Chuyên gia “mách” cách cứu các trường cao đẳng sư phạm, đại học địa phương
Bộ Giáo dục cần chỉ đạo cụ thể thực hiện quy trình đào tạo kết hợp: 3 năm tại trường cao đẳng sư phạm địa phương 1 năm tại trường đại học sư phạm trọng điểm.
Trước những nguy cơ về trường cao đẳng sư phạm, đại học địa phương đã được nêu ở bài viết trước, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã đưa ra một vài kiến nghị.
Riêng đối với hệ thống trường cao đẳng sư phạm địa phương, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, cần duy trì việc phân cấp quản lý công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (kể cả việc giao chỉ tiêu và phân công công tác sau tốt nghiệp) cho các địa phương như vẫn làm từ trước tới nay.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp nắm một hệ thống trường sư phạm tập trung (thông qua 10 trường sư phạm trọng điểm) để đào tạo tất cả giáo viên phổ thông là không khả thi.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (ảnh: Tùng Dương)
“Kinh nghiệm nhiều năm quản lý hoạt động sư phạm cho phép chúng tôi có thể khẳng định không nên xóa đi hệ thống sư phạm địa phương.
Chúng tôi rất lo ngại khi nhu cầu giáo viên phổ thông tăng đột ngột (như đã xảy ra nhiều lần trong 60 năm qua) thì lấy đâu ra các trường sư phạm địa phương để đáp ứng nhu cầu đó vì lúc đó còn đâu cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên của các trường đó nữa”, ông Khuyến nói.
Do vậy cần duy trì nguyên vẹn hệ thống trường cao đẳng sư phạm địa phương và có kế hoạch đầu tư toàn diện để vừa nâng cấp trình độ đào tạo giáo viên (lên đại học), vừa đa ngành hóa các trường này.
Bước đi tiếp là hợp nhất với các cơ sở giáo dục đại học khác trên cùng địa phương, tổ chức lại để hình thành một đại học địa phương đa cấp đa lĩnh vực hoàn chỉnh (Community College / University College / Rural University).
Trước mắt, chính quyền địa phương cần căn cứ vào nhu cầu thực tế về giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của địa phương để giao chỉ tiêu đào tạo và nâng chuẩn cho trường cao đẳng/đại học sư phạm địa phương của mình thực hiện.
Riêng đối với những trường sư phạm trong thời gian còn chưa đạt chuẩn đại học như quy định ở Luật Giáo dục 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo cụ thể thực hiện quy trình đào tạo kết hợp: 3 năm (tại trường cao đẳng sư phạm địa phương) 1 năm (tại trường đại học sư phạm trọng điểm).
Mô hình đào tạo này hiện nay đang được nhiều nước áp dụng và được xem như một giải pháp quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng học tập cho học sinh ở các vùng khó khăn.
Còn đối với hệ thống trường đại học địa phương thì Tiến sĩ Lê Viết Khuyến khẳng định, Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay luôn coi trọng hệ thống giáo dục địa phương nói chung và hệ thống giáo dục đại học địa phương nói riêng và xem giáo dục địa phương là một bộ phận không thể thiếu được của hệ thống giáo dục quốc gia, cũng giống như vai trò của “3 thứ quân” trong chiến lược chiến tranh nhân dân của Đảng ta.
Cho dù chúng ta tạm thời đang gặp khó khăn về kinh tế nhưng không phải vì thế mà một số địa phương phải “hy sinh ” đứa con của mình là trường đại học địa phương.
Video đang HOT
Trường đại học địa phương là trường đại học của địa phương, được thành lập để phục vụ cho nhu cầu đào tạo nhân lực và dân trí của cộng đồng địa phương, do đó phải được cộng đồng người dân địa phương nuôi dưỡng bằng khoản trích ra từ tiền thuế do chính họ đóng góp cho chính quyền địa phương .
Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm duy trì và hỗ trợ cho các trường địa phương của mình để chúng thực hiện đúng sứ mệnh đặt ra khi thành lập.
Trong trường hợp địa phương gặp khó khăn về ngân sách đầu tư, lãnh đạo địa phương có thể cân nhắc giảm quy mô hoạt động của trường, cũng có thể vận dụng các giải pháp về xã hội hóa giáo dục để tìm kiếm thêm các nguồn lực mới cho phát triển nhà trường; tuyệt đối không nên chọn giải pháp giải thể hoặc chuyển loại hình, sứ mạng của trường.
Việc hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường địa phương không nhất thiết phải dùng hình thức sáp nhập vào trường trọng điểm, mà có thể chọn các hình thức khác, thí dụ như hình thành các cụm trường liên kết trên cùng địa bàn để hỗ trợ lẫn nhau (như Ngành ta đã đề xuất tại Hội nghị đại học toàn quốc Tháng 8/1993) và triển khai Quy trình đào tạo mới, nhằm khai thác tối đa sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống giáo dục đại học có trên địa bàn.
Từng bước sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và cao đẳng trong cả nước:
Những năm gần đây, ngành đại học nước ta nổi bật lên sự cần thiết và cấp bách của việc sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và cao đẳng trong cả nước, mà phần lớn những trường này đều có quy mô đào tạo dưới chỉ tiêu kinh tế.
Kinh nghiệm nhiều nước Châu Á cho thấy chi phí đào tạo cho mỗi sinh viên ở các trường đại học có số lượng sinh viên dưới 2.000 có thể gấp rưỡi so với các trường đại học có quy mô trên 4.000 sinh viên.
Tuy nhiên, vấn đề này đang vấp phải những trở ngại nhất định. Vì vậy, trước mắt, sự đề xuất và thực hiện những cơ chế để các trường đại học và cao đẳng có thể tự nguyện liên kết với nhau trong đào tạo, hình thành các cụm trường (bao gồm các trường khác lĩnh vực, khác cấp) có thể là một trong những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy sự xuất hiện một mạng lưới mới, hợp lý và năng động hơn.
Trong mỗi cụm trường như vậy sẽ có sự phân công lại nhiệm vụ đào tạo của từng trường theo mỗi giai đoạn, trên cơ sở phát huy hết công suất đào tạo của toàn cụm và nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường trong mỗi cụm có thể phối hợp với nhau để đào tạo những chương trình liên môn.
Hạt nhân của các cụm trường trên có thể là các trường trọng điểm quốc gia – những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học có chất lượng cao trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tức là đạt trình độ quốc tế, có khả năng đào tạo những chuyên gia khoa học kỹ thuật và công nghệ bậc cao, có khả năng giao lưu và hợp tác quốc tế có hiệu quả và từ đó nền đại học Việt Nam có thể từng bước hòa nhập với nền đại học của khu vực và thế giới.
Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư ngân sách, trang thiết bị, tăng thêm quyền chủ động cho các trường trọng điểm quốc gia và những trường nằm trong cụm liên kết.
Ngân sách đầu tư cho giáo dục trong những năm qua mặc dù có tăng nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của cả ngành, do đó Bộ chủ trương sắp tới sẽ chuyển dần những trường đại học không nằm trong các cụm liên kết sang cơ chế bán công, hoạt động dựa chủ yếu trên kinh phí lấy từ các nguồn thu ngoài nhà nước, hoặc từ các nguồn kinh phí riêng của ngành, của địa phương và của các doanh nghiệp …
(Trích : Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị Hiệu trưởng đại học và cao đẳng toàn quốc tháng 8/1993
Rất nhiều nguy cơ đang bủa vây trường cao đẳng sư phạm, đại học địa phương
Hiện nay các trường cao đẳng sư phạm địa phương đang gặp phải những khó khăn rất lớn, có nguy cơ bị giải thể.
Theo Luật Giáo dục 2019 tại các địa phương (Tỉnh/Thành phố trực thuộc Trung ương) hiện chỉ có 2 loại hình cơ sở giáo dục đại học địa phương là trường cao đẳng sư phạm địa phương và trường đại học địa phương (đều do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý).
Các trường cao đẳng khác thuộc Giáo dục nghề nghiệp, do Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội quản lý.
Tại Việt Nam, hệ thống các trường cao đẳng sư phạm được hình thành từ rất lâu (gần 60 năm), trực thuộc chính quyền địa phương và được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, đáp ứng yêu cầu của địa phương.
Trong khi đó, các trường đại học sư phạm trước đây chỉ đào tạo giáo viên trung học phổ thông và một số năm gần đây mới được giao thêm nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở trình độ đại học với số lượng hạn chế.
Tuy nhiên, hiện nay các trường cao đẳng sư phạm địa phương đang gặp phải những khó khăn rất lớn, có nguy cơ bị giải thể.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) chỉ ra một số nguyên nhân rằng:
Thứ nhất, do sự thay đổi trình độ chuẩn của giáo viên phổ thông theo Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 nên chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở (nguồn tuyển sinh chính của trường cao đẳng sư phạm trước đây) bị cắt chuyển hẳn cho khoảng 10 trường đại học sư phạm trong khi hầu hết các trường này lại chưa có bề dày kinh nghiệm trong việc đào tạo các loại giáo viên đó.
Nhiều năm nay Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh (ảnh: Báo Gia Lai)
Thứ hai, do định hướng quy hoạch hệ thống trường sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên một số trường cao đẳng sư phạm địa phương đã được sáp nhập vào các trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia.
"Đây là một sự gán ghép khiên cưỡng giữa các trường khác đẳng cấp, gây thiệt thòi lớn cho những trường địa phương có đẳng cấp thấp hơn khi phải chấp nhận tiêu chuẩn của trường đẳng cấp cao hơn trong việc bố trí sử dụng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý", ông Khuyến nói.
Thứ ba, ở một số địa phương trường cao đẳng sư phạm sau khi đã teo tóp do bị cắt giảm nhiệm vụ (chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non) có khả năng trở thành một khoa trong trường dạy nghề, chịu sự điều chỉnh theo hướng "nghề hóa" như chỉ đạo hiện nay của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Từ các nguyên nhân trên, qua khảo sát thực tế, có thể thấy nguy cơ tiêu vong hệ thống trường sư phạm địa phương -một hệ thống sư phạm đã được xây dựng và tồn tại từ gần 60 năm qua- là rõ ràng.
Còn về các trường đại học địa phương, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, trong thời gian vừa qua, có một hiện tượng rất đáng lo ngại là xu hướng lãnh đạo ở không ít địa phương đang cố gắng vận động sáp nhập trường đại học của địa phương mình vào một số đại học trọng điểm quốc gia để hy vọng các trường này được trở thành trường thành viên của các đại học đó.
Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đây là một động thái rất nguy hiểm, có thể dẫn đến nguy cơ làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống giáo dục đại học đất nước.
Kinh nghiệm thế giới cũng như thực tiễn Việt Nam nhiều năm qua cho thấy một nền giáo dục đại học tốt cần có sự phân tầng, một nền giáo dục đại học phân tầng hoàn toàn không thừa nhận những cơ sở giáo dục đại học chất lượng thấp.
Phân tầng ở đây chỉ có nghĩa là chấp nhận sự đa dạng về sứ mệnh của các trường đại học. Trên thế giới phân tầng giáo dục đại học chủ yếu nhằm 2 mục đích:
Một là, thực hiện sự phân cấp quản lý hợp lý đối với hệ thống giáo dục đại học nhằm khắc phục những hạn chế của một hệ thống giáo dục tập trung cồng kềnh vốn là sản phẩm của thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp .
Hai là, mở ra sự công bằng hơn trong giáo dục đại học, tạo thuận lợi cho các vùng miền có mức độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, nhất là ở những địa phương kinh tế-xã hội còn chậm phát triển, sớm đạt được sự phát triển đồng đều nhờ có nguồn nhân lực trình độ cao bám sát nhu cầu đặc thù của chính địa phương đó, do người dân của địa phương đó có thêm cơ hội thuận lợi được tiếp cận với giáo dục đại học .
Do đó, việc sáp nhập các trường đại học địa phương vào các đại học trọng điểm quốc gia về hình thức theo một số người được xem là một giải pháp quan trọng góp phần nâng cao đẳng cấp và năng lực tài chính cho các trường này (vốn hiện đang gặp khó khăn về nguồn lực huy động) nhưng trên thực tế điều kỳ vọng đó sẽ không đạt được, thậm chí còn làm cho các trường địa phương dễ có nguy cơ bị tiêu vong hơn.
Theo đó, Tiến sĩ Khuyến minh chứng:
Một là, việc đưa trường đại học địa phương trở thành một trường thành viên của đại học trọng điểm quốc gia là một sự hợp nhất khiên cưỡng do hai loại trường này có sứ mệnh khác nhau, chuẩn mực kiểm định khác nhau, cơ cấu trình độ nhân lực khác nhau; nói khác đi, có đẳng cấp khác nhau.
Do đó khi trở thành trường thành viên của đại học trọng điểm quốc gia trường đại học địa phương để được mang thương hiệu đẳng cấp quốc gia thì buộc phải xem xét lại nhiệm vụ của mình, kiện toàn lại trình độ đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, đổi mới trang thiết bị và cơ sở vật chất, thay đổi lại ngành nghề và chương trình đào tạo, trong khi trường đại học địa phương còn chưa phù hợp trước những thay đổi như vậy.
"Tôi được biết hiện nay trên thế giới không hề có kiểu gán ghép trường như vậy", chuyên gia này nhấn mạnh.
Hai là, trong một đại học đa lĩnh vực trọng điểm quốc gia, các trường thành viên đều là những trường chuyên ngành, trong khi trường đại học địa phương vốn là trường đa lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực đa dạng chủ yếu phục vụ nhu cầu địa phương.
Ba là, khi trường đại học địa phương trở thành thành viên của đại học trọng điểm quốc gia thì sứ mệnh phục vụ nhu cầu đa dạng về nguồn nhân lực trình độ cao cho chiến lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và để giúp cho người dân của địa phương được thêm cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học sẽ không còn nữa. Đây là một thiệt thòi lớn cho cộng đồng người dân tại địa phương.
Hiện nay một số tỉnh đang gặp khó khăn trong việc huy động ngân sách hoạt động cho các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập tại địa phương , trong đó có các trường đại học địa phương.
Do đó, xuất hiện xu hướng muốn sáp nhập trường đại học địa phương vào các đại học trọng điểm quốc gia để hy vọng các đại học này sẽ hổ trợ giúp nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học, đồng thời cung cấp ngân sách dồi dào cho các trường đại học địa phương.
Tuy nhiên thông qua thực tế đã và đang diễn ra hiện nay, các trường địa phương đã sáp nhập hầu như không nhận được sự hổ trợ về ngân sách từ các đại học trọng điểm quốc gia trong khi lại phải thay đổi sứ mệnh, chương trình đào tạo, cơ cấu nhân lực ... cho phù hợp với sứ mệnh mới của mình .
Ở một số nơi có tình trạng trường "thành viên địa phương" còn phải có nghĩa vụ đóng góp cho "trường mẹ".
Thực hiện kế hoạch hoạt động của Hiệp hội trong năm 2020, ngày 8/10, thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường cao đẳng sư phạm đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "Đào tạo, Bồi dưỡng giáo viên và nhiệm vụ của trường cao đẳng sư phạm".
Không ai "ghép" trường đại học địa phương vào trường trọng điểm quốc gia cả! Người ra thường sáp nhập cùng đẳng cấp chứ không ai đi "ghép" khác đẳng cấp, ví như nếu ghép giống lúa chất lượng cao với giống lúa đại trà thì hỏng bét. Theo Luật Giáo dục 2019 tại các địa phương (tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương) hiện chỉ có 2 loại hình cơ sở giáo dục đại học địa phương là...