Chuyện chưa kể về anh em thuyền trưởng 4.0
Sinh năm 1988, mới hơn 30 tuổi nhưng Lê Văn Kháng đã chỉ huy đội tàu vừa đánh bắt và dịch vụ hậu cần nghề cá công suất lớn với 6 con tàu. Tất cả đến với Kháng từ những ngày hè được theo bước chân cha rong ruổi với biển khơi.
Thành thuyền trưởng năm 16 tuổi
Ở Cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng), có lẽ không có ai không biết gia đình của Lê Văn Kháng (SN 1988, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng), với đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá hùng hậu thường xuyên thu mua hải sản ngay trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa cho ngư dân miền Trung.
Gặp Kháng, mọi người sẽ bất ngờ với vẻ thư sinh trắng trẻo rất lạ so với những ngư dân truyền thống có dáng hình đen chắc thường có.
Một trong những con thuyền của ngư dân Lê Văn Kháng. Ảnh: Đình Thiên
Đang hì hục cầm sổ sách để ghi lại những con số sau chuyến thu mua ở vùng biển Hoàng Sa, Kháng vui vẻ chào tôi như người nhà: “Anh đợi em chút xíu, em làm xong nốt lô hàng này rồi anh em mình nói chuyện nhé”.
Ngồi trên boong tàu nhìn Kháng tay thì thoăn thoắt ghi chép, tay kia chỉ cho thuyền viên xếp đặt khoa học hàng hóa.
Tôi thêm bất ngờ về thanh niên chỉ mới hơn 30 tuổi nhưng chín chắn lạ thường. Trò chuyện mới biết, Kháng theo cha đi biển từ năm mới lên 10 và chính thức làm thuyền trưởng năm chỉ mới 16 tuổi.
“Ba em đi biển được hơn 40 năm nay rồi. Ngày nhỏ, mỗi dịp hè nghỉ học em được Ba cho đi theo ra biển. Đi những chuyến gần bờ rồi tới những chuyến xa khơi vào tới vùng biển Trường Sa. Đi miết rồi quen, em cũng không biết em yêu sóng gió biển khơi tự lúc nào”- Kháng chia sẻ.
Video đang HOT
Tuy nhiên, để trở thành một ngư dân trẻ thành đạt như ngày hôm nay một phần là do biến cố của gia đình Kháng: “Năm em 16 tuổi, lúc đó Ba em bị tai biến, nhà thì cũng không có bao nhiều người nên em chính thức phải ra cầm tàu. Từ đó em chính thức theo nghề biển cho đến nay”.
Viết tiếp ước mơ của ba và anh trai
Nhờ cái duyên với biển cả và có sự hỗ trợ của gia đình chỉ sau 2 năm theo nghề biển vào năm 2006, Kháng đã “ra riêng” với con tàu ĐNa 90424 có công suất 480 CV.
Qua hơn 14 năm vật lộn với nghề, đến nay Kháng đã có trong tay đội tàu gồm 6 chiếc với tổng công suất gần 6.000 CV và giải quyết việc làm cho gần 200 nhân lực.
Để có thành quả như ngày hôm nay, thuận lợi cũng nhiều nhưng khó khăn đến với Kháng không phải ít.
“Chuyện sóng gió biển khơi đối với em hay những người trong gia đình không phải vấn đề gì lớn. Tuy nhiên những khó khăn trên bờ nhiều lần khiến em gục ngã. Trong đó có những biến cố về tài chính của gia đình như 2 lần em đóng mới tàu thì cả 2 lần gia đình em trên bờ vực phá sản. Lần đầu vào năm 2006, khi đó Ba em làm ăn với người Trung Quốc bị lừa gần hết vốn liếng. Lần nữa mới đây vào năm 2016, anh trai em bể trận vì đóng tàu vỏ thép nhưng làm ăn không hiệu quả”- Kháng chia sẻ.
Nhắc đến anh trai của mình (ngư dân Lê Văn Sang – ngư dân tiêu biểu của Đà Nẵng) trong gần 10 năm lại đây, Kháng không giấu được nỗi buồn vì chính anh trai là người truyền cảm hứng cho Kháng nhưng đang phải tạm xa nghề biển.
Ngư dân Lê Văn Kháng ấp ủ trong 5 năm tới sẽ có 10 con tàu dịch vụ hậu cần và 50 cửa hàng bán cá sạch ở Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên
“Ngày trước em ham chơi lắm, ít quan tâm đến chuyện “cơm áo gạo tiền” của gia đình vì nghĩ đã có ba và anh Sang. Đi biển chuyến nào về được ít tiền là em ăn chơi cho bằng hết mới thôi. Nhiều lần như vậy nên anh Sang mới bảo: “Thằng đàn ông mà không làm được cái gì cho ra hồn thì vứt”. Em tức lắm. Tuy nhiên thời gian qua anh Sang đang gặp phải khó khăn liên quan đến tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 nên phải tạm xa nghề. Nếu như anh Sang không quay lại với nghề thì em sẽ làm thay các ý tưởng anh ấy ấp ủ”- Kháng khẳng định.
Trả lương ngư dân mỗi tháng “ngàn đô”
Hỏi Kháng có bí quyết gì để đạt được thành công như ngày hôm nay, Kháng nói rằng: “Từ trước đến giờ nghe đến nghề biển mọi người thường liên tưởng đến những người đàn ông da sạm nắng vất vả, ít học thức. Sau này em chắc chắn sẽ thay đổi quan niệm đó để khi mọi người nghe đến 2 từ ngư dân phải nghĩ ngay đến những người đàn ông lương tháng cả nghìn đô, có chuyên môn thật cao mà được đào đạo, làm việc trong một môi trường bài bản”. Nói là làm, hiện nay Kháng đã thành lập Công ty Rồng Biển Đông và có chương trình hợp đồng với Viện Hàng hải Nha Trang để đào tạo kiến thức cho hàng chục thuyền viên làm việc cho mình.
Công ty Rồng Biển Đông được Kháng thành lập với kế hoạch phát triển 50 cửa hàng bán cá sạch trên địa bàn Đà Nẵng. Quy trình của công ty sẽ đánh bắt thu mua, bảo quản cá sạch đưa từ biển và giao tận tay cho người dân sử dụng.
Từ trước đến giờ nghe đến nghề biển mọi người thường liên tưởng đến những người đàn ông da sạm nắng vất vả, ít học thức. Sau này em chắc chắn sẽ thay đổi quan niệm đó để khi mọi người nghe đến 2 từ ngư dân phải nghĩ ngay đến những người đàn ông lương tháng cả ngàn đô, có chuyên môn thật cao mà được đào đạo, làm việc trong một môi trường bài bản”.
Ngư dân Lê Văn Kháng
“Với đội tàu dịch vụ hậu cần gồm 6 chiếc và thường xuyên thu mua cho hơn 100 bạn hàng (tàu đánh bắt) hoạt động từ đảo Hải Nam vào đến tận Trường Sa. Mỗi chuyến đi biển đội tàu của gia đình có thể thu mua gần 200 tấn hải sản, trong đó chủ yếu là các loại cá. Trong khi hiện nay, người dân chưa hẳn được ăn cá sạch vì quy trình bảo quản quá lâu thì sao mình không nghĩ cách “thu tận gốc, bán tận tay” với quy trình bảo quản khoa học”-Kháng tâm sự.
Không dừng lại ở đó, Kháng ấp ủ trong 5 năm tới sẽ đóng thêm 2 con tàu và 10 năm sau sẽ có 10 con tàu dịch vụ hậu cần.
“Biển Đông là vựa cá, tàu thuyền của ngư dân nước ta tham gia đánh bắt rất nhiều nhưng thành phẩm đưa về bờ thường chỉ đạt được 60% vì cách bảo quản chưa đảm bảo, thời gian đánh bắt quá lâu. Vì vậy, em mong muốn thu mua được nhiều hải sản cho ngư dân với giá cao ngay trên biển để đưa về bờ. Sau này, ngoài việc đóng thêm tàu thu mua, em sẽ mở nhà máy sơ chế hải sản nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị của hải sản”- Kháng nói.
Nói về gia đình của Kháng và cá nhân ngư dân này, ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP.Đà Nẵng tỏ ra rất tâm đắc: “Gia đình của ngư dân Lê Văn Kháng là gia đình ngư dân tiêu biểu của Đà Nẵng với 3 đời theo nghề biển. Từ cụ ông Lê Diệp cho đến cha là anh Lê Mến rồi đến con là anh Lê Văn Sang và sau nữa là Lê Văn Kháng. Ngư dân Kháng tuổi còn rất trẻ nhưng yêu nghề và có thực lực. Hiện nay mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá khép kín ở Đà Nẵng chỉ có Kháng làm được với việc mua tận gốc trên biển và giao hàng tận tay giá rẻ cho người dân với sản phẩm tươi sạch”.
Theo danviet.vn
Đình chỉ 52 bến thủy nội địa hoạt động không phép và giấy phép hết hiệu lực
Từ tháng 7 đến tháng 12-2019, Đoàn kiểm tra liên ngành đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa, hàng hải trên địa bàn TP Cần Thơ đã ra quân tổng kiểm tra 26 đợt với 695 trường hợp.
Trong đó, tập trung kiểm tra tại các cảng, bến thủy nội địa; bến khách ngang sông; phương tiện, thuyền viên; mỏ cát; trạm điều tiết giao thông cầu; công trình thi công bờ kè sông; đơn vị quản lý chợ nổi Cái Răng; phương tiện đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố.
Theo Đoàn kiểm tra liên ngành, qua đợt tổng kiểm tra, lực lượng đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 9 trường hợp, phạt tiền gần 18 triệu đồng; lập biên bản nhắc nhở 170 trường hợp; lập biên bản đình chỉ hoạt động 52 bến thủy nội địa. Các trường hợp vi phạm chủ yếu là phương tiện vận tải hàng hóa, thuyền trưởng và chủ bến thủy nội địa, gồm các lỗi: phương tiện chở quá vạch mớn nước an toàn, không đăng ký phương tiện tại mỏ khai thác cát, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện hết hiệu lực, người lái phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định, đưa phương tiện vào xếp dỡ hàng hóa tại bến thủy nội địa chưa được cấp giấy phép hoạt động, bến thủy nội địa hoạt động không phép...
Đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động bến thủy nội địa trên tuyến sông Hậu.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành còn phát hiện nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp phép cho các bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố. Theo thống kê trước đây, tuyến Kênh Thị đội Ô Môn có 22 bến thủy nội địa hoạt động không phép. Đoàn kiểm tra đã làm việc với 15 chủ bến thủy nội địa đang hoạt động, 2 bến ngưng hoạt động, 5 bến đóng cửa do hoạt động theo thời vụ. Theo trình bày của các chủ bến, nguyên nhân không được cấp phép là do luồng hẹp không đảm bảo vùng nước cho bến thủy nội địa hoạt động.
Đối với khu vực vàm Cái Sắn (đầu kênh rạch Sỏi Hậu Giang) hiện còn tồn tại 5 bến thủy nội địa hàng hóa đang hoạt động không phép, luồng hẹp, nằm trong đoạn cong, gần cầu vượt sông, gần ngã ba sông, nên khi các bến thủy nội địa này hoạt động sẽ ảnh hưởng đến TTATGT. Ngoài ra, đa số phương tiện thủy neo đậu để mua bán, kinh doanh tại khu vực chợ nổi Cái Răng, không có giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm theo quy định; các phương tiện neo đậu mua bán đã cũ hoặc tự ý hoán cải nên không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm theo quy định...
Bà Trần Thị Xuân, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ trì phối hợp với địa phương có giải pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp trên tuyến Kênh Thị đội Ô Môn và khu vực vàm Cái Sắn để được cấp phép hoạt động đúng quy định pháp luật (do các bến này đã tồn tại từ nhiều năm nay). Cục Đăng kiểm Việt Nam hỗ trợ, hướng dẫn cho địa phương triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với một số đối tượng mới phát sinh như: cấp giấy phép bến thủy nội địa cho bè nuôi cá kết hợp du lịch, việc giải quyết sự chồng lấn giữa vùng nước bến thủy nội địa và vùng nước chợ nổi Cái Răng để các phương tiện hoạt động đúng quy định pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan đăng kiểm hạn chế việc hạ tải khi cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các phương tiện thủy, đặc biệt là phương tiện chở cát sỏi để công tác quản lý nhà nước được chặt chẽ hơn...
Bài, ảnh: Xuân Đào
Theo Cantho online
Quảng Trị: Thả "báu vật" đại dương nặng 5kg Ngày 30/10, BQL khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) cho hay vừa thả một cá thể vích trọng lượng 5kg về lại môi trường tự nhiên. Sau khi được chăm sóc, gắn thẻ định vị, cá thể vích được thả lại về biển. Trước đó, vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương (xã Triệu An, H.Triệu Phong) đánh bắt thủy sản...