Chuyện đứa trẻ bị bán đi với giá 1,5 triệu đồng và những mảnh đời bé nhỏ trong lớp học đặc biệt ở Sài Gòn
Không mang tên như bao lớp học tình thương khác, nhưng những người dân nơi đây và phụ huynh có con em theo học hay gọi thân thương là Lớp học cô giáo Hoa.
74 tuổi, cô giáo Hoa vẫn ngày ngày “đưa đò” thầm lặng.
Những đứa trẻ với gia đình không trọn vẹn
Quyên, 13 tuổi, một cô bé cao lớn, khuôn mặt ngây thơ so với tuổi, cùng em trai nhỏ của mình là 2 trong số 30 học sinh theo học tại lớp cô giáo Hoa ( Khu phố Giãn Dân, phường Long Bình, quận 9, TP. HCM).
13 năm, Quyên chưa từng được học chữ. Việc của em khi lớn lên 1 chút là bán quán bún phụ giúp ba mẹ kiếm đồng ra đồng vào. “Rồi năm ngoái, ba bảo thôi con học chữ đi” , thế là hai chị em dắt díu nhau đến lớp học tình thương này. Sáng 7h đến lớp, 9h ra về, mỗi ngày hai tiếng đồng hồ cần mẫn, giờ em đã viết được những câu chữ rành mạch, rõ ràng. Hỏi ngồi chung với các em nhỏ có ngại không, Quyên bảo em thích đi học và học cùng các em rất vui. “Năm sau em chuyển sang trường khác, lúc đó sẽ được học thêm nhiều thứ nhưng em sẽ nhớ lớp cô Hoa lắm” , Quyên nói.
Lớp học cô Hoa là cái nôi nuôi dưỡng ước mơ đến trường của những trẻ em nghèo.
Ở lớp cô Hoa, có em bé đã bị ba mẹ bán đi với giá chỉ… 1,5 triệu. May mắn được họ hàng chuộc về, em ở với bà ngoại và trở thành thành viên của lớp học này. “Còn đứa anh trai bị bán đi chỉ 3 triệu, giờ nghe nói lưu lạc nơi nào ở bên Campuchia rồi tìm không thấy, xót xa lắm” , cô Hoa nói.
Chỉ cho chúng tôi một bé gái cao nhất lớp ngồi ở bàn gần cuối, cô Hoa kể em đã 16 tuổi nhưng việc vệ sinh vẫn không thể tự chủ được do mắc chứng thoát vị màng não tủy. Trong lớp học trộn đủ độ tuổi này, nhiều em đã mất cha hoặc mẹ hay cha mẹ bỏ nhà ra đi, phải sống với ông bà đã già, không còn khả năng lao động. Một em khác sống trong gia đình cha mẹ đã ly hôn, cha em tái hôn lần lượt với 5 phụ nữ khác, trong nhà có đến 5 anh chị em cùng cha khác mẹ.
Bị rối loạn ngôn ngữ, cậu bé Trần Thanh Hòa phải nỗ lực hơn người khác gấp nhiều lần.
Có em trai 14 tuổi bị rối loạn ngôn ngữ, lúc mới tới lớp em thậm chí không nói rõ được một tiếng nào. Đến nay em đã hiểu được mọi người nói gì, mọi người cũng hiểu những từ em muốn nói mặc dù giao tiếp vẫn khó khăn. Đặc biệt, em làm toán rất giỏi, còn hướng dẫn cho nhiều em nhỏ khác.
“Tui thấy ham, ra coi, rồi cứ thế mà bén duyên với sắp nhỏ”
Video đang HOT
Lớp học ngày đó gây dựng từ con số không tròn trĩnh: không lương, không bàn ghế, không sách vở. Phòng học là trụ sở của ấp, những ngày ấp có họp thì di chuyển sang nhà cô giáo. Gia đình 3 người của cô Hoa lúc ấy chỉ sống bằng tiền lương hưu của chồng. Nhưng được sự hỗ trợ của chồng và đứa cháu nội, cô Hoa xin bàn ghế, tự tay đóng sửa từng cái, thức khuya kẻ từng quyển vở cho trẻ tập viết.
Lớp học đơn sơ ngày ấy…
“Đó là năm 1999″ , bà giáo năm nay 74 tuổi nhớ lại. “Hồi đó các bạn sinh viên tình nguyện tham gia chiến dịch Mùa hè xanh về ấp Giãn Dân này tổ chức lớp hè cho thiếu nhi. Những ngày cuối của chiến dịch, nghe rộn rã nên ra xem, vô tình nghe được hai phụ huynh nói với nhau: “Thiệt khổ hết sức, mấy đứa Mùa hè xanh đi rồi, sắp nhỏ lại thất học, mù chữ trở lại…”. Nghe mà xót xa, thế là cô quyết tâm dựng lớp”.
Để có được sĩ số 60 của lớp học tình thương thật không dễ, bà giáo đã phải lặn lội đến từng nhà vận động học sinh, vận động cả giấy viết, quần áo… Những đứa trẻ không hộ khẩu, không nhà cửa, thậm chí chưa có giấy khai sinh đã được đến trường.
Các em được học theo chương trình của Bộ GD-ĐT, hết lớp 1 sẽ học sang lớp 2, sau đó những em đủ điều kiện và trình độ sẽ chuyển sang học các trường tiểu học của quận.
Và phòng học khang trang hôm nay.
Vốn liếng ban đầu mở lớp chỉ đơn giản là một chữ Thương của người giáo viên Đặng Thị Hoa đối với đám trẻ nhập cư thất học nơi đây như thế… Vậy mà đến nay hành trình đưa đò ấy đã đến năm thứ 22 có lẻ.
Bao nhiêu năm vẫn hạnh phúc khi nhìn những nét chữ đầu tiên
Sau hơn 20 năm, với cô giáo Hoa, cảm xúc khi nhìn những đứa trẻ mới ngày nào còn lóng ngóng không biết cách cầm bút giờ đã viết được những trang vở ngay hàng thẳng lối vẫn vẹn nguyên như ngày đầu tiên. “Khác với trẻ được đi học từ nhỏ, tay tụi nhỏ này cứng còng, cô phải khổ luyện cùng trò, cầm tay uốn nắn một thời gian dài con chữ mới thành nét được”.
“Tay tụi nhỏ này cứng còng, cô phải khổ luyện cùng trò, cầm tay uốn nắn một thời gian dài con chữ mới thành nét được”.
Cứ thế bà cầm tay chỉ việc từng đứa, lớp học của bà lúc nào cũng tràn đầy tình yêu thương và vui nhộn, vì bà quan niệm, học mà chơi, không áp đặt chính là cách học hiệu quả nhất. Học sinh ở đây đã quen với chuyện, giữa buổi học được cô giáo cho quà bánh, từng hộp sữa, hay lúc trước là cả việc đơm cúc áo cho học sinh. Nhiều em được coi là “cá biệt” đến lớp cô Hoa dần trở nên lễ phép, rất biết điều và hiểu chuyện.
Những đứa trẻ không chỉ được cô Hoa dạy chữ mà còn học cả cách làm người.
Nhìn những cuốn vở sạch đẹp, những dòng chữ nắn nót, cả cách sắp nhỏ dạ thưa, tự động đứng chào khi khách đến lớp, tự sắp xếp đồ dùng học tập khi ra về… có thể thấy tâm huyết của người giáo viên đặc biệt đã được đền đáp xứng đáng.
Đằng sau những cuốn vở sạch đẹp, những dòng chữ nắn nót là bao tâm huyết của cô giáo Hoa.
Hằng ngày bà giáo vẫn phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị bữa sáng và vệ sinh cá nhân cho chồng hơn 90 tuổi, sức khỏe kém. Quãng đường từ nhà cô đến lớp học dài hơn 10km nhưng cô chưa đến lớp trễ lần nào.
Những lứa học sinh của cô giáo Hoa trong 22 năm qua.
Lớp học tình thương phường Long Bình giờ cũng đã thay đổi nhiều: không còn cảnh mỗi ô gạch là cái ghế, cô trò ngồi xổm nắn nót từng con chữ, bà giáo cũng không còn đi đến từng nhà năn nỉ từng em đến lớp. Vì bây giờ, lớp học của bà đã được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, trở thành lớp phổ cập của phường và là mái nhà thân thương của bao đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn nơi đây.
Hành trình 22 năm ấy với bà giáo già ở khu phố Giãn Dân thật nhiều yêu thương và kỉ niệm. Hạnh phúc nhất vẫn là nhiều lớp học sinh cũ nay đã nên người. Đã có nhiều em sau khi học xong lớp của cô được học tiếp chương trình tiểu học, THCS, THPT, đại học. “Nhiều đứa nay đã là Đảng viên, thành công và giúp đỡ lại các em nhỏ thiếu may mắn. Nhiều đứa biết chữ tìm được việc làm nuôi sống bản thân .Với người làm thầy, cô chẳng mong gì hơn nữa” , cô Hoa xúc động nói.
Lớp học tình thương giữa lòng Tây Đô
Lớp học này không những dạy chữ mà còn dạy cách làm người, để các em tự tin hơn trong cuộc sống.
Bén duyên với nghề giáo cách đây 37 năm, tự nhận mình là một cô giáo "trường làng", cô Liêu Thị Mỹ Hiếu (thường gọi là cô Uyên), sống tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ được nhiều người biết đến là giáo viên đầy nhiệt huyết, đặc biệt là "người mẹ thứ hai" của những em có hoàn cảnh khó khăn theo học lớp tình thương do cô mở ra.
Lớp học chỉ vài chiếc bàn nhỏ từ cổng kéo đến trước cửa nhà.
Nằm sâu trong con hẻm nhỏ đường Mạc Đĩnh Chi, quận Ninh Kiều, Cần Thơ, cứ hè đến hay mỗi buổi tối trong năm học, tiếng học sinh trả bài, tiếng giáo viên giảng bài cứ đều đều vang lên. Lớp học tình thương này đóng chân tại đây cũng hơn 10 năm, từ khi cô Uyên thôi dạy ở trường tiểu học Lê Quý Đôn. Lớp học với vài chiếc bàn nhỏ nối dài từ nhà ra đến cổng nhưng có đến trên dưới 20 em học sinh theo học.
Sinh ra, lớn lên trong gia đình nghèo, đông anh em, cô Uyên không được học hành đến nơi, đến chốn. Năm 18 tuổi, khi tham gia công tác đoàn tại phường An Cư, quận Ninh Kiều, cô được phường gợi ý tham gia dạy học lớp tình thương. Lúc đầu ngại vì mình cũng không biết nhiều, hơn nữa lại không có chuyên môn sư phạm nên cô Uyên từ chối. Tuy nhiên, hoàn ảnh của các em đã làm cô thương cảm và cô quyết định vừa dạy, vừa tự học nâng cao kiến thức, để mang lại con chữ, phép tính giúp các em bớt khó khăn hơn.
Từ một cô cán bộ đoàn, dần dà cô Uyên trở thành cô giáo dạy trẻ "trường làng, tình thương". Năm 1989, cô được về dạy tại trường tiểu học Lê Quý Đôn, đây là bước ngoặt để cô trở thành giáo viên chính thức có chuyên môn và cũng tiếp thêm động lực xóa mù chữ cho trẻ em nghèo.
Cô Uyên bộc bạch: "Hầu như mình dạy các em không được đến trường, cái tâm nguyện của mình chỉ nghĩ là các em sẽ biết đọc, biết viết, ra đường biết đường này đường gì, rồi biết tính tiền, cầm một cái đơn, cái thư biết trong đó nói gì, biết làm một bài toán để khi bán vé số không bị mất tiền, mình cảm thấy mình vui rồi".
Lớp học tình thương của cô Uyên thường dạy trẻ mỗi ngày từ 1 đến 2 tiếng, từ lớp 1 đến lớp 5. Do ban ngày vất vả mưu sinh (chỉ số ít may mắn được đến trường, nhưng cũng không đủ tiền học thêm), buổi tối các em được hòa mình vào môi trường học tập khiến các em thấy rất vui, hạnh phúc. Bản thân mỗi em đều xem đây là ngôi nhà thứ 2 của mình. Em Phạm Gia Lạc, 16 tuổi, ở quận Ninh Kiều, hiện bán vé số mưu sinh, biết đến lớp học của cô Uyên từ năm 2014. Do gia đình khó khăn nên học hết lớp 2 em đã nghỉ học bán vé số phụ gia đình. Sau đó, gia đình chuyển nhà đi nhiều nơi, em cứ học với cô xong, lại phải gián đoạn. Năm 2019, về Cần Thơ, em lại đến tìm cô, học chữ, học tính. Cô không la mắng hay từ chối em, còn động viên, em cảm thấy vui và biết ơn.
"Em đi học đây rất vui, tới sinh nhật các anh chị tổ chức cho chúng em. Tới Tết, được các mạnh thường quân ủng hộ, cô dẫn đi mua quần áo, giày dép. Con cám ơn cô đã cho con chữ và con như có thêm người mẹ thứ hai", em Gia Lạc chia sẻ.
Góc nhỏ thân thương gồm những câu chúc học trò nhỏ gửi đến cô giáo của mình.
Không chỉ truyền tình thương cho học sinh, tấm lòng của cô còn truyền lửa cho các bạn sinh viên trên địa bàn. Nếu trước đây mình cô chỉ có thể chỉ bài cho 5 - 7 em, thì giờ nhờ lực lượng sinh viên tình nguyện, lớp học đã có thể nhận trên 20 em. Bạn Nguyễn Trần Trúc Nghi, sinh viên năm 2, trường Đại học Y Dược Cần Thơ, gần 2 năm dạy ở lớp học tình thương cho biết, em biết tới lớp học thông qua câu lạc bộ Vì trẻ thơ của trường.
Ở đây ngoài học chữ các bé còn được yêu thương dạy dỗ như con cháu trong nhà. Đến đây ngoài chuyện dạy cho các bé thì em cũng học được rất nhiều từ cô, nhất là tính kiên nhẫn, tân tâm với công việc: "Cô rất rộng lượng và đưa hết nhiệt huyết của mình vào lớp học. Vài năm sau, nếu em không bận lịch đi trực bệnh viện em sẽ tiếp tục dạy ở đây. Ngày nào còn cống hiến được sức mình cho mấy em nhỏ thì em vẫn làm".
Luôn nhận mình là cô giáo trường làng nhưng với nhiều người cô Uyên từ lâu đã là một người thầy mẫu mực trong lòng bao thế hệ học trò, nhất là các em có hoàn cảnh đặc biệt. Ngày 20/11 hằng năm, cô không nhận được những bó hoa tươi, những món quà đắt tiền, chỉ nhận được những tấm thiệp nhỏ tự tay các em lớp học tình thương làm, mà lòng cô ấm áp lạ thường. Những tấm thiệp ấy được cô lưu lại ở một góc nhỏ trong lớp học.
Cô Uyên hướng dẫn các em làm móc khóa mang lại kinh phí hoạt động cho lớp.
Ngoài dạy chữ, cô Uyên còn tự học cách làm móc khóa bằng hột nhựa, hột pha lê để dạy lại cho các em lớp học tình thương. Cô Uyên chia sẻ, việc làm móc khóa giúp các em học được tính kiên nhẫn, chăm chỉ và mỗi lần sản phẩm được bán ra không những mang lại nguồn kinh phí hoạt động cho lớp, còn mang lại niềm vui cho các em. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì giúp các em có cuộc sống tốt hơn và hơn nữa các em còn biết yêu thương mọi người.
"Điều cô mong muốn nhất là các em có khai sinh đầy đủ, các em được đến trường như bao bạn khác. Học tại lớp này các em biết đọc, viết, làm toán thôi, còn các môn các em không được học đầy đủ và sẽ thua sút bạn bè. Có em rất thông minh, ham học và mơ ước làm sao mỗi em đều được đến trường", cô Uyên nói.
Lớp học của cô Uyên giờ đây đã được nhiều mạnh thường quân biết đến. Chắc rằng mong ước của cô dành cho các em sẽ thành hiện thực trong nay mai. 37 năm trong nghề "trồng người", cô đã chắp cánh cho hàng trăm em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn biết đọc, biết viết, biết tính toán. Công việc này vẫn chưa dừng lại và việc làm ý nghĩa của cô Uyên sẽ lan tỏa tinh thần tương thân tương ái tốt đẹp trong cộng đồng./.
Chuyện chưa kể ở lớp học tình thương, nơi học trò là "viên ngọc quý" Hơn 10 năm qua, lớp học tình thương của anh Huỳnh Quang Khải luôn là ngôi nhà thứ hai của những em nhỏ khó khăn trên địa bàn quận 12. Tại một góc trong con hẻm nhỏ ở phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM, người ta thường thấy một lớp học nhỏ, vẫn âm thầm, đều đặn mở cửa từ 18h45 đến 20h45...