Chuyên gia giáo dục lên tiếng về khuyến nghị tăng học phí Đại học
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng nhóm đối thoại giáo dục, trong đó có GS Ngô Bảo Châu.
Nhóm Đối thoại Giáo dục (VED) gồm nhiều chuyên gia GD tâm huyết trong và ngoài nước mới đây đưa ra những khuyến nghị về cải cách giáo dục ĐH nước ta, trong đó cho rằng không nên kéo mức học phí xuống thấp mãi. Theo VED, giữ mức học phí thấp để người nghèo có thể tiếp cận cánh cổng vào ĐH là một chủ trương sai lầm, thay vì tạo ra công bằng thì chính điều này đang kìm hãm sự phát triển của hệ thống ĐH trong nước. Khuyến nghị này nhận được phản hồi gì từ các chuyên gia GD trong nước?
Sai lầm hay công bằng xã hội?
Theo quan điểm của VED, tài chính của hệ thống GD ĐH VN đang đối mặt với ba vấn đề lớn là thiếu kinh phí, bất bình đẳng và thiếu tự chủ. Cụ thể, mức đầu tư của nhà nước cho các trường công còn rất thấp. Số liệu của WB năm 2010 cho thấy, đầu tư cho GD ĐH của VN chiếm 14% đầu tư của ngân sách nhà nước cho giáo dục. So với GDP thì tỉ lệ đầu tư công cho GD ĐH chỉ 0,9%.
Video đang HOT
Chủ trương của VN hiện nay là giữ học phí thấp để người nghèo có thể tiếp cận. Tuy nhiên, VED cho rằng cách tiếp cận này là sai lầm và nó có thể dẫn đến bất bình đẳng hơn vì học phí thấp làm cho các trường không có đủ nguồn thu để cấp học bổng cho SV nghèo. Học phí thấp dẫn đến đa số nguồn lực của trường phải dựa vào ngân sách nhà nước. Vì vậy, chỉ SV từ gia đình khá giả mới đi học đại học được, và chi phí đào tạo các SV này lại được nhà nước bao cấp là chủ yếu. Các giải pháp gồm chương trình học bổng và quỹ tín dụng cho SV nghèo, theo VED không giải quyết được vấn đề.
Thực tế, nguồn học bổng quá thấp, không đủ trang trải chi phí, trong khi quỹ tín dụng lại quá hạn hẹp, khó tiếp cận. Mặc dù đã có thí điểm về tự chủ ĐH, trong đó có tự chủ thu và chi, song một số trường như ĐH Ngoại thương, ĐH Hà Nội vẫn bị hạn chế rất nhiều về phần “chi”. Nhiều trường còn nhiều thói quen ỷ lại, chờ bao cấp từ phía nhà nước. Đề xuất của VED là cần ưu tiên ba lĩnh vực: Tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống đại học, bao gồm cả tài trợ từ ngân sách lẫn đóng góp, giao tự chủ tài chính cho các đại học và thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường. Tăng tự chủ không có nghĩa là Nhà nước giảm hỗ trợ cho giáo dục đại học mà cần ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này, nhất là ưu tiên đầu tư về nghiên cứu khoa học, vì đây là đối tượng đầu tư quan trọng trong sự phát triển lâu dài của VN.
GS Phạm Minh Hạc: “Hậu quả của thương mại hóa giáo dục ĐH!”
Các tác giả nhằm vào các thiếu sót của GD ĐH nước ta trong 10 năm qua với sai lầm lớn mắc phải: Mở tràn lan các CĐ, ĐH theo hướng thương mại hóa. Trong khi số cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng cao, thì theo ông đây chính là hậu quả của quan điểm sai về giáo dục thương mại hóa ngay từ ban đầu.
“Học phí ở các trường công lập rất bất hợp lý, Chính phủ quy định mức lương ngành GD nằm trong lương hành chính thì lại càng bất hợp lý. Nhiều P.GS vẫn chỉ nhận mức lương 5 – 6 triệu đồng mỗi tháng, lương tiến sĩ còn thảm hơn – ông dẫn chứng. Theo ông, ở các nước phát triển, với mức lương cao, các GS hoàn toàn yên tâm công tác, tập trung làm chuyên môn, làm thí nghiệm. Đằng này, ở VN, một ngày được nghỉ thì GV chỉ lo chuyện đi kiếm sống, dạy thêm ở trường khác để mưu sinh và tồn tại. GS Phạm Minh Hạc cho rằng, học phí cần được tính toán để nhà trường đủ chi phí, có sơ sở vật chất đầy đủ và quan trọng là đủ lương cho GV. Ngoài ra, cần chi trả học bổng để sinh viên đủ sống, đủ ăn.
Để thay đổi chủ trương, cần bắt đầu bằng cách nào? Theo GS Phạm Minh Hạc, nhà nước hãy để cho các trường ĐH tự chủ khi đã có Luật GD đại học. Sự tự chủ không chỉ về tuyển sinh mà còn tự chủ về tài chính, và mở rộng ra với nhiều trường chứ không “bó khung” trong vài trường ĐH như hiện tại.
GS Lâm Quang Thiệp: “Thay đổi từ tư duy nhà lãnh đạo!”
Đồng tình với quan điểm của Nhóm Đối thoại giáo dục, GS Lâm Quang Thiệp cho rằng, chỉ nên bao cấp với GD phổ thông. Với GD ĐH, nhà nước cần chấm dứt tình trạng bao cấp như hiện nay. “Cần cho xã hội, nhưng đồng thời giáo dục ĐH cũng cần cho bản thân người học, bởi họ đầu tư cho GD ĐH là đầu tư cho tương lai của mình, và phải trả tiền cho sự đầu tư này” – ông nói.
Theo ông, nếu kéo học phí xuống thấp theo quan điểm đảm bảo công bằng cho người nghèo thì thực tế cho thấy điều này càng… bất công. Vì sao? Chi phí cho một SV cần một mức tối thiểu nào đó. Nếu ép học phí thấp xuống, chi phí đào tạo sẽ không đảm bảo, khi đó buộc nhà nước phải lấy các khoản ngân sách khác để bù vào. Vô hình chung, nhà nước đang lấy tiền của người nghèo đóng góp để hỗ trợ người đi học
Giải pháp mà GS Lâm Quang Thiệp đưa ra là học phí cao, cộng với hỗ trợ cao. Có nghĩa là nhà trường phải đảm bảo mức học phí đủ cao để đủ chi phí đào tạo. còn đối với số người không đủ tiền đi học thì dùng quỹ tín dụng hỗ trợ SV để cho các em này vay để đủ tiền trả học phí. Các nước tiên tiến, đặc biệt Mỹ làm chủ trương này rất tốt. Vì thế, đây là nước có học phí cao nhất thế giới nhưng chất lượng ĐH cũng cao nhất thế giới. Vì nước này có quỹ hỗ trợ rất lớn cho SV. Cách đây 3 – 4 năm, quỹ tín dụng hỗ trợ cho vay SV khoảng 120 – 130 tỉ USD, bằng 1/3 toàn bộ chi phí cho GD ĐH. Bất kì SV nào đi học, hoặc có khả năng đi học đều đi học được chứ không phụ thuộc vào khả năng tài chính vì đã có quỹ này hỗ trợ.
Khi được hỏi khuyến nghị này liệu có phù hợp trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện tại của VN hay không, GS Lâm Quang Thiệp cho hay, nếu thực hiện được chủ trương này, đây sẽ là bước tiến cho cải cách chất lượng đào tạo đại học. Nhưng thực tế cho thấy. một số nước lớn như Pháp, Anh, Đức… lại thực hiện rất khó vì thói quen bao cấp GD đã ăn sâu từ lâu, nếu tăng học phí thì lập tức sẽ bị SV biểu tình. Các nước này phải nâng mức HP từ từ để quen dần trong việc thayu đổi thói quen.
“Việt Nam cũng cần bắt đầu từng bước một, không nên quá nóng vội. Và điều đầu tiên, nếu muốn đạt được chủ trương này thì các nhà lãnh đạo phải nghĩ được điều này và ngay cả ĐBQH cũng phải “thông”được điều này. Phải để họ nghĩ rằng nếu kéo học phí xuống thì tạo bất công cho xã hội. Học phí cao, cùng với hỗ trợ cao thì mới đạt được công bằng” – theo GS Thiệp.
Nhấn mạnh yếu tố hỗ trợ cao, GS Lâm Quang Thiệp đề nghị cần tăng nguồn cho Quỹ tín dụng hỗ trợ sinh viên. “Nhà nước cần tăng quỹ này lên, thậm chí vay tiền để tăng quỹ lên, quản lý thật tốt để tiền đến được tay SV đúng mục đích. Nhà nước đang bỏ tiền rất nhiều vào đường cao tốc, sân bay… nhưng chưa nghĩ đến việc bỏ thêm tiền vào cho quỹ này. Nếu xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, hãy bằng cách nào đó để tăng gấp rưỡi, gấp đôi quỹ này lên, khi đó tình hình sẽ khác!” – ông cho biết.
Theo Laodong.com.vn