Chuyên gia mách nước tránh rủi ro khi vay tiền trực tuyến
Hình thức vay tiền trực tuyến đã thu hút hàng triệu người tham gia. Tuy nhiên, đã có những biến tướng.
Dịch vụ cho vay trực tuyến hay còn gọi là vay ngang hàng (P2P) đang bùng nổ, nhiều website quảng bá cho dịch vụ này đã thu hút hàng triệu khách hàng tham gia, với những lời quảng cáo đầy hấp dẫn như: vay siêu nhanh, vay không cần thế chấp, vay tiền nhanh trong ngày, vay rẻ nhất, vay tiền nhanh trong 10 phút, vay tiền nóng online, vay tiền mặt không cần giấy tờ, giải ngân trong ngày…
Với mô hình này, người vay không cần hợp đồng lao động, giấy tờ chứng minh thu nhập và có thể dễ dàng tiếp cận khoản vay từ 1-30 triệu đồng, thậm chí 200 triệu đồng. Sau 5-10 phút, khoản vay đã được duyệt và thường chỉ trong một ngày, bên cho vay sẽ chuyển khoản tiền cho người vay.
Nhanh chóng, tiện lợi, chỉ cần ngồi tại nhà, trước máy vi tính hay điện thoại, trong vòng vài chục phút đồng hồ là có thể vay được tiền dễ dàng. Việc tiếp cận tín dụng chưa bao giờ dễ dàng đến vậy tại Việt Nam.
Đi cùng với sự ưu việt thì việc vay tiền trực tuyến cũng đang đi kèm với nhiều rủi ro, hệ lụy khi lãi suất có thể lên tới vài chục % thậm chí vài trăm %/năm và chưa có hành lang pháp lý đầy đủ nào cho hoạt động này.
Chỉ cần một cú nhấp chuột, hàng trăm trang web có từ khóa “cho vay tiền” đã hiện ra.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, tại Việt Nam hiện nay, mô hình cho vay P2P vẫn chưa được cấp phép nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư. Đây là một kênh tiếp cận vốn mới, giúp thêm nhiều người có cơ hội vay vốn. Tuy nhiên, đây không phải là kênh “gửi tiền”, mà là kênh đầu tư. Đã đầu tư là phải chịu rủi ro, trong đó rủi ro lớn nhất là mất tiền. Chưa kể, bên cạnh những công ty P2P hoạt động đúng mô hình kinh tế chia sẻ, sẽ có những biến tướng lợi dụng mô hình này để hoạt động tín dụng đen trá hình hoặc lừa đảo.
Video đang HOT
Theo ông Phú, chính vì việc chưa có “danh phận” đã khiến các điều kiện trong hoạt động P2P trở nên nhập nhèm, khó quản lý. Không ít trường hợp người dân kêu cứu vì vay trực tuyến nhưng gặp các đối tượng tín dụng đen lừa đảo về lãi suất, phí.
Trước những diễn biến và rủi ro khó lường của thị trường cho vay trực tuyến hiện nay, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho biết, mô hình cho vay ngang hàng mới chỉ phát triển mạnh trong hơn 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, hiện pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc cho vay ngang hàng và sự tồn tại của dịch vụ này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người vay lẫn người cho vay.
Ngoài thiếu một khung pháp lý, các P2P Việt Nam cũng không có phương án phòng ngừa rủi ro và phần lớn đều có nguồn vốn nhỏ, tiềm lực tài chính rất khiêm tốn so với quy mô kết nối khoản vay.
Đối với người đi vay, mặc dù thủ tục vay khá đơn giản và thuận lợi nhưng họ sẽ phải vay với mức lãi suất rất cao. Nếu những người này không có khả năng trả nợ họ có thể bị người cho vay dùng những biện pháp qua công ty môi giới để thu hồi nợ một cách không chính thống, mang tính ép buộc hay đe doạ.
Với cách nhìn nhận của cá nhân mình, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật Bross and Partner chỉ ra một hạn chế nữa của hình thức cho vay trực tuyến, các hợp đồng giữa người cho vay và người cần vay không chặt chẽ và không tuân thủ theo quy định pháp luật. Người cần vay chỉ cần có tên và chứng minh thư nhân dân. Trong khi đó, người cho vay gần như không thẩm định được năng lực tài chính, khả năng trả nợ và mục đích sử dụng tiền vay của người đi vay mà phụ thuộc hoàn toàn vào những đánh giá của đơn vị trung gian.
“Nhiều công ty không có chức năng của tổ chức tín dụng nhưng lại lợi dụng các hoạt động khác để huy động vốn từ khách hàng với lãi suất cao sau đó cho vay lại để hưởng chênh lệch như một tổ chức tín dụng. Như vậy khi bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ phải ngừng hoạt động, điều này sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho những người cho vay vốn.
Mặc dù mô hình P2P phát triển mạnh như vậy nhưng hiện nay pháp luật cũng không có quy định cấm mô hình này hoạt động và cũng chưa đưa ra các quy định pháp lý cụ thể để quản lý hình thức cho vay này một cách phù hợp”, Luật sư Nguyễn Hồng Bách phân tích.
Theo quy định hiện hành, chỉ các tổ chức tín dụng mới được phép huy động và cho vay vốn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến thời điểm này chưa cấp phép hoạt động cho một doanh nghiệp P2P nào. Do đó, khi chưa có khung pháp lý để điều chỉnh, thì cả người đi vay và người cho vay đều đối mặt với nhiều rủi ro khi họ không nhận được sự bảo vệ của pháp luật trong trường hợp có tranh chấp xảy ra.
“Trước khi vay tiền của các tổ chức này, người vay phải tìm hiểu rất kỹ các thông tin về dịch vụ cho vay tiền, trách nhiệm và nghĩa vụ của họ là gì, tính pháp lý của đơn vị cho vay và nội dung thỏa thuận trong hợp đồng vay để tránh rủi ro khi vay tiền. Cùng với đó, để đảm bảo lợi ích, người tiêu dùng khi có nhu cầu vốn nên tìm đến các tổ chức cho vay có uy tín, trong đó có các ngân hàng, công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động để tránh phải đối mặt với tín dụng đen, lãi suất cao”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo./.
Chung Thủy/VOV.VN
Vietcombank hoàn thành xây dựng Hệ thống cảnh báo sớm rủi ro tín dụng
Theo lộ trình nâng cao năng lực quản trị rủi ro, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho việc áp dụng Hiệp ước Basel II theo phương pháp nâng cao (IRB), Vietcombank đã có thêm kết quả quan trọng với việc hoàn thành xây dựng Hệ thống cảnh báo sớm rủi ro tín dụng.
Vietcombank đang hiện thực hóa mục tiêu là ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất Việt Nam
Hệ thống cảnh báo sớm (Early warning system - EWS) có mục đích tự động rà soát toàn bộ các khoản nợ và phát hiện các trường hợp có thể suy giảm chất lượng trong vòng 6 tháng tới, từ đó giúp Vietcombank có những biện pháp hiệu quả quản lý chất lượng danh mục tín dụng.
Hệ thống EWS là một hệ thống dựa trên các dấu hiệu rủi ro của khách hàng, khoản vay của khách hàng (suy giảm tình hình kinh doanh, chỉ số tài chính, dòng tiền trả nợ của khách hàng có dấu hiệu bất thường, biến động bất lợi của thị trường...) và thông qua các kỹ thuật tính toán hiện đại, mô hình thống kê từ dữ liệu lịch sử để đưa ra danh sách khách hàng có khả năng gặp khó khăn trong vòng 6 tháng tiếp theo.
Danh sách khách hàng này sau đó sẽ được các đơn vị kinh doanh phân tích và được chuyên gia của các bộ phận chuyên môn tại Trụ sở chính rà soát.
Hệ thống EWS do cán bộ nghiệp vụ và tin học Vietcombank tự nghiên cứu, xây dựng. Hệ thống đã được triển khai và đưa vào ứng dụng trong thực tế với một số tính năng chủ yếu như sau:
- Hàng quý tự động cung cấp danh sách khách hàng tiềm ẩn rủi ro để đơn vị kinh doanh, bộ phận rủi ro, kiểm tra, kiểm soát nội bộ phối hợp rà soát;
- Hệ thống cài đặt sẵn một số một biện pháp ứng xử phù hợp, tương ứng với mức độ rủi ro của khách hàng để các bộ phận kinh doanh chủ động lựa chọn và triển khai kịp thời;
- Hệ thống được phát triển bởi chính các cán bộ của Vietcombank, trên cơ sở chuyển giao kiến thức của tư vấn quốc tế. Do đó, giúp Vietcombank tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí và quan trọng nhất là làm chủ được hệ thống, công nghệ.
Hệ thống EWS là một công cụ hiệu quả nhằm phát hiện sớm các khách hàng tiềm ẩn rủi ro, hỗ trợ các Bộ phận phê duyệt, quản lý rủi ro, kiểm tra, kiểm toán nội bộ tại Trụ sở chính cập nhật, quản lý danh mục tín dụng của các chi nhánh từ xa, từ sớm.
Để tối đa hóa hiệu quả hệ thống EWS, Vietcombank cũng đã ban hành khung chính sách về cảnh báo sớm trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, quy trình thực hiện và cơ chế vận hành, đảm bảo trao đổi, cập nhật thường xuyên giữa các bộ phận nghiệp vụ về dấu hiệu rủi ro, các thuật toán phù hợp với sự biến đổi liên tục và phức tạp từ thực tế.
Trong các năm qua, Vietcombank là ngân hàng có danh mục tín dụng minh bạch và có chất lượng tốt nhất, mà một trong các nguyên nhân quan trọng là thực hiện kiểm soát từ sớm các khoản nợ nhóm 2 (tăng cường công tác quản lý, tích cực rút giảm dư nợ...).
Với việc triển khai hệ thống cảnh báo sớm rủi ro tín dụng, ứng dụng với các khoản nợ từ nhóm 1, Vietcombank sẽ tăng cường chủ động quản lý và kiểm soát toàn diện danh mục tín dụng, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Vietcombank, hiện thực hóa mục tiêu là ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất Việt Nam.
Theo tapchitaichinh.vn
Tỷ lệ tín dụng/GDP tăng nhanh: Cảnh báo rủi ro lạm phát "Tỷ lệ tín dụng/GDP tăng nhanh là một chỉ báo rủi ro cần phải kiểm soát để không gây lạm phát như đã từng xảy ra trong năm 2008 và 2010", SSI cảnh báo. T ỷ lệ tín dụng/GDP tăng nhanh: Cảnh báo rủi ro lạm phát Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa công bố báo cáo tài chính tiền tệ...