Chuyển động với yêu cầu đổi mới thi THPT quốc gia
Thi trên máy tính là bước tiến bộ của ngành Giáo dục khi đưa công nghệ vào học tập. Để làm được bài thi THPT quốc gia trên máy tính, học sinh không chỉ có kiến thức các môn học, mà còn phải có điều kiện học tập và biết sử dụng máy tính.
Nhiều trường học đã được trang bị hệ thống máy tính hiện đại
Xu hướng tất yếu của giáo dục hiện đại
Việc tổ chức kỳ thi với quy mô lớn trên máy tính được đánh giá là phù hợp với xu hướng kiểm tra đánh giá trên thế giới, như các kỳ thi ngoại ngữ, tin học của ETs, thi ACT, SAT tại Hoa Kỳ. Hình thức này cũng từng được triển khai thí điểm ở kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2015, 2016 và cho thấy hoàn toàn khả thi và HS Việt Nam có thể tiếp cận được.
Việc thi trên máy tính được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng gian lận thi cử, cho dù công tác tổ chức vẫn diễn ra ở các địa phương. Theo dự kiến, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm và kết quả đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ GD&ĐT sẽ giữ vai trò chỉ đạo chung, như: Ban hành quy chế, ra đề thi, thanh kiểm tra, giám sát và chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm. Việc tổ chức kỳ thi tại địa phương do UBND các địa phương chịu trách nhiệm. Các trường ĐH được Bộ điều động tham gia khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quy trình tổ chức kỳ thi, chấm thi và phúc khảo.
Tại cuộc họp bàn về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Mục tiêu của phương án thi mà Bộ GD&ĐT đề xuất là tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm độ tin cậy. Phương thức thi được đề xuất là tổ chức thi trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình bảo đảm tính khả thi.
Đối với phương thức thi trên máy tính, thí sinh có thể dự thi một số đợt trong năm tại địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập, đáp ứng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh.
Video đang HOT
Để phù hợp với phương thức tổ chức thi, đặc biệt là thi trên máy tính, các bài thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được giữ ổn định như năm 2019, nhưng các bài tổ hợp có thể thay đổi. Các câu hỏi trong bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội sẽ được cấu trúc lại. Số câu hỏi trong từng bài thi có thể giảm, nhưng vẫn giữ được độ phân hóa để tạo thành một bài thi tổng hợp, đồng thời từng bước hoàn thiện thành bài thi tích hợp phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Ảnh minh họa/ INT
Giúp học sinh làm quen với máy tính
Nhiều thầy cô giáo cho rằng, thi THPT quốc gia trên máy tính thể hiện sự tiến bộ của ngành giáo dục khi đưa công nghệ vào học tập. Đây là một hình thức thi hoàn toàn mới, vì vậy để làm được bài thi trên máy tính, HS không chỉ có kỹ năng, kiến thức các môn học, mà còn phải có điều kiện học tập và sử dụng máy tính thành thạo.
Hiện nay, hầu hết các tiết học tại Trường THPT số 2 Bảo Thắng (Lào Cai), HS đều có thể sử dụng thiết bị thông minh, máy tính để phục vụ việc học tập. Trường còn thực hiện kết nối với các trường học trên toàn quốc để thực hiện các giờ học kết nối. Thông qua những giải kiểm tra đánh giá kiến thức cho HS trong các giờ học kết nối đã tạo sự hấp dẫn, hứng thú học tập cho các em.
Thầy Phạm Thanh Dương – Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bảo Thắng cho biết: Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại Trường THPT số 2 Bảo Thắng không chỉ góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức các hoạt động dạy học của nhà trường mà còn góp phần tích cực trong việc thực hiện cuộc cách mạng 4.0. Giáo viên HS trong trường sẵn sàng đón nhận kỳ thi trên máy tính và sẽ có sự chuẩn bị chu đáo cho lộ trình này.
Ủng hộ phương án thi trên máy tính, lãnh đạo Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho biết: Kỳ thi trên máy tính có nhiều thuận lợi như HS biết ngay kết quả, nghiêm túc, đỡ tốn kém và đặc biệt hạn chế gian lận. Cách thi này đòi hỏi HS học đều, không chỉ tập trung môn thi và khối thi như hiện nay. Việc triển khai kỳ thi trên máy tính là khả thi ở Hà Nội và các thành phố lớn.
Thầy Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho biết: Nhà trường đã có nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao việc ứng dụng CNTT để đổi mới dạy và học. Nhà trường trang bị tài khoản Office 365 bản quyền cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS và phụ huynh. Cùng với đó là tiến hành tập huấn thường xuyên về kỹ năng sử dụng hệ thống, thiết kế hệ thống trong quản lý, giảng dạy, học tập, chia sẻ thông tin.
HS Trường THPT Phan Huy Chú đã đạt được nhiều thành tích cao trong học tập, đặc biệt trong môn Tin học khi liên tiếp đoạt huy chương tại kỳ thi Tin học Văn phòng thế giới. Nhà trường đã “đi tắt đón đầu” khi đưa chương trình Tin học văn phòng thế giới MOS vào giảng dạy thay thế cho chương trình bộ môn Tin học hiện hành. Hiện nay, HS Phan Huy Chú đã có nền tảng kiến thức tin học vững vàng và sẵn sàng bước vào Kỳ thi THPT quốc gia trên máy tính.
Trường THPT Đống Đa từ nhiều năm nay đã tăng cường giảng dạy tin học cho HS, cho HS tiếp xúc nhiều hơn với máy tính. Hiện nay, trường có 48 máy tính tại các phòng học chức năng giúp HS tra cứu tài liệu khi cần. Để HS làm quen với phương thức thi THPT sau 2021 và không còn tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, nhà trường mong muốn sẽ nhận được sự đầu tư về cơ sở vật chất từ thành phố, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để đáp ứng nhu cầu dạy học.
Giai đoạn sau năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ có những điều chỉnh phù hợp tiếp theo, đặc biệt là việc hoàn thiện phương thức thi trên máy tính. Khi áp dụng hình thức này, Bộ sẽ công bố trước một năm để phụ huynh và HS chủ động trong dạy học, ôn tập và chuẩn bị tham gia kỳ thi.
Theo giáo dục và thời đại
Thi THPT quốc gia trên máy tính - cần thí điểm theo lộ trình
Đề xuất của Bộ GD-ĐT về phương án đổi mới thi THPT quốc gia sau năm 2020 bằng cách cho thí sinh làm bài thi trắc nghiệm trên máy tính đã khiến nhiều nhà giáo dục lo lắng, quan tâm.
Sẽ áp dụng đồng thời giữa thi trên giấy và tiến tới thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi
Thí sinh được lợi khi thi nhiều lần
Phương án đổi mới thi THPT quốc gia sau năm 2020 vừa được Bộ GD-ĐT công bố, trong đó điểm được nhiều người quan tâm là việc sẽ áp dụng đồng thời giữa thi trên giấy như hiện nay và tiến tới thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi. Theo phương án này, đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại những địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo qui định của Bộ GD-ĐT. Kết quả đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh nếu có nhu cầu.
PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, việc tổ chức thi trên máy tính đã được thế giới nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập kỷ thông qua các tổ chức khảo thí độc lập như: ETs, ACT.... Đối với Việt Nam, thành công của mô hình thi đánh giá năng lực (Đại học Quốc gia Hà Nội) và triển khai hoạt động đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi trên máy tính. Ông Mai Văn Trinh cũng khẳng định, những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế và đặc biệt là hoàn thiện phương thức thi trên máy tính sẽ được Bộ GD-ĐT công bố trước 1 năm. Cụ thể các nội dung này sẽ gồm: phương thức tổ chức, nội dung thi, hình thức thi... để phụ huynh và học sinh chủ động trong dạy học, ôn tập và chuẩn bị tham gia kỳ thi.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm, giai đoạn ban đầu sẽ thi trên giấy và trên máy tính, nhưng từng bước sẽ tăng dần thi trên máy tính để tiệm cận xu hướng thế giới. Theo ông Phùng Xuân Nhạ, hạ tầng kỹ thuật, phần mềm không phải điều quá khó trong tổ chức thi trên máy tính. Tuy nhiên, hệ thống vận hành cần được tính toán kỹ lưỡng để tránh các vấn đề có thể xảy ra.
Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cơ bản cũng đồng ý với lộ trình và hướng đổi mới kỳ thi THPT quốc gia. Nguyên Phó Chủ tịch nước ủng hộ việc đưa công nghệ vào kỳ thi này, tiến tới cho học sinh thi trên máy tính, nhưng phải chuẩn bị kỹ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Ngoài ra, với ngân hàng đề thi, bà Nguyễn Thị Doan lưu ý Bộ GD-ĐT phải huy động các chuyên gia, giáo viên, ngay cả học sinh vừa tốt nghiệp, học sinh giỏi trong các kỳ thi để phát triển ngân hàng đề thi.
Cần thí điểm trước, chưa nên áp dụng rộng rãi
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhận định: "Mấy năm nay chúng ta áp dụng công nghệ rất nhiều nhưng không nên duy ý chí bởi có những vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Nếu áp dụng hình thức thi trên máy tính thì phải tính đến yếu tố này và chấp nhận sẽ vẫn có một bộ phận học sinh làm bài thi trên giấy". Ông Dũng nhấn mạnh, việc thi trên máy tính cần được thí điểm ở một số thành phố lớn, đủ điều kiện trước chứ không nên vội vàng áp dụng trên cả nước bởi Việt Nam có nhiều vùng phát triển không đồng đều.
Ông Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội góp ý thêm: "Việc đưa công nghệ vào thi cử là đương nhiên, nhưng những nơi xa xôi, hẻo lánh hoặc khu vực đồng bào còn nhiều khó khăn thì chưa áp dụng ngay được. Phải thí điểm và đánh giá nghiêm túc phương thức này để triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước".
Trong khi đó, ông Nguyễn Quý Xuân - Hiệu trưởng trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội) cho rằng, việc thi trên máy tính chia thành nhiều đợt có thể khả thi vì nếu thi tập trung một lần sẽ không đủ điều kiện cơ sở vật chất. Tuy nhiên, ông Xuân còn băn khoăn về mức độ may rủi với hình thức thi này. "Một kỳ thi muốn đánh giá chính xác phải hạn chế thấp nhất tính may rủi. Tuy nhiên với các phương án trả lời có sẵn, việc học sinh không hiểu và đánh bừa câu trả lời cũng có khả năng đúng đáp án. Như vậy sẽ không công bằng. Điều này cần tính toán kỹ" - ông Nguyễn Quý Xuân chia sẻ.
Băn khoăn về hiệu quả của thi trắc nghiệm trên máy tính, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: "Không chỉ với môn thi xã hội mà ngay cả môn Toán nếu chỉ thi theo hình thức trắc nghiệm để đánh giá học sinh thì chưa ổn. Nhiều yêu cầu về tư duy mà trắc nghiệm không thể đánh giá đúng". Trong khi chưa thể tiến hành ngay và đồng loạt kỳ thi THPT quốc gia trên máy tính, TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất, kỳ thi THPT quốc gia hiện nay cần được xây dựng theo hướng trao chủ động cho địa phương và tăng cường giám sát bằng công nghệ. "Thanh tra không cần phải xuống tận phòng thi mà có thể ngồi một chỗ xem hình ảnh từ camera kết nối qua mạng. Giá thành lắp đặt camera thực tế không quá cao so với việc bố trí một lực lượng lớn giám thị, thanh tra để đến từng cơ sở thi. Giám sát coi thi bằng công nghệ thông tin và tiến hành chấm chéo sẽ hạn chế tiêu cực mà Bộ GD-ĐT cũng không phải can thiệp, thay đổi nhiều" - TS Tùng Lâm phân tích.
"Không máy móc nào thay thế được con người, máy tính tốt, phần mềm tốt nhưng đội ngũ cán bộ không được chuẩn bị tốt, tâm thế tốt, kỹ thuật tốt thì vẫn có thể dẫn đến những sai sót, sự cố đáng tiếc. Năng lực tổ chức thi của các cán bộ là điều chúng tôi đặc biệt quan tâm trong phương án đổi mới thi. Song song với việc đổi mới hình thức tổ chức thi nói trên, ngành giáo dục tới đây sẽ tăng cường chất lượng đội ngũ khảo thí, chuẩn bị tốt nhất về nguồn nhân lực để đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc" .
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
Theo anninhthudo
Thi trên điện thoại, máy tính: Hà Nội áp dụng ra sao? Việc các trường tại TP.HCM bắt đầu tiến hành cho học sinh thi trên máy tính bảng, điện thoại thông minh với ưu điểm ra khỏi phòng thi biết điểm luôn, không tốn tiền in giấy làm bài, hạn chế được tối đa tiêu cực nên có nhiều ý kiến ủng hộ. Tuy nhiên, ở Hà Nội thì chưa trường nào áp dụng...