm lẫn sự kiên nhẫn và kiềm chế của các quốc gia trong khu vực là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà đó chẳng qua là cử chỉ thiện chí để thúc đẩy những suy nghĩ tích cực, mang tính xây dựng. Hành động một cách quá mức sẽ chỉ làm suy yếu uy tín của Trung Quốc”.
Ông Ankit Panda, biên tập viên cao cấp của tờ Diplomat có bài viết, đánh giá hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông khiến tình hình khu vực ngày càng xấu đi.
Bài viết cho rằng, 3 năm sau phán quyết của Tòa trọng tài được lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), một sự thật ngày càng trở nên rõ ràng là Trung Quốc hoàn toàn không có ý định tuân thủ luật pháp quốc tế. Với hoạt động điều nhóm tàu khảo sát thăm dò địa chất trái phép gần khu vực bãi Tư Chính, Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự “coi thường” phán quyết của Tòa trọng tài và Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS).
Video đang HOT
Các cán bộ chiến sĩ Vùng 2 Hải quân cùng các nhà báo, phóng viên trên tàu Trường Sa 19 vẫy chào cán bộ chiến sĩ trên Nhà giàn Dk1/15 (Phúc Nguyên). (Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN)
Bài viết nhấn mạnh, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực khẳng định, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong cái gọi là “đường 9 đoạn” (mà nước này đơn phương vẽ ra để đòi chủ quyền phi lý với hầu hết diện tích Biển Đông), thế nhưng Bắc Kinh vẫn khăng khăng với đòi hỏi của họ.
Với hoạt động thử tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông hồi đầu tháng 7/2019 và cản trở các quốc gia khác tiếp cận nguồn tài nguyên trên thềm lục địa của họ, Bắc Kinh tiếp tục thách thức hiện trạng trên Biển Đông. Việc tàu Haijing 3901 của Trung Quốc, một trong những tàu hải cảnh lớn nhất thế giới, hộ tống tàu khảo sát Hải Dương 8 tiến vào vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh tiếp tục sử dụng lực lượng chấp pháp trên biển để thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền phi lý của nước này.
Theo ông Ankit Panda, luật pháp quốc tế là công cụ hữu hiệu nhất mà các quốc gia liên quan có được để bảo vệ quyền lợi của họ. Qua việc “phớt lờ” luật pháp quốc tế, Trung Quốc cho thấy tham vọng của họ bất chấp tất cả để mở rộng tầm ảnh hưởng và thúc đẩy một thế giới mà “chân lý thuộc về kẻ mạnh”.
Tiêu chuẩn kép của Bắc Kinh
Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) có trụ sở tại Washington đánh giá, tình hình hiện nay rất “nguy hiểm” bởi sự hiện diện của nhóm tàu Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc tại vùng biển gần bãi Tư Chính dễ dẫn đến “nguy cơ va chạm ngẫu nhiên khiến căng thẳng leo thang”.
Theo AMTI, tình huống này đã tiết lộ tiêu chuẩn kép trong hành vi của Trung Quốc: Bắc Kinh tỏ quyết tâm ngăn chặn hoạt động thăm dò dầu khí của các nước láng giềng ở bất cứ nơi nào trong “đường 9 đoạn”, trong khi chính họ lại vẫn tiến hành các hoạt động thăm dò năng lượng.
Chuyên gia Swee Lean Collin Koh thuộc Học viện Chiến lược và quốc phòng Singapore lý giải: “Xét theo quan điểm của Trung Quốc, bất kỳ hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí nào trong khu vực thuộc yêu sách “đường 9 đoạn” đều bị xem là vi phạm pháp luật do các vùng biển đó là vùng biển đang tranh chấp, mặc cho yêu sách này đã bị bác bỏ”.
Cần sự phối hợp quốc tế
Bài viết của tác giả Ankit Panda nhận định, nguy cơ đặt ra từ việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, là căng thẳng leo thang sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tiến hành khai thác hoặc cùng nhau khai thác các nguồn tài nguyên theo cách thức hợp lý.
Chừng nào Trung Quốc còn tiếp tục hành vi “cưỡng ép” thì chừng đó các quốc gia nhỏ hơn sẽ còn gặp thách thức khi tiếp cận với nguồn lực tại Biển Đông.
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, Biển Đông đang trở thành điểm nóng quốc tế khi cuộc cạnh tranh giữa các bên liên quan ngày càng gia tăng.
Theo chuyên gia Ankit Panda, ngoài việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á cần phải làm việc hướng tới một giải pháp thực tiễn nhằm chia sẻ và thụ hưởng một cách công bằng những nguồn lợi có được ở Biển Đông. Để đạt được một cơ chế chia sẻ tài nguyên công bằng, tất cả các quốc gia, bao gồm Trung Quốc phải kiềm chế thúc đẩy các lợi ích của mình.
Theo HỒNG ANH/VOV.VN
Chuyên gia Australia: Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Giáo sư Carl Thayer khẳng định hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Trong những ngày qua, hoạt động trái phép của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đang khiến dư luận bất bình. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia khẳng định hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV thường trú tại Australia, giáo sư Carl Thayer cho biết, ông cảm thấy vô cùng khó hiểu trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam đang ở giai đoạn tốt nhất kể từ năm 2014 đến nay thì Trung Quốc lại đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xuống khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam, làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa hai nước.
Giáo sư Carl Thayer khẳng định, hoạt động của các tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam: "Rõ ràng là khu vực mà nhóm tàu Hải Dương 8 hoạt động là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam có quyền tài phán đối với vùng biển này. Vì vậy, bất kỳ phương tiện nào hoạt động ở khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp".
Theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, Việt Nam có đầy đủ quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam và thềm lục địa Việt Nam. Chính vì vậy, hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam được pháp luật quốc tế công nhận.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng, hành động này chứng tỏ Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế: "Vụ việc xảy ra lần này đã củng cố thêm bằng chứng cho thấy Trung Quốc không tuân phủ các quy định quốc tế. Nước này muốn hoạt động theo cách của riêng họ và họ cũng diễn giải pháp luật theo cách của riêng mình".
Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng, trong vụ việc này, mặc dù Trung Quốc cố tình vi phạm luật pháp quốc tế nhưng đáng tiếc là cộng đồng quốc tế không có cơ chế nào để buộc Trung Quốc chấm dứt hành động vi phạm ngoài việc gây sức ép bằng các tuyên bố. Trên thực tế, Mỹ đã lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc và gọi đây là hành động "bắt nạt" đồng thời yêu cầu Trung Quốc cần phải chấm dứt các hành động này.
Trong bối cảnh Trung Quốc và ASEAN đang thảo luận về Bộ ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), giáo sư Carl Thayer cho rằng, hành động của Trung Quốc đã "khiến các nước Đông Nam Á lo ngại làm sao để có thể đàm phán với Trung Quốc nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định trên Biển Đông".
Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã sử dụng nhiều cách để yêu cầu Trung Quốc ngừng các hành động bất hợp pháp tại vùng biển của Việt Nam. Bên cạnh đó, giáo sư Carl Thayer nhận định, "Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các nước khác trong việc tuần tra, chia sẻ thông tin cũng như tập huấn cách ứng phó với tình huống tương tự". Không chỉ dừng lại ở đó, "trong trường hợp luật pháp quốc tế tiếp tục bị vi phạm, giáo sư Carl Thayer cho rằng, Việt Nam cũng cần tính đến việc sử dụng công cụ pháp lý như cách mà Philippines đã làm" nhằm giải quyết vấn đề./.
Theo Việt Nga/VOV-Australia
Khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam không nằm trong vùng biển chồng lấn với Trung Quốc Hành vi đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tháng 7-2019 đi sâu vào vùng biển Nam Biển Đông, gần với lô khai thác 06-01 thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam thể hiện sự ngông nghênh, coi thường pháp luật quốc tế. Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Luật...