Chuyện cô giáo Hà Nhì nặng tình với học sinh dân tộc Dao
Câu chuyện về cô giáo Khoàng Hà Pơ điểm trường Huổi Lính A, trường Mầm Non xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã khiến nhiều người xúc động tại chương trình Thay lời tri ân 2019.
Cô Khoàng Hà Pơ vui mừng nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Gia đình cô Khoàng Hà Pơ ở xã Mù Cả, huyện Mường Tè, cách Nậm Chà gần 300km. Để lại con thơ khi còn rất nhỏ, vượt qua quãng đường vài trăm cây số để đến được điểm trường mầm non xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu chỉ là một vài những khó khăn của cô giáo Khoàng Hà Pơ tại điểm trường Huổi Lính.
Cứ mỗi tuần vài lần, cô giáo Khoàng Hà Pơ lại vào rừng hái nấm, tìm măng. Măng này không phải để mình cô dùng cũng không phải để bán mà để làm thức ăn cho các học trò của cô ở điểm trường Huổi Lính A, trường mầm non xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.
Sinh con được tròn 6 tháng, cô phải nén lòng cai sữa rồi gửi lại con thơ còn chưa biết bò cho bố mẹ và chồng chăm sóc, để quay về với lớp, với các học trò nhỏ thân thương. Đến nay, con gái đã gần 2 tuổi nhưng cô mới chỉ về với con được vài lần vào kỳ nghỉ hè và dịp Tết.
Đây đã là năm thứ 3 cô Khoàng Hà Pơ cắm bản ở Huổi Lính. Huổi Lính là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao. Người dân nơi đây đã trở nên gắn bó, tin cậy, coi cô như thành viên trong nhà, và các cháu học sinh cũng quấn quýt với cô như người mẹ thứ hai của mình.
Vì thế, mỗi lúc định buông tay tất cả để về quê, cô lại nhớ đến lá đơn nghuệch ngoạc mà người dân bản Huổi Lính gửi Ban giám hiệu xin cô ở lại, nhớ ánh mắt thơ ngây của bọn trẻ và nghĩ đến tương lai các em cô lại chẳng đành lòng.
Cô Khoàng Hà Pơ bộc bạch: Tình cảm của bà con dân bản rất quý, học sinh yêu quý cô giáo. Món quà ấn tượng nhất mà cô nhận được từ phụ huynh là dưa mèo, để cải thiện bữa ăn.
Xúc động nhất là khi biết phụ huynh có viết những lá đơn gửi Ban giám hiệu nhà trường để xin cô ở lại. Chính những tình cảm thân thương của học sinh, phụ huynh chính là động lực để cô tiếp tục bám trường, bám lớp.
Khi được hỏi, cô có thể gắn bó với vùng khó được bao nhiêu năm nữa, cô Hà Pơ thật thà nói: Cô có thể gắn bó thêm 4-5 năm nữa nếu dân bản yêu quý. Giả sử con có trách mẹ không thường xuyên với con, cô sẽ nói rằng, mẹ còn bận dạy chữ cho các anh các chị; con đã có bố và ông bà chăm sóc.
Vân Anh
Theo GDTĐ
Cô giáo nghẹn ngào vì trở về con không nhận ra mẹ
Sinh con được tròn 6 tháng, cô Khoàng Hà Pơ phải nén lòng cai sữa rồi gửi lại con thơ còn chưa biết bò cho bố mẹ và chồng chăm sóc. Đến nay, con gái đã gần 2 tuổi nhưng cô mới chỉ về nhà với con được vài lần.
Tối 17/11, Bộ GD-ĐT phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình "Thay lời tri ân" năm 2019. Những câu chuyện nhân văn, xúc động về sự cống hiến thầm lặng nhưng vô cùng cao quý của các thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước đã khiến nhiều người xúc động.
Lá đơn nguệch ngoạc giữ chân cô giáo trẻ
Đó là câu chuyện của cô giáo Khoàng Hà Pơ, giáo viên tại điểm trường Huổi Lính A, trường Mầm Non xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Nơi cô Pơ cắm bản vốn là khu vực sinh sống của 18 nóc nhà người Mông, nằm cheo leo trên đỉnh núi cao hàng ngàn mét.
Cứ mỗi tuần vài lần, cô Pơ lại vào rừng hái nấm, tìm măng. Măng này không phải để mình cô dùng, cũng không phải để bán mà để làm thức ăn cho các học trò của cô ở điểm trường Huổi Lính A.
Hơn 2 năm gắn bó với Huổi Lính, cô Pơ đếm không biết bao nhiêu lần nước mắt chan cơm vì cảm giác cô quạnh giữa núi rừng và thèm có tiếng nói của người thân. Cuộc sống một mình, một bát, một mâm, dẫu thức ăn có là sơn hào hải vị, dù cho có ngon đến mấy thì cũng chẳng thể nuốt trôi.
Cũng hơn 2 năm gắn với Huổi Lính, đến nay cô con gái đã gần 2 tuổi nhưng mới chỉ được gặp mẹ vài lần vào kỳ nghỉ hè và dịp Tết. Mỗi lần về, con gái không chịu theo khiến người mẹ rưng rưng hờn tủi.
"Cũng nhớ con chứ nhưng bà con dân bản quý mình, học sinh cũng yêu cô giáo". Thế nên, dù nhiều lần có ý định buông tay nhưng nhớ đến lá đơn nghuệch ngoạc mà người dân bản Huổi Lính gửi Ban giám hiệu xin cô ở lại, chẳng đành lòng, cô lại tiếp tục bám trường, bám lớp.
Cùng công tác với cô Pơ còn có thầy Vàng Văn Anh - cũng là nam giáo viên hiếm hoi của ngành giáo dục mầm non Lai Châu. Thầy Vàng Văn Anh đang phụ trách lớp trẻ 3 tuổi với 28 cháu. Tất cả đều là con em người Mông ở khu tái định cư Huổi Mắn, cách điểm trường chính ngót nghét 100 km.
Là nam giáo viên mầm non nhưng thầy Văn Anh vẫn ân cần chăm sóc, từ lau mặt, rửa chân tay đến cho các cháu ăn ngủ, dạy múa chẳng chút nề hà.
"Đôi khi, bạn bè gọi mình là "cô Vàng Anh", mình nghĩ cũng rất tủi thân. Nhưng rồi mình cũng phải học cách vượt qua mặc cảm. Giờ đây, mình cũng thấy tự hào vì có rất nhiều người con", thầy Văn Anh chia sẻ.
Chính sự tỉ mỉ và dành tất cả tình cảm yêu thương, trìu mến đối với học trò của thầy đã khiến những em nhỏ 3 tuổi người Mông lần đầu đến lớp chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể quen bạn, quen thầy.
"Mỗi ngày em đều mong có mẹ bên cạnh..."
Ngày Nhà giáo Việt Nam cận kề cũng là lúc thầy giáo Phạm Anh Sơn, giáo viên Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Kbang (Gia Lai) đau đáu nhớ về người vợ đã mất. Cũng chính thời điểm này cách đây 7 năm, vợ của anh - chị Nguyễn Thị Yến, giáo viên Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng - đã qua đời vì một cơn lũ dữ.
Lúc đó là những tháng cuối năm 2014, 2 cô giáo trẻ Nguyễn Thị Yến (SN 1980) và Nguyễn Thị Hằng Nga (SN 1990) băng rừng đến với học sinh thân yêu. Cô giáo Yến đi trước, nhưng vừa đi được đến giữa con đập tràn thì lũ ống ào về cuốn cô đi. Nhìn thấy đồng nghiệp bị con lũ hung dữ cuốn trôi, cô giáo Nga đã dũng cảm bất chấp nguy hiểm lao ra ứng cứu.
Chới với giữa dòng nước lũ, 2 cô bám vào được một cành cây, nhưng nước chảy xiết đã cuốn các cô đi. Cô Nga được tìm thấy sau đó, còn thi hài cô Yến phải mất mấy ngày sau mới được đưa về nhà.
Sự ra đi của hai cô giáo khiến đồng nghiệp, học sinh tiếc thương khôn nguôi.
Giờ đây, nhìn lại hình ảnh của mẹ, em Phạm Nguyễn Yến Nhi (con gái cô Yến) xúc động nghẹn ngào: "Mỗi ngày em đều mong có mẹ bên cạnh...". Nhi kể lại rằng, từ khi mẹ ra đi, cả 3 bố con đều sống tựa vào nhau. Có những nỗi buồn, em đều phải nén lại trong lòng.
"Mẹ đã bỏ em đi sau cơn lũ dữ. Em mơ ước sau này cũng trở thành một giáo viên giống như con đường mà bố mẹ đã chọn", Nhi bộc bạch.
Nhi nghẹn ngào khi nhắc đến mẹ (Ảnh:GDTĐ)
Xúc động và cảm phục trước sự hi sinh thầm lặng của những người thầy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói rằng, câu chuyện của những thầy cô giáo mầm non nơi vùng cao Tây Bắc lấy niềm vui của con trẻ làm động lực để vượt qua khó khăn, thiếu thốn, sự đơn độc giữa núi rừng hay những giáo viên gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất Tây Nguyên mà tên của họ đã được lưu truyền như huyền thoại với bà con dân bản... tất cả đều rất đẹp và ý nghĩa.
Còn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không giấu nổi sự xúc động. Ông cho biết, mỗi câu chuyên khác nhau nhưng đều mang tới một hình ảnh, đó là rất nhiều thầy giáo, cô giáo, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trên số phận, vượt lên trên chính mình, tất cả vì học sinh thân yêu. Thông qua đó, Phó Thủ tướng cũng mong muốn gửi tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo những lời tri ân với tất cả tấm lòng chân thành và kính trọng.
Thúy Nga
Theo vietnamnet
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gặp mặt các "Nhà giáo của năm" Tối 16/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi gặp mặt các thầy cô giáo được tôn vinh trong chương trình "Nhà giáo của năm" năm 2019. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các "Nhà giáo của năm" năm 2019. Tại buổi gặp mặt các thầy giáo, cô giáo tiêu biểu của năm 2019 do Công đoàn...