Chuyện ghi ở ngôi trường học sinh đang nghe giảng bỗng bỏ chạy khi thấy đoàn thanh tra
Trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng các thầy, cô giáo ở xã vùng cao Phước Bình vẫn hằng ngày “đồng cam, cộng khổ” để “gieo” chữ cho học sinh, nơi mà người dân có trình độ dân trí còn thấp, điều kiện đi lại hết sức khó khăn.
Clip giáo viên tâm sự về chuyện học ở vùng cao Phước Bình
Trong những năm qua, các em học sinh ở xã vùng cao Phước Bình được thầy cô chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Nhờ đó, không còn học sinh bỏ học giữa chừng. Thầy cô và cha mẹ đã nỗ lực xây dựng một môi trường học tập thân thiện, bổ ích cho các em.
“Bắt”… học sinh đến lớp
Những ngày đầu tháng 3, PV báo Người Đưa Tin đã vượt cung đường từ TP.Phan Rang – Tháp Chàm lên xã Phước Bình dài gần 100km để đến thăm trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú Đinh Bộ Lĩnh (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận).
Buổi lên lớp của thầy và trò trường Đinh Bộ Lĩnh. (Ảnh: Duy Quan).
Cũng giống như bao ngôi trường miền núi khác mà PV đã từng chứng kiến, thật khó có thể kể hết những vất vả mà giáo viên và học sinh nơi đây đã và đang trải qua: Điều kiện học tập thiếu thốn, cơ sở vật chất phục vụ học tập chưa đáp ứng đủ, việc đi lại của các em học sinh gặp nhiều trắc trở… Chính vì thế đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của cả giáo viên và học sinh.
Nhưng, bằng niềm tin và trách nhiệm các thầy, cô của trường Đinh Bộ Lĩnh đã cố gắng bám trường, bám lớp, miệt mài “gieo” con chữ cho các em học sinh và cố gắng đưa sự nghiệp giáo dục ở miền núi xích lại gần hơn với miền xuôi.
Được thầy, cô giáo vừa dạy chữ, vừa động viên không bỏ học, nên dù khó khăn đến mấy, lớp lớp học sinh ở xã Phước Bình vẫn đến trường học cái chữ.
Dẫn PV đi tham quan trường, thầy Nguyễn Như Hoài, Phó Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Đinh Bộ Lĩnh vui vẻ nói: “Các anh chưa quen địa hình ở Phước Bình mà đã lặn lội đường xa đến đây thì thật đáng quý. Điều kiện dạy và học ở đây còn nhiều thiếu thốn. Mùa nắng còn đỡ chứ về mùa mưa thì dường như bị cô lập hoàn toàn do có nhiều con suối cắt ngang mặt đường nên rất khó đi”.
Sau giờ lên lớp tập thể cán bộ giáo viên trường Đinh Bộ Lĩnh lại bắt đầu hành trình đi “bắt” học sinh ra lớp. (Ảnh: Duy Quan).
Kết thúc buổi tham quan trường cũng là lúc học sinh ca chiều tan trường, cứ sau mỗi giờ học là thầy Hoài và tập thể giáo viên của trường lại đến từng nhà động viên học sinh đi học, không ít lần phụ huynh còn to tiếng với giáo viên “Con tôi không thích đi học thì thầy vận động làm gì nữa”.
Dù gian nan nhưng các thầy, cô xã vùng cao Phước Bình vẫn không nản chí, thường xuyên đến hỏi thăm, động viên và tâm sự để phụ huynh hiểu tầm quan trọng của con chữ. Nhờ đó, nhận thức của bà con dần thay đổi, phụ huynh quan tâm hơn đến việc học của con em.
Theo chân các thầy trên con đường Tỉnh lộ 707, PV tình cờ gặp được em Katơr Trung (học sinh lớp 9B) đang bị cảm sốt nhưng lại đi bộ về nhà, thấy thế các thầy đã hỏi thăm nhà và chở em Trung về tận nhà. “Nhà Trung cách trường hơn 2km nếu mà để em đi bộ về đến nhà chắc xỉu giữa đường”, thầy Nguyễn Như Hoài nói.
Hơn 45 phút, vượt qua nhiều con đường đèo quanh co, PV và các thầy giáo mới đến được nhà em Chamaléa Sỹ (ngụ thôn Bạc Rây 1, xã Phước Bình, huyện Bác Ái), Sỹ là học sinh của lớp 9B, những năm qua Sỹ luôn là học sinh có học lực khá. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ sau Tết Kỷ Hợi 2019 em phải ở nhà phụ gia đình tưới cà phê.
Thầy Nguyễn Như Hoài (ở giữa) và các giáo viên đến nhà em Chamaléa Sỹ để vận động em ra lớp. (Ảnh: Duy Quan).
Thầy Lộ Phú Hoàng Nguyên (giáo viên chủ nhiệm lớp 9B) chia sẻ: “Sau mỗi giờ lên lớp tập thể giáo viên chúng tôi lai tiếp tục hành trình đi “bắt” học sinh ra lớp. Có khi đi buổi trưa, có khi là chiều tối”.
Nhắc đến chuyện đi “bắt” học sinh ra lớp, thầy Lộ Phú Thiệu người đã gắn bó với trường 13 năm bộc bạch: “Lúc đầu, lên đây cứ tưởng việc dạy học ở trên đây giống như “miền dưới”, đâu nghĩ khó khăn gấp trăm ngàn lần. Đường đi khó khăn, cơ sở vật chất dạy học thiếu thốn, học trò dạy thì chậm hiểu… làm tôi nản hết sức, chỉ muốn bỏ về chứ không muốn dạy”.
Nói đến đây, thầy Thiệu dừng lại uống hớp trà rồi nói tiếp: “Tôi còn nhớ vào năm 2006, khi nghe có đoàn thanh tra Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện lên, học sinh lớp tôi đang dạy bỏ chạy về nhà hết. Tôi phải nhờ một em trong lớp, dẫn đến từng nhà để “năn nỉ” các em lên lớp học lại, đó là kỷ niệm làm tôi khó quên nhất tới bây giờ”.
Buổi ăn trưa của học sinh trường Đinh Bộ Lĩnh. (Ảnh: Duy Quan).
Để “giữ chân” học sinh, ngoài các buổi học chính khóa, các thầy giáo tại đây phải tích cực dạy phụ đạo. Ngoài ra, còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, tặng quà những ngày lễ tết, tổ chức ăn uống vào các buổi trưa và chiều cho các em học sinh. Đặc biệt là những chính sách cho học sinh vùng cao luôn được nhà trường quan tâm như: hỗ trợ 15kg gạo/tháng, hỗ trợ 556.000 đồng/tháng (40% lương), hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo (100.000 đồng/học sinh)
Thầy là bạn của học sinh…
Hơn 11 năm công tác tại trường, thầy giáo Nguyễn Như Hoài, Phó hiệu trưởng trường PTDT bán trú Đinh Bộ Lĩnh hiểu rõ lực học của học trò vùng cao Phước Bình. “Do địa hình trắc trở nên học sinh vùng núi Phước Bình phải đi bộ tới trường. Vào những tháng mùa mưa học sinh phải nghỉ học hoặc khi đi học gặp mưa rừng, lũ quét, lũ ống, học sinh phải ngủ lại lớp. Điều kiện cơ sở vật chất của trường cũng còn nhiều hạn chế. Phòng học và trang thiết bị dạy học còn nhiều thiếu thốn. Những năm qua, dù đã được cấp trên quan tâm, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học”.
Các thầy giáo “thuyết phục” học sinh đến lớp bằng hình thức cắt tóc miễn phí. (Ảnh: Duy Quan).
Thầy Hoài bộc bạch thêm, điều đáng quý là học trò ở đây rất quý và nghe lời giáo viên. Khi các thầy vận động phụ huynh và động viên các em đi học các em đến lớp rất chăm chỉ. Nếu mình cố gắng tận tâm, tích cực phụ đạo thêm cho các em thì chắc chắn chất lượng sẽ được nâng lên.
Cũng như các vùng khác, trình độ dân trí của bà con ở đây còn thấp nên rất khó bắt kịp với miền xuôi. Hơn nữa là sự bất đồng về ngôn ngữ, để truyền đạt được kiến thức cho học trò, người đứng lớp cần phải biết 2 thứ tiếng. Em nào hiểu tiếng Việt thì thầy nói tiếng Việt, em nào chưa thạo thì phải truyền đạt bằng tiếng địa phương.
Anh Pi Năng Dũng (ngụ thôn Bạc Rây 1, xã Phước Bình, huyện Bác Ái) nói: “Nhà ở xa trường, quanh năm chỉ lo trồng tỉa trên rẫy, con cái ít gặp người lạ, cho nên rất nhút nhát. Nhưng khi được đến trường học con mình được học cái chữ, được ăn cơm ngon, biết tự làm những sinh hoạt hằng ngày, cho nên mình sẽ cố gắng không cho nó bỏ học”.
Thầy Lộ Phú Hoàng Nguyên cùng các em học sinh rửa chén bát sau giờ ăn. (Ảnh: Duy Quan)
Đều là những giáo viên gắn bó với trường lâu năm, lại công tác xa gia đình, người thân, nhưng thầy Hoài, thầy Thiệu luôn xem học trò như những đứa em nhỏ trong gia đình và luôn tận tình giúp đỡ các em học yếu để lực học ngang bằng với bạn bè. Cũng chính sự quan tâm, gần gũi đó mà các em học sinh trở nên thân thiện, mến thầy, yêu trường và yêu lớp hơn.
Cũng như các trường miền xuôi, ở trường vùng cao Phước Bình cũng có đội trống trường để phục vụ vào các buổi chào cờ đầu tuần. (Ảnh: Duy Quan).
Hằng ngày, ngoài việc giảng dạy trên lớp, các giáo viên còn là những người bạn luôn gần gũi, giúp đỡ, đặc biệt là “giữ chân “các em ở lại trường. Trong những năm qua, nhà trường đã hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, chất lượng học sinh liên tục được nâng lên khi các em đạt được những thành tích cao trong học tập.
Đặc biệt trong hơn 3 năm qua có 17 em đã tốt nghiệp và đang theo học ở các trường Đại học và Cao đẳng danh tiếng như: trường Đại học Nông lâm, trường Đại học Y TP.HCM, Trường Sĩ quan Lục quân 2, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II,…
Theo nguoiduatin
Bạn đọc viết: Học sinh bỏ học sau Tết và nỗi buồn, khổ của giáo viên
Những năm trở lại đây, tỉ lệ học sinh bỏ học trước và sau dịp Tết ngày một tăng cao, nên cứ vào độ xuân về Tết đến, lòng giáo viên như chúng tôi lại nơm nớp lo sợ...
Ảnh minh họa
Trường tôi nằm sát bên những đồng lúa bạt ngàn, mùi lúa thơm ngát quanh năm, cùng với lúa, người dân nơi đây còn sống cùng nắng và gió. Mảnh đất lắm lúa nhiều gió đã nuôi dưỡng tâm hồn của bao thế hệ học sinh nơi đây. Ở đây, học sinh hiền lành, chất phác. Tình cảm mộc mạc, đơn sơ. Ngày ngày thấy các em đến trường đều đặn là niềm vui trong lòng giáo viên đã căng tràn.
Thế nhưng, những năm trở lại đây, tỉ lệ học sinh bỏ học trước và sau dịp Tết ngày một tăng cao, nên cứ vào độ xuân về Tết đến, lòng giáo viên như chúng tôi lại nơm nớp lo sợ: lo cho tương lai các em khi vấn nạn bỏ học ngày một nhiều, lo cho tuổi trẻ bồng bột "ăn chưa no lo chưa tới" lại làm những việc thiếu suy nghĩ và đặc biệt hơn giáo viên chúng tôi còn lo rồi đây, việc duy trì số lượng của công tác chủ nhiệm sẽ "ăn nói" làm sao với hiệu trưởng, và rồi hiệu trưởng sẽ là người "đứng mũi chịu sào" về việc bỏ học của học sinh...
Nhưng rồi, việc lo lắng và trăn trở của giáo viên vẫn tái diễn như mọi năm, các biện pháp đã đưa ra như nắm bắt học sinh có dấu hiệu bỏ học, giáo viên luôn theo dõi "nhất cử nhất động" của các học sinh trong diện "tình nghi", liên hệ chặt chẽ với cha mẹ học sinh, Ban đại diện Cha mẹ học sinh đã phối hợp làm việc và đặc biệt những cuộc trò chuyện, tư vấn của giáo viên dành cho các em. Song, hầu như mọi giải pháp đều "bất lực".
Một nguyên nhân sâu xa mà ai cũng hiểu tuy nhiên không phải lúc nào cũng làm được. Đó là sức nặng của "miếng cơm manh áo" đã xâm chiếm tâm hồn của các em - lứa tuổi THCS - đáng ra ở lứa tuổi này, các em chỉ cần tập trung cho việc học nhưng các em đã không làm được điều trên.
Một nguyên nhân nữa, khi xuân về Tết đến cũng là lúc những anh những chị đi làm ăn xa mang về nào tiền bạc, quà cáp... làm hoa mắt các em.
Tiếp đến: Đa phần những gia đình nông thôn nơi đây quan niệm rằng "Học nhiều cũng không xin được việc vì vấn nạn thất nghiệp sau khi học xong đại học, cao đẳng tràn lan, con em của họ cũng cùng cảnh ngộ, gì bằng nghỉ học ngay khi đang học rồi đi kiếm tiền sẽ tốt hơn. Đằng nào cũng kiếm tiền."
Với những nguyên nhân trên đã làm cho những học sinh đang ở "tuổi mộng mơ" phải gác lại giấc mơ học tập của riêng mình bằng việc bỏ học giữa chừng và đi làm ăn xa.
Năm nay, trong số những học sinh bỏ học trước và sau Tết, có những em nằm trong các đội tuyển luyện thi "gà chọi" của trường tôi. Các em bỏ học trong sự tiếc nuối vô bờ của những giáo viên giảng dạy các em.
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của một học sinh - một cậu bé yêu thích học môn Ngữ văn với ước mơ được làm thầy giáo. Em có đôi mắt to, lông mi cong như bờ mi con gái, làn da rám nắng vì cuộc sống cực khổ mưu sinh nửa buổi đến trường, nửa buổi phụ bố mẹ công việc đồng áng.
Tôi quý em ở sự thật thà, chăm chỉ. Em hồn nhiên như đúng lứa tuổi của em. Thế mà...
Khi tôi viết những dòng này cũng là lúc em đã đặt chân đến TP Hồ Chí Minh được nửa tháng. Tôi tiếc cho em khi giấc mơ văn chương tan vỡ.
Tôi thương tôi vì đã không giữ được chân em.Tôi nghe các bạn của em nhắn lại rằng: "Bạn T. không không học nữa, bạn theo chị gái mình vào Sài Gòn học may và định cư ở trong đó".
Không ai can thiệp được vào cuộc đời của ai cả vì mỗi người có quyền quyết định tương lai của chính mình. Hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay thất bại tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người. Nhưng sao nghĩ về các em - lứa tuổi đang "học làm người lớn" phải bỏ học giữa chừng để đi "tha hương cầu thực", lòng tôi thắt lại như có ai đó bóp lấy trái tim mình.
Có thật sự cần thiết không khi một bộ phần học sinh chưa hoàn thành cấp học THCS cứ bỏ học sau mỗi dịp Tết như thế? Ai đảm bảo rằng tương lai của các em không có sóng gió?
Chúng ta nói nhiều đến xã hội hóa giáo dục, phổ cập người dân học đến bậc THPT hay THCS mà bỏ sót những những học sinh ở diện bỏ học nửa chừng như thế này thì thật là thiếu sót.
Làm gì để đảm bảo cho tất cả các học sinh trong độ "tuổi ăn tuổi học" hoàn thành giấc mơ học tập của các em? Đó là câu hỏi mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Thanh Thanh
Theo Dân trí
Thành lập ban chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới Về việc chuẩn bị chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chỉ đạo các phó giám đốc sở chủ trì và khẩn trương tham mưu UBND TP.HCM lập ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch thực hiện chương trình, đảm bảo cơ sở vật chất, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo...