Chuyên gia Nhật: “Buông tay là điều khó khăn với bất kỳ bậc cha mẹ nào. Nhưng tôi hạnh phúc khi con mình hạnh phúc”
Đó chính là những chia sẻ của Agnes Chan – một tiến sĩ, chuyên gia nuôi dạy con nổi tiếng của Nhật Bản về cách nuôi dạy và giáo dục các con của mình thành công.
Tôi không nghĩ cha mẹ và xã hội đang mong đợi những điều đúng đắn từ trẻ em
Agnes Chan, tác giả cuốn sách nuôi dạy con cái bán chạy nhất cho biết, hệ thống trường học đang làm chết sự sáng tạo. Cùng với việc cha mẹ bảo vệ và áp đặt con quá mức, đặt kỳ vọng cao một cách vô lý sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu.
“Tôi không nghĩ cha mẹ và xã hội đang mong đợi những điều đúng đắn từ trẻ em. Họ hy vọng con của mình sẽ trở thành một học sinh giỏi, sẽ đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, tuân thủ các quy tắc… Điều đó không còn quan trọng nữa vì máy tính làm tốt hơn”, cô nhấn mạnh.
Khi phát hành cuốn sách mới nhất gần đây (tạm dịch là Nuôi dạy con trong thời đại không xác định), Agnes Chan nhận được sự chào đón của các bà mẹ với rất nhiều những băn khoăn về việc nuôi dạy con cái.
“Tôi có thể hiểu được sự lo lắng của họ. Thế giới của chúng ta đang thay đổi rất nhanh. Không như khi tôi còn trẻ. Nó là sự bùng nổ theo cấp số nhân. Chúng ta đang chuẩn bị cho con cái mình những công việc mà chúng ta thậm chí không biết nó còn tồn tại trong 20 năm tới hay không”, cô nói.
Từng được gọi là “bà tiên đến từ Hồng Kông”, Agnes Chan cho biết mặc dù hai đứa con trai lớn của mình được nuôi dưỡng trong thời đại kỹ thuật số nhưng cô vẫn giữ phương thức giáo dục của các trường học truyền thống: Không quản lý mọi việc, giữ thời gian biểu linh hoạt, hạn chế xem tivi, khám phá ngoài trời, gắn kết với các trò chơi trên bàn học, dạy mà chơi và tham gia với trẻ em trong các bữa ăn tự làm và bánh sinh nhật.
Video đang HOT
Agnes Chan và những cuốn sách nuôi dạy trẻ.
Trong khi đó, nhiều cha mẹ Nhật Bản hiện đại lại có xu hướng nhồi nhét con mình học thật nhiều thứ: ngoài bài vở còn học âm nhạc, thư pháp, thể thao. Họ đang đầu tư nhiều hơn vào con cái để mong rằng chúng sẽ có một chỗ đứng vững chắc trong tương lai. Chan phê phán cách mà cha mẹ dùng tiền để thưởng cho con khi được điểm tốt. Chan khen ngợi con theo cách riêng của mình: “Tôi đã cố gắng xây dựng lòng tự trọng, sự tự tin, sự tò mò, sáng tạo, trách nhiệm và cả khả năng phục hồi của con”.
“Cha mẹ muốn con mình thành công và họ cảm thấy rằng chỉ có một cách duy nhất: thúc đẩy chúng trở thành những người ưu tú. Đó phải là những người đạt cấp độ A, có sự am hiểu nghệ thuật, âm nhạc, thể thao… Định kiến này phải biến mất”, Chan nói.
Bọn trẻ nên học cách xem thất bại là chuyện bình thường của việc học. Khi đó, chúng sẽ thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình.
Buông tay là điều khó khăn với bất kỳ bậc cha mẹ nào
Chan đã từng khiến mẹ của mình thất vọng khi cô không làm theo những gì bà mong muốn. “Mẹ muốn tôi trở thành một luật sư nhưng tôi đã làm bà thất vọng. Tôi là người duy nhất làm mẹ thất vọng. Đó là cách thể hiện tình yêu trong thế hệ của bà ấy – đảm bảo con mình có vị trí, được chấp nhận trong xã hội”.
“Nhưng tôi, tôi đã không tin điều đó. Tôi muốn các con tôi được hạnh phúc và đó là ưu tiên của tôi. Cách duy nhất để làm điều đó là để chúng tin vào chính mình và tự quyết định chúng là ai và muốn gì. Không quan trọng nếu bạn trở nên nổi tiếng hay trở nên giàu có. Nếu bạn là người có ước mơ, bạn luôn hạnh phúc”.
Gia đình của Agnes Chan.
Nhưng lớp học không phải là nơi duy nhất học tập. Hãy để trẻ học cách đối mặt với rủi ro cũng như cách đối phó với hậu quả. Hãy để chúng tìm cách riêng của mình để thoát ra khỏi khó khăn. Hãy để con thất bại.
“Buông tay là điều khó khăn với bất kỳ bậc cha mẹ nào. Sau khi lên cấp hai, tôi đã khiến các con tôi tin rằng chúng có khả năng tự đưa ra quyết định. Tôi rất sợ, nhưng tôi tôn trọng lựa chọn của chúng. Khi con trai lớn của tôi chọn trường số 7 thay vì trường nội trú hàng đầu của Mỹ, tôi hy vọng con sẽ nhận ra đó là một sai lầm. Nhưng hóa ra không phải vậy”, Chan cho biết.
Người con trai đó, Kazuhei, hiện là CEO của một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon. Con trai thứ hai của cô, Shohei là một kỹ sư ở Thung lũng Silicon, và con trai út của cô, Kyohei, 22 tuổi, sẽ ghi danh vào một chương trình cấp bằng tốt nghiệp tại Stanford năm nay.
“Thật tuyệt vời khi các con tôi vào Stanford, nhưng đó không phải là mục tiêu. Có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp Stanford không hạnh phúc. Tôi hạnh phúc vì các con hạnh phúc”, Chan nói.
“Trong tiếng Trung, chúng tôi nói “cheng long, cheng feng” và điều đó có nghĩa là bạn muốn con trai mình trở thành rồng và con gái trở thành phượng hoàng. Nhưng mỗi đứa trẻ có thể đi một con đường khác nhau. Mỗi đứa trẻ có thể là con rồng hay phượng hoàng của riêng nó”.
Theo Helino
Gieo hạt giống yêu thương
Nếu trái đất có mặt trời sưởi ấm vạn vật và duy trì sự sống thì tổ ấm gia đình cũng là mặt trời của mỗi người, nơi chúng ta được yêu thương, chở che để trưởng thành khỏe mạnh.
Bởi vậy mới nói, yêu thương sinh ra từ mối quan hệ máu mủ tình thân gia đình, có lẽ là thứ tình cảm bản năng, đẹp đẽ, quý giá và bền vững nhất mà mỗi người có được và luôn cần được vun đắp, giữ gìn.
Dành cho con trẻ những điều tốt đẹp nhất. Ảnh: Khôi Nguyên
Vai trò của gia đình đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội đã và luôn được khẳng định. Trước đây, gia đình Việt Nam truyền thống, với uy quyền và trật tự của nó, luôn được pháp luật bảo vệ, được luân lý và phong tục bổ trợ thêm. Do đó, địa vị gia đình trong xã hội được xem là tối quan trọng. Ngày nay, vai trò của gia đình vẫn được pháp luật bảo vệ và xã hội đề cao. Đặc biệt, Việt Nam đã lấy ngày 28-6 hàng năm là Ngày Gia đình, nhằm truyền đi những thông điệp ý nghĩa, sâu sắc và nhân văn nhất về gia đình. Với chủ đề "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình", Ngày Gia đình Việt Nam 2019 đã và đang chuyển tải nhiều thông điệp truyền thông đến toàn xã hội. Đó là "Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình", "Xây dựng môi trường gia đình - cộng đồng - xã hội an toàn, lành mạnh", "Gia đình là tổ ấm nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục những con người khỏe mạnh để xây dựng đất nước"...
Như lời một học giả đã khẳng định rằng, chẳng bao giờ có loại thuốc bổ chữa được những căn bệnh xã hội hữu hiệu hơn một mái ấm khỏe khoắn và hạnh phúc; cũng chẳng bao giờ có nguồn ổn định xã hội lớn hơn một gia đình yêu thương và biết cảm thông. Khởi nguồn yêu thương trong gia đình, có đôi khi chỉ đơn giản là một cái ôm thật chặt, một đôi tai biết lắng nghe và một tâm hồn mở rộng cảm thông, là mỗi người đã sẵn lòng để chia sẻ nỗi buồn và nhân lên niềm hạnh phúc. Đó cũng chính là chìa khóa mở cánh cửa tổ ấm và khép lại bên ngoài nó những vị kỷ, va vấp, hằn học, thậm chí là cả những thất bại, vấp ngã, trượt dài mà mỗi người do vô tình hay cố tình gặp phải. Yêu thương, tự bản thân nó luôn mang giá trị hay thông điệp của lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm. Và vì vậy, gieo những hạt giống yêu thương dưới mỗi mái nhà, cũng là gieo mầm hạnh phúc cho tổ ấm.
"Tài khoản yêu thương" trong gia đình được lập từ cơ sở thiêng liêng của hôn nhân, nhưng nó chỉ có thể được tiếp nhận, cất giữ và nhân lên khi con cái được sinh ra. Cha mẹ chính là người "đóng dấu lên tâm hồn trẻ niềm xác tín về cách hành xử và giải quyết vấn đề". Để rồi, những thói quen trong ứng xử, hành vi, lời nói và quan trọng hơn là nhân cách một con người, chỉ có thể được hình thành từ giai đoạn đầu đời, trong gia đình và thông qua cách hành xử của ông bà, cha mẹ. Nếu dạy con là cả một nghệ thuật, thì học cách hài hòa giữa yêu thương và nghiêm khắc với con là môn nghệ thuật khó nhất.
Trong giáo dục trẻ em, không cách nào hiệu quả hơn một tấm gương tốt và ngược lại. Thế nhưng, với một nền giáo dục đang loay hoay trong đổi mới, hay một nền giáo dục chạy đua theo thành tích, thì "sản phẩm con người" do nó tạo ra sẽ khó mà chất lượng. Trên nghị trường Quốc hội gần đây, một đại biểu đã nêu ra một mệnh đề vừa dễ hiểu, nhưng cũng đầy phức tạp khi thực thi. Đó là, thay vì chỉ lo bàn thảo để tìm ra một triết lý giáo dục đúng đắn và sâu sắc, trước mắt hãy thực hành ngay cái nguyên tắc giáo dục đơn giản là một nền giáo dục không nói dối! Đương nhiên, không thể đổ lỗi hết cho nhà trường, cũng không thể đổ lỗi cho công nghệ và càng không nên đổ lỗi cho đứa trẻ khi nó có hành vi không hợp chuẩn. Bởi, trước hết, đó là trách nhiệm từ chính mỗi gia đình, nơi con cái chúng ta đang hằng ngày sống và lớn lên.
Một nhà hoạt động xã hội có tầm ảnh hưởng thế giới đã đưa ra một nhận định vô cùng sâu sắc rằng, "Không có bức tranh nào rõ rệt về linh hồn của một xã hội hơn là cách xã hội ấy đối xử với trẻ em". Trẻ em được xem là "sản phẩm" phản ánh môi trường sống trong gia đình, môi trường giáo dục trong nhà trường và bức tranh phát triển của một xã hội. Chính vì lẽ đó, nếu gia đình không phải tổ ấm, nhà trường là nơi chạy đua thành tích và một môi trường xã hội phát sinh nhiều tai tệ nạn, thì trẻ em là đối tượng đầu tiên chịu tổn thương, thậm chí trở thành nạn nhân bi thương nhất. Vậy, tương lai một đất nước sẽ đi về đâu nếu có một thế hệ trẻ là nạn nhân bi thương do chính xã hội ấy tạo ra?.
Trong thực tế, tình cảm đẹp đẽ, quý giá và tưởng chừng bất biến trong gia đình, lại đang va chạm kịch liệt với không ít mặt trái đời sống, đang xuất hiện cả trong lẫn ngoài cánh cửa gia đình. Trong gia đình đó là xung đột thế hệ trong quan niệm, suy nghĩ, lối sống, hành vi; là nhu cầu vật chất đang trở thành mục tiêu sống khiến nhiều người xem nhẹ việc vun đắp mối liên hệ tình cảm giữa các thành viên; là bạo lực thể xác và tinh thần giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái; là tỷ lệ ly hôn đang gia tăng trong các gia đình trẻ... Còn ngoài xã hội là các tai, tệ nạn; là tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội ở một bộ phận người thể hiện qua các hành vi bạo hành, phạm pháp ngày càng trắng trợn, manh động và tàn bạo...
Trong khi, con người không chỉ sống với cái nôi gia đình, mà còn sống trên nền tảng đạo đức xã hội, đạo lý luân thường và luôn luôn tương tác với đời sống bằng nhiều mối quan hệ, bằng nhiều "vai" trách nhiệm cần gánh. Và do đó, không thể lãng mạn mà cho rằng, chỉ cần tình yêu thương là có thể hóa giải mọi mâu thuẫn, xung đột. Nhưng chí ít, khi con người được dưỡng nuôi trong môi trường an toàn, lành mạnh và ấm áp yêu thương; thì đó chắc chắn sẽ là một con người khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần. Đó là ý nghĩa nhân văn nhất của tình yêu thương dưới mỗi mái nhà.
Khôi Nguyên
Theo baothanhhoa
Sai lầm dạy con của nhiều cha mẹ Nhật trong mắt tiến sĩ giáo dục Agnes Chan thẳng thắn cho rằng cha mẹ Nhật Bản hãy để con mình mắc thất bại thay vì suốt ngày bao bọc chúng. Agnes Chan, 63 tuổi, là người gốc Hong Kong, phát triển sự nghiệp ca hát của mình tại Nhật năm 1972 với tư cách là một thần tượng nhạc pop tuổi teen. Cô kết hôn với người quản lý...