Chuyên gia “hiến kế” dựng điểm sàn
Năm 2013, Bộ GD-ĐT quyết định thay đổi cách xác định điểm sàn theo hướng đơn giản, dễ chấp nhận. Nhiều chuyên gia giáo dục đã cùng nhau hiến kế phương án xây dựng điểm sàn mới.
TS Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM): Phải tính tổng điểm 3 môn của một thí sinh
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, bậc ĐH tuyển được 88%, CĐ 70%, TCCN 63%. Vậy thí sinh đi đâu? Điều đó chứng tỏ hoặc điểm sàn quá cao hoặc chỉ tiêu đặt ra quá cao. Điểm sàn cao thì vô lý vì nếu thí sinh không đậu ĐH, CĐ phải vào TCCN, nhưng thực tế cả ba bậc học đều tuyển không đủ. Có lẽ vấn đề nằm ở chỗ các trường xác định chỉ tiêu cao quá. Các trường phải tự điều chỉnh lại.
Thật ra điểm sàn của những năm trước cũng có các tiêu chí xác định nhất định, nhưng liệu điểm sàn đó có quá cao và có tác dụng phân luồng? Chúng ta muốn phân luồng học sinh vào các bậc học khác nhau, đặc biệt là bậc học nghề nhưng tuyển sinh cho bậc TCCN, hệ nghề vẫn thiếu. Như vậy cần nhìn lại cách xác định điểm sàn.
Theo đề xuất của Bộ GD-ĐT xác định điểm sàn theo điểm bình quân ba môn thi. Thống kê của những năm trước điểm bình quân ba môn thi của từng khối thi sẽ thấp hơn các mức điểm sàn đang xác định. Liệu điều này có ảnh hưởng phân luồng học sinh hay không? Hiện nay mức điểm sàn cao hơn điểm bình quân ba môn thi mà hệ TCCN không tuyển đủ, nếu xác định điểm sàn ba môn thi chắc chắn sẽ thấp hơn. Điều này có tác động đến tuyển sinh TCCN không?
Cần xác định điểm bình quân ba môn thì phải tính tổng điểm ba môn của một thí sinh mới chính xác. Nếu xác định theo cách này, số thí sinh từ mức điểm sàn trở lên theo mức điểm bình quân ba môn thi sẽ là 50% trở lên, tăng được nguồn tuyển cho các trường ĐH (trong khi hiện nay chỉ khoảng 40%).
Theo các chuyên gia, cần có hai mức điểm sàn khác nhau để tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh cũng như giúp các trường tuyển sinh thuận lợi hơn.
Video đang HOT
PGS.TS Đặng Kim Vui (giám đốc ĐH Thái Nguyên): Cần điểm sàn riêng cho trường không hấp dẫn
Tham gia hội đồng điểm sàn của bộ, chúng tôi thường tính điểm sàn dựa trên thống kê về điểm thi của thí sinh với căn cứ cơ bản nếu lấy điểm sàn từ mức nhất định nào đó trở lên thì số thí sinh trúng tuyển là bao nhiêu và số chưa trúng tuyển dư ra dự báo có thể lấp đầy chỉ tiêu chưa tuyển được của các trường. Việc tính toán này cho thấy số dư trên điểm sàn rất lớn, thừa đáp ứng chỉ tiêu chưa đủ. Song thực tế nhiều thí sinh dự thi cùng khối nhưng lại không chuyển ngành học, không dịch chuyển địa lý dẫn đến khó khăn tuyển sinh ở nhiều trường.
Bộ muốn đổi mới việc xác định điểm sàn thì điều quan trọng và nên làm là xác định điểm sàn theo từng khu vực. Vẫn biết học sinh các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đã được cộng điểm ưu tiên khu vực, nhưng điều này chưa đủ khi trình độ học sinh, điều kiện học tập ở các vùng miền khác nhau không thể giống nhau được. Ngay tại ĐH Thái Nguyên, số lượng thí sinh dự thi rất lớn, có đến hơn 50.000 lượt thí sinh dự thi/năm, nhưng số đạt trên điểm sàn của bộ chỉ được khoảng 10%.
Theo tôi, bộ nên đặt ra hai mức điểm sàn: một mức điểm sàn như mọi năm vẫn xây dựng và mức điểm sàn cho những trường không hấp dẫn, những học sinh khó khăn. Tuy nhiên, với những trường được thụ hưởng mức điểm sàn ưu tiên cũng phải quy định rất rõ điểm sàn đó chỉ áp dụng cho những ngành khó tuyển, những ngành cần nhu cầu nhân lực như nông lâm, cơ khí, kỹ thuật… Với các ngành kinh tế, sư phạm đang được cảnh báo dư thừa thì ngay ở những trường ĐH địa phương, trường khó khăn cũng không thể áp mức điểm sàn thấp hơn bình thường được.
Ông Lê Viết Khuyến (nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT): Phổ điểm phải chuẩn mới dễ xác định điểm sàn
Xác định điểm sàn rất dễ nếu phổ điểm chuẩn, tức số điểm tập trung nhiều nhất ở mức 5 điểm/môn. Tuy nhiên, nếu phổ điểm lệch chuẩn thì cần tính có cần thiết phải đặt ra điểm sàn nữa hay không?
Trường hợp Bộ GD-ĐT vẫn muốn giữ điểm sàn thì cần thống nhất lấy điểm sàn ít nhất từ đỉnh của phổ điểm. Muốn vậy, bộ phải công khai phổ điểm để xã hội đánh giá được chính xác mức độ khó, dễ của đề. Phổ điểm chuẩn là đề thi chuẩn, phổ điểm lệch chuẩn thì đề thi không chuẩn.
Trong nhiều năm tổng điểm ba môn thi của phần lớn thí sinh chỉ rơi vào 7-8/30, nhưng điểm sàn được bộ chọn lại dao động từ 13-15 là chưa hợp lý. Theo tôi, nguyên nhân chính là đề thi của bộ hằng năm thường chưa chuẩn, năm khó năm dễ, môn khó môn dễ. Chỉ cần nhìn vào phổ điểm ở các môn thi là đủ thấy sự chưa khách quan và chưa chuẩn của phần lớn đề thi do bộ chuẩn bị trong nhiều năm qua.
Theo tôi, dù xác định điểm chuẩn theo cách nào thì bộ cũng phải làm “trọng tài” để ngoài việc đưa ra mức điểm sàn tối thiểu cần xác định điểm sàn lấy theo vùng miền, theo đẳng cấp các trường. Hiện nay các trường ĐH lớn, ĐH trung ương cũng lấy điểm chuẩn bằng ngưỡng sàn là không được. Trường đã nhận danh hiệu trường trọng điểm, trường ĐH quốc gia thì phải lấy điểm chuẩn cao hơn bình thường để giữ thương hiệu. Luật giáo dục ĐH đã phân tầng rất rõ nên không thể áp mức điểm sàn chung cho tất cả.
TS Nguyễn Văn Phúc (hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế miền Đông): Phải xác định hai mức điểm sàn
Điểm sàn là mức điểm tối thiểu thí sinh phải đạt mới được học ĐH. Nhưng phải có các loại ĐH khác nhau với mức điểm sàn khác nhau theo sự phân tầng ĐH. Theo đó, các trường thuộc ĐH Quốc gia, ĐH trọng điểm đào tạo nhân tài cho đất nước cần phải xác định mức điểm sàn rất cao. Loại trường ĐH còn lại thực hiện nhiệm vụ đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội có mức điểm sàn khác phù hợp.
Để thực hiện việc này đề thi phải thiết kế gồm có tính phân loại thí sinh cao, yêu cầu cấu trúc đề thi phải có ba phần điểm: 50-60% học sinh trung bình làm được, 20% dành cho học sinh khá và 10% dành cho học sinh giỏi, xuất sắc. Nếu thực hiện tốt điều này, việc xác định điểm sàn theo hai mức nêu trên sẽ thuận lợi hơn.
Theo Trần Huỳnh – Ngọc Hà (Tuổi Trẻ)
Đổi mới tuyển sinh: Cải tiến không đúng chỗ
Siết chặt liên thông, thí điểm tự chủ học phí theo khối ngành, "thả cửa" tuyển sinh khối nghệ thuật, xem xét hạ điểm sàn ngành khó tuyển... là hàng loạt những cải tiến mà Bộ GDĐT áp dụng trong mùa tuyển sinh năm 2013.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục không kỳ vọng đó là những biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, bởi các biện pháp đó chỉ siết đầu vào trong khi đáng lẽ phải lo quản chất lượng đầu ra. Phóng viên trao đổi với GS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.
Theo GS Trần Hồng Quân, nâng cao chất lượng giáo dục đại học phải chú trọng vào khâu đào tạo chứ không phải ở khâu tuyển sinh
Một trong những cải tiến của Bộ GDĐT đang làm nóng dư luận trong thời gian qua là việc áp dụng thi như ĐH đối với hệ CĐ muốn học liên thông. Theo ông, quyết định này có thể "siết" được chất lượng đào tạo liên thông như Bộ mong muốn hay không?
- Thực tế, đã có rất nhiều dư luận xung quanh chất lượng đào tạo của hệ này, cũng đã có nhiều đơn vị lợi dụng liên thông để làm kinh tế. Tuy nhiên, cách làm của Bộ vẫn chỉ là biện pháp đối phó, cực đoan, nếu không muốn nói là rất lãng phí. Một sinh viên đã trải qua 3 năm học CĐ muốn liên thông lại phải thi lại kiến thức 3 môn phổ thông thì đúng là thách đố. Sẽ chẳng có sinh viên nào dám liều để đi đường vòng nữa mà xu hướng sẽ là "sống chết" để vào bằng được ĐH.
Hợp lý hơn, Bộ GDĐT có thể kiểm tra, thanh lọc quá trình đào tạo, điều kiện của các trường có đào tạo liên thông và thẩm định đầu ra cho hệ này, nếu không đủ "chuẩn" thì không được trao bằng ĐH. Có như vậy mới hiệu quả lâu dài.
Bộ GDĐT cũng vừa "trao" cho các trường nghệ thuật tự chủ về tuyển sinh, trong đó có việc miễn thi môn văn hoá. GS đánh giá thế nào về động thái này?
- Trả lại tự chủ trong tuyển sinh cho khối trường nghệ thuật là hoàn toàn hợp lý rồi. Quan trọng là việc quản lý như thế nào cho rõ ràng, minh bạch và tránh tiêu cực thôi. Thực tế, tuyển sinh "3 chung" của Bộ GDĐT đã không còn phù hợp nữa, đặc biệt là ở khối ngành nghệ thuật. Quy định cứng về môn thi, thời gian thi không thoả mãn được các tiêu chí mà những ngành đặc thù cần có trong quá trình đào tạo và thực hành sau khi ra trường. Khối ngành này rất cần được tự chủ về tuyển sinh... Bộ chỉ nên quản lý đầu ra mà thôi.
GS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập
Sắp tới, Bộ GDĐT sẽ đưa vào chương trình thí điểm tự chủ học phí và coi đó là một biện pháp hạn chế chỉ tiêu những ngành dư thừa nhân lực. GS có e ngại chủ trương này sẽ hình thành ngành học cho người giàu và người nghèo trong tương lai?
- Nếu Bộ GDĐT coi đây là cách làm giảm chỉ tiêu tuyển sinh các khối ngành dư thừa là chưa hợp lý, thậm chí nó còn làm tăng thêm nhu cầu đầu vào các ngành này. Có thể thấy được rằng, hiện nay hầu hết các trường ngoài công lập đều đào tạo các khối ngành kinh tế, tài chính, quản trị, ngân hàng... mà các khối ngành này học phí thường cao nhất và sinh viên phải đóng hoàn toàn 100% kinh phí đào tạo. Tuy nhiên, lượng sinh viên thi vào các ngành này chưa bao giờ giảm, ngay cả khi có "báo động" về dư thừa nhân lực.
Mặt khác, nếu trong hệ thống trường công lập mà lại hình thành 2 hình thức đào tạo có bao cấp và không bao cấp với cùng một đối tượng sinh viên như nhau sẽ tạo thành sự mất công bằng trong học tập. Điều này sẽ dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh trong tương lai, chưa kể đến sự "kỳ thị" ngành nghề theo kiểu ngành cho người giàu và ngành cho người nghèo.
Vậy theo ông, cách nào có thể cân bằng được nhu cầu nhân lực ngành nghề mà vẫn giữ được sự công bằng về nhu cầu học tập cho tất cả đối tượng sinh viên?
- Bộ GDĐT cần xây dựng các dự báo nhân lực hàng năm thật cụ thể và chặt chẽ, công khai cho xã hội biết về nhu cầu nhân lực trong 5 - 10 năm tiếp theo để xã hội tự định hướng. Ví dụ vừa qua ngành GDĐT Phú Yên đã thông báo về việc hiện đang dư thừa 1.000 cử nhân sư phạm mới ra trường, với sự công khai này chắc chắn trong 5 năm tới sẽ rất ít thí sinh ở Phú Yên chọn thi vào ngành sư phạm nữa.
Mùa tuyển sinh năm 2012 đã đánh dấu bằng sự thất bại của rất nhiều cải tiến như: Kéo dài thời gian tuyển sinh, không áp dụng Điều 33 rồi sau đó lại cho hạ điểm chuẩn những ngành, khu vực khó tuyển sinh... Cần làm gì để những cải tiến trong năm nay không đi vào vòng luẩn quẩn?
- Nói một cách chung nhất, hệ quả cho tất cả những thất bại này là ở chỗ Bộ GDĐT vẫn chỉ loanh quanh trong các biện pháp nhằm siết đầu vào: Tự chủ học phí theo ngành, tự chủ tuyển sinh khối trường nghệ thuật, siết liên thông, kéo dài thời gian tuyển sinh, cho hạ điểm sàn ngành khó tuyển.... Nhưng cái quan trọng nhất, mấu chốt nhất cho chất lượng giáo dục lại không phải ở đầu vào mà nó là quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra. Anh dạy cái gì? Dạy như thế nào? Chuẩn đầu ra của anh đảm bảo ra sao... đó mới chính là các câu hỏi cần Bộ tìm câu trả lời.
Bộ không nên tiếp tục cải tiến, cải lùi một cách nhất thời như vậy nữa mà nên tập trung làm sao tổ chức được một kỳ thi tốt nghiệp THPT cho thật hiệu quả, đúng nghĩa. Từ đó, lấy kết quả của kỳ thi này làm ngưỡng để các trường tự chủ tuyển sinh đầu vào. Theo hướng đó, trường nào cạnh tranh nhiều, trường đó sẽ thi tuyển, trường nào ít cạnh tranh thì sẽ chọn biện pháp xét tuyển. Hiện nay, Bộ cũng đã đồng ý cho rất nhiều trường có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam thực hiện theo hướng này, Trường ĐH FPT cũng đã làm rất nhiều năm nay rồi và vẫn hiệu quả, vậy tại sao không thể áp dụng đại trà?
Tôi được biết, sắp tới, trong Hội nghị tuyển sinh năm 2013, các trường ĐH, CĐ sẽ có những kiến nghị về việc thực hiện đúng Luật Giáo dục ĐH đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, trong đó có tự chủ tuyển sinh, tự chủ trong xét tuyển...
Xin cảm ơn Giáo sư!
Theo Tùng Anh (Dân Việt)
Lúng túng khi dạy học kiểu tích hợp Lối dạy tích hợp ở phổ thông được nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá cao, vì phương pháp này giúp cung cấp đủ kiến thức, kỹ năng cho học sinh (HS). Tuy nhiên, khi vận dụng, nhiều giáo viên còn lúng túng và mang tính đối phó. Tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư...