Chuyện cô trò và những lớp học đặc biệt: “Tôi bật khóc như một đứa trẻ ngay khi kết thúc tuần đi dạy đầu tiên”
Không có quá nhiều thầy cô đủ kiên nhẫn và sự bao dung để bước trên con đường đầy gian khó – đồng hành cùng học sinh khuyết tật. Học trò của họ là những cậu bé, cô bé không nhìn thấy ánh sáng, không nghe thấy âm thanh, hay không thể điều khiển được hành vi của mình.
10 năm trước…
Hôm nay là ngày đứng lớp đầu tiên của cô Thanh. Giống như những lần đi thực tập trước đây, cô nhẹ nhàng bước vào lớp và đợi học sinh đứng dậy chào. Thế nhưng cả lớp vẫn râm ran nói chuyện, chẳng ai buồn để ý đến sự hiện diện của cô. Đứng một lúc lâu vẫn không thấy học sinh chào hỏi, cô gằn giọng nhắc nhở, lúc đó mới có vài tiếng nói thì thầm với nhau: Cô vô, cô vô. Rồi cả lớp đồng loạt đứng dậy chào.
“Đứng tại chỗ 10 phút” – cô giáo nói, như một hình phạt dành cho sự vô phép của cả lớp. Những bài học về đạo lý, về nhân lễ nghĩa, rồi “ tiên học lễ hậu học văn” được cô giáo ca cẩm trong mười mấy phút liền, tụi nhỏ vẫn đứng im chịu trận cho đến khi cơn giận của cô nguôi đi.
Hết tiết học, cô giáo bước vội ra ngoài để nhắn tin cho bạn, tựa vào bức tường của lớp cô vô tình nghe được cuộc trò chuyện của các học trò:
- Ê mày, cô giáo mới vào trường mình bị gì vậy, không biết tụi mình bị mù hay sao mà vào lớp không nói tiếng nào, biểu phải nhìn thấy rồi đứng dậy chào.
- Ừ, chắc mới vô nên chưa quen đó.
Ngày hôm sau bước vào lớp, cô giáo cất tiếng chào cả lớp trước, và không quên gửi lời xin lỗi. Cả lớp cười hì hì: Dạ không sao đâu cô ơi, giáo viên nào mới vào trường cũng bỡ ngỡ như vậy hết trơn hà.
Thời gian trôi nhanh như chớp mắt, mới đó mà cô giáo Phạm Thị Thu Thanh gắn bó với các thế hệ học sinh trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) gần 10 năm trời. Nhớ lại những ngày đầu tiên, cô tâm sự: “Mãi cho đến bây giờ tôi vẫn không biết vì sao trong cả trăm sinh viên cùng tốt nghiệp ngành sư phạm địa lý, thì tôi lại được chọn vào dạy ở một ngôi trường dành cho trẻ khiếm thị. Cầm tờ giấy giới thiệu trên tay, tôi bật khóc trước sự ngạc nhiên của bạn bè. Một thầy trên Sở động viên: Em cứ thử đến trường công tác, nếu cảm thấy không phù hợp thì làm đơn xin chuyển trường”.
Cuộc đời có những mối duyên kỳ lạ đến nỗi con người ta cũng chẳng biết lý giải vì sao, giống như hành trình bước vào thế giới bóng tối của cô giáo Thu Thanh ở ngôi trường này. Đến lớp với tâm thế là người truyền dạy kiến thức cho học trò, nhưng sau buổi dạy đầu tiên thì cô giáo mới là người được nhận – bài học về sự thấu hiểu.
“Tôi luôn cảm thấy áy náy vì lần đầu tiên bước vào lớp đã ra rả bài học đạo lý, trong khi bản thân mình không thấu hiểu những khiếm khuyết của các em. Những ngày tháng đó tôi không sao ngủ được, cứ nhắm mắt là lại hình dung ra gương mặt của học trò, với hốc mắt đỏ hoe, những con mắt trắng dã… tôi không biết liệu mình có thể làm tốt công việc ở ngôi trường này không…”- cô Thanh thật lòng chia sẻ.
Nhà cô Thanh cách trường 20km, mỗi ngày cô thức dậy từ 5h30 sáng để đi xe bus đến trường, buổi trưa cô ở lại cùng các nữ sinh nội trú để cùng trò chuyện, chia sẻ những khó khăn của học trò. “Không ít lần mệt mỏi vì dạy hoài mà các em không tiếp thu được, tôi cũng muốn bỏ cuộc. Nhưng khi nghe tụi nhỏ tâm sự tôi thấy mình thật đáng hổ thẹn. Học trò tôi có em đang sáng mắt bỗng một ngày trở nên mù loà, có em sinh ra đã không nhìn thấy ánh sáng không có được tình thương gia đình, dẫu vậy tất cả chưa bao giờ bỏ cuộc” – cô Thanh lý giải về động lực đã giữ chân mình lại với mái trường này suốt thời gian qua. Đôi khi chứng kiến những bất hạnh của người khác, cũng giúp ta cảm thấy mình quá đỗi may mắn trong đời.
Cô cười bảo: “Tôi đã bật khóc như một đứa trẻ ngay khi kết thúc tuần đi dạy đầu tiên”. Khóc vì không dám tin bản thân có thể làm được. Khóc vì đã vững vàng bước vào thế giới của các em, để rồi cả cô cả trò cùng men theo lối đi bóng tối tìm đến ánh sáng tươi đẹp phía cuối hành trình.
Có lần tôi đã hỏi một cô giáo ở Tiền Giang: “Vì sao cô lại lựa chọn công việc dạy trẻ khuyết tật?”. Cô không trả lời, chỉ kể cho tôi nghe một câu chuyện:
“Năm lên lớp 11 cháu gái tôi phát bệnh ung thư xương thời kỳ cuối, sức khoẻ con bé tuột dốc rất nhanh, tinh thần cũng dần suy sụp. Nó biết mình rồi sẽ chết, thế nên chẳng thiết tha việc đi học hay làm bất kỳ điều gì. May mắn là hai cô cháu vẫn thường tâm sự với nhau, nên sau khi nghe tôi động viên cháu đã trở lại học tập để thực hiện ước mơ trở thành nữ sinh đại học.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cháu gái tôi đậu vào trường Đại học KHXH&NV TP.HCM. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển cũng là lúc căn bệnh di căn buộc phải cắt bỏ đôi chân, vậy mà con bé vẫn không nản chí. Hôm nhập học bé được cha bế vào trường để làm thủ tục như bao sinh viên khác. Những tưởng cuộc đời đã dừng lại ở năm lớp 11 vậy mà chính nguồn động viên nhỏ nhoi ngày đó đã duy trì sự sống cho bé. Không lâu sau cháu tôi qua đời, dẫu ước mơ vẫn còn dang dở, nhưng hy vọng của cháu thì không bao giờ tắt”.
Đó cũng là động lực giúp cô giáo Nguyễn Ngọc Hạnh (trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Mỹ Tho, Tiền Giang) gắn bó 23 năm với công việc giảng dạy cho trẻ khuyết tật. Bởi với cô: “Dù khiếm khuyết thứ gì đi nữa, thì trong mỗi em vẫn có một tia sáng”.
Hơn ai hết cô hiểu các em cần sự giúp đỡ của mình để có thể phát triển bản thân. Cô Hạnh nhận giảng dạy lớp hoà nhập, nghĩa trong cùng một lớp học sẽ có cả học sinh bình thường và học sinh khuyết tật. Điều khó khăn nhất là người giảng dạy phải cân đối thời gian vừa dạy trẻ khuyết tật mà không sao nhãng những trẻ khác. Sức lực bỏ ra cho một lớp hoà nhập đôi khi gấp 2, gấp 3 lần so với một lớp thường, bởi nhiều trẻ chậm phát triển không tự chủ được việc vệ sinh, cô giáo phải thường xuyên kiêm luôn nhiệm vụ dọn dẹp “bãi chiến trường” cho học trò.
“Trẻ chậm phát triển thường thờ ơ, không hợp tác với cô giáo, vì vậy bản thân mình phải như một người mẹ, thấu hiểu những tâm tư tình cảm của trẻ, thì lúc đó mới tìm ra cách giáo dục tốt nhất. Các em suy nghĩ đơn giản lắm, nếu mình thương nó thì nó cũng sẽ thương lại mình y chang vậy” – cô tâm sự.
Câu nói của cô Thuỳ luôn khiến tôi đau đáu về những thầy cô giáo đang ngày đêm đồng hành cùng trẻ kém may mắn. Rõ ràng thầy cô nào mà không mong muốn được dạy ở ngôi trường khang trang, nơi có các học trò ngoan hiền giỏi giang. Ai mà chẳng muốn đi trên con đường dễ dàng.
Trên thực tế nhiều năm qua số lượng giáo viên giảng dạy cho trẻ khuyết tật luôn trong tình trạng thiếu hụt. Cô Võ Thị Phương Thùy vốn là một giáo viên phổ thông, năm 1998 cô được luân chuyển về Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long, thời gian đầu công việc chính của cô là phụ trách lớp giáo dục trẻ khiếm thính.
“Dù được Trung tâm trang bị kiến thức chuyên môn nhưng tôi cũng không khỏi bỡ ngỡ khi các em tỏ ta bốc đồng, không hợp tác. Nhiều ngày suy nghĩ tôi nhận ra muốn dạy được trẻ, thì trước tiên phải hiểu các em nói gì, thế là tôi tìm tòi học ngôn ngữ ký hiệu. Rồi tiếp cận các em bằng cách hướng dẫn nhiều bài hát bằng ký hiệu, giúp cô trò cởi mở hơn” – với cô Thuỳ mỗi ngày đến lớp lại được học thêm nhiều thứ từ học trò..
Dần dần cô trò hiểu và mến nhau, họ xem nhau như một gia đình.
Những năm sau này, cô Thuỳ nhận chăm sóc cho trẻ tự kỷ công việc có phần khó khăn hơn. Bởi trẻ không kiểm soát được hành vi, thường xuyên cáu gắt đánh bạn, đánh cô giáo. Chuyện đi dạy mà cô giáo bị học sinh đánh, nhéo bầm tím chân tay là quá bình thường, đòi hỏi thầy cô phải luôn nhẫn nại và kiên trì với các em.
Cô Thuỳ mỉm cười nói: “Điều quan trọng nhất là tình thương. Đúng là chẳng ai muốn đi trên con đường khó khăn, nhưng một khi đã dạy các em rồi thì thương không dứt. Muốn được làm điều gì đó cho tụi nhỏ, dạy những điều đơn giản nhất trong cuộc sống để tụi nhỏ có thể sống như bao đứa trẻ khác”.
Ngày nhà giáo Việt Nam, học trò nô nức gửi đến thầy cô những đoá hoa tươi thắm thay cho lời tri ân, tuy nhiên dưới những mái trường đặc biệt này đôi khi chẳng có nhành hoa lời chúc nào hiện hữu. Thế nhưng có gì là quan trọng đâu, bởi người làm thầy làm cô khi lựa chọn bước trên con đường này, nghĩa là đã chọn một con đường không trải đầy hoa.
Theo Helino
Tiết dạy đầu đời của cô giáo luôn là người "chào học sinh" trước
Ở tuổi 21, bén duyên một cách bất ngờ với ngôi trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu ở quận 10 - TP.Hồ Chí Minh, cô giáo Phạm Thu Thanh (sinh năm 1987) chưa được chuẩn bị tâm lý, gia đình lại không ủng hộ nên từng có ý nghĩ bỏ cuộc. Nhưng tiết dạy đầu đời đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và hành động của cô giáo trẻ.
Cô giáo luôn là người chào các em trước
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm Địa lý trường CĐ Sư phạm TP.HCM (nay là ĐH Sài Gòn), Phạm Thu Thanh đã làm hồ sơ xét tuyển công chức như bao bạn sinh viên cùng lứa ra trường khác. Cơ duyên bất ngờ khi cô là người hiếm hoi trong đợt nhận quyết định về trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Ở đây, bên cạnh dạy Địa lý cho học sinh khiếm thị THCS, chị Thanh còn được phân công dạy cho học sinh khiếm thị đa tật (trẻ có từ 2 dạng tật trở lên: vừa mù, vừa điếc; vừa mù vừa rối loại hành vi, tự kỷ,...).
Không có một khái niệm, kỹ năng, chưa được chuẩn bị tâm lý trước khi đến nhận công tác, hàng chục câu hỏi được đặt ra cho cô giáo trẻ, nhưng không biết tìm đâu ra câu trả lời và khó thổ lộ cùng người thân: Học sinh khiếm thị học như thế nào? Dùng phương pháp, kỹ năng, hình thức gì để tổ chức lớp học? Đặc thù của môn Địa lý là sử dụng bản đồ, lược đồ, sơ đồ và vẽ biểu đồ, vậy làm sao để dạy và truyền đạt kiến thức cho học sinh? Đánh giá ra sao? Chữ nổi là gì?...
Nhưng tuần đầu đi dạy với tiết học đáng nhớ đã đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và hành động của bản thân, giúp Thanh can đảm và nhiệt huyết với con đường nhiều thử thách, chông gai phía trước - mà đến giờ cô đã gắn bó tròn 10 năm.
Cô Thanh xúc động kể: "Vào tiết dạy thứ 2 của tuần đầu tiên khi, tôi dạy địa lý tại trường. Đây là tiết Địa lý lớp 8, sau giờ chuyển tiết, tôi đã di chuyển qua lớp 8, chuông cũng đã reo. Trong lớp, các em cứ nói chuyện, không quan tâm, để ý đến sự xuất hiện của cô giáo mặc dù tôi đã nhẹ nhàng đứng ở bàn giáo viên, giương mắt nhìn các em. Sau khi tôi ho 1 tiếng, lớp bắt đầu yên lặng và đứng lên chào tôi.
Cô giáo Phạm Thu Thanh (trái) - giáo viên trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.Hồ Chí Minh.
Lúc đó, tôi không hiểu tại sao, trong đầu nảy ra ý nghĩ chắc các em không tôn trọng giáo viên nên mới thế. Tôi đã dùng 10 phút đầu giờ, thay vì giới thiệu làm quen, tôi đã nghiêm giọng và giáo huấn các em trước khi bắt đầu tiết học. Học sinh đứng nghe cô nói thao thao bất tuyệt, không lời giải thích, không ai dám nhúc nhích. Giờ ra chơi, bước theo sau một vài em ở lớp 8 xuống cầu thang, tôi đã nghe câu chuyện của các em: "Không biết cô giáo này có bị gì không? Tụi mình đâu thấy đường mà cô bước vô lại không tiết động, như ma ấy. Ai biết đâu được mà chào, tự nhiên cô chửi tụi mình tới tấp".
"Tiết sau đó, tôi đến lớp, chào các em trước và cũng không quên xin lỗi lớp. Kể từ đó, khi lên lớp dạy, tôi luôn là người chào các em trước, luôn tạo ra câu hỏi để hiểu mong muốn của học sinh, cho cơ hội học sinh được nói, giãi bày; khi giải quyết vấn đề, tôi thường đưa cho học sinh từ 2 lựa chọn", cô chia sẻ.
Mong cộng đồng có cái nhìn thấu hiểu với đối tượng học sinh khuyết tật
Cô Thanh tâm sự, cảm giác thời gian đầu khi trở thành cô giáo dạy các em khiếm thị là bỡ ngỡ, lo sợ, bất lực... Sau này, được tiếp cận đối tượng học sinh khuyết tật nặng hơn (đa tật), chị lại có cảm giác khát khao muốn tìm mọi cách, mọi phương pháp, tham gia mọi lớp tập huấn dạy trẻ khiếm thị đa tật của các chuyên gia nước ngoài: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan... tổ chức tại đơn vị, hay các lớp tập huấn tại nước ngoài.
Với cô giáo Thanh, các học sinh khiếm thị, đa tật là những người tình cảm, có động lực sống, học tập và vươn lên rất lớn. Đó là động lực lớn nhất khiến chị quyết tâm gắn bó với con đường đã chọn. "Chính bản thân tôi và các đồng nghiệp đã học từ các em rất nhiều. Bên cạnh đó, tôi còn đem học sinh của mình làm những câu chuyện kể cho con, cháu, bạn bè cùng nghe và hiểu", chị nói.
Thời gian đầu, Thu Thanh đã khá vất vả để thuyết phục gia đình khi trở thành giáo viên dạy trẻ khiếm thị. Nhưng sau này, gia đình dần hiểu và đã hỗ trợ tối đa để cô yên tâm công tác.
Hiện, cô Thanh là giáo viên dạy Địa lý cho học sinh khiếm thị và khiếm thị đa tật.
"Tôi may mắn khi gặp được người bạn đời thấu hiểu công việc của tôi, anh ấy sẵn sàng chăm sóc con, nhà cửa khi tôi có công tác. Tôi càng may mắn khi được làm việc trong môi trường cởi mở, với cấp trên quan tâm và những đồng nghiệp tử tế. Họ tử tế trong công tác - luôn chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, với kiến thức thực tiễn. Họ tử tế trong cuộc sống hàng ngày - luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẵn sàng. Họ tử tế trong việc luôn ưu ái các giáo viên trẻ để những người này phát huy hết mọi khả năng nhằm giáo dục tốt nhất cho học sinh khiếm thị, khiếm thị đa tật", cô giáo Thanh tâm sự.
Bằng tâm huyết với nghề, nhà giáo trẻ không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy. Để giúp học sinh tiếp thu tốt nhất, cô Thanh làm lược đồ nổi về Vị trí và hình dạng của lãnh thổ Việt Nam; sử dụng phương pháp dạy học theo dự án để dạy Địa lý 9, tạo cơ hội để tiếp xúc những ước mơ của học sinh, đó là trở thành hướng dẫn viên du lịch, phát thanh viên...; tham gia xây dựng các hoạt động chức năng (đây được coi là nội dung để dạy trẻ đa tật).
Ngoài ra, chị là thành viên tích cực của nhóm viết chương trình kỹ năng (chương trình dạy cho trẻ đa tật, tập trung dạy và phát triển kỹ năng với mục tiêu cơ bản nhất là tự phục vụ bản thân, gia đình và nếu có điều kiện sẽ làm việc ở cộng đồng). Chương trình được thực với mục tiêu đồng tâm phát triển. Ngoài ra, cô và các đồng nghiệp đang thực hiện bộ sách hướng dẫn dạy và học các hoạt động chức năng; tạo ra dụng cụ hỗ trợ người khiếm thị nhận biết mệnh giá tiền Polymer.
Với những nỗ lực xuất sắc, cô giáo Phạm Thu Thanh đã gặt hái về nhiều thành tích trong sự nghiệp "trồng người": Đạt giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.Hồ Chí Minh 3 năm liên tiếp 2011 -2015; Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh năm 2009 về thành tích xuất sắc đạt Huy chương vàng tại Hội thao Học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ III; Bằng khen của BCH Trung ương Đoàn năm 2013 về hoàn thành xuất sắc công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2012 - 2013; Giấy khen của BCH Đảng Bộ Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh năm 2012 về cá nhân thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2012; Chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm 2010 - 2016.
Năm 2018, cô Phạm Thu Thanh là một trong số 48 giáo viên vinh dự được Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng bằng khen vì có nhiếu cống hiến cho sự nghiệp giáo dục học sinh khuyết tật.
Cô giáo Phạm Thu Thanh chia sẻ về khó khăn trong giáo dục học sinh khuyết tật (Clip: Lệ Thu).
Ước mong lớn nhất của chị trong cuộc đời nghề giáo của cô Thanh là tất cả học sinh, khuyết tật hay không khuyết tật, mức độ nặng hay nhẹ đều được tiếp cận giáo dục; có đầy đủ phương tiện để phục vụ cho việc dạy và học.
Bên cạnh đó, cộng đồng có cái nhìn thấu hiểu với đối tượng học sinh khuyết tật vì đó là nền tảng để giúp quá trình hòa nhập của các em khi tốt nghiệp, thực hiện các chính sách cho giáo viên; Nhà nước có những chính sách hỗ trợ chi tiết để chăm sóc đời sống cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật, giáo viên là người khuyết tật. Giáo viên tương lai ở các trường sư phạm (trừ ngành giáo dục đặc biệt) được tiếp cận với bộ môn giáo dục hòa nhập, kỹ năng hay phương pháp để dạy học sinh khuyết tật hòa nhập.
Ước mơ cho riêng mình, chị Thanh nói: "Tôi ước có điều kiện để tiếp tục học tiếng Anh. Bởi vì, hầu hết các tài liệu dạy trẻ đa tật đều là tài liệu tiếng Anh, được chia sẻ từ các chuyên gia nước ngoài. Ở Việt Nam, vấn đề về tiếp nhận và dạy trẻ đa tật nói chung hay khiếm thị đa tật nói riêng còn hạn chế".
Ước mong lớn nhất của cô Thanh là tất cả học sinh, khuyết tật hay không khuyết tật, mức độ nặng hay nhẹ đều được tiếp cận giáo dục.
Theo cô Thanh, điều quan trọng đối với người giáo viên cần có là 3 chữ Tâm - Tầm - Tài.
Chữ Tâm để luôn quan tâm đến từng đối tượng học sinh, ưu tiên những học sinh khó khăn, khiếm khuyết. Bên cạnh đó, cũng phải quan tâm đến bản thân mình, quan trọng nhất là phải tìm ra được niềm vui trong công việc, để tinh thần luôn lạc quan và vui vẻ, nhiệt huyết, không ngại khó, dám nghĩ dám làm, dám nhận lỗi và sửa chữa. Giáo viên có chữ Tầm để nhận ra được niềm vui của trẻ khi đến trường là gì? Và tạo ra môi trường học tốt nhất để phát huy tối đa khả năng của trẻ.
Và không thể thiếu chữ "Tài", đầu tiên giáo viên phải năm vững kiến thức chuyên môn để đảm bảo khi truyền đạt không bị lệch và sai. Sau đó, không ngừng học tập để có những kỹ năng, phương pháp truyền tối ưu đến học sinh.
Lệ Thu
Ảnh: NVCC
Theo Dân trí
Tuyên dương 48 thầy cô giáo hết lòng vì học sinh khuyết tật Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội đã tuyên dương 48 thầy cô giáo hết lòng vì học sinh khuyết tật. Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" 2018 được phối hợp tổ chức bởi Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động...