Chuyện đời rơi nước mắt của diễn viên Quốc Tuấn
Câu chuyện vợ chồng diễn viên Quốc Tuấn và những cuộc hành trình ngàn dặm đưa cậu con trai đi khắp nơi để phẫu thuật căn bệnh hiểm nghèo khiến nhiều người cảm động và khâm phục.
Đau đớn tột cùng
Quốc Tuấn lập gia đình muộn vào năm 39 tuổi (anh sinh năm 1961).
Năm 2002, vợ chồng anh mới có con. Hai vợ chồng anh đến với nhau khi tuổi đều đã lớn nên khi vợ mang bầu con trai, vợ chồng anh mừng vui khôn xiết. Háo hức được bế con bao nhiêu thì lúc nhìn thấy con anh như rơi xuống đáy vực thẳm.
Bé Nguyễn Anh Tuấn chào đời đã mang một hình hài bất bình thường bởi căn bệnh quái ác, căn bệnh xương cứng sớm cục bộ và đường thở hẹp. Vợ anh sau khi biết tin đã ngất lịm. Đêm hôm ấy, anh thức trắng. Sau cùng, anh xác định tư tưởng phải chấp nhận và chiến đấu đến cùng với số phận. Anh tin con trai anh sẽ trở thành một cậu bé bình thường và căn bệnh có thể chữa trị được.
Khi bé Anh Tuấn được 3 tuổi rưỡi, xương hộp sọ bắt đầu cứng lại không phát triển trong khi não vẫn phát triển bình thường nên bắt buộc phải phẫu thuật hộp sọ tại Bệnh viện Hoàng gia Úc. Ca phẫu thuật thành công, hộp sọ của bé Tuấn đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, đường thở của bé vẫn chưa được can thiệp mổ nên Quốc Tuấn đành đưa con trở về nước.
Sau đó, hai vợ chồng anh lại đưa con sang Hàn Quốc để mổ. Sức khỏe của bé Tuấn thời gian đó đã tốt dần nhưng phải đeo một cái khung rất to lên mặt và phải nới vít mỗi ngày để nâng khuôn mặt lên. Mỗi lần như thế, bé Tuấn đau đớn vô cùng. Con anh phải đeo khung sắt trong 4 tháng trời nhưng để hoàn thiện, hai vợ chồng anh phải ở lại Hàn Quốc tới 6 tháng.
Giờ đây, sức khỏe của em đã hồi phục hoàn toàn, được đi học bình thường, hòa nhập với các bạn. Các bác sỹ nói rằng, sức khỏe của em sẽ ổn định đến năm 15 tuổi. Gương mặt em đã bình thường, em hòa đồng với bạn bè, học tốt và rất hiếu động.
Quốc Tuấn giờ đây đã hạnh phúc. Hạnh phúc là khi vợ chồng anh ngắm nhìn con đến trường hàng ngày. Anh nói rằng, vợ chồng anh sẽ không sinh thêm con nữa, để dành tất cả thời gian, sức lực, chăm sóc, yêu thương cho cậu con trai. Anh không bao giờ xa con dù chỉ một ngày. Anh khoe mình và con trai rất gắn bó với nhau, hàng ngày chơi với nhau như những người bạn. Anh thường động viên con là đàn ông thì phải thật mạnh mẽ.
Chuyện chưa từng kể về ‘Người thổi tù và hàng tổng’
Cảnh trong phim Người thổi tù và hàng tổng
Người ta nhớ đến anh là một nam diễn viên có gương mặt đẹp như tài tử, diện mạo hào hoa, duyên dáng. Khán giản hẳn không thể quên anh vào vai trưởng thôn Lê Trung Kiên trong bộ phim truyền hình về đề tài nông thônNgười thổi tù và hàng tổng của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Là một người con của mảnh đất Hà Nội lịch lãm ấy vậy mà Quốc Tuấn đã hóa thân thành một anh nông dân chính hiệu, đặc sệt trong vai trò trưởng thôn tốt bụng, vui vẻ nhưng cũng không kém phần láu cá, lém lỉnh. Những sự việc, những câu chuyện làng xã được đạo diễn Phi Tiến Sơn đưa lên phim một cách rất gần gũi, thân quen.
Quốc Tuấn nhớ lại: “Hồi đi quay phim Người thổi tù và hàng tổng ở Xuân Phương – Từ Liêm, đang trong giờ nghỉ, tôi ngồi trên một chiếc xe bò. Bỗng thấy mấy thanh niên trai làng leo lên ngồi cạnh. Một cậu bảo: Cái đoàn làm phim này chán chết. Chẳng thấy mống diễn viên nào. Thế nhưng tôi lại thấy đó là giây phút hạnh phúc nhất với tôi. Bởi khi đó, tôi mới có thể cười một cách hồn nhiên, vô tư nhất với cậu thanh niên đó mà không sợ bị nhận ra mình là nghệ sỹ. Tôi úp chiếc mũ cối vào bụng và chìa tay ra nhận từ họ mấy điếu thuốc lá còn dây vết bùn”.
Cảnh trong phim 12A và 4H
Ngoài những bộ phim truyền hình với những nhân vật có tính cách duyên dáng, ấn tượng như trong các phim: Những người sống quanh tôi, Người thừa của dòng họ, Cuốn sổ ghi đời, Cô bé bên hồ, 12A và 4H, Chuyện tình người lính, Luật đời… đã đưa anh lên hàng “ sao” trong giới diễn viên truyền hình miền Bắc, Quốc Tuấn còn tham gia diễn xuất ở nhiều bộ phim truyện nhựa với những vai diễn để lại ấn tượng không kém: Nơi núi rừng yên ả, Ai chết cho người đẹp, Vầng trăng lửa, Lời thì thầm của chiến tranh, Hà Nội mùa đông năm 46, Điện Biên Phủ trên không, Đường thư…
Anh kể, trong bộ phim Đường thư, tôi được đạo diễn Bùi Tuấn Dũng giao cho đảm nhận vai anh lính tên Tân. “Tân người Hà Nội nên đạo diễn đã yêu cầu tôi phải thể hiện ra chất một người chiến sỹ nhưng phải có một phong thái điềm đạm, phải có dáng đi thật Hà Nội. Là người gốc Hà Nội “xịn” nhưng tôi phải đau đầu vì “dáng đi Hà Nội” này. Bởi tôi không biết dáng đi Hà Nội nó phải thế nào”. Chẳng thế mà nhiều người cho rằng, Quốc Tuấn chỉ thành công với những vai anh nông dân quê mùa, đôi khi ngờ nghệch.
Tuy vậy, thành công của bộ phim Đường thư có góp sức không nhỏ của Quốc Tuấn. Vốn đã thành công với những vai lính tráng mực thước nhưng lần này trong vai anh lính quân bưu, Quốc Tuấn đã thể hiện xuất sắc. Chất dày dạn, rắn rỏi của một anh quân bưu, cộng với chuyện bị người yêu bỏ đi lấy chồng được anh thể hiện một cách tinh tế và có sức thuyết phục.
Video đang HOT
Quốc Tuấn luôn được khán giả yêu mến. Ai đã xem 12A và 4H của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đều thấy Quốc Tuấn thể hiện hình ảnh một người thày giáo lịch lãm và chững chạc. Gặp vai nào, tính cách nhân vật ra sao, anh đều có thể “nhập” được. Vì thế, khán giả mới nhớ được một Quốc Tuấn với anh trưởng thôn, anh bộ đội và người thày giáo không lẫn vào ai được.
Chuyển nghề đạo diễn vì… đã già, hết hấp dẫn
Quốc Tuấn nói rằng, hành trình đi tìm sự sống, giành giật sự sống cho con đã giúp anh có một cái nhìn sâu sắc về cuộc đời. Đó chính là bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh. Suốt gần 10 năm vắng bóng trên màn ảnh, giờ đây anh đã trở lại với nghệ thuật với cương vị đạo diễn.
Khi tôi hỏi: “Từ một diễn viên trở thành một đạo diễn, hẳn là anh gặp rất nhiều thử thách, khó khăn?” Anh bảo: “Nhiều chứ. Sự chuyển đổi vị trí này tôi chuẩn bị rất kỹ càng. Tôi nghĩ, nghiệp diễn viên đã giúp tôi có nhiều trải nghiệm, bản lĩnh, cho tôi một tư duy chắc chắn khi bước sang vai trò một đạo diễn. Tôi đã bắt đầu già rồi, tôi không còn hấp dẫn như một số bạn đồng nghiệp trẻ có lợi thế về hình ngoại hình. Tất cả những điều đó khiến tôi khao khát trở thành một nhà làm phim. Tôi đã gặp không ít khó khăn khi bắt đầu lấn sân sang làm đạo diễn. Bởi trên thực tế hiện nay chúng ta đang thiếu trầm trọng những kịch bản hay. Nên tôi thích tự viết kịch bản để mình đạo diễn”.
Từ diễn viên trở thành đạo diễn như anh là một bước tiến dài. Anh tốt nghiệp đạo diễn xuất sắc sau 4 năm theo học tại trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, khóa 2000-2004. Bộ phim truyền hình đầu tay do anh làm đạo diễn mang tên Trái tim kiêu hãnh dài 75 tập. Quốc Tuấn một mình ấp ủ ý tưởng cho bộ phim này từ năm 2004 đến lúc bắt tay vào viết kịch bản mất tới gần 5 năm trời. Nhưng may mắn cuối cùng anh vẫn “hái được quả ngọt”. Bộ phim nhận được phản hồi tốt từ phía đồng nghiệp và khán giả.
Anh cho biết, sau bộ phim truyền hình dài tập đầu tay trên, anh đang nung nấu một kịch bản phim nhựa với cái tên Con cầu tự. Chắc chắn một ngày nào đó, Quốc Tuấn sẽ không làm mọi người phải thất vọng.
Theo vietnamnet.vn
Quay ngược 19 năm với mối tình thầy trò trong "12A và 4H"
19 năm qua đi nhưng bộ phim "12A và 4H" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên với mối tình giữa lớp trưởng Hằng và thầy giáo Minh vẫn khiến khán giả day dứt mãi trong lòng.
12A và 4H được dàn dựng dưới bàn tay của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, ra mắt khán giả lần đầu trên chương trình Văn nghệ Chủ nhật của VTV3 năm 1995. Chuyện phim xoay quanh nhóm 4H: Hằng - Hạ - Hân - Hoa và những câu chuyện, biến cố tâm sinh lý của tuổi mới lớn. 12A và 4H với những cảm xúc sâu lắng, gần gũi với tuổi học trò đã trở thành bộ phim kinh điển, gắn liền với tuổi thơ của thế hệ cuối 7x, đầu 8x.
Dàn diễn viên trong phim 12A và 4H
Nếu như siêu phẩm You're Apple of my eyes có Thẩm Giai Di được biết bao chàng trai mơ ước, thì lớp trưởng Hằng của 12A và 4H cũng là một cô gái như vậy.
Hằng không đẹp sắc nước hương trời, nhưng có vẻ ngoài rất chan hòa, dễ mến: khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt cười, lúm đồng tiền duyên. Không chỉ vậy, cô còn học giỏi, con nhà giàu, có tài thơ văn.
Cũng chính bởi tình yêu với thơ văn đó, mà giữa Hằng và thầy giáo Minh dạy văn ngày một thân thiết. Hằng thầm theo dõi các bài thơ đăng báo của thầy Minh, thầm ngưỡng mộ thầy. Còn thầy Minh cũng cảm mến cô học trò dễ thương, lanh lợi, lại cùng đồng điệu tâm hồn mộng mơ.
Những biến cố trong cuộc sống càng đưa đẩy hai thầy trò lại gần nhau hơn. Cuộc hôn nhân đổ vỡ của cha mẹ, cộng với áp lực của năm cuối cấp khiến Hằng hoang mang. Cô nhanh chóng tìm đến chỗ dựa là người thầy mà mình thầm thương nhớ.
Cùng yêu thơ văn, nên Hằng và thầy giáo Minh có sự đồng điệu trong tâm hồn
Còn Minh, cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền khiến vợ anh trở nên thực dụng hơn, làm cho gã thi sĩ lãng mạn như anh thấy ngột ngạt. Sự ngây thơ, hồn nhiên, trong trẻo của Hằng thu hút anh, khiến anh vướng vào lưới tình với cô học trò.
Minh thôi dạy học, chuyển về tòa soạn làm báo. Không bị ràng buộc bởi mối quan hệ thầy - trò, tình cảm giữa họ càng phát triển. Cách xưng hô giữa họ chuyển từ thầy - em sang anh - em đầy ngọt ngào.
Như một lẽ dĩ nhiên, chuyện tình của Hằng và thầy giáo cũ không thể có một kết thúc đẹp. Bởi giữa họ có quá nhiều rào cản, về cả pháp lý và đạo đức.
Minh đã có vợ, có con. Còn Hằng, cô còn cả một tương lai ở phía trước. Minh, một người còn nặng gánh gia đình không thể gánh thêm trách nhiệm chăm lo cho cô.
May thay, những người bạn tốt trong lớp 12A đã giúp Hằng tỉnh ngộ. Họ đến gặp Minh, nói chuyện để thầy giáo cũ tránh xa Hằng, đưa Hằng lên vùng non sơn hữu tình sống một thời gian, cho quên hết những chuyện buồn.
Hai người vướng vào chuyện tình sai trái
Chuyện tình sai trái giữa thầy và trò kết thúc không hề đẹp như lúc nó bắt đầu. Tình cảm giữa thầy Minh và Hằng chỉ có thể là những rung động nhất thời, chứ không thể biến thành mối tình bền lâu.
Khi xem phim, khán giả trách Minh, nhưng lại khá thương Hằng. Họ vẫn đồng cảm với cô dù Hằng có yêu thầy giáo, một người đã có gia đình, trở thành người thứ ba gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình người khác.
Không hiếm nữ sinh đã từng như Hằng, rung động trước người thầy điển trai, uyên bác, từng trải, và họ cũng từng đau khổ khi mối tình đó đi vào ngõ cụt. Nhiều người nhìn thấy chính mình trong câu chuyện của Hằng và thầy giáo Minh.
Lớp trưởng Hằng xinh xắn, dễ thương của "12A và 4H"
Có được hiệu ứng tốt như vậy, cũng là nhờ diễn xuất tuyệt vời của hai diễn viên Quốc Tuấn và Thu Hương.
Nổi danh là một "chàng khờ" của màn ảnh Việt, hình ảnh của Quốc Tuấn gắn liền với những vai diễn chân chất, dân dã, là người tử tế. Vai thầy giáo Minh trong 12A và 4H là một vai vừa lạ, vừa quen của Quốc Tuấn.
Anh vào vai một thầy giáo nghèo, xuất thân từ quê được vợ kéo lên thành phố, yêu thơ ca. Bề ngoài, Minh khá hiền lành, đĩnh đạc, nhưng những lúc cần phải đểu, Quốc Tuấn khiến cho khán giả ghét cay ghét đắng. Đầu phim, khán giả yêu mến thầy giáo Minh với nụ cười tươi, cách dạy hay, sự quan tâm đến học sinh bao nhiêu thì cuối phim, người ta ghét kẻ phụ bạc, lừa phỉnh thiếu nữ ngây thơ bấy nhiêu.
Quốc Tuấn diễn rất đạt vai Minh - một con người nhiều tri thức nhưng thiếu đạo đức. Miệng nói văn vẻ, trong tâm lại thiếu trách nhiệm với gia đình, công việc, neo vào sự lãng mạn, sến súa mà gây ra nhiều hành động sai trái.
Quốc Tuấn vào vai một trí thức học rộng hiểu nhiều nhưng lại đáng ghét
Khuôn mặt trí thức, tử tế của Quốc Tuấn khi làm những hành động tán tỉnh học trò, ngồi viết văn thơ trong khi vợ cực khổ nhóm bếp lò, sợ sệt khi bị học sinh cũ đến "dạy" cho bài học càng khơi lên sự căm ghét nơi khán giả. Phải nói, thầy giáo Minh trong 12A và 4H là vai "trai đểu" rất đặc sắc, thú vị của Quốc Tuấn - người đàn ông chuyên vai tử tế của màn ảnh Việt.
Về phần Thu Hương, vai Hằng của cô là nhân vật nổi trội nhất, là trung tâm của mạch phim. Tất nhiên, không thể phủ nhận nguyên nhân từ phía ngoại hình xinh xắn, ấn tượng của cô. Nhưng, diễn xuất của Thu Hương cũng không chê vào đâu được.
Là một diễn viên tay ngang, lúc đóng phim đang ôn thi Đại học nên Thu Hương nắm bắt và diễn rất trọn cái "hồn" của một học sinh năm cuối. Hằng của Thu Hương hiện lên là một cô bé học giỏi, tốt bụng nhưng cũng rất quật cường, bướng bỉnh.
Thu Hương tuy lần đầu đóng phim nhưng diễn rất đạt vai Hằng
Lúc diễn cảnh lớp trưởng "xử" các bạn nghịch ngợm, đôi mắt Thu Hương ánh lên sự linh lợi, nụ cười đắc thắng rất thông minh, đáng yêu. Khi diễn cảnh say mê thầy giáo, đôi mắt trong suốt, môi mím chi e thẹn, thể hiện rõ tình cảm ngây ngô, khờ khạo của một nữ sinh. Lúc cuộc sống của nhân vật bế tắc, Thu Hương chọn thể hiện sự đau khổ của Hằng bằng ánh mắt thăm thẳm buồn, môi vẫn cười nhưng nụ cười đầy chua chát, châm biếm.
Chính đôi mắt, khuôn miệng, nụ cười biết nói của Thu Hương đã làm nên một Hằng đa dạng cảm xúc, tạo ấn tượng sâu sắc với khán giả.
Ánh mắt, khuôn miệng biết nói của Thu Hương thổi hồn cho nhân vật
Sau 12A và 4H, tên tuổi Quốc Tuấn ngày một đi lên, còn Thu Hương, khó mà kiếm được một thông tin gì về cô. Những câu chuyện xung quanh cô chỉ là lời đồn đại, thông tin chưa được xác thực. Chẳng hạn như: vừa đóng phim, vừa ôn thi đại học nên xích mích với bố, đã định cư ở Đức,...
Trong khi câu chuyện ngoài đời của 3H còn lại được nhiều khán giả thuộc nằm lòng, thì chẳng ai biết chút tin tức gì về Thu Hương, tựa như cô mãi mãi chỉ là lớp trưởng Hằng trong lòng khán giả.
Trong lòng khán giả, Thu Hương mãi là lớp trưởng Hằng xinh đẹp, đáng yêu của "12A và 4H"
Trái với Thu Hương, diễn viên Quốc Tuấn trở thành một cái tên gạo cội trong nhiều lứa diễn viên Việt Nam. Sau 12A và 4H, tên tuổi anh nổi như cồn với các bộ phim: Chiều tàn thu muộn, Người thổi tù và hàng tổng, Những người sống quanh tôi, Luật đời... Hình ảnh của anh gắn liền với các vai diễn chân chất, thật thà, có lúc hiền lành, có lúc lém lỉnh nhưng đều rất gần gũi với khán giả.
Cuộc đời và sự nghiệp của Quốc Tuấn đều chông gai. Anh kết hôn muộn năm 40 tuổi, có một con trai, đặt tên là cu Bôm. Không may, con anh mắc bệnh chứng APERT (bệnh xương cứng sớm cục bộ) và đường thở hẹp - một chứng bênh lạ, hiếm gặp.
Quốc Tuấn diễn vai Kiên trong "Người thổi tù và hàng tổng".
Anh và gia đình bôn ba nhiều năm để chữa bệnh cho con. Thời gian đó, vì chuyện buồn riêng, Quốc Tuấn không thể tập trung diễn xuất, những vai diễn khó mà đặc sắc như trước, anh cũng vắng bóng dần trên màn ảnh nhỏ.
Ơn trời, nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, cũng như sự kiên nhẫn và tình yêu thương của cha mẹ, cu Bôm dần khỏe mạnh. Bé đã có thể đi học, hòa nhập cùng các bạn.
Quốc Tuấn cũng trở lại với sự nghiệp sau một thời gian chững lại. Anh rời nhà hát Tuổi trẻ, sang làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam với mong muốn dấn thân sang nghề đạo diễn. Dự án đầu tay Vua cầu của anh từng được khán giả mong đợi, nhưng vì nhiều lý do mà bị hoãn lại. Thời điểm đó, nhiều người nghi ngờ khả năng đạo diễn của Quốc Tuấn, nhưng anh khẳng định chắc nịch sẽ cho ra mắt một tác phẩm ấn tượng.
Quốc Tuấn còn thử sức với vai trò đạo diễn
Đến tận năm 2013, bộ phim mới được lên sóng VTV6, và đổi tên thành Trái tim kiêu hãnh. Bộ phim nhận được nhiều phản hồi tốt của khán giả, xóa tan những nghi ngờ về khả năng của Quốc Tuấn, đặt nền móng cho sự nghiệp đạo diễn của anh.
Theo Trí Thức Trẻ
Tìm lại dàn diễn viên "Người thổi tù và hàng tổng" Quốc Tuấn, Khánh Huyền trở thành cặp đôi sống mãi trong tim khán giả. Người thổi tù và hàng tổng là bộ phim tâm lý xã hội hài hước của đạo diễn Phi Tiến Sơn phát sóng tại Việt Nam năm 2001. Phim gồm 5 tập: tập 1: "Mèo mù vớ cá rán", tập 2: "Quyền rơm vạ đá", "tập 3: Phép vua...