Chuyện ghi ở xóm đặc biệt khó khăn
(Công lý) – Nằm cách trung tâm xã gần 20km, xóm Động Cầu (xã Lăng Thành, Yên Thành, Nghệ An) được biết đến là một xóm có điều kiện kinh tế – xã hội hết sức khó khăn. Đặc biệt, chuyện gieo chữ, học chữ của các em nơi vùng cao cách biệt này còn khá nhọc nhằn.
Con đường đất từ trung tâm xã dẫn lên xóm Động Cầu gồ ghề, bì bõm nước vì trời vừa bất chợt đổ mưa giông. Ông Hoàng Danh Thọ, Chủ tịch UBND xã Lăng Thành vừa thoăn thoắt lái xe vượt ổ gà, vừa cho biết: “Đoạn đường từ trung tâm xã lên tới xóm Động Cầu dài gần 20km, đoạn này tuy khó đi nhưng khá hơn, lát nữa chúng ta phải vượt chặng đường núi khá dài mới lên tới nơi”. Con đường dốc quanh co, chạy dọc theo sườn núi, mất hơn 30 phút chúng tôi mới đặt chân đến xóm Động Cầu.
Lớp học được tổ chức ngoài sân trường do thiếu phòng học
Xóm có tổng diện tích tự nhiên 2.500ha với 157 hộ dân sinh sống. Xóm nằm trên lưng chừng núi, nhìn xuống những thửa ruộng phía dưới núi sâu, lúa đã ngã màu vàng. Trong 2.500ha đất thì đất lúa chỉ có 60ha, đất trồng rau màu 6ha, đất trồng sắn 100ha còn lại là đất lâm nghiệp. Tính theo đầu người, mỗi nhân khẩu ở xóm động cầu chỉ được 280m2 đất lúa. Do việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên đất lúa ở đây chỉ sản xuất được vụ đông xuân, còn lại vụ hè thu và vụ mùa phải bỏ hoang vì thiếu nước.
Ông Thọ cho biết thêm, sản xuất nông nghiệp của bà con xóm Động Cầu hiện vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, do địa hình cao, nguồn nước dùng cho sản xuất được lấy từ khe suối, việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông thủy lợi gặp muôn vàn khó khăn, không thể khắc phục trong ngày một, ngày hai mà cần có chính sách đầu tư của Nhà nước.
Thiếu đất sản xuất, không có nghề phụ nên hầu hết người dân xóm Động Cầu đều thiếu việc làm, đời sống khó khăn về mọi mặt. Giao thông đi lại của người dân xóm Động Cầu vẫn còn lắm gian nan. Đến nay, xóm mới chỉ bê tông hóa được 500m2/tổng số 2000m2 đường giao thông thôn xóm. Về mùa mưa lũ, xóm bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài do nguồn nước từ trong khe suối đổ về cắt đứt con đường độc đạo. Thậm chí, nhiều trường hợp mất cả tính mạng khi qua khe vào mùa lũ.
Bên cạnh đó, cơ sở khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân trong xóm vẫn chưa có. Người dân ốm đau, bệnh tật đều phải vượt núi về trạm xá xã hoặc đi bệnh viện huyện. Khổ nhất là trường hợp người bệnh cấp cứu và chị em phụ nữ sinh đẻ đột xuất.
Chuyện học của các em học sinh xóm Động Cầu vẫn còn khá nhọc nhằn. Nằm trên đỉnh đồi, ngôi trường tiểu học chỉ có 3 phòng học đã xuống cấp trầm trọng. Bất ngờ khi bước vào ngôi trường, đập vào mắt chúng tôi là một lớp học được tổ chức ngay tại sân trường. Tiếng học sinh bi bô đọc bài, tiếng cô giáo ân cần giảng dạy lẫn trong tiếng gió xào xạc. Cô giáo Hoàng Thị Hòe gắn bó với nghề gieo chữ hơn 50 năm nay cho biết: “Em thấy đó, các cháu học sinh ở đây, đến phòng học còn thiếu chứ chưa dám mơ đến chỗ vui chơi giải trí”. Rồi cô mỉm cười như tự an ủi: “Tuy nhiên, dù khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua thôi!”.
Đầu năm học mới, để đảm bảo an toàn cho việc dạy và học, chính quyền xã đã dùng cột chống đỡ ở các phòng học nhằm đảm bảo an toàn cho các cháu, nhất là vào mùa mưa bão. Không chỉ thiếu phòng học, chỗ nội trú cho giáo viên và bán trú cho học sinh vẫn là ước mơ của thầy trò ở vùng cao này. Bước vào cấp II, các em học sinh xóm Động Cầu phải khăn gói về xuôi, thuê phòng trọ ở để học hành. Hành trang vào cấp II của các em giống như một sinh viên đại học. Vì vậy, học sinh xóm Động cầu tốt nghiệp cấp II chiếm tỷ lệ thấp.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Bí thư Huyện ủy huyện Yên Thành cho biết: “Hiện địa phương đang làm thủ tục để trình xin chế độ “thôn đặc biệt khó khăn” cho xóm Động Cầu. Chúng tôi vừa cấp kinh phí để xã xây thêm 2 phòng học cho các cháu. Hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự nỗ lực của nhân dân, kinh tế – xã hội ở xóm Động Cầu sẽ sớm khởi sắc”.
Theo Công Lý