Chuyên gia gợi ý cách sắp xếp nguyện vọng dễ trúng tuyển nhất
Mỗi thí sinh chỉ có một lần duy nhất được thay đổi nguyện vọng nên việc sắp xếp ra sao giữa các ngành với thứ tự nguyện vọng là điều rất quan trọng.
Trước thực tế này, TS Lê Chí Thông – trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa TP.HCM – đã có lời khuyên cho thí sinh.
Ví dụ, một thí sinh đạt 22 điểm vẫn có thể đăng ký như sau:
- NV1 vào ngành có điểm chuẩn năm ngoái là 24.
- NV2 vào ngành có điểm chuẩn năm ngoái là 23.
- NV3 vào ngành có điểm chuẩn năm ngoái là 22.
- NV4 vào ngành có điểm chuẩn năm ngoái là 21.
- NV5 vào ngành có điểm chuẩn năm ngoái là 20.
- NV6 vào ngành có điểm chuẩn năm ngoái là 19…
Thí sinh dự thi THPT quốc gia.
Video đang HOT
Điều quan trọng phải lưu ý khi điều chỉnh nguyện vọng:
- Phải đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ngành yêu thích và trường yêu thích, vì nếu nguyện vọng cao hơn đã trúng tuyển thì các nguyện vọngthấp hơn sẽ không được xét trúng tuyển cho dù thí sinh có mức điểm cao hơn điểm chuẩn.
- Phải chọn đúng ngành yêu thích, đừng vì trường yêu thích mà cố gắng chọn ngành dễ đậu nhưng lại không muốn học sau này.
- Phải có ít nhất 1 nguyện vọng có mức điểm chuẩn năm ngoái thấp để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.
“Nếu điểm trúng tuyển ngành không phân biệt tổ hợp môn xét tuyển (như ĐH Bách Khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM), thí sinh phải điều chỉnh để chọn tổ hợp môn có tổng điểm cao nhất. Nếu điểm trúng tuyển ngành có phân biệt theo tổ hợp môn xét tuyển (có một số trường quy định như vậy, cần xem thông tin trên trang web tuyển sinh của trường và trang thituyensinh.vn để biết), thí sinh nên điều chỉnh theo cách dùng 2 (hoặc nhiều hơn) nguyện vọng, mỗi nguyện vọng dùng 1 tổ hợp môn thi khác nhau”, ông Thông nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thông, điểm trúng tuyển là điểm của thí sinh thấp nhất trong danh sách thí sinh trúng tuyển theo số lượng chỉ tiêu đã quy định.
“Như vậy, thông thường các trường xác định danh sách thí sinh trúng tuyển theo số lượng chỉ tiêu đã quy định, rồi từ đó thông báo điểm trúng tuyển. Điểm trúng tuyển sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố: số chỉ tiêu của ngành, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành và mức điểm của các thí sinh này.
Các trường đại học xác định điểm trúng tuyển không phụ thuộc thứ tự nguyện vọng (tuy nhiên thứ tự nguyện vọng là quan trọng đối với thí sinh)”, ông Thông nói.
Ông Thông ví dụ thí sinh A đạt 26 điểm và đăng ký ngành Khoa học máy tính ở nguyện vọng 1 và đăng ký ngành Điện – Điện tử ở nguyện vọng 2, thí sinh B cũng đạt 26 điểm nhưng đăng ký ngành Điện – Điện tử ở nguyện vọng 1 và ngành khoa học máy tính ở nguyện vọng 2.
Nếu điểm trúng tuyển ngành Khoa học máy tính là 26 điểm và ngành Điện – Điện tử là 27 điểm thì cả 2 thi sinh A và B đều trúng tuyển ngành Khoa học máy tính.
Nếu điểm trúng tuyển ngành Khoa học máy tính là 26 điểm và ngành Điện – Điện tử là 25 điểm thì thi sinh A trúng tuyển ngành Khoa học máy tính và thí sinh B trúng tuyển ngành Điện – Điện tử.
Theo Nguyễn Dũng / Tiền Phong
Không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng
Năm 2017, lần đầu tiên thí sinh không bị giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký vào các ngành, trường mình mong muốn. Tuy nhiên, thí sinh cần cân nhắc, không nên đăng ký tràn lan.
Để tạo điều kiện cho thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định các em đăng ký nguyện vọng trước khi thi và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi.
Tính toán kỹ lưỡng
Nói thêm về quy định mới này, ngày 12/2, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng tuy thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, các em phải tính toán thật kỹ.
Thí sinh phải xác định được đam mê của mình và phải tìm hiểu kỹ về ngành, trường mà mình mong muốn theo học; không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng.
Theo ông Nghĩa, việc điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi là yếu tố phụ trợ để thí sinh có thể đăng ký lại cho phù hợp nếu trước đó đã đăng ký vào các ngành, trường vượt quá sức của mình.
Khi đăng ký dự thi sẽ có phiếu đăng ký xét tuyển đi kèm. Thí sinh phải trả lời "có" đăng ký xét tuyển; nếu nguyện vọng ban đầu không phù hợp thì sau khi có kết quả, các em có thể điều chỉnh nguyện vọng. Thí sinh đánh dấu "không" hoặc để trống, khi có kết quả thi sẽ không được điều chỉnh nguyện vọng.
Thí sinh tìm hiểu thông tin vào ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Người Lao Động.
Liên quan bài thi tổ hợp lần đầu tiên được đưa ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 khiến thí sinh còn nhiều bỡ ngỡ, ông Nghĩa cho biết có hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh) và Khoa học xã hội (Sử - Địa - Giáo dục công dân).
Mỗi bài thi có 3 môn độc lập, mỗi môn thi có 40 câu, thời gian làm trong 50 phút. Thí sinh thi lần lượt từng môn. Sau khi làm xong bài thi trước, giáo viên sẽ thu đề và phát đề môn thi khác. Thí sinh làm tất cả bài thi trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm, tương ứng môn đầu từ câu số 1-40, môn 2 từ câu 41-80, môn 3 từ câu 81-120.
Giải thích về thời gian nghỉ giữa các môn trong bài thi tổ hợp, ông Nghĩa cho biết môn thi đầu tiên, thí sinh có 10 phút rà soát đề thi. Sau đó, thí sinh làm bài trong 50 phút.
Hết 50 phút này, giáo viên thu lại đề trong 10 phút, sau đó sẽ phát đề thi mới và thí sinh có 10 phút để rà soát. Như vậy, thí sinh có thời gian nghỉ giữa 2 đề thi là 20 phút.
Kết quả thi sẽ gồm điểm thi từng môn thành phần và điểm trung bình tổ hợp. Thí sinh cần lưu ý nếu điểm thi một trong các môn thành phần của bài thi tổ hợp bị liệt, từ 1 điểm trở xuống, thì sẽ trượt tốt nghiệp.
Thi thử trên Cổng luyện thi quốc gia
Để thí sinh đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia, Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đã cập nhật nhiều thông tin trên Cổng luyện thi quốc gia tại địa chỉ http://thiquocgia.vn.
Cổng luyện thi này đã bổ sung đầy đủ ngân hàng đề cho cả 8 môn trắc nghiệm với định dạng đề thi bám sát cấu trúc đề mẫu mà Bộ GD&ĐT đã công bố; giúp thí sinh có thể luyện thi và thi thử 8 môn trắc nghiệm là Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân và Tiếng Anh.
NXB Giáo dục cho hay toàn bộ nội dung đều do hội đồng cố vấn chuyên môn - gồm các giáo viên, đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm - biên tập và hiệu đính, bám sát chương trình và cập nhật theo những điều chỉnh mới nhất của Bộ GD&ĐT.
Các kỳ thi thử được tổ chức đều đặn hàng tuần từ tháng một đến tháng 6 với đề thi chung, giúp học sinh được trải nghiệm cảm giác giống thi thật khi phải hoàn thành bài đúng thời gian quy định và chỉ biết được đáp án sau khi kỳ thi kết thúc.
Qua việc thi thử này, học sinh có thể so sánh kết quả tương quan để nắm được năng lực thực tế của mình, từ đó đưa ra quyết định tốt nhất trong kỳ thi THPT quốc gia.
Cổng luyện thi cũng tự động đưa ra những chỉ dẫn ôn tập thông qua phân tích kết quả bài làm của học sinh, giúp các em lấp các lỗ hổng kiến thức nhanh và hiệu quả.
Theo Yến Anh / Người Lao Động