“Chuyện đỗ đạt” của Đạt: Học bổng tiến sĩ toàn phần 8,4 tỷ đồng từ Mỹ
Người ta hay trêu Đạt, cái tên nói lên tất cả. Còn với Đỗ Trọng Đạt mọi thứ mới chỉ bắt đầu cho một giấc mơ lớn của cuộc đời. Đầu năm nay, chàng trai Thái Bình đã xuất sắc đỗ học bổng toàn phần chương trình Tiến sĩ Thống kê với tổng trị giá 8,4 tỷ đồng cho 5 năm từ Đại học Michagan danh tiếng Hoa Kỳ.
Đỗ Trọng Đạt
Cứ học rồi học bổng sẽ đến
Qua Tết Kỷ Hợi 2019, Đạt vui mừng nhận thư từ Đại học Michigan danh tiếng. Em giành được học bổng toàn phần chương trình Tiến sĩ Thống kê với tổng trị giá 8,4 tỷ đồng cho 5 năm.
Ngoài học phí, Đạt được hỗ trợ sinh hoạt phí 2.600 USD/ tháng (gần 70 triệu đồng). Michigan là ước mơ của nhiều sinh viên quốc tế, đứng thứ 30 trong bảng xếp hạng các trường Đại học hàng đầu thế giới của QS (2015-2016), thứ 21 trong bảng xếp hạng các trường Đại học hàng đầu thế giới của Times Higher Education (2015-2016).
Liền sau Michigan, hai đại học lớn của Nhật Bản và Pháp liên tiếp gửi thư mời Đạt phỏng vấn. Đại học Michigan là ưu tiên số 1 nên Đạt đã từ chối các cơ hội này.
Vỏn vẹn vài tháng nữa, Đạt sẽ nhận bằng Cử nhân Khoa học Tài năng Toán học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (HUS), ĐHQGHN. Người ta nói, cứ đi rồi sẽ đến. Còn Đạt thì cứ học rồi “bổng” sẽ đến.
Cơ duyên dẫn Đạt đến với Michigan từ sự khao khát học tập, tìm hiểu Thống kê, lớp Toán tài năng được học rất kĩ kiến thức Toán lý thuyết. Để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu Thống kê Ứng dụng, Đạt xin nghe giảng ở lớp Toán Tin. Đạt biết được thêm đủ thứ, từ cách dùng máy tính để thống kê đến thống kê trong thực tế sẽ như thế nào.
Cậu sinh viên “học ké”, ưa thích 1001 câu hỏi này đã lọt vào “mắt xanh” của giảng viên Trịnh Quốc Anh. Thầy giao cho Đạt một bài tập thú vị, đọc, tóm lược và trình bày một đề tài nghiên cứu của GS. Nguyễn Xuân Long.
Sau 3 tháng trôi qua, thầy Quốc Anh và GS. Nguyễn Xuân Long đánh giá cao kết quả làm việc của Đạt. Thầy Nguyễn Xuân Long hiện đang công tác tại Khoa Thống kê, Đại học Michigan. Thầy thuộc thế hệ những người Việt Nam đầu tiên tiếp cận và theo đuổi ngành Thống kê học hiện đại, hay còn gọi là Khoa học dữ liệu.
Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô trong khoa Toán-Cơ-Tin học, Đạt đã may mắn có được một buổi phỏng vấn với thầy Nguyễn Xuân Long. Sau suốt 3 tiếng đồng hồ phỏng vấn về Toán bằng tiếng Anh với Đạt, thầy Long chốt: “Em nộp hồ sơ đi”.
Hồ sơ xin học bổng được chấp nhận, Đạt lần lượt đáp ứng loạt yêu cầu khó khăn của ĐH Michigan. Hồ sơ còn gồm 3 thư giới thiệu của các giảng viên uy tín của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là GS. Đặng Hùng Thắng, TS. Tạ Công Sơn, PGS. Lê Minh Hà, và chứng chỉ tiếng Anh mà Đạt thấy còn khiêm tốn: IELTS 6.5.
GRE là vòng thi Đạt cho là khó nhất, gồm các bài thi bằng tiếng Anh: Toán, từ vựng và tự luận. GRE (viết tắt từ cụm từ tiếng Anh “Graduate Record Examinations” – tạm dịch là Kỳ thi chứng nhận tốt nghiệp) là tiêu chuẩn hàng đầu để xét điều kiện nhập học sau đại học ở Hoa Kỳ. Bài thi Toán có 40 câu, Đạt giành số điểm tuyệt đối 170/170, điểm số mà chỉ 4% thí sinh tham dự đạt được.
Đạt nhận thông báo đỗ vào trường Đại học Michigan vào mùng 4 Tết Kỷ Hợi 2019. “Dường như “Tết” đến nhà em tận hai lần”, Đạt nói.
Phút thư giãn của “mọt sách” Đỗ Trọng Đạt
Tình yêu Toán học dẫn lối đến nước Mỹ
Năm 2015, Đạt trúng tuyển thẳng vào trường Đại học Khoa học Tự nhiên nhờ giải Nhất học sinh giỏi quốc gia môn Toán từ lớp 11. Nếu như Đạt không quyết tâm theo đuổi Toán thì có lẽ giờ này cậu đang say sưa trong tiết học giải phẫu sinh lý người nào đó.
Thư mời tuyển thẳng của Đại học Y Hà Nội vẫn nguyên vẹn trong phòng làm việc của bố Đạt suốt bao năm qua. Thi thoảng, bố lấy ra xem, đôi phần tiếc nuối bởi luôn mong con trai nối nghiệp mình. Cả nhà Đạt, bố, mẹ và chị gái đều là bác sĩ.
Đó cũng là thời điểm chàng trai tuổi 18 không ngừng trăn trở lựa chọn giữa Y và Khoa học tự nhiên. Đạt tự hỏi: “Liệu mình làm những bài toán này thì giúp ích được gì cho đời, sao mình không chuyển sang Y sẽ thực tế hơn?”. Rồi Đạt xin theo bố vào bệnh viện để hình dung rõ hơn về nghề nghiệp. Ở đó, Đạt nhìn thấy máu, dao, kéo, những ca phẫu thuật,… Cuối cùng, đôi tay vụng về và con tim đã mách bảo cậu.
Video đang HOT
Đam mê Toán ứng dụng từ nhỏ, nhưng vì khi đó ở Việt Nam chưa có chương trình đào tạo Toán ứng dụng nào, Đạt quyết định chọn lớp Cử nhân khoa học tài năng Toán, Khoa Toán-Cơ-Tin học của trường theo học.
“Càng học và đọc, em càng nhận thấy rằng để làm tốt được Toán ứng dụng thì ta phải nắm được Toán lí thuyết thật chắc. Em đã không khỏi bất ngờ khi đọc được ứng dụng của Hình học đại số vào Mật mã học; sử dụng không gian Wiener, quá trình ngẫu nhiên vào nghiên cứu kinh tế, đó đều là những kiến thức rất sâu sắc của Toán lí thuyết”, Đạt chia sẻ.
Đỗ Trọng Đạt và các bạn bè của mình
Đạt cho rằng một trong những yếu tố chính để vượt qua những thí sinh khác giành học bổng ĐH Michigan (Mỹ) là sự vững chắc về lí thuyết Toán. Theo Đạt, Ban tuyển sinh luôn đề cao những ứng cử viên có khả năng thấu hiểu cốt lõi vấn đề mà mình làm chứ không phải chỉ bắt chước làm theo người khác như một “chú vẹt”.
“Em rất biết ơn các thầy cô Khoa Toán-Cơ-Tin học – những người đã truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm sống cho chúng em với tất cả các niềm đam mê và tận tụy. Không chỉ là những người thầy cô giáo, họ còn là những người bạn đường dẫn dắt, cùng em đi trên con đường nghiên cứu khoa học. Chắc chắn em sẽ nhớ những buổi hội thảo, nghiên cứu chuyên đề thân mật chia sẻ kiến thức cùng các thầy cô rất nhiều.
Ở trường đại học, em thực sự hạnh phúc. HUS là một nơi tuyệt vời để tu rèn Toán ở mức độ cao, sẽ là một tài sản quý giá để các bạn trẻ yêu thích Toán lí thuyết và Toán ứng dụng dành trọn 4 năm đại học và có thể giải quyết các vấn đề to lớn hơn sau này”, ánh mắt Đạt lấp lánh như khi nói về Toán, về những người thầy cô, về trường đại học đã dẫn em đến với nước Mỹ.
Bên cạnh công lao của thầy cô, thành quả có được là bởi nỗ lực không ngừng nghỉ và ý chí bền bỉ của chàng trai Thái Bình. Thích sách, ham học, nên hầu như Đạt tự đọc hết sách trước khi tới lớp.
Công việc ở lớp là đặt câu hỏi cho thầy về những vấn đề chưa hiểu. Đạt rất tâm đắc câu nói: “A question opens the mind, a statement closes the mind” và tin rằng, hỏi càng nhiều, thắc mắc càng nhiều, trao đổi càng nhiều, tri thức nhận được càng rộng mở.
Chàng trai bảnh bao, trình bày báo cáo khoa học lưu loát này từng là một cậu bé nhút nhát. Năm thứ 3 đại học, Đạt tham gia kỳ trao đổi sinh viên tại Nhật Bản. Ở đây, thời gian chủ yếu được dành cho thuyết trình bằng tiếng Anh. Lần nào lên trình bày, tay chân Đạt cũng run không kiểm soát.
Đỗ Trọng Đạt cùng các thầy cô trong bộ môn Xác xuất Thống kê, Khoa Toán – Cơ – Tin học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội.
Câu nói của thầy giáo đã hoàn toàn thay đổi Đạt: “Các em chỉ như những người đưa thư, gửi thông điệp khoa học tới mọi người. Người nghe cũng chỉ chú tâm đến kiến thức khoa học. Vậy, chỉ là người đưa thư thôi, hà cớ gì ta phải run sợ hay ngại ngùng?”. Từ đó, Đạt luôn cố gắng thực hiện nhiệm vụ của người đưa thư, người truyền thông điệp, người đặt câu hỏi.
Đối với Đạt, bạn bè cũng là những người thầy. Trong mắt cậu, những người bạn đại học “ai học cũng rất giỏi, nhiệt tình, luôn hứng khởi trong việc học và thực hành Toán học. Nhiều bạn còn am hiểu về văn học, âm nhạc nữa. Những thú vui lành mạnh này giúp chúng em có thêm năng lượng tích cực sau những giờ học Toán căng thẳng”.
Cuộc sống của dân Toán trong mắt mọi người có vẻ khá tẻ nhạt. Đạt ăn, ngủ, chơi, chỉ có Toán, sách cùng vài người bạn tri kỷ. Từ cấp 3 đến nay, thêm đàn, ghita và piano làm bầu bạn với Đạt. Những gia vị ngọt ngào thật cần cho Đạt, bởi đôi lúc, Toán làm cho cậu nản chí.
“Khi mới học Giải tích hàm, em nhìn qua cửa sổ và nghĩ rằng, hai năm trước mình chọn Y thì có lẽ đã khác. Niềm tin cứ học đi rồi sẽ thấy kiến thức có ích đã dìu em vượt qua thời kì đầu vỡ mộng. Và quả thực, Giải tích hàm chính là nền tảng mà em đã và sẽ dùng rất nhiều cho nghiên cứu”, Đạt cười kể lại.
“Em cần ước mơ lớn hơn, cần nghĩ kĩ xem cuộc đời mình làm được gì cho đất nước”, Đạt đúc rút.
Đỗ Trọng Đạt không phải luôn “đỗ đạt”
Như cái tên của Đạt, có lẽ bố em đã gửi gắm hi vọng về một người con trai bản lĩnh, thành đạt trên con đường chinh phục tri thức. Đỗ Trọng Đạt không phải luôn “đỗ đạt”. Cậu nếm mùi vị thất bại khi trượt vòng phỏng vấn của các học bổng lớn từ General Electric, Honda, ĐH Sư phạm Paris,… trong suốt 3 năm đầu đại học.
Quá đau khổ, Đạt ngày đêm suy nghĩ, tìm hiểu nguyên do. Cuối cùng, Đạt tạm kết luận, do khi trả lời phỏng vấn, cậu khiêm tốn hết sức có thể, không thể hiện ý chí, ước mơ lớn lao của mình. “Em cần ước mơ lớn hơn, cần nghĩ kĩ xem cuộc đời mình làm được gì cho đất nước”, Đạt đúc rút.
Giành học bổng toàn phần từ Đại học danh tiếng Mỹ, Đạt dự định dành 2 năm đầu để tích lũy kiến thức, sau đó 3 năm còn lại sẽ nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo.
Đạt chia sẻ: “Sau khi em đã tìm được hướng đi riêng và cảm thấy đủ lông đủ cánh, em sẽ trở về Việt Nam để vừa tiếp tục nghiên cứu, vừa truyền đạt tri thức, khơi gợi niềm đam mê toán học và thống kê học cho các bạn trẻ”.
Cho đến giờ, Đạt đã có thể tự tin chia sẻ với bố về điều ấp ủ bao năm qua. Ngày nay, Thống kê và Khoa học dữ liệu được ứng dụng rất mạnh trong việc đưa ra quyết định trong y học, cụ thể là trong việc chẩn đoán, điều trị và phòng chống các bệnh mãn tính, ung thư, đái tháo đường.
ĐH Michigan (UMich) có trường Y và bệnh viện rất mạnh, vì thế Đạt vẫn hoàn toàn có thể theo đuổi Toán thống kê mà vẫn phần nào kế tục được truyền thống gia đình.
Một số thành tích học tập trong những năm đại học của Đạt:
Điểm trung bình học tập: 3.86/4;
Danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu Đại học Quốc gia Hà Nội các năm học 2015-2016, 2016-2017, 2017-2018;
Danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Thủ đô năm học 2017-2018;
Top 30 Học bổng HONDA năm học 2018-2019;
Học bổng JASSO năm 2018;
Học bổng Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển ngành Toán các năm học 2015-2016, 2016-2017, 2017-2018, 2018-2019;
Giải Nhì Hội nghị khoa học sinh viên cấp trường năm học 2017-2018;
Giải Nhì Hội nghị khoa học sinh viên khoa Toán-cơ-tin học năm học 2016-2017;
Giải Nhất 2 môn Đại số, Giải tích kì thi Olympic Toán học Sinh viên các năm học 2015-2016 và 2016-2017.
Hoàng Linh
Theo Dân trí
Nhiều "hot girl" ĐH Lâm nghiệp giành học bổng thạc sĩ, tiến sĩ danh giá nước ngoài
Nhiều sinh viên, nhiều "hot girl" trường Đại học Lâm nghiệp, ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên giành học bổng danh giá học Thạc sĩ, Tiến sĩ của nhiều trường đại học nổi tiếng nước ngoài.
Từ năm 2016 đến đầu năm 2019 đã có hơn 20 sinh viên thuộc các khóa K55, K56, K57, K58 và K59 của trường ĐH Lâm Nghiệp nhận được học bổng học Thạc sỹ tại Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đặc biệt 03 sinh viên K55 và K56 sau khi học xong chương trình thạc sĩ đã nhận được học bổng toàn phần học tiến sĩ ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, đó là các em, Hứa Huy Luân, Trần Thị Mai Anh học Tiến sĩ tại Hoa Kỳ; Em Đinh Quỳnh Oanh học tiến sĩ ở Nhật Bản.
Chỉ tính riêng trong năm 2018 và đầu năm 2019, đã có 10 sinh viên nhận được học bổng học thạc sĩ tại CHLB Đức, Nhật Bản và Phần Lan.
Đặc biệt, trong các sinh viên được nhận học bổng này, rất nhiều "hot girl" nổi bật khiến nhiều chàng trai trong trường ngưỡng mộ.
Chảo Thị Yến K55 thạc sĩ ngành quản lý tài nguyên rừng bền vững của Trường ĐH Gottingen (CHLB Đức) hiện đang làm cho tổ chức PanNature
Nguyễn Nguyệt Anh (K57) tại Đại học British Collumbia, Canada (UBC). Em nhận được học bổng cho 2 năm học thạc sĩ bao gồm Học bổng giành cho sinh viên quốc tế xuất sắc của UBC (International Tuition Award), Học bổng của Khoa Lâm Nghiệp cho sinh viên xuất sắc (UBC Faculty of Forestry Strategic Recruitment Fellowship).
Lê Thị Thúy (K59) - Học bổng Thạc sĩ lâm nghiệp nhiệt đới bền vững (SUTROFOR) chương trình Erasmus Mundus
Phạm Thùy Linh (K58) giành được Chương trình học bổng MEXT 2018 bậc Thạc sỹ - trường Đại học Tsukuba, , Nhật Bản chuẩn bị nhập học vào đầu tháng 4/2019.
Đoàn Thị Minh Thùy (K57) theo học ngành Địa chất và Quy hoạch (Geography & Planning) tại Đại học Saskatchewan, Canada
Đinh Quỳnh Oanh và Phạm Vũ Minh đang học tại Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ năm 2018, Oanh đã tiếp tục nhận được học bổng tiến sỹ của Trường. (Các sinh viên chụp ảnh cùng lãnh đạo trường ĐH Lâm Nghiệp và trường Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo, Nhật Bản )
Sinh viên Nguyễn Đức Thắng - K55, Đoàn Thanh Tùng - K56, Hoàng Thế Trung, Vũ Đức Huy - K57, Phan Quốc Dũng, Nguyễn Thanh Tùng - K58 tại CHLB Đức.
Ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên (Natural Resource Management) là chương trình đào tạo tiên tiến hợp tác giữa Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam (Vietnam National University of Forestry - VNUF) và trường Đại học Bang Colorado, Hoa Kỳ (Colorado State University -CSU). Ngành này chính thức được triển khai từ năm 2009 tại VNUF. Đây là chương trình đào tạo thuộc Dự án Đào tạo tiên tiến của Chính phủ Việt Nam triển khai từ giai đoạn 2005-2015.
Tại Trường Đại học Lâm nghiệp, ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên (QLTNTN) được giảng dạy bằng tiếng Anh do các giáo sư, chuyên gia của Việt Nam, Hoa Kỳ và quốc tế khác giảng dạy.. Sinh viên được giảng dạy các kiến thức và rèn luyện các kỹ năng mới, hiện đại trên thế giới về quản lý tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên rừng.
Bên cạnh đó sinh viên còn được trải nghiệm thực tế tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và các địa bàn phù hợp với nhiều môn học đa dạng.
Theo GS.TS. Trần Văn Chứ - Hiệu Trưởng trường Đại học Lâm nghiệp, trong thời gian tới ngành Lâm nghiệp sẽ có nhiều bước tiến mạnh mẽ nên nhu cầu về nhân lực chất lượng cao là rất lớn. Sinh viên Chương trình tiên tiến không những tự tin về trình độ tiếng Anh mà còn được trang bị đầy đủ kiến thức tốt về quản lý tài nguyên rừng, tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam và trên thế giới, nên họ hoàn toàn có khả năng đáp ứng thị trường lao động trong khu vực ASEAN và thế giới về các lĩnh vực được đào tạo.
Lê Hoàn
Theo Dân trí
Chương trình học bổng toàn phần France Excellence chính thức mở đơn Trong Ngày hội giáo dục đại học Pháp "Bienvenue en France!" - lần thứ 5 diễn ra vào ngày 7/10, Campus France Vietnam - Đại sứ quán Pháp đã tổ chức "Hội thảo thông tin du học Pháp" giới thiệu các chương trình học bổng của Chính phủ nói chung và các trường đại học nói riêng nhằm hỗ trợ sinh viên quốc...