Chuyện của các cô giáo ở vùng đất khát Lục Khu
Tết với các cô là bài toán cân đối thu nhập đầy “cân não” bởi chỉ quá tay một chút thôi là ra giêng lấy gì mà tiêu. Không có thưởng, lương lấy hai tháng rồi
Ai lên thăm khu di tích Pắc Pó của huyện Hà Quảng (Cao Bằng) nhìn bên phải tỉnh lộ 208 thấy tua tủa núi đá cao vút, đấy là vùng “Lục Khu” – tên gọi chung 12 xã đặc biệt khó khăn của H.Hà Quảng (Cao Bằng).
Trước đây, nghe đến miền “Lục Khu” là nghe đến vùng đất khét tiếng nơi rừng xanh núi đỏ, nghe tới vùng đá chồm lên đá, nơi mà suốt 8 tháng trong năm “bói không ra giọt nước”.
Nơi mà thầy cô giáo, các em học sinh cùng bà con phải vợi từng can nước bé xíu trong những vũng nước đục ngầu trong vách đá toàn cung quăng, bọ gậy về… ăn. Vì cơn khát đó, nhiều người đã phải bỏ xứ tha hương.
Thế nhưng, đi qua những ngày tháng đó, các cô giáo vẫn bám trụ tại “Lục Khu” để gieo mầm con chữ nơi vùng đá khát.
Trong chuyến công tác cuối năm, chúng tôi đến với xã Lũng Nặm, một xã của “Lục Khu” bằng xe máy. Được các anh bộ đội biên phòng Lũng Nặm giới thiệu, chúng tôi qua thăm trường Trung học cơ sở Lũng Nặm .
Cô Đặng Thị Hồng trò chuyện với phóng viên.
Quanh bàn trà với các cô giáo ở trường Lũng Nặm, những câu chuyện có lẽ chưa dám tỏ cùng ai….
Trước khi vào câu chuyện, anh Khâm, cán bộ đồn biên phòng đã hỏi thăm cô giáo Điệp, Hiệu trưởng công tác chống hạn như thế nào.
Theo cô Điệp thì tất cả những gì có thể đựng được nước cũng đã sử dụng hết. Những gì không cần thiết cũng khóa lại hết.
Dù đã có điều kiện hơn nhưng bước vào mùa khô là các cô, các thầy ở Lũng Nặm đều phải chuẩn bị rất kỹ cho việc trữ nước.
Bắt đầu câu chuyện, cô giáo Đặng Thị Hồng, giáo viên trường Trung học cơ sở Lũng Nặm, người đã có 9 năm gắn bó với các trường trong Lục Khu, 9 năm gắn bó cũng là 9 năm cô Hồng bám đá khát vì học sinh vùng khó.
“Khó khăn kể ra thì nhiều lắm anh ạ. Bây giờ kể lại nghe chuyện cứ như huyền thoại ấy. Bây giờ đời sống khá hơn đôi chút rồi.
Cô trò có trường, có lớp, đường đi cũng đã được bê tông hóa đầy đủ. Đời sống bà con cũng đã được nâng cao”, cô Hồng tổng kết lại quãng đường 9 năm mình đã đi qua trên vùng đất khát.
Thế nhưng, với các cô giáo, dù gì cũng là những phụ nữ chân yếu tay mêm nên vượt qua những con đèo cao vút, những khúc cua tay áo từ ngã tư Đôn Chương vào đến Lũng Nặm là cả một hành trình chẳng dễ dàng.
Nắng rát, mưa trơn, sương mù lạnh giá chẳng ngày nào các cô không vượt qua.
Video đang HOT
“Với các anh bộ đội biên phòng đồn là nhà thì chúng em cô giáo vùng Lục Khu này thì trường là nhà rồi các anh ạ. Em giờ đưa cả con nhỏ lên đây học luôn”. Cô giáo Hồng chia sẻ.
Chuyện tiền thưởng Tết dường như là điều gì đó khó nói với các cô giáo ở vùng Lục Khu.
Nói về kỷ niệm với học trò cô Hồng cho biết, kỷ niệm thì nhiều lắm khó kể hết nhưng cô Điệp, Hiệu Phó nhà trường bảo cô Hồng đang khỏe nhất trường khi tuy bé như vậy mà bế không ít học sinh lớp 9.
Chúng tôi ngạc nhiên, cô Hồng giải thích với học sinh lớp 9 ở vùng cao, tuổi dậy thì, tâm sinh lý của các em có nhiều biến đổi, nhiều em hay bị ngất trong khu bán trú của nhà trường. Do cô Hồng gần gũi với các học trò nên trở thành người bạn với các em.
“Mình có gần gũi với các em thì các em mới tâm sự với mình. Nhiều vấn đề tâm, sinh lý tuổi mới lớn mình cũng phải đặt mình vào hoàn cảnh của các em nên mới hiểu hết được các anh ạ”. Cô Hồng chia sẻ.
“Làm bạn với học sinh nhưng mà người thì bé thế này nhưng các em ngất, mệt thì nhất định cứ phải cô Hồng bế xuống mới chịu cơ”. Cô Hồng dí dỏm.
Chuyện của chúng tôi cứ thế trôi đi với câu chuyện về học trò vùng cao. Những chuyện cười ra nước mắt với những cách viết thư cho cô giáo, thầy giáo chỉ dùng duy nhất ký tự “i”.
Thày giáo các em cho thành “Thài” giáo hết…. Kể cả các cô dạy văn ngồi đó mà không hiểu sao dạy hoài học trò không nhớ.
Không chỉ một mà nhiều thế hệ học trò đều mắc phải lỗi khó hiểu như vậy. Câu chuyện của chúng tôi trùng xuống khi nhắc một chút về thưởng tết.
Nhiều năm nay, chẳng bao giờ các cô được thưởng tết, mà tết về các cô sẽ được hưởng 2 tháng lương. Lúc đó là một căn ke, tính toán đến nao lòng về việc chi tiêu thế nào để ra giêng không bị đói.
“Với các cô có chồng làm nghề khác còn giúp đỡ được đôi chút nào đó còn với các cô mà hai vợ chồng cùng nghề, cùng huyện thì vất vả lắm”, cô Điệp chia sẻ.
Những ngày Lũng Nặm chìm trong sương lạnh, miền biên thùy buốt giá, khát khô nhưng chẳng thể ngăn bước các cô.
“Hôm nọ ở Hà Quảng có hội chợ, con bảo muốn đi hôi trợ mà trong túi có 2 trăm ngàn chẳng dám cho con đi”. Cô giáo Hồng chia sẻ.
Ngoài cô Hồng, cô Điệp, cô Hạ những cô ngồi với chúng tôi trong câu chuyện quanh ấm trà cũng kể ra đủ những câu chuyện về việc sử dụng tiền 2 tháng lương ấy như thế nào cho hợp lý.
Bỗng các cô bàn nhau về một năm nào ấy, không nhớ lắm nhưng được thưởng 100.000 đồng, với các cô, như thế cũng vui rồi.
Cô Điệp bảo, người ta nói “mười đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, các chị cũng mong lắm ấy, nhưng…
Không chỉ chuyện cô Hồng, cô Điệp, cô Hạ, ở “Lục Khu” vùng khó này còn có những thầy cô giáo ở tỉnh xa, nhiều cô nhớ nhà nhưng chẳng dám về ở lại với trường, ở lại với bà con để mong Tết qua đi thật nhanh… Có lẽ chuyện không có tiền thưởng là chuyện quá đỗi bình thường với các cô.
Với các cô giáo vùng cao ở “Lục Khu”, tiền thưởng như một vấn đề nào đó quá xa xăm.
Trần Phương
Theo giaoduc.net.vn
Người "thổi hồn" cho giáo dục miền núi
Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy, những thầy cô giáo ở xã đặc biệt khó khăn Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng còn là những người giỏi tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp.
Thầy cô vừa giỏi dạy học vừa "chuyên" vận động học sinh đến trường
Điểm trường Đưng K'Si thuộc trường mầm non xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương cũng giống như nhiều điểm trường mầm non khác thuộc các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Lâm Đồng. Công việc hàng ngày của các cô giáo ngoài nhiệm vụ giảng dạy, chăm sóc học sinh còn có nhiệm vụ không kém phần quan trọng: Vận động học sinh đến lớp.
Bữa trưa có cơm, cá, rau của các em học sinh trường THCS Đạ Chais do chính các thầy cô nấu.
Điểm trường Đưng K'Si có hơn 180 học sinh chia làm 7 lớp học. Để học sinh đến lớp, tuyên truyền, vận động không thôi chưa đủ. Ở đây, mỗi lớp mầm non có 2 giáo viên. Cứ sáng đến, một cô trông lớp, cô còn lại đến từng nhà chia kẹo, chở học sinh đến trường...
Nhưng để giữ vững sĩ số học sinh thì những giải pháp trên vẫn chưa đủ. Nhà trường kết hợp với chính quyền UBND xã, hội phụ nữ, trưởng thôn, mặt trận, đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền vận động phụ huynh cho học sinh đến trường.
Khi chúng tôi đến thăm trường Trung học cơ sở Đạ Chais cũng vừa đúng giờ ăn trưa. Thầy giáo trẻ Nguyễn Phi Hùng ngoài nhiệm vụ chuyên môn là dạy tin học và phụ trách kỹ thuật của trường thì còn kiêm thêm nhiệm vụ nấu bữa trưa cho học sinh ở xa.
Hiệu trưởng Trường THCS Đạ Chais Phan Văn Cầu, người có thâm niên gần 40 gắn bó với giáo dục vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Lâm Đồng. Thầy bảo: "Giáo viên công tác vùng miền núi đặc biệt khó khăn yêu nghề thôi chưa đủ. Các thầy cô phải dành cả lòng nhiệt huyết! Ở đây, bên cạnh nâng cao chất lượng giáo duc thì vận động học sinh đến trường, duy trì sĩ số là nhiệm vụ vô cùng quan trọng".
Suốt gần 40 găn bó giáo dục miền núi cũng là ngần đó năm thầy miệt mài tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con đến trường học. Một mình thầy làm không xuể mà phải truyền lửa, thổi hồn để các giáo viên, để chính quyền địa phương cùng vào cuộc. Phần lớn giáo viên về công tác tại xã đặc biệt khó khăn là giáo viên trẻ. Vì thế, thầy hiệu trưởng vừa khuyến khích động viên các thầy cô giáo làm tốt nhiệm vụ giảng dạy, đồng thời kiên trì, vận động học sinh đến trường. Đây là hai nhiệm vụ quan trọng và song song. Nếu không kịp thời động viên, khích lệ các thầy cô giáo thì rất khó hoàn thành sứ mệnh của người giáo viên ở các xã khó khăn.
Thầy Cầu kể: "Ngay từ tháng 8, nhà trường phối hợp với UBND xã xây dựng kế hoạch vận động học sinh đến trường học đúng ngày. Theo đó, lãnh đạo UBND xã, các đoàn thể và thầy cô đến từng nhà vận động, tuyên truyền đặc biệt là nhóm học sinh có nguy cơ cao "trốn học".
Đối với nhóm học sinh vừa vận động được đến trường hay học sinh có nguy cơ "trốn học", hàng ngày cứ 6h sáng, đích thân thầy hiệu trưởng cùng một giáo viên nữa đến nhà vận động, nhắc nhở các em đến trường....
Thầy Nguyễn Phi Hùng nấu bữa trưa cho các học sinh.
Phối hợp chính quyền cùng vận động các em đến lớp
Trường THCS Đạ Chais có 124 học sinh thì có đến 115 em học sinh dân tộc thiểu số. Đời sống người dân nơi đây tuy đã phát triển hơn trước nhưng vẫn là xã đặc biệt khó khăn. Do nhận thức chưa cao nên vẫn còn nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc con cái học hành. Ngoài giờ lên lớp, các em lại phải phụ gia đình lên nương, lên rẫy. Đó là chưa kể đến truyền thống văn hóamẫu hệ, các em gái thường "bắt chồng" từ khá sớm... Để vận động học sinh đến lớp đầy đủ là cả một hành trình dài của các giáo viên và chính quyền nơi đây.
"Danh sách học sinh đến trường được nhà trường cập nhận hàng ngày để báo cáo ban tuyên truyền vận động học sinh đến trường. Chỉ thầy cô đến nhà vận động chưa chắc gia đình đã nghe nên chúng tôi phối hợp với chính quyền, đoàn thể và đặc biệt là các trưởng thôn, bí thư chi bộ, hội nông dân, hội phụ nữ, mặt trận tổ quốc,... cùng vào cuộc. Đồng bào dân tộc nói với nhau thì người dân nghe và tin hơn", thầy Cầu cho hay.
Thầy Phan Văn Cầu cho biết, năm học 2018 - 2019, trường Dân tộc nội trú tỉnh giao chỉ tiêu cho xã Đạ Chais 8 học sinh. Các học sinh theo học ở đây được học, ăn ở hoàn toàn miễn phí nhưng tuyển mãi vẫn không đủ chỉ tiêu! Đích thân hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú tỉnh cùng một giáo viên là người đồng bào dân tộc, thầy phụ trách đội đưa xe ô tô về tận trường, đến tận nhà vận động nhưng đến nay chỉ có 6 em đồng ý nhập học.
Điểm trưởng mầm non Đưng K'Si.
Trước đây, chuyện thầy cô lên rẫy cách trường cả chục km để vận động gia đình cho con em đi học là chuyện thường. Ngoài trình độ dân trí hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo đói trong đồng bào còn cao, còn là việc nhận thức về chuyện học cái chữ của một bộ phận người dân chưa đúng mức.
Nhớ lại cách đây khoảng chục năm, thầy Phan Văn Cầu kể: "Thầy cô lên rẫy vận động phụ huynh cho con đi học thì họ bảo: "Con mình đấy, thầy cô kêu được nó đi học thì đi, mình không biết đâu!". Còn nay, dù vẫn phải tuyên truyền vận động học sinh đến lớp nhưng không còn khó khăn như trước. Phụ huynh cũng đã bắt đầu có ý thức nhắc nhở con đến trường".
Được tuyên truyền vận động nhiều, kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên tỷ lệ thuận với việc trẻ đến trường. Bởi trong cùng xã Đạ Chais nhưng thôn Đồng Mang nằm cách trường gần chục km nhưng các em vẫn có ý thức đi học. Còn học sinh ở các thôn Klong Klanh, Đưng K'Si chỉ cách trường mấy trăm mét nhưng thầy cô, chính quyền vận động mãi mới chịu đến trường.
Dù công tác giáo dục ở các xã đặc biệt khó khăn được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng vẫn còn nhiều vất vả. Suốt 3 năm nay, chính sách hỗ trợ sách vở cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn không còn, thầy Cầu cùng các thầy cô giáo tận dụng các mối quan hệ, kết nối để xin tài trợ sách vở, bút, mực đủ cho các em. Đến ngày lễ, tết hay khai giảng, tổng kết năm học, các thầy cô lại kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ quà, bánh cho các em, kịp thời động viên, khích lệ các em đến trường. Để các em thôn Đông Mang có chỗ ăn, nghỉ vào buổi trưa, thầy Cầu vận động Công đoàn giáo dục tỉnh Lâm Đồng xây tặng trường nhà bán trú.
Thương học sinh không quản ngại đường xa nên hàng ngày các thầy cô chia nhau nấu cơm trưa cho các em ở thôn Đồng Mang có bữa trưa chắc bụng để tiếp tục học ca chiều mà không phải về nhà hay cơm đùm, cơm nắm.
Thầy giáo Nguyễn Phi Hùng là một trong số những thầy cô giáo nằm trong tổ nấu cơm trưa cho học sinh. Thầy Hùng bảo, nghĩ các em đi học xa nên thầy cô ai cũng thương đông viên các em đến lớp. "Học sinh người dân tộc thiểu số vẫn còn nhút nhát nên có hôm thầy cô đã nấu cơm cho các em những không dám vào ăn. Biết thế, cứ đến giờ học buổi trưa, các thầy cô phải đón các em từ các lớp, dẫn về phòng ăn rồi đưa đến nhà bán trú nghỉ ngơi, chiều tiếp tục học", thầy Hùng kể.
Chưa kể xong câu chuyện thầy cô nơi đây kiên trì dạy học, vận động học sinh đến trường, thầy Cầu phấn khởi khoe: "Nhà báo đừng nghĩ nơi đây khó khăn, đến việc đi học hàng ngày của học sinh còn phải vận động thì chất lượng giáo dục không được quan tâm. Năm học vừa qua, nhà trường có 4 em đạt danh hiệu học sinh gỏi huyện, 3 học sinh vinh dự được tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. 2 học sinh của trường làm sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thật dành cho học sinh đạt giải khuyến khích cấp tỉnh.... Có được những thành tích đó là nhờ sự nỗ lực cố gắng của các em học sinh và sự tận tâm của đội ngũ giáo viên nhà trường".
Vẫn biết, giáo dục ở xã miền núi đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều thách thức nhưng với sự tận tâm của đội ngũ giáo viên nơi đây cùng nỗ lực cố gắng của học sinh, kinh tế xã hội phát triển ý thức phụ huynh được nâng lên hy vọng hy vọng giáo dục nơi đây sẽ ngày càng khởi sắc. Bởi giáo dục là nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội. Chỉ khi nào, dân trí được nâng cao, đời sống người dân nơi đây sẽ càng phát triển đi lên...
VÂN KHÁNH
Theo baodansinh
Bức tranh giáo dục Việt Nam sau 5 năm "Đổi mới căn bản toàn diện" Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của đổi mới...