Chuyện chưa kể về người giữ bí kíp điểm huyệt “độc nhất vô nhị” ở Bình Định
Võ sư Lâm Ngọc Ánh (63 tuổi, chưởng môn đời thứ 4 phái Bình Sơn, ở thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình ịnh) là người đang nắm giữ pho bí kíp điểm huyệt “độc nhất vô nhị” mà giới võ thuật đồn đại bấy lâu nay. Hiện nay, ngoài mở lớp dạy võ, võ sư Ánh còn là người chữa bệnh cứu người miễn phí….
Bí kíp điểm huyệt “độc nhất vô nhị”
Căn nhà cũng là võ đường của võ sư Lâm Ngọc Ánh nằm trong con hẻm nhỏ ở giữa thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn. Lúc chúng tôi đến, võ sư Ánh đang hướng dẫn các môn sinh là con em ở địa phương tập võ.
Thấy có khách, võ sư yêu cầu học trò tự tập luyện, còn mình vào nhà pha ấm trà tiếp khách. Ngồi trò chuyện, võ sư Ánh cho biết, ông là hậu duệ đời thứ 18 của dòng họ Lâm ở xã Nhơn Phúc. Ông tổ của dòng họ này là võ sư Lâm Liên Hoan. Ông nội của võ sư Ánh là cố võ sư Lâm Đình Thọ, cha là cố võ sư Lâm Ngọc Phú.
Võ sư Ánh hướng dẫn học trò luyện võ.
Theo võ sư Ánh, qua các đời, võ học của dòng họ luôn được duy trì và phát triển. Nổi bật là đến đời võ sư Lâm Đình Thọ, mặc dù được cha hết lòng truyền thụ những bí kíp võ học của dòng họ, nhưng với lòng ham mê học hỏi, võ sư Thọ còn tìm đến vị cao thủ nức danh về võ thuật ở xã Nhơn Phúc lúc bấy giờ là võ sư Diệp Trường Phát để thọ giáo thêm.
Vị võ sư này có biệt hiệu Sáu Tàu, xuất thân từ môn phái Thiếu Lâm Vịnh xuân quyền. Sau nhiều lần thọ giáo, hai người trở thành bạn tâm giao với nhau, rồi cùng nhau trao đổi võ học. Ngoài ra, võ sư Thọ còn giao lưu, trao đổi võ thuật với những cao thủ trong làng võ cổ truyền ở Bình Định thời bấy giờ. Do kết hợp nhiều trường phái nên đến đời võ sư Thọ, võ thuật của dòng họ Lâm đã thuần Việt.
Đến đời võ sư Lâm Ngọc Phú, võ thuật của dòng họ Lâm đạt đến đỉnh cao. Võ sư Phú là một cao thủ võ lâm từng nức tiếng trên các võ đài từ Nam chí Bắc. Võ sư Ánh kể, năm 1965, cha ông nhận lời thách đấu và thượng đài tại Quy Nhơn (Bình Định) với một người rất giỏi quyền Anh.
Suốt 2 hiệp đầu chỉ tránh đòn, biết sẽ khó trụ nổi đến cuối trận, sang hiệp 3, ông quyết định dùng xà quyền. Khi đối thủ ra đòn để lộ sơ hở, ông nghiêng người né và dùng tay phải tung ngón kim xà đoạt mục thẳng vào mắt gã. Khi ngón tay cái vừa chạm mặt, ông giật mình hạ đòn nhưng gã vẫn đổ gục. Đó là một trong hàng trăm lần thượng đài chưa nếm mùi thất bại của võ sư Phú.
“Khi nhậm chức chưởng môn phái Bình Sơn, tôi học chưa hết 8 phần quyền pháp từ cha. Học xà quyền tốn nhiều thời gian, trong khi thấy cha còn khỏe nên tôi nghĩ từ từ học cũng được, nào ngờ ông lâm bệnh rồi qua đời”, võ sư Ánh tiếc nuối.
Hỏi chuyện về pho bí kíp điểm huyệt “độc nhất vô nhị” của dòng họ Lâm, võ sư Ánh cho biết, đó là một cuốn sách về võ y do Linh Không Thiền Sư ở Ngũ Đài Sơn (Trung Quốc) nghiên cứu, truyền lại hậu thế. Tổ tiên nhà họ Lâm may mắn được sở hữu pho bí kíp này, đến đời võ sư Ánh là đã trên 300 năm.
Nguyên bản pho bí kíp được viết bằng chữ Hán. Tuy nhiên, đến đời võ sư Thọ, vì sợ bí kíp thất truyền nên ông đã mang sách lên chùa Núi Lớn (Bình Định) mời cho bằng được nhà sư Huyền Ân nổi tiếng đức cao vọng trọng dịch ra tiếng Việt.
Võ sư Ánh nói về bí kíp điểm huyệt của dòng họ Lâm.
Video đang HOT
Trong bản dịch của pho bí kiếp điểm huyệt, có ghi lời dặn của nhà sư Huyền Ân: “Xưa các bậc tiên triết rất bí ẩn, không công bố bí kíp. Nay Nhất Đán lột hết tinh thần và những bí yếu của sách công bố cho đời, để những người có chí với đạo làm tài liệu tham khảo. Sách này ghi rõ trên thân người có 108 huyệt đạo, trong đó có 36 tử huyệt và 72 tiểu huyệt, ghi chú cặn kẽ thước tấc trên đồ hình và phép dùng thuốc khi thọ thương. Pho bí kíp điểm huyệt này có giá trị ngàn vàng không đổi…”.
Theo võ sư Ánh, thời xưa, y võ không truyền dạy cho nữ nhi, chỉ những đấng mày râu mới được truyền thụ. Thêm vào đó, pho bí kiếp điểm huyệt lại minh họa rạch ròi những tử huyệt trên thân thể con người bằng đồ hình rất rõ ràng.
Vì thế, bí kiếp này chỉ được truyền dạy cho người trong nhà, mà phải là trai trưởng hoặc người con trai dày đức độ, chứ nữ nhi tuyệt nhiên không được ghé mắt nhìn vào những trang sách quý, vì sợ lan truyền ra ngoại tộc.
“Những tử huyệt ghi trong bí kíp thật ra là để người chữa thương biết vùng chấn thương thuộc huyệt nào và biết phải dùng thuốc gì để điều trị. Tuy nhiên, nếu võ nhân xấu tính biết rõ những tử huyệt trên thân người, trong lúc tức giận hay vì trả thù riêng mà đánh ngay tử huyệt đối thủ thì đó là giết người.
Bởi người xuất chiêu hiểu rõ kinh mạch đối phương như lòng bàn tay, thậm chí ra đòn xong biết rõ đối thủ sẽ chết trong một giờ, một tuần hay một tháng. Do đó, bí kíp điểm huyệt của nhà họ Lâm không được truyền dạy cho đồ đệ”, võ sư Ánh cho hay.
Cho đến nay, đã không biết bao đệ tử, võ sinh đã theo học ở phái Bình Sơn và đã có không ít trong số này giờ cũng đã trở thành võ sư, mở lớp truyền dạy lại cho đời sau. “Hồi còn sống, cha tôi bảo, ngày xưa, các võ sư thường hay giữ lại cho mình một thế võ bí truyền và chỉ dạy lại cho con hoặc những đồ đệ tâm phúc, nhưng với phái Bình Sơn thì không bao giờ làm như vậy, mà có bao nhiêu dạy cho học trò bấy nhiêu. Chỉ có pho bí kíp điểm huyệt là không truyền cho người ngoài vì sợ rơi vào tay võ nhân xấu tính sẽ làm hại người”, võ sư Ánh bộc bạch.
Bàn chân hóa đen vì chữa bệnh cứu người
Giống cha là võ sư Lâm Ngọc Phú lừng danh đất võ Bình Định, võ sư Ánh nổi danh là một thầy thuốc võ “mát tay”. Biết bao võ sinh mang ơn những phương thuốc bí truyền từ pho bí kíp giúp họ thoát khỏi thương tật tưởng chừng không chữa khỏi.
Ngoài ra, ông còn dành trọn tâm huyết chữa các bệnh về xương, khớp cho người bệnh. Ông chia sẻ, huyệt đạo trên người bệnh nhân có rất nhiều, tuy nhiên, phải biết bệnh nào là xuất phát từ huyệt đạo nào mà có cách chữa cho đúng thì mới phát huy tác dụng. Nếu không sẽ gây hậu quả khôn lường, không thể nào khắc phục được.
Ngay từ nhỏ đã được rèn đức, luyện võ, võ sư Ánh luôn tâm huyết với lời dặn của cha: “Muốn trở thành người tốt, con phải thực hành những gì con học được. Phải giữ chữ Nhân trong cuộc đời và dùng nó làm việc có ích”.
Khắc ghi lời dặn ấy, ông tự nhủ lòng mình luôn xứng đáng là con cháu của dòng họ. “Chữa bệnh cứu người như là nghiệp đã ăn sâu vào trong đời, vì thế tôi phải gắn bó để giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn trên khắp đất nước này. Niềm vui lớn nhất của tôi chính là khi thấy bệnh nhân của mình được hết bệnh, nhất là những người nghèo khó”, võ sư Ánh tâm sự.
Võ sư Ánh cho biết, mấy chục năm qua ông chữa bệnh không phải vì mục đích kinh tế mà để làm phúc cho đời. Tùy theo thời gian điều trị và bệnh của mỗi người, mỗi lần điều trị ông chỉ lấy tiền thuốc, chứ không lấy tiền công.
“Nhiều người đến học võ, thấy tôi cứu giúp người nghèo, họ đưa cho tôi khoản tiền lớn để trang trải. Nhưng tôi cảm ơn và từ chối. Tôi muốn mọi việc mình làm phải từ đáy lòng. Khả năng của tôi đến đâu, tôi giúp người đến đó. Thấy người bệnh mà không cứu giúp thì không đáng được gọi là thầy”, võ sư Ánh quan niệm.
Võ sư Ánh luôn tâm niệm, giàu tình cảm hơn là giàu tiền bạc. Chính vì am hiểu được triết lý sống ở đời, nên lúc nào ông cũng luôn hướng thiện, có tâm với những người nghèo. Từ nhiều năm nay, nhiều bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn được ông cho ăn ở, điều trị miễn phí. “Người làm nghề võ phải có tâm từ. Có tâm từ thì mới có tay phục dược, phải coi trọng, đối xử với bệnh nhân như đối xử với chính cha mẹ mình”, võ sư Ánh bộc bạch.
Đang trò chuyện, vị võ sư đưa lòng bàn chân phải đã chai sạn và hóa đen lên cho chúng tôi xem, rồi bảo: “Bây giờ, nhiều người cứ chọc tôi là ông bàn chân đen. Bàn chân này không phải là dị tật gì cả, mà là chữa bệnh cứu người nên thành ra vậy đó”.
Hằng ngày, võ sư Ánh dành thời gian để tự luyện tập võ.
Hỏi ra mới biết, 2 bàn chân của ông, 1 đen, 1 trắng. Bàn chân phải hóa đen là do ngày ngày nhúng thuốc, đặt lên chiếc lưỡi cuốc để trên lò lửa hừng đỏ, sau đó dậm lên vùng thọ thương của người bệnh, lâu dần thành bàn chân hóa đen. Và điều kỳ lạ là chỉ bàn chân phải mới làm được công việc ấy, còn bàn chân trái thì… bó phép.
Hỏi về việc nối nghiệp của dòng họ sau này, võ sư Ánh cho biết: “Dù gì thì con cháu dòng họ cũng phải nối nghiệp của tổ tiên, chứ không để thất truyền được. Con trai tôi nay đã ngoài 30 tuổi, vừa mới lấy vợ, dù lo làm ăn kinh tế nhưng lâu nay nó vẫn được tôi truyền thụ phương pháp chữa bệnh của bí kíp điểm huyệt. Sau này, nó sẽ nối nghiệp tổ tiên duy trì võ phái Bình Sơn và chữa bệnh cứu người”.
Bao nhiêu năm chữa bệnh cứu người, dấu chân và lòng nhân từ của võ sư Ánh dường như đã phủ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Và tất nhiên, hầu hết họ đều là người nghèo khó, những mảnh đời bất hạnh. Vì vậy, mỗi khi nhắc đến tên ông là người ta lại liên tưởng và gắn tới cụm từ “võ sư, thầy thuốc của người nghèo”. Tất cả những điều ông đã làm đều xuất phát từ cái tâm mà theo ông đó là duyên nghiệp của một võ sư.
Theo Phan Nhuận Phin (Cảnh sát toàn cầu)
Làng bún - bánh An Thái "chạy đua" vào vụ Tết
Tháng Chạp là thời điểm người dân ở làng nghề bún - bánh ở An Thái ( xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, Bình Định) lao động "chạy đua" để chuẩn bị hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Ghi nhận của PV Dân trí, thời điểm cuối năm, không khí lao động ở làng bun, bánh ở An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn) rất tất bật và nhộn nhịp. Đây là thời điểm các cơ sở làm bún, bánh tranh thuê nhân công hoạt động "hết công suất" cho ra những mẻ bún, bánh kịp xuất khẩu đi khắp cả nước tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Lượng (thôn An Thái, xã Nhơn Phúc) cho biết: "Ngày thường gia đình tôi chỉ chế biến khoảng 150 kg gạo, những tháng Tết thì số lượng tăng lên gấp đôi, có khi gấp 3. Cả năm chỉ trông 3 tháng cuối năm nhưng năm nay mưa liên tục nên số lượng giảm đáng kể. Người dân tranh thủ trời hửng nắng làm bún, bánh để nhập cho khách.
Làng bún- bán An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, Bình Định) "chạy đua" vào vụ Tết.
Theo ông Lượng, nghề bún không quá khó, các công đoạn làm bún không quá cầu kỳ, nhưng mỗi cơ sở, mỗi hộ dân đều có bí quyết riêng. Song, muốn bún ngon thì quan trọng vẫn là chất lượng gạo dẻo, thơm. Bột gạo phải ngâm, xay nghiền thật kỹ, ngâm lọc đúng và đủ thời gian. Bún, bánh ở An Thái nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh lân cận như Gia Lai, Kom Tum, thậm chí được xuất bán qua Lào, Campuchia.
Chủ cơ sở sản xuất bún gạo Trường Thọ, chị Tướng Thị Huyền Anh cho biết: "Dịp Tết, cơ sở chế biến trên 1 tấn gạo/ngày, cho ra 800 kg bún khô. Sản phẩm làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Cơ sở có 16 lao động, thu nhập 150 - 200 ngàn đồng/người/ngày".
Bánh cuốn An Thái nổi tiếng không chỉ ở Bình Định mà còn xuất bán ở nhiều tỉnh thành lân cận.
Theo UBND xã Nhơn Phúc, làng nghề bún - bánh An Thái có trên 60 cơ sở, hộ gia đình sản xuất. Sản phẩm tiêu thụ trên toàn quốc, trong đó "hút hàng" nhất là thị trường Tây Nguyên. Đặc biệt, sản phẩm bún Song Thằn hiện đã có mặt ở nhiều siêu thị trong nước. Hiện giá bún Song Thằn tăng lên 200 ngàn đồng/kg nhưng các cơ sở không dám nhận đơn đặt hàng vì thời tiết nắng ít nên sợ không đảm bảo nguồn hàng cung ứng.
Bún khô An Thái
Người dân làng nghề bún - bánh An Thái tất bật vào vụ Tết.
Bánh phơi dọc hai bên đường trước làng nghề truyền thống bún An Thái.
Tranh thủ sau buổi học, em Trần Gia Huy (lớp 7 Trường THCS Nhơn Phúc) phụ giúp cha mẹ phơi bún.
Doãn Công
Theo Dantri
Xe máy bị ô tô khách hất tung xuống chân cầu Voi 2 ở Long An Nạn nhân 15 tuổi bị xe khách giường nằm hất tung xuống hộ lan cạnh chân Cầu Voi 2 (Long An) trong đêm 11.7, đang nguy kịch. Sáng 12.7, nguồn tin từ Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Long An cho biết 5 nạn nhân đi 3 xe máy trên Quốc lộ 1 bị xe khách giường nằm hất tung xuống hộ...