Chuyện “cô giáo nhí”
Nhớ lại thời cắp sách đến trường, tôi lại cười một mình vì lần đầu tiên được làm “cô giáo nhí”.
Ngày ấy, tôi học trường làng ở xã Phước Trạch, quận Hiếu Thiện (bây giờ là huyện Gò Dầu), tỉnh Tây Ninh. Sức học dạng trên trung bình một chút nhưng tính hay cẩu thả, điểm số cứ thất thường, nhất là môn toán. Khi thì điểm cao chót vót, khi thì thấp lè tè.
Tôi còn nhớ học hết lớp nhất (lớp 5 bây giờ), phải qua kỳ thi tuyển lên trung học, bắt đầu là lớp đệ thất. Cô Oanh chủ nhiệm thường phê bình tôi trước lớp: “Em học hành tương đối khá, thông minh nhưng tính hay cẩu thả nên đi thi khó mà đạt kết quả tốt”. Thật thế, năm ấy tôi thi rớt.
Ảnh minh họa (NLĐ)
Sau thời gian làm công tác tư tưởng, ba tôi đành cho học lớp luyện thi ở Tư thục Hữu Đức. Lời ba dạy cứ văng vẳng bên tai: “Học trường tư tốn nhiều tiền đã đành, lại còn thua các bạn hết một năm. Liệu hồn! Năm nay mà rớt nữa thì ở nhà chăn trâu”. Chăn trâu tôi không sợ mà chỉ mắc cỡ với bạn bè nên tôi quyết tâm phải học sao cho giỏi để không phụ lòng ba mẹ.
Ngày đầu vào lớp, nghe các bạn kể tôi choáng váng. Thầy Đức vừa là hiệu trưởng vừa trực tiếp đứng lớp dạy môn toán. Thầy rất khó, đánh học trò bằng roi mây. Khi thầy vào lớp, trên tay cầm chiếc roi mây tròn bằng ngón tay út, dài cả thước. Thầy có cách dạy rất lạ so với thầy cô trước đây.
Ngày đầu tiên, thầy cho làm bài kiểm tra xem trình độ học sinh dở tới cỡ nào. Bởi đa số đều là học sinh thi rớt mới vào đây. Sau đó, thầy chia tổ. Hai tháng sau, thầy chia lớp ra làm ba nhóm để dạy cho học sinh dễ tiếp thu. Mỗi tổ học sinh gồm bảy, tám em, có tấm bảng học nhóm riêng.
Video đang HOT
Giờ học nhóm diễn ra trước giờ học chính thức 40 phút. Khuôn viên trường rất rộng, có nhiều cây to, bóng mát. Mỗi tổ mang tấm bảng và băng ghế ra từng gốc cây theo quy định để học. Tổ trưởng có nhiệm vụ truy bài đầu giờ, hướng dẫn và kiểm tra bài tập, sau đó cùng làm bài tập thầy quy định cho mỗi tổ trong ngày.
Qua hai tháng, tôi từ tổ viên được “cất nhắc” lên làm tổ trưởng. Hết một học kỳ, có lẽ do tôi tiến bộ vượt bậc nên thầy cho làm “cô giáo nhí”, hướng dẫn các tổ khác nếu có bài toán nào khó mà các bạn không giải ra. Được làm “cô giáo nhí”, tôi mừng không thể tả, về khoe với ba. Ba rất vui lại còn thêm một câu: “Được làm cô giáo nhí là giỏi rồi, nhưng cô giáo phải cố gắng không ngừng, để học trò hỏi mà cô giáo bí…thì có nước độn thổ”.
Ngày thi tuyển vào lớp đệ thất cũng đến. Thật không uổng công chút nào, năm ấy tôi đỗ thủ khoa và được nhận học bổng của trường. Tôi vô cùng phấn khởi như đang đi trên mây. Ngày ấy, đi đâu tôi cũng được mọi người trầm trồ khen ngợi: “Coi nhỏ con vậy chứ đậu thủ khoa đó!” Có người còn tò mò hỏi nhỏ đó con ai? Người ta bảo: “Con ông tư Thể ở Gò Chùa (tên thường gọi của xã Phước Trạch)… Tôi nghe mà nở cả mũi.
Có lẽ nghề giáo đã vận vào tôi từ bé, nên sau này khi lớn lên tôi vào ngành sư phạm. Ra trường được hai năm, nhờ vận dụng cách dạy của thầy Đức năm nào tôi cũng là giáo viên dạy giỏi, và được đề bạc làm hiệu trưởng trường tiểu học…
Cho đến bây giờ, gặp lại những người bạn ngày xưa ngồi hàn huyên tâm sự, thể nào họ cũng nhắc tới chuyện cô giáo nhí ngày xưa làm tôi vô cùng xúc động và tự hào. Có lẽ ba mẹ tôi cũng lấy làm tự hào nơi chín suối.
Theo người lao động
Vụ "tra tấn" học sinh: Roi mây nên người
Vụ việc "tra tấn" học sinh ở Thái Nguyên làm tôi bất chợt nhớ về những kỷ niệm không bao giờ quên của thời đi học. Không thuộc bài, chúng tôi thường xuyên phải nếm roi mây, nhưng mặc nhiên không bao giờ oán hận thầy cô mà xem đó như sự quan tâm đặc biệt.
Tôi năm nay hơn 50 tuổi, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Tôi nhận thấy sự khác biệt quá lớn trong cách ứng xử của học sinh đối với thầy cô và cách giảng dạy của thầy cô đối với học sinh ngày nay so với thế hệ chúng tôi.
Chuyện roi mây xưa và đạo đức học sinh hôm nay
Thời chúng tôi cắp sách đến trường, tất cả học sinh đều kính trọng thầy cô, luôn khoanh tay lễ độ và cúi đầu chịu sự giáo huấn, rèn dạy của thầy cô. Gặp giáo viên ở bất cứ nơi đâu, kể cả không phải giáo viên đứng lớp trực tiếp của mình, đều khoanh tay chào thưa thầy cô lễ phép.
Khi chúng tôi lầm lỗi, không thuộc bài hay nghịch ngợm trong lớp, bị thầy cô bắt phạt thì quỳ gối trước lớp, giơ tay để nhận cái thước kẻ hoặc cái vụt bằng roi mây. Mặc nhiên không học trò nào oán hận hay hờn trách thầy cô mình mà ngược lại xem đó như là một sự quan tâm đặc biệt thầy cô dành cho mình. Bởi cốt lõi thầy cô cũng chỉ muốn cho chúng tôi rèn luyện bản thân, chú tâm vào học hành để nên người.
Chúng tôi -những thế hệ đi trước- luôn luôn nhớ ơn thầy cô đã dạy mình nên người và "cách làm người" thành đạt.
Thầy đồ xưa luôn sẵn roi mây trong tay
Xã hội tiến bộ, trăm thứ văn minh du nhập vào nước ta, có những thứ văn minh rất cần học hỏi nhưng cũng có những thứ văn minh ngoại lai không thích hợp đối với văn hóa Á Đông truyền thống.
Học sinh thời nay có bộ phận xem thầy cô của mình như ngang hàng. Họ cho rằng: Tôi bỏ tiền ra, mấy "ông, bà" phải bán kiến thức cho tôi, thích thì học, không thích thì thôi. Nếu "chơi" không đẹp thì hãy coi chừng.
Biết bao vụ án học sinh đánh vào mặt thầy cô và đau lòng hơn còn có sự tiếp tay của những bậc phụ huynh "đáng kính". Đôi khi chính phụ huynh không biết đâu là sai trái, lại bênh vực, bao che lầm lỗi cho con mình. Khi con em mình lớn lên, gây ra những tệ nạn nhức nhối cho xã hội, lừa gạt cha mẹ, coi thường thầy cô.
Nhiều học sinh bỏ học đeo bám game online, thể hiện đẳng cấp bằng... tụ tập sống "bầy đàn" ma túy, hút chích và coi trời bằng vung. Khi không có tiền thì túng quẫn lừa gạt cả thầy cô, cha mẹ và gây ra những việc nhức nhối cho xã hội.
Lối sống thực dụng từ môi trường giáo dục
Đời sống kinh tế khó khăn, đồng lương giáo viên chật hẹp đã phát sinh nhiều tiêu cực. Có giáo viên truyền đạt kiến thức cho thế hệ đi sau không bằng trách nhiệm, bằng lương tâm mà bằng... tiền. Nhiều trường hợp trù dập, đối xử không công bằng với học sinh.
Học sinh ngày nay với lớp học văn minh, cơ sở vật chất hiện đại (Nguồn Thanh niên)
Học sinh muốn đạt điểm cao phải đi học thêm nhà thầy cô, phải "quan tâm" đặc biệt đến thầy cô. Đại gia dùng tiền bạc để mua chuộc kết quả mà không biết thực chất con em mình có thu nhận được kiến thức gì hay không. Nhà trường bầu chọn những "mạnh thường quân" giàu có vào vị thế trong Hội phụ huynh học sinh, ra sức kêu gọi ủng hộ trăm thứ quỹ. Bao nhiêu gia đình muốn cho con cái chữ mà phải lao động cật lực, chạy theo những "đóng góp xã hội". Chỉ có học sinh nghèo là bị bỏ lơ.
Thực dụng - đa đoan từ chính môi trường giáo dục. Chúng ta luôn ra rả nói rằng đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên ngày càng tăng lên. Nhưng không ai suy luận ra rằng xã hội đang ngập trong tư tưởng thực dụng. Thế hệ học sinh bây giờ chỉ nghĩ đến thi ngành gì sau này đem lại nhiều thu nhập cao. Có mấy ai nghĩ được học để thu nhận kiến thức, phát minh, chế tạo ra công cụ giúp ích cho đời? Bởi đó, tư tưởng thực dụng đã sinh ra từ ngay chính ngôi trường- nơi ươm mầm nhân cách.
Hiện tượng tra tấn học sinh ở Thái nguyên làm tôi bất chợt nhớ về kỷ niệm không bao giờ quên với các thầy cô thời đi học. Nhờ vậy tôi đã thành người như hôm nay. Ôi thầy cô kính yêu của tôi nay còn được mấy người?
Theo VNN
Đầu tư 20 triệu USD cho các trường chuyên vùng khó khăn Tập trung đầu tư nâng cấp các trường THPT chuyên thành các trường đạt chuẩn quốc gia, tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục trong các trường THPT chuyên theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới là mục tiêu từ nay đến năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ GD-ĐT được Thủ tướng...